Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.06.2024: “Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích món quà”

“Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích món quà”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 02.06.2024: “Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích món quà”

Vatican Media - Angelus 2 giugno 2024


*******

Trưa hôm nay (ND: 2/6/2024), lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của ngài trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, tại Ý và các quốc gia khác, chúng ta cử hành Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về Bữa Tiệc ly (Mc 14:12-26), trong đó Chúa thực hiện cử chỉ trao tay: thật vậy, trong tấm bánh bẻ ra và trong chén thánh được trao cho các môn đệ, chính Chúa là Đấng trao ban Mình Ngài cho toàn thể nhân loại và hiến thân vì sự sống của thế giới.

Trong cử chỉ bẻ bánh của Chúa Giêsu, có một khía cạnh quan trọng được Tin Mừng nhấn mạnh bằng câu “Người trao cho các ông” (c. 22). Chúng ta hãy khắc ghi những lời này vào lòng: Người trao bánh cho các ông. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể trước hết nhắc lại chiều kích của món quà. Chúa Giêsu cầm lấy bánh không phải để một mình Ngài ăn, nhưng bẻ ra và trao cho các môn đệ, qua đó mạc khải căn tính và sứ mạng của Ngài. Ngài không giữ sự sống cho riêng mình Ngài mà ban cho chúng ta; Ngài không xem Ngài như là Thiên Chúa, một kho báu đáng ghen tị, nhưng đã tự trút bỏ vinh quang để chia sẻ nhân tính của chúng ta và để chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu (x. Pl 2:1-11). Chúa Giêsu đã trao hiến trọn vẹn cuộc đời của Ngài. Chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa Giêsu đã trao hiến trọn vẹn cuộc đời của Ngài.

Vậy chúng ta hãy hiểu rằng việc cử hành Bí tích Thánh Thể và ăn Bánh này, như chúng ta làm cách đặc biệt vào các ngày Chúa nhật, không phải là một hành vi thờ phượng tách rời khỏi đời sống, hoặc chỉ là một giây phút an ủi cá nhân; chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các ông, và do đó, sự hiệp thông với Ngài khiến chúng ta có thể trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác, có khả năng chia sẻ chính chúng ta và những gì chúng ta có. Thánh Leo Cả nói: ‘Việc chúng ta dự phần vào Mình và Máu Chúa Kitô có thể khiến chúng ta trở thành những gì chúng ta ăn’ (Bài giảng XII về Cuộc Thương khó, 7).

Thưa anh chị em, đây chính là điều chúng ta được mời gọi: hãy trở thành những gì chúng ta ăn, trở thành “Thánh Thể”, nghĩa là trở thành những người không còn sống cho riêng mình (x. Rm 14:7), không theo luận lý của sự chiếm hữu, tiêu dùng, không, nhưng trở thành những người biết cách biến cuộc sống của mình thành một món quà cho người khác, đúng vậy. Bằng cách này, nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những ngôn sứ và những người xây dựng một thế giới mới: khi chúng ta chiến thắng tính ích kỷ và mở lòng ra với tình yêu, khi chúng ta vun trồng những mối dây huynh đệ, khi chúng ta dự phần vào những đau khổ của anh chị em mình và chia sẻ tấm bánh và nguồn lực với những người đang cần, khi chúng ta cống hiến tất cả tài năng của mình, là chúng ta đang bẻ bánh của cuộc đời mình giống như Chúa Giêsu.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi chỉ giữ sự sống cho riêng tôi hay tôi sẽ cho đi như Chúa Giêsu? Tôi có chia sẻ chính mình với người khác hay tôi khép kín trong cái tôi nhỏ bé của mình? Và trong những hoàn cảnh đời thường, tôi có biết chia sẻ hay tôi luôn tìm lợi ích cho riêng mình?

