Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.07.2024 - “Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

“Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 14.07.2024 - “Hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta”

*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________



Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng (x. Mc 6:7-13). Chúa sai họ đi “từng hai người một” và yêu cầu một điều quan trọng: chỉ mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta hãy dừng lại một chút ở hình ảnh này: các môn đệ được sai đi cùng nhau và chỉ mang theo những gì cần thiết.

Chúng ta không rao giảng Tin Mừng một mình, không: Tin Mừng được loan báo cùng nhau, như một cộng đoàn, và để làm được việc này, điều quan trọng là phải biết cách giữ gìn sự tiết độ: biết tỉnh táo trong việc sử dụng của cải, chia sẻ tài nguyên, năng lực và các ơn, và làm mà không thừa. Tại sao? Để được tự do: sự dư thừa biến anh chị em thành nô lệ, đồng thời để tất cả chúng ta đều có được những gì chúng ta cần để sống một cách xứng đáng và tích cực đóng góp cho sứ mạng; rồi tỉnh táo trong suy nghĩ, tỉnh táo trong cảm xúc, từ bỏ những định kiến ​​và từ bỏ tính cứng nhắc, giống như những hành lý vô nghĩa, đè nặng chúng ta và cản trở cuộc hành trình, thay vào đó khuyến khích thảo luận và lắng nghe, và nhờ đó làm chứng hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra trong gia đình và cộng đồng của chúng ta: khi chúng ta bằng lòng với những gì cần thiết, dù là ít, và với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể tiến bước và hòa hợp, chia sẻ những gì có, mọi người đều từ bỏ điều gì đó và hỗ trợ lẫn nhau (xem Cv 4:32-35). Và đây đã là một lời loan báo truyền giáo, đi trước và thậm chí còn hơn cả lời nói, bởi vì nó thể hiện nét đẹp của sứ điệp của Chúa Giêsu trong tính hữu hình của cuộc sống. Thật vậy, một gia đình hay một cộng đoàn sống theo cách này sẽ tạo ra một môi trường giàu tình yêu thương xung quanh mình, trong đó con người dễ dàng rộng mở hơn với đức tin và sự mới mẻ của Tin Mừng, và từ đó người ta bắt đầu tốt hơn, người ta bắt đầu thanh thản hơn.

Mặt khác, nếu mỗi người đi theo con đường riêng của mình, nếu chỉ quan tâm đến vật chất – điều không bao giờ là đủ – nếu người ta không lắng nghe, nếu chủ nghĩa cá nhân và lòng ghen tị chiếm ưu thế – thì tính ghen tị là một thứ gì đó làm chết người, một chất độc! – khi chủ nghĩa cá nhân và lòng ghen tị ngự trị, bầu khí trở nên nặng nề, cuộc sống trở nên khó khăn, và những cuộc gặp gỡ trở thành một sự bồn chồn, buồn bã và chán nản, hơn là một sự kiện vui mừng (x. Mt. 19:22).

Anh chị em thân mến, sự hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta: sự hiệp thông, hòa hợp giữa chúng ta và sự tiết độ là những giá trị quan trọng, những giá trị không thể thiếu đối với một Giáo hội truyền giáo ở mọi cấp độ.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có nếm trải được niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, mang đến nơi tôi sống niềm vui và ánh sáng đến từ cuộc gặp gỡ với Chúa không? Và để làm được điều này, tôi có cam kết đồng hành cùng người khác, chia sẻ các ý tưởng và kỹ năng với họ, với tâm trí rộng mở và tâm hồn quảng đại không? Và cuối cùng: tôi có biết tu dưỡng một đời sống tiết độ, một lối sống biết quan tâm đến nhu cầu của anh chị em tôi không? Đó là những câu hỏi mà chúng ta nên tự hỏi mình.

Xin Mẹ Maria, Nữ vương các Thánh Tông đồ, giúp chúng ta trở thành những người môn đệ truyền giáo đích thực, trong sự hiệp thông và đời sống tiết độ. Trong sự hiệp thông, trong sự hòa hợp giữa chúng ta và trong sự tiết độ của cuộc sống.


________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha gửi lời chào anh chị em người Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha chào anh chị em đang tham dự Đại hội Quốc tế giáo dân của Dòng Thánh Augustinô; cha chào các Nữ tu dòng Thánh gia Nadarét đang cử hành Tổng Tu nghị; cha chào các bạn trẻ của giáo xứ Luson, Alto Adige, đã du hành qua đường Via Francigena; Hội đồng Giới trẻ Địa Trung Hải, được truyền cảm hứng từ thông điệp của Đấng Đáng kính Giorgio La Pira; và các bạn trẻ tham gia Khóa học quốc tế Regnum Christi dành cho những nhà đào tạo tập sinh và chủng sinh.

Cha gửi lời chào mừng đến các tín hữu Ba Lan đang tập trung tại Đền thờ Đức Mẹ Black Madonna ở Częstochowa, nhân dịp cuộc hành hương hàng năm của gia đình Radio Maria.

Trong ngày Chủ nhật Biển, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người làm việc trong lĩnh vực hàng hải và những người chăm sóc họ.

