Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 05.01.2025

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 05.01.2025

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 05.01.2025

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 5 Tháng Một, 2025

_________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Thật là tốt, anh chị em thật can đảm, với trận mưa này! Chúc anh chị em Chúa Nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng (x. Ga 1:1-18), nói với chúng ta về Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, cho chúng ta biết rằng “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5). Như vậy, trích đoạn Tin mừng nhắc nhở chúng ta rằng tình yêu của Thiên Chúa vô cùng mạnh mẽ, không bị bất cứ điều gì chế ngự và, bất chấp những trở ngại và sự từ chối, vẫn tiếp tục tỏa rạng và soi sáng con đường của chúng ta.

Chúng ta thấy điều đó vào Giáng sinh, khi Con Thiên Chúa, làm người, vượt qua rất nhiều bức tường và rất nhiều chia rẽ. Ngài đối mặt với những đầu óc và tâm hồn khóa kín của những con người “vĩ đại” trong thời đại của Ngài, họ quan tâm nhiều đến việc bảo vệ quyền lực hơn là tìm kiếm Chúa (x. Mt 2:3-18). Rồi Ngài chia sẻ cuộc sống khiêm nhường của Mẹ Maria và Thánh Giuse, những người chào đón và nuôi dạy Ngài bằng tình yêu, nhưng với những khả năng hạn hẹp cùng những khó khăn của những người không có phương tiện: họ nghèo. Ngài hiến mình, trở nên mong manh và không có khả năng tự vệ, để gặp gỡ những người chăn chiên (x. Lc 2:8-18), những con người với tâm hồn mang đậm dấu ấn của sự khắc nghiệt của cuộc sống và sự khinh miệt của xã hội; và sau đó là gặp các nhà Thông thái (x. Mt 2:1) được thúc đẩy bởi lòng khát khao muốn biết Ngài, họ phải đương đầu với một cuộc hành trình dài và tìm thấy Ngài trong ngôi nhà của những người bình thường, trong cảnh nghèo khó tột cùng.

Đối mặt với những thách đố này và nhiều thách đố khác, dường như mâu thuẫn, Thiên Chúa không bao giờ dừng lại – chúng ta hãy lắng nghe điều này thật rõ ràng, Thiên Chúa không bao giờ dừng lại. Chúa tìm ra hàng ngàn cách để tiếp cận mọi người, tiếp cận mỗi người chúng ta, bất kể chúng ta ở đâu, không tính toán và đặt điều kiện, ngay cả trong những đêm đen tối nhất của nhân loại, mở ra những cánh cửa ánh sáng mà bóng tối không thể che khuất (x. Is 9:1-6). Đó là một thực tại an ủi và khích lệ chúng ta, đặc biệt là trong thời đại như thời đại của chúng ta, thời đại không dễ dàng, một thời đại cần ánh sáng, hy vọng và hòa bình, một thế giới nơi con người có những lúc tạo ra các tình huống phức tạp đến mức dường như không thể thoát ra được. Dường như không thể thoát ra khỏi chúng, ra khỏi nhiều tình huống.

Nhưng hôm nay Lời Chúa cho chúng ta biết rằng không phải vậy! Thay vào đó, Lời Chúa kêu gọi chúng ta noi gương Thiên Chúa Tình yêu, mở ra những tia sáng ở bất cứ nơi đâu chúng ta có thể, với bất kỳ ai chúng ta gặp, trong bất kỳ bối cảnh nào: gia đình, xã hội, quốc tế. Lời mời gọi chúng ta không sợ hãi đặt bước chân đầu tiên – đây là lời mời gọi của Chúa hôm nay – không sợ hãi đặt bước chân đầu tiên. Cần phải có lòng can đảm để làm điều đó, nhưng chúng ta đừng sợ mở toang những cánh cửa ánh sáng của sự gần gũi với những người đang đau khổ, cánh cửa của sự tha thứ, của lòng trắc ẩn và sự hòa giải: đây là những bước đi đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện để làm cho cuộc hành trình trở nên rõ ràng hơn, an toàn hơn và khả thi hơn cho tất cả mọi người. Và lời mời gọi này vang vọng một cách đặc biệt trong Năm Thánh vừa mới bắt đầu, thúc giục chúng ta trở thành những sứ giả của niềm hy vọng với một lời “xin vâng” đơn sơ nhưng cụ thể đối với sự sống, với những lựa chọn mang đến sự sống. Chúng ta hãy làm điều này, tất cả chúng ta, làm điều này: đây là con đường cứu độ!