Xin Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã đón nhận Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống và dâng hiến trọn vẹn Mẹ cùng với Người, giúp chúng ta trở thành món quà của tình yêu, hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

______________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho Sudan với cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm vẫn chưa tìm được giải pháp hòa bình. Cầu mong vũ khí sẽ im tiếng, và với sự cam kết của các nhà hữu trách địa phương và cộng đồng quốc tế, mang đến sự trợ giúp cho người dân và rất nhiều người phải di tản; ước mong những người Sudan tị nạn tìm được sự chào đón và bảo vệ ở các nước láng giềng.

Và chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar đang bị đau khổ. Tôi kêu gọi sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo hãy chấm dứt sự leo thang và nỗ lực hết sức để đối thoại và đàm phán.

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương đến từ Rome và nhiều vùng khác nhau của nước Ý và trên thế giới, đặc biệt là anh chị em đến từ Croatia và Madrid. Cha chào các tín hữu của Bellizzi và Iglesias, Trung tâm Văn hóa “Luigi Padovese” của Cucciago, các thỉnh sinh của dòng Daughters of the Oratory, và nhóm “Bàn đạp cho những người không thể” đến Rome bằng xe đạp từ Faenza.

Cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2024]


Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn lần thứ 110: “Thiên Chúa cùng đi với dân Người”

Đức Thánh Cha gửi thông điệp đến các di dân: “Thiên Chúa cùng đi với dân Người”

Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn lần thứ 110

Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn lần thứ 110: “Thiên Chúa cùng đi với dân Người”

People affected by the earthquake © Vatican Media


*******

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu nguyện cho “những người đã phải rời bỏ mảnh đất của họ để tìm kiếm những điều kiện sống xứng đáng”. Ngài viết, những người sống “kinh nghiệm về Thiên Chúa như một người bạn đồng hành”: “Không biết bao nhiêu quyển Kinh Thánh, Tin Mừng, sách cầu nguyện và tràng chuỗi Mân Côi đồng hành cùng những người di dân trên hành trình của họ băng qua các sa mạc, sông ngòi, biển cả và biên giới của tất cả các châu lục”.

Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn lần thứ 110, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật, ngày 29 tháng Chín năm 2024, với chủ đề: “Thiên Chúa cùng đi với dân Người”.
______________________________________________


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Thiên Chúa cùng đi với dân Người

Anh chị em thân mến!

Ngày 29 tháng Mười năm ngoái đánh dấu bế mạc Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ XVI. Phiên họp này cho phép chúng ta hiểu sâu hơn về tính hiệp hành như một phần ơn gọi căn bản của Giáo hội. “Tính hiệp hành được trình bày như một cuộc hành trình chung của Dân Chúa và như một cuộc đối thoại hữu hiệu giữa các đặc sủng và các thừa tác vụ để phục vụ cho Nước Chúa đến” (Báo cáo tổng hợp, Giới thiệu).

Việc nhấn mạnh đến chiều kích hiệp hành cho phép Giáo hội khám phá lại bản chất lưu động của mình, như Dân Chúa hành trình xuyên suốt lịch sử trên cuộc lữ hành, chúng ta có thể nói là cuộc “di cư” hướng tới Nước Trời (x. Hiến chế Lumen Gentium, 49). Trình thuật Kinh Thánh của sách Xuất Hành mô tả dân Israel trên đường tiến về miền đất hứa hiện lên trong tâm trí chúng ta: một cuộc hành trình dài từ nô lệ đến tự do báo trước cuộc hành trình của Giáo Hội hướng tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy nơi những người di cư của thời đại chúng ta, cũng như trong mọi thời đại, một hình ảnh sống động về dân Chúa trên đường tiến về quê hương vĩnh cửu. Những cuộc hành trình đầy hy vọng của họ nhắc nhở chúng ta rằng “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3:20).

Những hình ảnh về cuộc xuất hành trong Kinh thánh và những người di dân có nhiều điểm tương đồng. Giống như người dân Israel thời ông Môsê, những di dân thường phải chạy trốn khỏi sự áp bức, lạm dụng, tình trạng bấp bênh, phân biệt đối xử và thiếu cơ hội phát triển. Tương tự như người Do Thái trong sa mạc, những người di cư gặp nhiều trở ngại trên đường đi: họ bị thử thách bởi sự đói khát; họ kiệt sức vì gian khổ và bệnh tật; họ bị cám dỗ bởi sự tuyệt vọng.

