Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 22.09.2024

“Quyền lực thực sự nằm ở việc quan tâm đến những người yếu đuối nhất”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 22.09.2024

*******

Trưa hôm nay (ND: 22/09/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với khoảng 20 ngàn tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô mời gọi chúng ta gạt bỏ lòng kiêu căng và ham muốn quyền lực và sẵn sàng phục vụ vì “quyền lực thực sự không nằm ở sự thống trị của kẻ mạnh nhất, mà nằm ở việc chăm sóc những người yếu đuối nhất”. Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Mc 9:30-37) kể cho chúng ta việc Chúa Giêsu loan báo những gì sẽ xảy ra vào giai đoạn đỉnh điểm cuộc đời của Ngài: Chúa Giêsu nói, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người; khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (câu 31). Tuy nhiên, khi đang theo Thầy nhưng các môn đệ vẫn có những ý nghĩ khác trong tâm trí và trên môi miệng của họ. Khi Chúa Giêsu hỏi họ đang nói về điều gì, họ không trả lời.

Chúng ta hãy chú ý đến sự im lặng này: các môn đệ im lặng vì họ đang tranh luận xem ai là người lớn nhất (x. c. 34). Họ im lặng vì xấu hổ. Thật là một sự tương phản với Lời của Chúa! Trong khi Chúa Giêsu giãi bày với các ông về ý nghĩa cuộc đời của Chúa, thì họ lại nói về quyền lực. Và do đó sự xấu hổ lúc này đã khép miệng họ lại, cũng như lòng kiêu hãnh đã khóa chặt lòng họ trước đó. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã trả lời một cách thẳng thắn cho những lời thì thầm trên đường đi: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (x. c. 35). Anh chị em có muốn trở nên vĩ đại không? Hãy làm cho mình trở nên nhỏ bé, hãy phục vụ mọi người.

Bằng một lời đơn sơ nhưng dứt khoát, Chúa Giêsu đổi mới cách sống của chúng ta. Ngài dạy chúng ta rằng quyền lực thực sự không nằm ở sự thống trị của kẻ mạnh nhất, mà nằm ở việc chăm sóc những người yếu đuối nhất. Sức mạnh thực sự nằm ở việc chăm sóc những người yếu đuối nhất – điều này làm cho bạn trở nên vĩ đại!

Đây là lý do tại sao Chúa gọi một em nhỏ, đặt em vào giữa các môn đệ và ôm nó vào lòng, nói rằng: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (câu 37). Trẻ em không có sức mạnh; trẻ em chỉ có những nhu cầu. Khi chúng ta chăm sóc con người, chúng ta nhận ra rằng con người luôn cần sự sống.

Chúng ta, tất cả chúng ta, còn sống vì chúng ta đã được chào đón, nhưng quyền lực làm chúng ta quên mất sự thật này. Bạn còn sống vì bạn đã được chào đón! Rồi chúng ta trở thành những kẻ thống trị, không phải là những người phục vụ, và hậu quả mà những người đầu tiên phải gánh chịu đau khổ là những người sau rốt: những người nhỏ bé, những người yếu đuối, những người nghèo khó.

Thưa anh chị em, không biết bao nhiêu người, biết bao người, đã phải đau khổ và chết vì những cuộc đấu tranh giành quyền lực! Họ là những cuộc sống mà thế giới chối bỏ, như thế gian đã chối bỏ Chúa Giêsu, họ là những người bị loại trừ và chết… Khi Chúa bị trao vào tay con người, Người không tìm thấy một cái ôm, mà là một cây thập giá. Tuy nhiên, Tin Mừng vẫn sống động và tràn đầy hy vọng: Đấng bị chối bỏ, đã sống lại, Người là Chúa!

Giờ đây, vào ngày Chúa Nhật tươi đẹp này, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có biết cách nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong những người bé mọn nhất không? Tôi có chăm sóc người lân cận của mình, phục vụ một cách quảng đại không? Và tôi có biết ơn những người chăm sóc tôi không?

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ để được thoát khỏi sự kiêu ngạo và sẵn sàng phục vụ như Mẹ.

_________________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi đau buồn khi biết tin ông Juan Antonio López đã bị giết ở Honduras. Điều phối viên chăm sóc mục vụ xã hội tại giáo phận Trujillo, ông là thành viên sáng lập của mục vụ chăm sóc sinh thái toàn diện tại Honduras. Tôi chia sẻ nỗi đau buồn của Giáo hội ở đó và lên án mọi hình thức bạo lực. Tôi gần gũi với tất cả những người nhìn thấy ​​các quyền căn bản của họ bị vi phạm, và với những người làm việc vì lợi ích chung để đáp lại tiếng kêu cứu của người nghèo và của trái đất.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các tín hữu của Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha gửi lời chào anh chị em người Ecuador sống tại Rome đang mừng lễ Đức Mẹ El Cisne. Cha chào ca đoàn “Teresa Enríquez de Torrijos” của Toledo, nhóm gia đình và trẻ em Slovakia, và các tín hữu Mexico.