Xin Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta kính nhớ trong 2 ngày tới với tước hiệu Đức Mẹ núi Camêlô, an ủi và ban hòa bình cho tất cả những người dân bị đè nặng bởi sự khủng khiếp của chiến tranh. Xin chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel và Myanmar đang bị khốn khổ.

Cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/7/2024]


Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

“Bảo vệ phẩm giá con người trong kỷ nguyên máy móc mới”

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024)

*******

“Đạo đức AI vì hòa bình.” Vào ngày 9 tháng 7, sự kiện kéo dài hai ngày quy tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới nhằm thúc đẩy việc phát triển đạo đức Trí tuệ Nhân tạo bắt đầu tại Hiroshima (Nhật Bản). Nghi thức ký kết Lời kêu gọi Rôma cũng sẽ diễn ra, một tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiếp cận đa tôn giáo.

Dưới đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến những tham dự viên cuộc họp “Đạo đức AI vì hòa bình” (Hiroshima, ngày 9-10 tháng 7 năm 2024):

_____________________________


Thông điệp của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến, tôi gửi lời chào đến tất cả các bạn đang tham dự cuộc họp “Đạo đức AI vì Hòa bình”. Trí tuệ nhân tạo và hòa bình là hai vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, như tôi đã có dịp nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo chính trị tại hội nghị G7: “Cần phải luôn nhớ rằng một cỗ máy có thể tạo ra các lựa chọn thuật toán theo cách nào đó và bằng những phương pháp mới này. Máy đưa ra một lựa chọn về mặt kỹ thuật trong số nhiều khả năng dựa trên những tiêu chí được xác định cụ thể hoặc dựa trên những kết luận thống kê. Tuy nhiên, con người không chỉ lựa chọn mà trong con tim họ còn có khả năng quyết định. Quyết định là điều chúng ta có thể gọi là yếu tố mang tính chiến lược hơn là sự lựa chọn và đòi hỏi sự đánh giá thực tế. Đôi khi, thường trong nhiệm vụ quản lý khó khăn, chúng ta được yêu cầu phải đưa ra những quyết định dẫn đến hậu quả cho nhiều người. Về vấn đề này, suy tư của con người luôn nói lên sự khôn ngoan, phronesis (sự khôn ngoan) của triết học Hy Lạp và ít nhất một phần là sự khôn ngoan của Kinh Thánh. Trước sự kỳ diệu của máy móc dường như có thể lựa chọn một cách độc lập, chúng ta phải hiểu rành mạch rằng việc đưa ra quyết định luôn phải được giao cho con người, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những chiều kích quan trọng và cấp bách của nó. Chúng ta sẽ đẩy nhân loại vào một tương lai không còn hy vọng nếu chúng ta tước đi khả năng đưa ra quyết định về bản thân và đời sống của con người qua việc bắt họ phải lệ thuộc vào những lựa chọn của máy móc. Chúng ta cần bảo đảm và bảo vệ một không gian để con người có thể kiểm soát những lựa chọn do các chương trình của trí tuệ nhân tạo thực hiện: phẩm giá con người phụ thuộc vào điều đó.” (Diễn từ tại G7, ngày 14 tháng 6 năm 2024).

Sáng kiến ​​của các bạn thật đáng khen ngợi, tôi xin các bạn hãy cho thế giới thấy rằng chúng ta hiệp nhất trong việc yêu cầu một cam kết tích cực bảo vệ phẩm giá con người trong kỷ nguyên máy móc mới này.

Việc các bạn tập trung tại Hiroshima để thảo luận về trí tuệ nhân tạo và hòa bình có tầm quan trọng mang tính biểu tượng rất lớn. Trong các cuộc xung đột hiện đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta – bao gồm cả sự căm ghét chiến tranh – chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn về công nghệ này. Đó là lý do tại sao tôi coi sự kiện này ở Hiroshima có tầm quan trọng đặc biệt. Khi đoàn kết như anh chị em, điều rất hệ trọng là chúng ta phải nhắc nhở thế giới rằng “trước thảm kịch xung đột vũ trang, việc cấp bách là phải xem xét lại việc phát triển và sử dụng các thiết bị như những thứ được gọi là “vũ khí tự động gây chết người” và về căn bản là cấm sử dụng chúng. Điều này bắt đầu từ một cam kết hữu hiệu và cụ thể nhằm đưa ra việc kiểm soát thích đáng và lớn hơn bao giờ hết của con người. Không một cỗ máy nào được chọn để tước đi mạng sống con người.” (Diễn từ tại G7, ngày 14 tháng 6 năm 2024).

Khi chúng ta xét đến tính phức tạp của các vấn đề trước mắt, việc thừa nhận sự đóng góp của các kho tàng văn hóa của các dân tộc và tôn giáo trong việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo là chìa khóa cho sự thành công trong cam kết của các bạn đối với việc quản lý sự đổi mới công nghệ cách khôn ngoan.

Hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của các bạn dẫn đến kết quả mang lại tình huynh đệ và sự hợp tác, tôi cầu nguyện để mỗi người chúng ta có thể trở thành khí cụ hòa bình cho thế giới.

PHANXICÔ



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/7/2024]