Tuy nhiên, thực tại chính của cuộc Xuất Hành, của mọi cuộc xuất hành, là Thiên Chúa đi trước và đồng hành với dân Người và tất cả con cái của Người ở mọi thời đại và mọi nơi. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân tộc là sự chắc chắn của lịch sử cứu độ: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi với anh (em); Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh (em)” (Đnl 31:6). Đối với dân tộc thoát khỏi Ai Cập, sự hiện diện này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: một cột mây và cột lửa chỉ đường và soi đường (x. Xh 13:21), lều họp bảo vệ hòm giao ước khiến sự hiện diện của Thiên Chúa trở nên hữu hình (x. Xh 33:7), cây cột với con rắn đồng bảo đảm sự bảo vệ của Thiên Chúa (x. Ds 21:8-9), bánh manna và nước (x. Xh 16-17) là những quà tặng của Thiên Chúa cho dân tộc đói khát. Lều là một hình thức hiện diện được Chúa đặc biệt yêu thích. Trong triều đại vua Đavít, Thiên Chúa chọn ngự trong lều chứ không phải đền thờ, để Người có thể đồng hành với dân Người, “hết lều này đến lều khác, hết Nhà Tạm này sang Nhà Tạm khác” (1 Sb 17:5).

Nhiều người di cư cảm nghiệm Thiên Chúa như người bạn đồng hành, người hướng dẫn và là chiếc neo cứu rỗi của họ. Họ phó thác bản thân cho Chúa trước khi lên đường và tìm kiếm Người trong những lúc khó khăn. Nơi Người, họ tìm thấy sự an ủi trong những giây phút chán nản. Nhờ có Chúa, trên đường đi mới có những người Samari tốt bụng. Họ tâm sự với Chúa về những hy vọng của họ trong lời cầu nguyện. Biết bao quyển Kinh Thánh, các sách Tin Mừng, các sách cầu nguyện và tràng Mân Côi đã đồng hành cùng các di dân trên hành trình băng qua những sa mạc, sông ngòi, biển cả và biên giới của mọi châu lục!

Thiên Chúa không chỉ đồng hành với dân của Người, mà còn ở giữa họ, đến mức Chúa đồng hóa chính Người với những người nam nữ trên hành trình xuyên suốt lịch sử của họ, đặc biệt với những người hèn mọn nhất, những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ở đây chúng ta thấy được sự mở rộng của mầu nhiệm Nhập Thể.

Vì lý do này, cuộc gặp gỡ với người di dân, cũng như với mọi người anh chị em đang gặp khó khăn “cũng là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Chính Người đã nói như vậy. Chính Người gõ cửa nhà chúng ta, đói, khát, người khách lạ, trần truồng, bệnh tật và bị tù đày, xin được gặp gỡ và giúp đỡ” (Bài giảng, Thánh lễ với những người tham dự Cuộc họp “Không sợ hãi”, Sacrofano, ngày 15 tháng Hai năm 2019). Cuộc phán xét chung trong chương 25 Tin Mừng Thánh Matthêu quá rõ ràng: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (c. 35); và một lần nữa “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Mỗi cuộc gặp gỡ trên đường đi đều tượng trưng cho một cơ hội gặp gỡ Chúa; đó là một cơ hội của ơn cứu độ, bởi vì Chúa Giêsu hiện diện nơi những anh chị em đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Theo ý nghĩa này, người nghèo cứu chúng ta, vì họ giúp chúng ta gặp được dung nhan của Chúa (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ ba, ngày 17 tháng Mười Một năm 2019).

Anh chị em thân mến, trong ngày dành riêng cho những người di cư và tị nạn, chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho tất cả những người phải rời bỏ mảnh đất của họ để tìm kiếm những điều kiện sống xứng đáng. Chớ gì chúng ta cùng đồng hành với họ, cùng nhau “hiệp hành” và, cũng như Thượng hội đồng sắp tới, phó thác họ “cho sự chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria Diễm Phúc, một dấu chỉ của niềm hy vọng và an ủi chắc chắn cho Dân tộc trung thành của Chúa khi họ tiếp tục cuộc hành trình của họ” (Báo cáo tổng hợp Đại hội đồng thường kỳ XVI: Tiếp tục hành trình).


Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chúng con là Giáo hội lữ hành của Chúa
đang trên hành trình tiến về Nước Trời.
Chúng con sống ở quê hương,
nhưng như thể chúng con là người ngoại bang.
Mọi nơi xa lạ đều là nhà của chúng con,
nhưng mọi chốn quê nhà lại đều xa lạ với chúng con.
Dù chúng con sống trên mặt đất,
nhưng quyền công dân thực sự của chúng con là ở trên thiên đàng.
Xin đừng để chúng con trở nên kẻ chiếm hữu
phần thế giới
mà Chúa đã cho chúng con như ngôi nhà tạm thời.
Xin giúp chúng con tiếp tục bước đi,
cùng với những anh chị em di dân của chúng con,
tiến về nơi ở vĩnh cửu mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng con.
Xin hãy mở rộng mắt và tâm hồn chúng con
để mỗi cuộc gặp gỡ với những người thiếu thốn
trở thành cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Con của Người và là Chúa của chúng con.
Amen.

Rome, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, 24 tháng Năm 2024, Lễ nhớ Đức Trinh nữ Maria, Phù hộ các giáo hữu

PHANXICÔ


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]


Những gì chúng ta mang đến bàn thờ: Toàn văn bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Những gì chúng ta mang đến bàn thờ: Toàn văn bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

03/06/24



Đức Thánh Cha Phanxicô long trọng ban phép lành từ bậc tam cấp của Đền thờ Đức Bà Cả cuối cuộc rước kiệu sau Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran.

Ngày 2 tháng Sáu năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran của ngài. Sau Thánh Lễ, Mình Thánh được rước sang Đền thờ Đức Bà Cả. Trên bậc tam cấp của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, Đức Thánh Cha đã ban phép lành trọng thể.

Đức Thánh Cha không cùng tham dự rước kiệu giữa hai vương cung thánh đường nhưng ban phép lành cuối cuộc rước kiệu.

Dưới đây là toàn văn bài giảng.
_______________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Người cầm lấy bánh và dâng lời chúc tụng” (Mc 14:22). Bằng cách này, Tin Mừng Thánh Marcô bắt đầu trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, bắt đầu từ cử chỉ Chúa Giêsu làm phép bánh, chúng ta cùng suy ngẫm về ba khía cạnh của mầu nhiệm chúng ta đang cử hành: tạ ơn, tưởng nhớ và hiện diện.

Trước hết là tạ ơn. Thật vậy, từ “Eucharist” (Thánh Thể) có nghĩa là “tạ ơn”: “dâng lời tạ ơn” Thiên Chúa vì những ân ban của Ngài. Vì vậy, dấu chỉ của bánh rất quan trọng vì nó là lương thực của cuộc sống hàng ngày, và cùng với bánh, chúng ta dâng lên bàn thờ toàn bộ con người chúng ta và tất cả những gì chúng ta có: cuộc sống, công việc, những thành công và cả những thất bại. Trong một số nền văn hóa, điều này được thể hiện bằng phong tục rất đẹp là nhặt bánh lên và hôn bánh nếu nó rơi xuống đất, để nhắc nhở chúng ta rằng bánh là vô cùng quý giá và không thể vứt bỏ, ngay cả khi nó rơi xuống đất. Vì thế, Thánh Thể dạy chúng ta hãy luôn chúc tụng, đón nhận và trân quý những ân tứ của Thiên Chúa như một hành động tạ ơn; không chỉ trong việc cử hành mà còn trong đời sống hằng ngày.

