Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

Huấn từ Kinh “Lạy Nữ vương Thiên đàng” của Đức Thánh Cha ngày 12, tháng 5, 2024

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “Thực hiện những việc của lòng yêu thương: mang lại sự sống, mang đến niềm hy vọng”

Huấn từ Kinh “Lạy Nữ vương Thiên đàng” của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh “Lạy Nữ vương Thiên đàng” của Đức Thánh Cha ngày 12, tháng 5, 2024

Vatican Media


*******

Trưa hôm nay, Chúa Nhật VII Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng với khoảng 20 nghìn tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_______________________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Và cha gửi lời chúc Chúa Nhật hạnh phúc đến các bạn trẻ Genoa.

Hôm nay tại Ý và các quốc gia khác, Lễ Chúa Lên Trời được cử hành trọng thể. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ kể rằng sau khi ủy thác nhiệm vụ tiếp tục công việc của Người cho các Tông đồ, Chúa Giêsu “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16:19). Đây là những gì Tin Mừng nói: Người “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Việc Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha đối với chúng ta không phải là Người tách biệt khỏi chúng ta, mà là đi trước chúng ta đến đích Thiên Đàng. Giống như khi ở trên núi, người ta leo lên đỉnh: bước đi một cách khó khăn, và cuối cùng, ở một ngã rẽ trên lối đi, chân trời mở ra và người ta nhìn thấy toàn cảnh. Và rồi toàn cơ thể tìm được sức mạnh để vượt qua chặng đi lên cuối cùng. Toàn bộ cơ thể – cánh tay, chân và mọi cơ bắp – căng lên và dồn sức để tiến lên đến đỉnh cao.

Và Giáo hội chúng ta chính là thân thể mà Chúa Giêsu khi đã về trời sẽ kéo lên theo Người, giống như một đoàn người được cột dây với nhau. Chính Ngài là Đấng đánh thức và thông truyền cho chúng ta vẻ đẹp của Quê trời mà chúng ta đang hướng tới, bằng Lời Người và ân sủng của các Bí tích. Do đó, chúng ta là các chi thể của Ngài cũng vậy – chúng ta là các chi thể của Chúa Giêsu – cùng nhau tiến bước với Ngài trong niềm hân hoan, Ngài là vị lãnh đạo của chúng ta, biết rằng bước đi của một người là bước đi của tất cả mọi người, và không ai bị lạc lối hay bị bỏ lại phía sau, bởi vì chúng ta chỉ là một thân thể (x. Col 1:18; 1 Cr 12:12-27).

Anh chị em hãy lắng nghe thật kỹ: Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta từng bước từng bước một, từng bậc thang một. Những bước phải được thực hiện là gì? Tin Mừng hôm nay nói: “loan báo Tin Mừng, phép rửa, trừ quỷ, cầm được rắn, đặt tay trên người bệnh” (x. Mc 16:16.18); tóm lại, là thực hiện những công việc của tình yêu thương: mang lại sự sống, mang đến niềm hy vọng, xa lánh mọi điều xấu và thấp hèn, lấy điều thiện đáp lại sự dữ, gần gũi những người đau khổ. Đây là “từng bước từng bước một”. Và càng làm như vậy, chúng ta càng để cho Chúa Thánh Thần biến đổi, càng noi gương Ngài, như khi ở trên núi, chúng ta cảm thấy không khí xung quanh trở nên nhẹ nhàng và trong lành, chân trời rộng mở và đích đến gần kề, lời nói và cử chỉ trở nên tốt đẹp, tâm trí mở rộng và hít thở.

Và vì thế chúng ta hãy tự hỏi mình: lòng khao khát Thiên Chúa, lòng khao khát tình yêu vô bờ của Người, sự sống vĩnh cửu của Người còn sống trong tôi không? Hay tôi u mê và bị neo chặt vào những thứ phù phiếm, tiền bạc, thành công hoặc lạc thú? Và lòng khao khát Nước Trời có cách ly tôi, khóa chặt tôi, hay nó khiến tôi yêu thương anh chị em mình với tấm lòng bao dung và vị tha, cảm nhận rằng họ là những người bạn đồng hành của tôi trên hành trình hướng về Thiên Đàng?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã đến đích, giúp chúng ta cùng nhau hân hoan bước đi hướng tới vinh quang Nước Trời.

________________________


Sau kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến!

Khi chúng ta cử hành Lễ Chúa lên Trời, Đấng giải thoát chúng ta và muốn chúng ta được tự do, tôi nhắc lại lời kêu gọi trao đổi tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine, Tòa Thánh cam kết sẵn sàng ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào về vấn đề này, đặc biệt là với những người bị thương nặng và bị bệnh. Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, ở Palestine, ở Israel, ở Myanmar… Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.

