Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

*******

Lúc 12 giờ trưa nay (ND: 10/11/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với gần 18.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến thái độ đạo đức giả của một số kinh sư mà Chúa Kitô lên án. Họ là những người “đằng sau bề ngoài đạo mạo và theo chủ nghĩa duy luật” đã chiếm lấy các đặc quyền và hành xử “như những kẻ hủ hóa”, lợi dụng sau lưng những người khác, “thực hiện những điều bất công và bảo đảm việc không bị trừng phạt”. Ngược lại, Đức Thánh Cha nói rằng giữ các vai trò quyền lực đồng nghĩa với việc hy sinh bản thân, giúp mọi người vươn lên, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (x. Mc 12:38-44) kể cho chúng ta việc Chúa Giêsu ở trong đền thờ Giêrusalem trước dân chúng đã tố cáo thái độ giả hình của một số kinh sư (x. cc. 38-40).

Các kinh sư được giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng Israel: họ đọc, ghi chép lại và giải thích Kinh thánh. Do đó, họ rất được trọng vọng và mọi người kính trọng họ.

Tuy nhiên, ngoài vẻ bề ngoài, hành vi của họ thường không tương ứng với những gì họ dạy. Họ không nhất quán. Trên thực tế, một số người dựa vào uy tín và quyền lực mà họ có được đã khinh khi người khác, nhìn người khác “từ trên cao” – ngạo nghễ nhìn người khác từ trên cao là điều rất xấu – họ tỏ vẻ ngạo nghễ, và đằng sau bề ngoài đạo mạo và theo chủ nghĩa duy luật đã chiếm lấy các đặc quyền và thậm chí còn đi xa hơn khi thực hiện những hành vi đánh cắp cách trắng trợn gây thiệt hại cho những người yếu đuối nhất, chẳng hạn như các bà góa (x. c. 40). Thay vì dùng vai trò mà họ được giao để phục vụ người khác, họ biến nó thành công cụ cho sự kiêu ngạo và thao túng. Và đối với họ điều đó dẫn đến nguy cơ rằng ngay cả khi cầu nguyện, khi đó cũng không còn là khoảnh khắc để gặp gỡ Chúa, mà là một dịp để phô trương sự trọng vọng và lòng đạo đức giả tạo, rất hữu ích để thu hút sự chú ý của mọi người và tìm kiếm sự chấp thuận (x. nt.). Chúng ta hãy nhớ lại những điều Chúa Giêsu nói về lời cầu nguyện của người thu thuế và người Pharisêu (x. Lc 18:9-14).

Họ – không phải tất cả – đã hành xử như những kẻ hủ hóa, nuôi dưỡng một hệ thống xã hội và tôn giáo trong đó việc lợi dụng sau lưng người khác là điều bình thường, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, gây ra những bất công và bảo đảm việc không bị trừng phạt cho bản thân.

Chúa Giêsu cảnh báo phải tránh xa những người này, phải “coi chừng” họ (x. c. 38), không làm như họ. Thật vậy, như chúng ta đã biết, bằng lời nói và tấm gương, Chúa dạy những điều rất khác về quyền bính. Người nói về quyền bính theo nghĩa hy sinh bản thân và phục vụ cách khiêm nhường (x. Mc 10:42-45), theo nghĩa dịu dàng của hiền mẫu và hiền phụ đối với mọi người (x. Lc 11:11-13), đặc biệt là những người đang cần đến nhất (Lc 10:25-37). Người mời gọi những người được trao giữ thẩm quyền hãy nhìn người khác từ vị thế quyền bính của họ, không phải để hạ nhục người khác, mà là để nâng họ lên, trao cho họ hy vọng và sự trợ giúp.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có cách cư xử thế nào trong những phạm vi trách nhiệm của mình? Tôi có hành động với sự khiêm nhường không, hay tôi khoe khoang địa vị của mình? Tôi có đại lượng và tôn trọng mọi người không, hay tôi đối xử với họ một cách thô lỗ và độc đoán? Và với những anh chị em yếu đuối nhất, tôi có gần gũi với họ không, tôi có biết cách cúi xuống để giúp nâng họ lên không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ của tính giả hình trong chính mình – Chúa Giêsu nói rằng họ là những kẻ giả hình, giả hình là một cám dỗ rất lớn – và giúp chúng ta làm việc thiện một cách đơn sơ và không phô trương.

_____________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha Don Giuseppe Torres Padilla, người đồng sáng lập Dòng Nữ tu Thánh giá, đã được phong Chân phước tại Seville ngày hôm qua. Ngài sống tại Tây Ban Nha vào thế kỷ 19, và đã thể hiện mình là một linh mục của tòa giải tội và hướng dẫn tinh thần, làm chứng cho lòng bác ái lớn lao cho những người đang cần đến. Xin tấm gương của ngài nâng đỡ các linh mục trong sứ vụ của họ. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Ba năm trước, Laudato si’ Action Platform đã được ra mắt. Tôi cảm ơn những người làm việc để hỗ trợ sáng kiến ​​này. Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29, sẽ bắt đầu vào ngày mai tại Baku, có thể đưa ra những đóng góp hiệu quả cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha gần gũi với người dân Đảo Flores ở Indonesia, nơi bị ảnh hưởng bởi sự phun trào núi lửa; cha cầu nguyện cho các nạn nhân, cho người thân của họ và những người phải di tản. Và một lần nữa cha nhớ đến những người dân Valencia và các vùng khác của Tây Ban Nha đang phải đối mặt với các hậu quả của lũ lụt. Cha hỏi anh chị em một câu hỏi: anh chị em đã cầu nguyện cho Valencia chưa? Anh chị em đã nghĩ đến việc đóng góp một số tiền để giúp đỡ những người dân đó chưa? Đây chỉ là một câu hỏi.

