Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.08.2024

Mình và Máu là nhân tính của Chúa Giêsu, chính mạng sống của Người được hiến dâng làm lương thực cho chúng ta

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.08.2024

Vatican Media


*******

Trưa Chúa Nhật, ngày 18 tháng 8 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51) với bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, trước giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha phân tích về phép lạ Thánh Thể, phép lạ mà ngày nay cũng tạo nên “sự kinh ngạc và lòng tri ân”.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng nói đơn giản rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51). Trước đám đông, Con Thiên Chúa đồng nhất mình với lương thực vô cùng thông thường và phổ biến nhất - bánh: “Tôi là bánh”. Trong số những người đang lắng nghe Ngài, một số người bắt đầu tranh luận với nhau (x. câu 52): làm sao Giêsu lại có thể ban cho chúng ta chính thịt của ông ấy để ăn? Ngay cả hôm nay, chúng ta cũng tự hỏi chính mình câu hỏi này, nhưng với sự ngạc nhiên và tâm tình biết ơn. Sau đây là hai thái độ để suy ngẫm: kinh ngạc và biết ơn trước phép lạ Thánh Thể.

Trước hết: kinh ngạc, vì lời của Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu luôn làm chúng ta ngạc nhiên, luôn luôn! Ngay cả hôm nay, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên. Bánh từ Trời là một món quà vượt quá mọi sự mong đợi. Những ai không hiểu được con đường của Chúa Giêsu thì vẫn còn hoài nghi: gần như là không thể, thậm chí là dã man khi ăn thịt người khác (x. c. 54). Tuy nhiên, thịt và máu là nhân tính của Đấng Cứu Thế, chính mạng sống của Người ban tặng cho chúng ta như một nguồn lương thực nuôi sống.

Và điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai: lòng biết ơn. Thứ nhất là kinh ngạc. Bây giờ là lòng biết ơn, bởi vì chúng ta nhận biết Chúa Giêsu ở nơi Người hiện diện với chúng ta và ở cùng với chúng ta. Người biến mình thành bánh cho chúng ta. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. c. 56). Đức Kitô, là người thật sự, biết rõ rằng con người phải ăn để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng như vậy là không đủ. Sau phép lạ hóa bánh của trần gian ra nhiều (x. Ga 6:1-14), Chúa chuẩn bị một món quà còn lớn lao hơn nhiều: Chính Chúa trở thành của ăn và của uống đích thực (x. c. 55). Thưa Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa! Chúng ta cùng đồng thanh nói “Cảm tạ Chúa, cảm tạ Người” với tất cả tấm lòng.

Bánh của nước Trời từ Chúa Cha đến chính là Chúa Con đã nhập thể vì chúng ta. Của ăn này còn vượt hơn cả sự cần thiết vì nó thỏa mãn cơn đói hy vọng, cơn đói sự thật và cơn đói ơn cứu độ mà tất cả chúng ta đều cảm nhận không phải trong dạ dày, mà là trong con tim của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều cần Thánh Thể!

Chúa Giêsu chăm sóc nhu cầu lớn lao nhất: Ngài cứu thoát chúng ta, nuôi dưỡng sự sống của chúng ta bằng chính sự sống của Ngài, và Ngài sẽ làm điều này luôn mãi. Và chính nhờ Ngài mà chúng ta có thể sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, bánh hằng sống và bánh thật chứ không phải là thứ gì đó của phép thuật, không phải. Nó không phải là thứ sẽ giải quyết ngay lập tức mọi vấn đề, nhưng chính Thánh Thể Chúa Kitô mang lại nguồn hy vọng cho người nghèo khó và vượt qua sự kiêu ngạo của những kẻ ăn uống vô độ với cái giá của chính những người nghèo.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có đói khát ơn cứu độ không chỉ cho riêng cho bản thân, mà còn cho tất cả anh chị em tôi không? Khi tôi lãnh nhận Mình Thánh, là phép lạ của lòng thương xót, tôi có kính sợ trước Nhiệm Thể Chúa, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta không?

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta biết chào đón món quà nước Trời qua dấu chỉ bánh này.

________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, tại Uvira, Cộng hòa Dân chủ Congo, các nhà truyền giáo người Ý thuộc Dòng Thánh Phanxicô Xaviê Luigi Carrara, Giovanni Didoné và Vittorio Faccin, cùng với Cha Albert Joubert, một linh mục người Congo, đã được phong chân phước. Các ngài đã bị giết tại đất nước đó vào ngày 28 tháng 11 năm 1964. Sự tử đạo của họ đã tôn vinh một cuộc đời dành cho Chúa và cho anh chị em của họ. Xin cho tấm gương và lời chuyển cầu của các ngài thúc đẩy con đường hòa giải và hòa bình vì lợi ích của người dân Congo. Chúng ta hãy dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để con đường hòa bình có thể được tìm thấy ở vùng Trung Đông — Palestine, Israel — cũng như ở Ukraine, Myanmar đang đau khổ và mọi khu vực bị chiến tranh tàn phá, thông qua đối thoại và đàm phán, kiềm chế các hành động bạo lực và phản ứng bạo lực.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các tín hữu thân yêu của Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào anh chị em đến từ tiểu bang São Paulo ở Brazil; và các Nữ tu Dòng Thánh Elizabeth.