Hôm nay là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và sự khôn ngoan của con tim”. Chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của con tim, chúng ta mới có thể hiểu được những đòi hỏi của thời đại và tái khám phá con đường hướng tới sự truyền thông nhân bản trọn vẹn. Chúng ta gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhân viên truyền thông vì công việc của họ!

Hôm nay nhiều quốc gia kỷ niệm Ngày của Mẹ: chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người mẹ với lòng biết ơn và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người mẹ đã lên Thiên Đàng. Và chúng ta hãy phó thác những người mẹ cho sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Thiên Quốc của chúng ta. Chúng ta dành một tràng pháo tay thật lớn cho tất cả các người mẹ!

Cha xin chào anh chị em hành hương đến từ Rome và nhiều vùng khác của nước Ý và thế giới, đặc biệt là những anh chị em đến từ Hungary và Malta, các học sinh trường Colégio da São Tomás của Lisbon, và các ban nhạc từ nước Áo và nước Đức, đến thể hiện lòng tôn kính tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng. Bênêđictô XVI. Các ban nhạc chơi rất hay! Cảm ơn anh chị em. Cha cũng gửi lời chào các tín hữu Pesaro, Cagliari, Giulianova Lido, và những anh chị em đến từ Ponti sul Mincio bằng xe đạp, những người hiến máu AVIS, Hiệp hội “Young Mountain” Turin, các ứng viên Thêm sức đến từ Genoa, và những người bị ảnh hưởng bởi bệnh đau cơ xơ hóa vào Ngày dành riêng cho bệnh lý này.

Tôi xin cảm ơn những người tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Những thay đổi”, được trưng bày dưới Hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô. Những bức ảnh từ khắp nơi trên thế giới ghi lại vẻ đẹp của ngôi nhà chung của chúng ta, món quà của Đấng Tạo Hóa mà chúng ta phải bảo vệ. Tôi mời anh chị em ghé thăm cuộc thăm triển lãm này!

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em và các bạn trẻ Immacolata. Cha chúc mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và một chuyến đi tốt đẹp đến Genoa! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2024]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các tham dự viên sự kiện “Cuộc Gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại”

“Chúng ta vẫn chưa học được nghệ thuật chung sống với nhau như anh em”

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các tham dự viên sự kiện “Cuộc Gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại”

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước các tham dự viên sự kiện “Cuộc Gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại”

Vatican Media


*******

Sáng nay (ND: 11/05), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên Cuộc Gặp gỡ Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại trong Điện Tông Tòa Vatican do Quỹ Fratelli Tutti tổ chức.

Đức Phanxicô bày tỏ mối quan tâm của ngài đối với “hành tinh đang bốc cháy” và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được “sự bình an trong tâm hồn để bản thân mỗi người có thể tìm được sự vững tin rằng sự sống luôn chiến thắng mọi hình thức của cái chết”.

Dưới đây là bài diễn từ của Đức Thánh Cha gửi đến những người có mặt tại cuộc họp:

_________________________________________________
 

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chào mừng anh chị em! Cảm ơn anh chị em từ nhiều nơi trên thế giới đã có mặt ở đây để tham dự Cuộc gặp gỡ thế giới về tình huynh đệ nhân loại. Tôi cảm ơn Quỹ Fratelli tutti tổ chức đã đề xuất thúc đẩy các nguyên tắc được nêu trong Tông huấn Fratelli tutti, “nhằm khuyến khích các sáng kiến liên quan đến tinh thần, nghệ thuật, giáo dục và đối thoại với thế giới, xung quanh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và trong khuôn viên hàng cột của Vương cung Thánh đường.” (Chirograph, ngày 8 tháng 12 năm 2021).

Trong một hành tinh đang bốc cháy, anh chị em họp nhau với mục đích nhắc lại tiếng “không” với chiến tranh và “có” với hòa bình, làm chứng cho tình nhân loại đang đoàn kết chúng ta và giúp chúng ta biết nhìn nhận nhau như anh chị em, trong món quà tương hỗ của những khác biệt về văn hóa.

Về vấn đề này, tôi nhớ đến những lời trong bài phát biểu nổi tiếng của Mục sư Martin Luther King nói rằng: “Chúng ta đã học cách bay trên không như những con chim, chúng ta đã học cách bơi trên biển như cá, nhưng chúng ta chưa học cách bước đi trên trái đất như anh chị em” (Martin Luther King, Bài phát biểu nhân dịp nhận giải Nobel Hòa bình, ngày 11 tháng 12 năm 1964). Đó thực sự là vấn đề. Và vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào để chúng ta có thể trở lại với nghệ thuật chung sống cách cụ thể với nhau như những con người thực sự?