Một ví dụ đó là không lãng phí những của cải và tài năng Chúa ban cho chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta nên tha thứ và trợ giúp những người phạm sai lỗi và vấp ngã vì yếu đuối hoặc sa ngã, nhận biết rằng mọi sự đều là ân tứ và không có gì đáng bị hư mất, rằng không bỏ rơi người nào ở phía sau, và mọi người đều xứng đáng được cơ hội đứng dậy trên đôi chân của mình. Chúng ta có thể làm điều này trong cuộc sống hàng ngày, thực hiện công việc của mình với tình yêu thương, sự chính xác và sự chăm chút, coi đó như một món quà và sứ mệnh. Và luôn luôn trợ giúp những người vấp ngã: thời điểm duy nhất chúng ta có thể nhìn người khác từ trên cao xuống là khi chúng ta giúp họ đứng dậy. Đây là sứ mệnh của chúng ta.

Chắc chắn, chúng ta có thể thêm vào nhiều điều khác để tạ ơn. Đây là những thái độ “Thánh Thể” rất quan trọng vì nó dạy chúng ta hiểu rõ giá trị của những gì chúng ta đang làm và đang cống hiến.

Trước hết là tạ ơn. Tiếp theo là “dâng lời chúc tụng” có nghĩa là nhớ lại. Chúng ta nhớ lại điều gì? Với dân Israel xưa, điều này có nghĩa là nhớ lại cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và bắt đầu cuộc xuất hành về miền Đất Hứa. Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là tưởng nhớ Cuộc Vượt qua, Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô, qua đó Người đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Nó có nghĩa là nhớ lại cuộc sống của chúng ta, những thành công, những lỗi lầm, nhớ lại đôi tay giang rộng của Chúa luôn giúp chúng ta vực dậy trên đôi chân của mình, nhớ lại sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Có người cho rằng tự do đích thực có nghĩa là chỉ nghĩ đến bản thân, tận hưởng cuộc sống và làm bất cứ điều gì mình muốn và không cần quan tâm đến người khác. Đây không phải là tự do mà là một hình thức nô lệ ẩn giấu, một hình thức nô lệ càng khiến chúng ta thành nô lệ nhiều hơn nữa.

Nhưng tự do không được tìm thấy trong hầm trú ẩn an toàn của những người tích trữ của cải cho riêng bản thân, cũng như không tìm thấy trên chiếc trường kỷ của những kẻ lười biếng thả mình trôi theo sự buông thả và chủ nghĩa cá nhân. Tự do được tìm thấy ở Phòng Tiệc ly, nơi chúng ta cúi xuống phục vụ tha nhân với động lực thúc đẩy duy nhất là tình yêu, hiến dâng sự sống của mình như những người “được cứu thoát”.

Cuối cùng, bánh Thánh là sự hiện diện thực sự. Điều này nói với chúng ta về một Thiên Chúa không xa cách, không ghen tuông nhưng gần gũi và liên đới với nhân loại; một Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta nhưng luôn tìm kiếm, chờ đợi và đồng hành với chúng ta, đến mức phó mình vào tay chúng ta. Và sự hiện diện thực sự của Người cũng mời gọi chúng ta hãy gần gũi với anh chị em mình ở bất cứ nơi nào tình yêu lên tiếng gọi chúng ta.

Thưa anh chị em, thế giới của chúng ta rất cần loại bánh này là lòng biết ơn, sự tự do và gần gũi, với hương thơm và vị ngọt của nó. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến quá nhiều đường phố đã từng tràn ngập hương bánh mì tươi nướng, nhưng giờ đây đã biến thành đống đổ nát bởi chiến tranh, sự ích kỷ và thờ ơ! Chúng ta cần phải cấp bách mang lại cho thế giới của chúng ta hương thơm tươi mới của bánh tình yêu, tiếp tục hy vọng không mệt mỏi và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy bởi hận thù.