Cha gửi lời chào và những lời lành đến các phụ nữ và thanh thiếu nữ tập trung tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary Śląskie ở Ba Lan, và cha động viên họ làm chứng cho Phúc Âm cách hân hoan trong gia đình và xã hội. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha, Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/8/2024]


Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng như thế nào, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng như thế nào, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Đức Thánh Cha gửi cho người dân Trung quốc một thông điệp hy vọng, công nhận rằng đức tin và sự kiên cường họ là một minh chứng hùng hồn cho sự dâng hiến và lòng tin tưởng của họ vào Chúa.


15 tháng 8, 2024 07:19



(ZENIT News / Rome, 15.08.2024). - Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm ngoái, và mãi đến tháng 8 năm nay mới được công bố, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ mong muốn được đến thăm Trung Quốc và đặc biệt là cầu nguyện tại Đền thờ Đức Mẹ Sheshan, gần Thượng Hải. Mong muốn này phản ánh sự tôn trọng và khâm phục sâu sắc của ngài đối với người Công giáo Trung Quốc đã giữ vững đức tin bất kể những nghịch cảnh mà họ phải đối mặt trong nhiều năm.

Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc đã trở nên phức tạp, được đánh dấu bằng sự ngờ vực của Chính phủ Trung Quốc đối với ảnh hưởng của Công giáo. Tuy nhiên, đã có những tiến bộ đáng kể vào năm 2018, khi cả hai bên ký một Thỏa thuận, điều chỉnh việc bổ nhiệm Giám mục trong nước, giúp các giám mục có thể được cả cộng đồng Công giáo địa phương cũng như Giáo hoàng chấp thuận. Mặc dù Thỏa thuận này đã được ký lại hai lần, vào năm 2020 và 2022, nhưng việc thực hiện Thỏa thuận này không tránh khỏi những căng thẳng, với các rắc rối trong đó Chính quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra những quyết định bổ nhiệm các Giám mục, thách thức tinh thần của Thỏa thuận.

Trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh YouTube của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến lòng kiên nhẫn và khả năng chờ đợi của người Trung Quốc, mô tả họ là “bậc thầy” trong các nhân đức này. Đề cập đến những thách thức mà người Công giáo phải đối mặt ở Trung Quốc, Đức Thánh Cha gửi đến họ một thông điệp hy vọng, công nhận rằng lòng tin và tính kiên cường của người dân Trung Quốc là một minh chứng hùng hồn về sự dâng hiến và tin tưởng của họ vào Chúa.

Những đòi hỏi trong cương vị của một Giáo hoàng và cách xử lý những chỉ trích

Đức Giáo hoàng cũng phản ánh về các nhu cầu cấp thiết trong vai trò là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Ở tuổi 87, ngài cho biết rằng khả năng giải quyết một chương trình nghị sự căng thẳng như vậy là nhờ vào đời sống có trật tự và sự hỗ trợ của những vị cộng sự đáng tin cậy. Tuy nhiên, ngài thừa nhận rằng những chỉ trích, cho dù đôi khi khó khăn, nhưng là điều cần thiết cho sự phát triển cá nhân ngài cũng như cho Giáo hội nói chung. Ngay cả khi phải đối mặt với sự phản đối trực tiếp, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và suy tư, ngài nhắc lại rằng một số sự chống đối có thể chứa đựng những chỉ trích mang tính xây dựng có lợi cho Giáo hội.



Đối mặt với những khủng hoảng và thách thức toàn cầu

Đức Thánh Cha không né tránh những thách thức mà ngài phải đối mặt trong suốt thời gian làm giáo hoàng, từ đại dịch đến các cuộc chiến tranh hiện nay. Nói về những thách thức này, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hài hước và cầu nguyện, đề cập đến việc hàng ngày nhiệt thành với lời cầu nguyện của Thánh Thomas More là người xin được ban cho khiếu hài hước. Thái độ này đã giúp ngài luôn bình an và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại và kiên nhẫn.

Lời kêu gọi tránh chủ nghĩa giáo quyền và thế tục

Nhìn về tương lai, Đức Giáo hoàng cảnh báo về những nguy hiểm của chủ nghĩa giáo sĩ và tính thế tục thiêng liêng, coi chúng là những mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn những bê bối trong quá khứ. Liên quan đến điều này, ngài thúc giục Người kế nhiệm tương lai của ngài duy trì đời sống cầu nguyện liên lỉ, nhắc nhở rằng chính trong cầu nguyện, Chúa truyền đạt và hướng dẫn.

Cuộc phỏng vấn với Cha Peter Chia, được ghi hình tại thư viện của Điện Tông Tòa Vatican, cung cấp một tầm nhìn ​​sâu sắc về Đức Giáo hoàng Phanxicô, một nhà lãnh đạo luôn vững niềm tin không thể lay chuyển vào khả năng vượt qua những khó khăn của Giáo hội, cho dù có những thách thức mà ngài phải đối mặt.Thông điệp của ngài gửi đến người Công giáo Trung Quốc và thế giới rất rõ ràng: niềm hy vọng, lòng kiên nhẫn, khiếu hài hước và cầu nguyện là chìa khóa để vượt qua những thời điểm khó khăn và tiếp tục tiến về phía trước với lòng can đảm và sự tín thác vào Chúa.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/8/2024]