Tôi muốn trở lại với thái độ chính được đưa ra trong Tông huấn Fratelli tutti: lòng trắc ẩn. Trong Tin Mừng Thánh Luca (x. 10:25-37), Chúa Giêsu kể về một người Samari, động lòng thương đã tiếp cận một người Do Thái đang dở sống dở chết bên vệ đường. Chúng ta hãy nhìn vào hai người này. Hai văn hóa của họ là thù địch, lịch sử của họ khác nhau và xung đột, nhưng người này trở thành anh em của người kia khi anh ta cho phép mình được hướng dẫn bởi lòng trắc ẩn mà anh ta dành cho người kia – chúng ta có thể nói rằng anh ta cho phép bản thân được cuốn hút bởi Chúa Giêsu hiện diện nơi người đàn ông bị thương tích đó. Như một thi sĩ đã lấy lời Thánh Phanxicô Assisi nói trong một tác phẩm của ông: ‘Chúa hiện diện nơi những người anh em của bạn’ (É. Leclerc, The Wisdom of a Poor Man).

Vào buổi chiều, anh chị em sẽ gặp nhau tại 12 điểm trong Vatican và Rome để bày tỏ ý định tạo ra một phong trào tình huynh đệ xã hội. Trong bối cảnh này, các “bàn làm việc” đã được chuẩn bị trong những tháng gần đây sẽ đưa ra một số đề xuất cho xã hội dân sự, tập trung vào phẩm giá con người, nhằm xây dựng những chính sách tốt dựa trên nguyên tắc của tình huynh đệ, “đề cao tự do và bình đẳng” (Fratelli tutti, 103). Tôi đánh giá cao quyết định này và khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục công việc gieo hạt thầm lặng. Việc này có thể dẫn đến một “Hiến chương của con người” – “Hiến chương của con người” – cùng với các quyền, gồm cả hành vi và lý do thực tế khiến chúng ta trở nên nhân đạo hơn trong cuộc sống.

Và tôi mời gọi anh chị em không nản lòng, bởi vì “cuộc đối thoại kiên trì và can đảm không trở thành những bản tin nóng nhưng lặng lẽ giúp thế giới sống tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng” (nt, 198).

Đặc biệt, tôi xin cảm ơn nhóm các vị đã đạt giải Nobel nổi tiếng đang hiện diện, vì Tuyên ngôn về Tình huynh đệ con người, được soạn thảo vào ngày 10 tháng Sáu năm ngoái, cũng như vì cam kết mà các quý vị đã thực hiện trong năm nay để xây dựng lại một quyển “ngữ pháp của nhân loại”, một quyển “ngữ pháp của con người”, làm cơ sở cho những lựa chọn và hành vi. Tôi kêu gọi anh chị em hãy tiến bước về phía trước, làm cho tinh thần huynh đệ này phát triển và thúc đẩy vai trò của các cơ quan đa phương, thông qua hoạt động ngoại giao của anh chị em.

Anh chị em thân mến, chiến tranh là một sự dối trá. Chiến tranh luôn là một thất bại, cũng như ý tưởng về nền an ninh quốc tế dựa trên việc răn đe gây sợ hãi. Đó là một sự lừa gạt khác. Để bảo đảm nền hòa bình dài lâu, chúng ta phải trở lại với việc nhìn nhận tình nhân loại chung của chúng ta và đặt tình huynh đệ vào trung tâm đời sống của các dân tộc. Chỉ bằng cách này chúng ta mới thành công trong việc phát triển một mô hình chung sống có khả năng mang đến tương lai cho gia đình nhân loại. Hoà bình về chính trị cần có sự bình an trong tâm hồn, để bản thân mỗi người có thể tìm được sự vững tin rằng sự sống luôn chiến thắng mọi hình thức của cái chết.

Các bạn thân mến, khi ngỏ lời chào các bạn, tôi nghĩ đến cái ôm mà tối nay nhiều người trẻ sẽ có được, cũng như năm ngoái. Chúng ta hãy nhìn đến họ, chúng ta hãy học từ họ, như Tin Mừng dạy chúng ta: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Tất cả chúng ta hãy biến cái ôm này thành một cam kết của cuộc sống và một cử chỉ bác ái mang tính tiên tri.

Cảm ơn các bạn về những gì các bạn làm! Tôi gần gũi với các bạn và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi.

Và giờ đây trong thinh lặng, tất cả chúng ta hãy cầu xin và đón nhận ơn lành của Thiên Chúa.

____________________________________




[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2024]