Đây cũng là ý nghĩa của cử chỉ chúng ta sẽ thực hiện trong cuộc Rước Thánh Thể. Bắt đầu từ bàn thờ, chúng ta sẽ đem Chúa đến trong các ngôi nhà trong thành phố của chúng ta. Chúng ta làm điều này không phải để phô trương hay khoe khoang đức tin của mình nhưng để mời gọi mọi người tham gia vào Thánh Thể, vào đời sống mới mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Chúng ta hãy rước kiệu theo tinh thần này. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]


Các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican để gặp gỡ Đức Thánh Cha

Các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican để gặp gỡ Đức Thánh Cha

Các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican để gặp gỡ Đức Thánh Cha
ROME sẽ diễn ra buổi đại hội hợp xướng trong Khán phòng Phaolô VI Photo: Vatican Media


Các ca đoàn trên khắp thế giới tập trung tại Vatican để kỷ niệm 40 năm thành lập ca đoàn giáo phận Rome


04 tháng Sáu, 2024 19:29

ZENIT STAFFROME 


(ZENIT News / Rome, 06.04.2024). - Các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 9 tháng Sáu để kỷ niệm 40 năm thành lập Ca đoàn của Giáo phận Rome. Sự kiện do Ca đoàn Giáo phận quảng bá và Nova Opera tổ chức, được tài trợ bởi Bộ Văn hóa và Giáo dục và Học viện Thánh nhạc. Cuộc họp mặt sẽ được tổ chức trong Khán phòng Phaolô VI và Vương cung thánh đường Thánh Phêrô của Giáo hoàng.


Hội nghị Quốc tế, do Đức ông Marco Frisina làm chủ tọa — ngài là nhà soạn nhạc nổi tiếng và người sáng lập Ca đoàn Giáo phận — sẽ khai mạc vào Thứ Sáu, ngày 7 tháng Sáu. Các chuyên gia đáng kính về thánh nhạc và nhạc phụng vụ từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia hội nghị.


Giáo sư Robert Mehlhart, Trưởng khoa PIMS, sẽ thảo luận về giáo dục âm nhạc. Đức ông Marco Pavan, Giám đốc Ca đoàn Nhà nguyện Sistine, sẽ đi sâu vào việc áp dụng thánh nhạc trong phụng vụ. Giáo sư Franz Karl Praßl, cựu Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc Áo, sẽ trình bày chi tiết về thánh ca Gregorian từ các quan điểm về lịch sử và phụng vụ. Hai nhà soạn nhạc và chuyên viên về lễ nghi, Don Fabio Massimillo và H.J. Botor, sẽ cung cấp những nội dung chuyên sâu về âm nhạc trong phụng vụ. Ngoài ra, các cuộc hội thảo do Giáo sư và Giám đốc ban Hợp xướng Maestro Fabrizio Barchi, và ông Maestro Emanuele Faiola, Phó Giám đốc Ca đoàn Giáo phận, sẽ trình bày với các nhạc sĩ và ca viên.


Điểm nổi bật của sự kiện sẽ là cuộc yết kiến ​​riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Khán phòng Phaolô VI vào sáng Thứ Bảy, ngày 8 tháng Sáu.


Cuối buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra buổi đại hội hợp xướng cũng tại Khán phòng Phaolô VI. Tất cả các ca sĩ sẽ cùng tham gia với Ca đoàn 300 thành viên của Giáo phận Rome để tạo thành một ban hợp xướng khổng lồ. Các thành viên ban hợp xướng sẽ có hơn 80 nhạc sĩ của Dàn nhạc Opera Nova, dưới sự điều khiển của Đức ông Marco Frisina. Chương trình sẽ trình bày các tác phẩm mang tính biểu tượng của các truyền thống thánh nhạc cổ điển và đương đại, trong đó có một tác phẩm mới sáng tác, “Đức Kitô là niềm hy vọng của tôi”, và một liên khúc các tác phẩm quan trọng trong lịch sử 40 năm của dàn hợp xướng.


Sự kiện kéo dài ba ngày sẽ kết thúc vào Chúa nhật, ngày 9 tháng Sáu, với Thánh lễ trọng thể do Đức Hồng Y Mauro Gambetti chủ sự tại Bàn thờ Confessio lúc 10:30 sáng trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Thánh lễ sẽ thêm phần sinh động với các giọng hát của tất cả các ca đoàn tham dự. Sau thánh lễ, các ca đoàn sẽ tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô để cùng Đức Thánh Cha đọc Kinh Truyền Tin.



[Nguồn: zenit]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]