Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.07.2024: Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 28.07.2024: Trao dâng, Tạ ơn và Chia sẻ, những cử chỉ Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc ly

Vatican Media


*******

Trưa Chúa Nhật ngày 28 tháng 7 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng Phụng vụ kể cho chúng ta về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều (x. Ga 6:1-15). Một phép lạ, tức là một “dấu chỉ”, một “dấu chỉ”, mà những vai chính thực hiện ba cử chỉ, những cử chỉ Chúa Giêsu sẽ lặp lại trong Bữa Tiệc ly. Vậy những cử chỉ đó là gì? Trao dâng, tạ ơn và chia sẻ.

Trước hết là trao dâng. Tin Mừng kể cho chúng ta về một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:9). Đó là cử chỉ để chúng ta nhận biết rằng chúng ta có thứ gì đó tốt đẹp để cho đi, và chúng ta nói “xin vâng”, ngay cả khi những gì chúng ta có là quá ít so với nhu cầu cần thiết. Điều này được nhấn mạnh trong Thánh lễ, khi linh mục dâng bánh và rượu trên bàn thờ, và mỗi người dâng chính bản thân, cuộc sống của mình. Đó là một cử chỉ có vẻ bé nhỏ, khi chúng ta nghĩ đến những nhu cầu khổng lồ của nhân loại, giống như năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông hàng ngàn người; nhưng Thiên Chúa biến nó thành nguyên liệu cho phép lạ, phép lạ vĩ đại nhất – là phép lạ trong đó chính Chúa hiện diện giữa chúng ta, để cứu chuộc thế gian.

Và như vậy, chúng ta hiểu được cử chỉ thứ hai: tạ ơn (x. Ga 6:11). Cử chỉ đầu tiên là trao dâng, cử chỉ thứ hai là tạ ơn. Đó là nói với Chúa một cách khiêm nhường, và với niềm vui sướng: “Tất cả những gì con có đây đều là ân huệ của Chúa, và lạy Chúa, để tạ ơn Chúa, con chỉ có thể dâng lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho con, cùng với Chúa Giêsu Kitô, Con của Chúa, cộng thêm những gì con có thể”; mỗi người chúng ta có thể thêm vào một chút gì đó. “Con có thể dâng cho Chúa điều gì? Con có thể dâng cho Chúa điều nhỏ bé nào? Tình yêu nhỏ bé của con”. Cho đi… là nói với Chúa rằng: “Con yêu Chúa”; nhưng chúng ta, sự nghèo nàn, tình yêu của chúng ta quá bé nhỏ, nhưng nếu chúng ta dâng lên Chúa, Người sẽ đón nhận. Trao dâng, tạ ơn, và cử chỉ thứ ba là chia sẻ.

Trong Thánh lễ, đó chính là phần Hiệp lễ, khi chúng ta cùng nhau tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: hoa trái ân huệ của mọi người được Chúa biến đổi thành lương thực cho tất cả. Đó là khoảnh khắc rất đẹp, khoảnh khắc hiệp thông, dạy chúng ta sống mọi cử chỉ yêu thương như một món quà ân sủng, cho cả những người trao dâng và những người đón nhận.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thực sự tin rằng, nhờ ơn Chúa, tôi có điều gì đó đặc biệt để trao tặng cho anh chị em của tôi, hay tôi cảm thấy mình vô danh “là một người giữa muôn vàn người”? Tôi có tích cực cho đi điều tốt lành không? Tôi có tạ ơn Chúa vì những ơn mà Người liên tục thể hiện tình yêu của Người không? Tôi có sống chia sẻ với tha nhân như khoảnh khắc gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau không?

Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi cử hành Thánh Thể với đức tin, và nhận biết và nếm trải mỗi ngày những “phép lạ” của ân sủng Thiên Chúa.

_________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của trận lở đất lớn đã quét qua một ngôi làng ở miền nam Ethiopia. Tôi gần gũi với những người dân đang chịu nhiều đau khổ đó và với những người đang mang đến sự cứu trợ.

Trong khi có nhiều người trên thế giới đang phải chịu đau khổ vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí và đốt cháy tài nguyên để tiếp sức cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đây là một sự vi phạm mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó đi ngược lại với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic vừa mới khai mạc. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên rằng: chiến tranh là sự thất bại!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi, với chủ đề “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71:9). Việc người già bị bỏ rơi quả thật là một thực tế đáng buồn mà chúng ta không được quen với nó. Với nhiều người già và cao niên, đặc biệt là trong những ngày hè này, sự cô đơn có nguy cơ trở thành gánh nặng khó mang nổi. Ngày này kêu gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người già khi họ nói: “Xin đừng bỏ rơi tôi!”, và trả lời: “Con sẽ không bỏ rơi ông bà!”. Chúng ta hãy củng cố mối liên minh giữa ông bà và con cháu, giữa những người trẻ và người già. Chúng ta hãy nói “không” với sự cô đơn của người cao tuổi! Tương lai của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách ông bà và con cháu học cách chung sống với nhau. Chúng ta đừng quên người cao tuổi! Và hãy dành một tràng pháo tay cho tất cả các ông bà, tất cả họ!