Tin tức đến từ Mozambique thật đáng lo ngại. Tôi mời mọi người hãy tham gia đối thoại, khoan dung và kiên trì tìm kiếm các giải pháp công bằng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể người dân Mozambique để tình hình hiện tại không khiến họ mất niềm tin vào con đường dân chủ, công lý và hòa bình.

Và xin chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang bị đau khổ, nơi mà ngay cả các bệnh viện và các tòa nhà dân sự khác cũng đã bị tấn công; và chúng ta hãy cầu nguyện cho Palestine, Israel, Li Băng, Myanmar và Sudan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trên toàn thế giới.

Hôm nay, Giáo hội Ý kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ngành nông nghiệp và khuyến khích canh tác đất đai theo cách bảo tồn độ phì nhiêu của đất cho các thế hệ tương lai.

Cha chào thân ái tất cả anh chị em người Rome và những anh chị em hành hương, và các bạn trẻ Immacolata. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Kazakhstan, Moscow, New York, Bastia ở Corsica, Beja và Algarve ở Bồ Đào Nha, Warsaw, Lublin và các vùng khác của Ba Lan. Tôi chào Ủy ban thúc đẩy Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, cùng với đại diện của nhiều trường đại học Công giáo; Cha chào những tình nguyện viên từ Ngân hàng Thực phẩm và Ban nhạc Ý của Quân đoàn Vận tải và Vật liệu. Chúng ta hãy hy vọng rằng ban nhạc sẽ chơi một bản nhạc tuyệt vời cho chúng ta!

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2024]


Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Cách để nhận biết và trân trọng những cử chỉ yêu thương nhỏ bé trong các mối quan hệ của chúng ta, để không lãng quên những người thực sự quan trọng đối với mình

Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Pexels - Pixabay


*******

Cho dù trái tim chúng ta đang ở Valencia, chúng ta cũng có thể nhìn lại, sống lại trong ký ức bài hát mang tính biểu tượng của Cecilia, “Một bó hoa violet” (A bunch of violets). Bạn còn nhớ không? Bài hát kể về câu chuyện của một người phụ nữ, cứ đến ngày 9 tháng 11 cô lại nhận được một bó hoa violet mà không có thiệp. Cô ấy hớn hở, tưởng tượng xem tình yêu bí mật này sẽ là ai. Trong khi đó, chồng cô là người khá kín đáo và trang nghiêm, lặng lẽ nhìn cô, mỉm cười. Anh là người viết những câu thơ ẩn danh đó cho cô; anh chính là tình yêu bí mật đó.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà có thể tất cả chúng ta đều đều mắc phải một chút “hội chứng hoa violet”: chúng ta quên mất việc trân quý những người bên cạnh mình, những người bạn đồng hành trong cuộc sống. Có lẽ cách tốt nhất để tránh điều này là học lấy từ bài học mà Gary Chapman để lại cho chúng ta trong quyển sách The Five Love Languages (Năm ngôn ngữ tình yêu) ​​của ông.

Chapman giải thích rằng mỗi người đều có cách trao và đón nhận tình yêu riêng biệt, độc đáo, và việc nhận ra được điều này có thể củng cố vững chắc những mối quan hệ của chúng ta. Có người coi trọng thời gian dành cho nhau, dừng cả thế giới lại vì bạn. Tuy nhiên, người khác lại thể hiện tình yêu của họ qua các hành động phục vụ, làm những công việc mà chúng ta ít muốn làm nhất, chẳng hạn như đổ rác hoặc đưa xe đi bảo dưỡng, những cử chỉ nhỏ này thường không được chú ý, nhưng lại chứa đầy tình cảm. Những người thể hiện tình cảm theo cách này thường không được đánh giá cao. Cũng có những người tìm thấy quà tặng là một cách để thể hiện tình cảm to lớn của họ khi họ cảm thấy lời nói là không đủ.

Có những người cảm thấy được yêu thương qua những lời nói trìu mến: một tin nhắn yêu thương, một lời khen ngợi hoặc sự công nhận khiến họ cảm thấy được coi trọng. Tuy nhiên, với những người khác thì việc tiếp xúc thể lý lại là quan trọng; họ cần những cái ôm, sự vuốt ve và gần gũi để cảm thấy được yêu thương và thể hiện tình yêu của họ.

Hiểu rõ bản thân, biết rõ những người chúng ta yêu thương và cách họ cảm nhận được yêu như thế nào là vô cùng quan trọng, nhận biết điều đó khi họ trao cho chúng ta một bài thơ âm thầm qua những hành động phục vụ, khi họ cần chia sẻ một khoảnh khắc đặc biệt, hoặc mua một món quà nhỏ vào một ngày ngớ ngẩn nào đó. Chúng ta đừng để mình phải đau khổ như người phụ nữ trong bài hát của Cecilia; chúng ta không phải gánh chịu “hội chứng bó hoa violet” vào ngày 9 tháng 11. Tại sao lại không tránh điều đó?


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2024]