Cha chào các anh chị em tham gia cuộc tuần hành để nâng cao nhận thức về những điều kiện của tù nhân. Chúng ta phải hoạt động để bảo đảm rằng các tù nhân được sống trong điều kiện đàng hoàng. Bất kỳ ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Người ta bị giam cầm để sau đó có thể tiếp tục cuộc sống lương thiện.

Tôi xin chào đoàn đại biểu đã đến đây nhân Ngày nâng cao nhận thức về chứng mất điều hòa quốc tế (International Ataxia Awareness Day) và Hiệp hội “La Palma” của Castagnola di Massa.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình. Thật đáng buồn, căng thẳng đang ở mức cao trên các mặt trận chiến tranh. Hãy để tiếng nói của những dân tộc đang kêu gọi hòa bình được lắng nghe. Chúng ta đừng quên Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar đang bị đau khổ, nhiều quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2024]


Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

MIKE NELSON | AFP

Hugues Lefèvre

15/09/24



Từ năm 1964, tất cả các giáo hoàng đều sử dụng phương tiện di chuyển này và đôi khi trải qua những tình huống khác thường trên máy bay. Sau đây là một số sự kiện đáng nhớ trên các chuyến bay của giáo hoàng.


Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong buồng lái

Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng đầu tiên đi máy bay. Đó là năm 1964. Ngài lên máy bay từ sân bay Fiumicino của Rome để thực hiện chuyến đi lịch sử đến Đất Thánh từ ngày 24 đến 26 tháng 5. Trên máy bay, một chiếc Douglas DC8 do hãng Alitalia vận hành, vị Giáo hoàng người Ý đã đi vòng vào buồng lái và nhân cơ hội này ban phép lành cho đội tuần tra không quân hộ tống máy bay.

Trên chuyến bay này, Tòa thánh cũng bắt đầu truyền thống gửi lời chào thân ái tới chính quyền các nước máy bay đi qua không phận.

Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

Leemage via AFP

Ngay cả ngày nay, khi vào không phận của một quốc gia, Tòa Thánh vẫn gửi một thông điệp trong đó Đức Giáo hoàng ban phép lành cho người dân. Năm 2014, khi máy bay của Đức Giáo hoàng Phanxicô bay qua Trung Quốc để đến Hàn Quốc, một sự cố truyền dẫn đã ngăn cản bức điện tín được chuyển đến nơi, gây ra “một sự bất tiện nhỏ về ngoại giao”. Theo yêu cầu của Trung Quốc, Tòa Thánh đã phải gửi lại thông điệp.


Chuyến dừng chân không theo lịch trình của Đức Gioan Phaolô II tại Nam Phi

Chuyến tông du Châu Phi của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 9 năm 1988 không bao gồm Nam Phi, khi đó vẫn còn dưới chế độ phân biệt chủng tộc, một chế độ bị vị giáo hoàng người Ba Lan lên án nghiêm khắc. Chương trình bao gồm các chuyến thăm đến năm quốc gia Châu Phi gồm: Zimbabwe, Botswana, Lesotho (nằm trong Nam Phi), Swaziland (một phần nằm trong Nam Phi) và Mozambique. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã làm thay đổi hành trình được lên kế hoạch chi tiết ... và buộc chiếc Boeing 707 phải từ bỏ Maseru (Lesotho) và chuyển hướng đến Johannesburg.

Biến cố này buộc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phải đến chào Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi tại phòng chờ sân bay. Sau đó, Đức Giáo hoàng đã vượt qua 340 dặm đường bộ Nam Phi. Phóng viên của Le Monde lúc đó kể lại: “Đức Giáo hoàng và đoàn tùy tùng của ngài trên một chiếc limousine của ‘chính phủ phân biệt chủng tộc’ và toàn bộ đoàn tháp tùng thuộc tôn giáo và báo chí của ngài đi trên ba chiếc xe đò sang trọng, được chính phủ cung cấp, bảo vệ và cho cung cấp thức ăn. Khi nói đến việc thể hiện đẹp để đánh bóng hình ảnh và danh tiếng của đất nước, người Nam Phi biết cách làm hiệu quả”.

Một lần khác, thời tiết một lần nữa lại đóng vai trò trong lịch sử tông du của giáo hoàng, nhưng với ít hậu quả hơn về mặt ngoại giao. Chẳng hạn, khi trở về từ chuyến đi đến Ấn Độ năm 1986, máy bay của vị giáo hoàng người Ba Lan đã buộc phải hạ cánh ở Naples vì ​​tuyết ngăn không cho máy bay hạ cánh tại sân bay Fiumicino của Rome. Cuối cùng, người đứng đầu Giáo hội Công giáo đã kết thúc chuyến đi của mình bằng xe lửa!