Cha chào tất cả anh chị em, cư dân Roma và những anh chị em hành hương đến từ nhiều vùng khác nhau của Ý và thế giới. Đặc biệt, cha chào những anh chị em tham dự Đại hội đồng thuộc Liên hiệp Tông đồ Công giáo; các bạn trẻ thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành Bologna, và những người thuộc đơn vị mục vụ Riviera del Po-Sermide, trong giáo phận Mantua; nhóm các bạn trẻ mười tám tuổi từ giáo phận Verona; và những hoạt náo viên của Nhà nguyện “Carlo Acutis” của Quartu Sant’Elena.

Cha gửi lời chào đến những anh chị em đang tham dự buổi bế mạc Lễ Đức Mẹ Carmine ở Trastevere: tối nay sẽ có cuộc rước Đức Mẹ “fiumarola” trên Sông Tiber. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria, Đức Maria của chúng ta, cách đưa Phúc Âm vào thực hành trong đời sống hằng ngày! Cha đã được thưởng thức bài hát của Neocatechumenal … Cha muốn nghe lại sau!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/7/2024]


Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic

Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic

Tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã sáng tạo khẩu hiệu cho Thế vận hội Olympic
Khẩu hiệu của Thế vận hội Olympic hiện đại, “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn,” được tạo bởi tu sĩ dòng Đaminh người Pháp Louis Henri Didon. | Credit: Pixabay / Public Domain



ACI Prensa Staff, 26 tháng 7, 2024 / 17:45 pm


Khẩu hiệu của Thế vận hội Olympic hiện đại, “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn,” được tạo bởi tu huynh Louis Henri Didon, một tu sĩ dòng Đaminh người Pháp đã trở thành bạn với người sáng lập Thế vận hội Olympic hiện đại, Nam tước Pierre de Coubertin, năm năm trước Thế vận hội Athens năm 1896.

Khẩu hiệu này ban đầu được viết bằng tiếng Latinh là “Citius, Altius, Fortius,” được sử dụng trước phong trào Olympic hiện đại tại Trường Thánh Albertô Cả ở Paris, nơi vị tu sĩ dòng Đa Minh làm hiệu trưởng.

Sinh năm 1840, Didon vào Tiểu chủng viện Rondeau ở Grenoble, Pháp, bắt đầu từ năm chín tuổi, và trong suốt thời niên thiếu, cậu nổi bật với khả năng của một vận động viên. Sau khi đến thăm tu viện Carthusian ở Grenoble, cậu quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì và mặc áo dòng của Dòng Thuyết giáo (Dòng Đaminh) khi mới 16 tuổi. Sáu năm sau, sau thời gian đào tạo tại Rome, thầy được thụ phong linh mục ở tuổi 22.

Tuyên úy quân đội, tù nhân và tị nạn

Cha Didon nhanh chóng trở thành một nhà thuyết giáo nổi danh. Trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ ngắn nổ ra vào tháng 7 năm 1870, Cha là một tuyên úy quân đội và có một thời gian bị giam giữ như một tù nhân. Khi ngã bệnh, Cha đã trở thành người tị nạn ở Geneva, Thụy Sĩ. Từ đó, Cha được gửi đến Marseille, tiếp tục hoạt động thuyết giáo đôi khi gây tranh cãi của mình, dẫn đến việc Cha được sai đến Corsica vào năm 1880.

Một thập kỷ sau, Cha được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Thánh Albertô Cả ở Paris, tại đây Cha thiết lập thể thao như một phần của chương trình giáo dục của trường và thúc đẩy các cuộc thi đấu thể thao. Quyết định này là kết quả của niềm tin vào giá trị của thể thao và mối quan hệ mà Cha đã có với Nam tước Pierre de Coubertin từ năm 1891.

Trong cuộc đua đầu tiên họ tổ chức, Cha Dòng Đaminh đã quyết định thêu lên lá cờ của trường câu khẩu hiệu nổi tiếng, sau này trở thành khẩu hiệu Olympic vào năm 1894, trong Đại hội Olympic đầu tiên được tổ chức tại Paris năm 1894.

Hai năm sau, Athens đăng cai Thế vận hội Olympic đầu tiên, và từ đó được tổ chức bốn năm một lần, chỉ bị gián đoạn ba lần do Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai (năm 1916, 1940 và 1944) và bị hoãn từ năm 2020 đến năm 2021 do đại dịch COVID-19.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/7/2024]