Đức Gioan Phaolô II ... trên máy bay Concorde

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn giữ kỷ lục về các chuyến tông du chính thức ra nước ngoài nhiều nhất: 104 chuyến đi đến 129 quốc gia khác nhau. Nhưng ngài chắc chắn cũng giữ kỷ lục về chuyến đi nhanh nhất, khi ngài bay trên chiếc Concorde, chiếc máy bay nổi tiếng của Pháp-Anh có tốc độ bay vượt quá 1.300 dặm một giờ.

Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

MIKE NELSON | AFP

Người đàn ông trong trang phục trắng đã bước lên “chiếc máy bay trắng tuyệt đẹp” để bay từ Saint-Denis de La Réunion đến Lusaka ở Zambia vào tháng 5 năm 1989. Theo truyền thống, quốc gia đón tiếp giáo hoàng sẽ cung cấp một hãng hàng không địa phương, trong trường hợp này là Air France, cho chuyến bay trở về. Mười một năm sau, vào ngày 25 tháng 7 năm 2000, khi chiếc Concorde bị rơi sau khi cất cánh từ Paris, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gửi một bức điện chia buồn tới chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.


12 người tị nạn bay về cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô

Vào tháng 4 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khiến cả thế giới ngạc nhiên. Sau chuyến đi một ngày đến đảo Lesvos (Hy Lạp) để cảnh báo Châu Âu về hoàn cảnh khốn khổ của di dân, vị giáo hoàng người Argentina đã đưa ba gia đình từ Damascus và Deir ez-Zor, một thành phố bị tổ chức khủng bố ISIS chiếm đóng, lên máy bay của ngài. Được đưa đến một trung tâm dành cho người di cư trên đảo Hy Lạp, 12 người tị nạn này — bao gồm sáu trẻ vị thành niên — đã được hưởng lợi từ trực giác của một người trong họ hàng của Đức Giáo hoàng, người đã đưa ra ý tưởng này với ngài một tuần trước chuyến đi.

“Đó chỉ là một giọt nước trong đại dương! Nhưng sau giọt nước này, biển cả sẽ không còn như cũ nữa!” Chính bằng câu trích dẫn này của Mẹ Teresa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã giải thích cho hành động của mình với các nhà báo có mặt trên chuyến bay.

Về vấn đề đức tin của những người di cư này, tất cả họ đều là người Hồi giáo, Đức Giáo hoàng trả lời: “Tôi không lựa chọn giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo. Ba gia đình này đã có giấy tờ theo hợp lệ, các giấy tờ cần thiết, và vì vậy điều đó là có thể. Ví dụ, có hai gia đình Kitô hữu trong danh sách đầu tiên không có giấy tờ hợp lệ. Đó không phải là một đặc quyền. Cả 12 người đó đều là con cái của Chúa. ‘Đặc quyền’ là được làm con cái của Thiên Chúa.”


Đức Thánh Cha Phanxicô làm lễ cưới cho một cặp đôi trên máy bay

Vào tháng 1 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành bí tích hôn phối cho một nữ tiếp viên hàng không và một nam tiếp viên hàng không của hãng hàng không Latam của Mỹ Latinh trên chuyến bay giữa Santiago và Itquique ở Chile. Đôi vợ chồng này đã kết hôn dân sự được 10 năm và có hai đứa con, họ dự định sẽ kết hôn tại Nhà thờ vào năm 2010, nhưng một trận động đất đã phá hủy nhà thờ của họ trước ngày lễ. Vì vậy, cặp đôi đã đoan hứa chung thủy trước Chúa trong khi bay trên bầu trời và trước sự chứng kiến ​​của vị Giáo hoàng.

Các vị Giáo hoàng và những chuyến bay: Những câu chuyện bất ngờ và khác thường

Photo by HO / OSSERVATORE ROMANO / AFP

Giấy chứng nhận kết hôn, được viết trên một tờ giấy và được Vatican công bố, có chữ ký của cô dâu, chú rể, Đức Giáo hoàng và chủ hãng hàng không, được chọn làm người làm chứng. “Đức Thánh Cha nắm lấy tay chúng tôi, làm phép nhẫn và cử hành bí tích hôn phối cho chúng tôi nhân danh Chúa. Những điều ngài nói với chúng tôi vô cùng quan trọng: ‘Bí tích hôn nhân là bí tích mà thế giới cần. Cha hy vọng điều này sẽ khuyến khích các cặp đôi kết hôn’”, đôi vợ chồng nói với các nhà báo. “Tất cả các điều kiện đều rõ ràng”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đoan chắc tại cuộc họp báo sau chuyến tông du Nam Mỹ của ngài.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/9/2024]