Và vì vậy, nhân dịp đầu năm mới, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi làm cách nào để có thể mở ra một cửa sổ ánh sáng trong môi trường và trong các mối quan hệ của tôi? Tôi có thể trở thành một tia sáng ở nơi đâu để tình yêu của Chúa soi chiếu qua? Bước đầu tiên tôi nên thực hiện hôm nay là gì?

Xin Mẹ Maria, ngôi sao dẫn đường đến với Chúa Giêsu, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân chiếu sáng về tình yêu của Chúa Cha dành cho mọi người.

______________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha xin chào tất cả anh chị em tín hữu của Rome và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Cách đặc biệt tôi gửi lời chào các thầy cô giáo của Tổng giáo phận Zagreb. Các bạn thân mến, tôi chúc các bạn mọi điều tốt đẹp nhất trong công việc của mình, một công việc rất quan trọng cho việc đào tạo văn hóa, tinh thần và đạo đức của các thế hệ trẻ.

Cha chào các tín hữu của Orzinuovi, các gia đình của Massa Lombarda, các thừa tác viên và nhân viên mục vụ Postioma và Porcellengo, các bạn trẻ của Hội “Huynh đệ Phan Sinh Bêtania” và các bạn trẻ Concesio, nơi sinh của Thánh Phaolô VI, và các bạn trẻ Immacolata. Cha chào nhóm thiếu niên đến từ giáo hạt Oggiono thuộc tỉnh Lecce, đang hành hương mừng Năm Thánh.

Và chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, tại Ukraine, Palestine, Israel, Lebanon, Syria, Myanmar và Sudan. Mong rằng cộng đồng quốc tế hành động kiên quyết để luật nhân đạo được tôn trọng trong các cuộc xung đột. Không còn những cuộc tấn công vào trường học, bệnh viện; không còn các cuộc tấn công vào nơi làm việc! Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại, luôn luôn!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và hẹn gặp anh chị em ngày mai!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2025]


Tiếp Hiệp hội các Thầy Cô giáo Tiểu học Công giáo Ý, Liên đoàn các Thầy Cô giáo, các nhà Quản lý, các Nhà giáo dục và Huấn luyện viên Trường Công giáo Ý và Hội Cha Mẹ các Trường Công giáo, ngày 04.01.2025

Tiếp Hiệp hội các Thầy Cô giáo Tiểu học Công giáo Ý, Liên đoàn các Thầy Cô giáo, các nhà Quản lý, các Nhà giáo dục và Huấn luyện viên Trường Công giáo Ý và Hội Cha Mẹ các Trường Công giáo, ngày 04.01.2025

Tiếp Hiệp hội các Thầy Cô giáo Tiểu học Công giáo Ý, Liên đoàn các Thầy Cô giáo, các nhà Quản lý, các Nhà giáo dục và Huấn luyện viên Trường Công giáo Ý và Hội Cha Mẹ các Trường Công giáo, ngày 04.01.2025

*******

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ​​Hiệp hội các Thầy Cô giáo Tiểu học Công giáo Ý, Liên đoàn các Thầy Cô giáo, các nhà Quản lý, các nhà giáo dục và Huấn luyện viên Trường Công giáo Ý, và Hội Cha Mẹ các Trường Công giáo tại Điện Tông tòa Vatican.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt:

______________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân dịp ngày kỷ niệm các Hiệp hội của anh chị em: kỷ niệm 80 năm thành lập Hiệp hội các Thầy Cô giáo Tiểu học Công giáo Ý và Liên đoàn các Thầy Cô giáo, các nhà Quản lý, các nhà giáo dục và Huấn luyện viên Trường Công giáo Ý, và kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Cha Mẹ các Trường Công giáo. Đây là cơ hội tốt để nhớ đến, để nhớ lại lịch sử của anh chị em và hướng tới tương lai. Việc thực hành này, sự chuyển động này giữa cội nguồn, ký ức và hoa trái tức là kết quả, chính là chìa khóa cho cam kết trong giáo dục.

Cuộc họp mặt của chúng ta diễn ra trong mùa phụng vụ Giáng sinh, thời điểm cho chúng ta thấy phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Và “phương pháp giáo dục” của Người là gì, phương pháp giáo dục của Thiên Chúa là gì? Đó là sự gần gũi, gần gũi. Thiên Chúa gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Ba đặc tính của Thiên Chúa là: gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Gần gũi. Gần gũi. Chính Chúa, với tư cách là một người thầy bước vào thế giới của các học trò, đã chọn sống giữa mọi người để dạy bảo bằng ngôn ngữ của sự sống và tình yêu. Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và đơn sơ: điều đó mời gọi chúng ta đến với phương pháp sư phạm coi trọng điều cốt lõi và đặt sự khiêm nhường, tính nhưng không và sự chấp nhận vào trung tâm. Một phương pháp sư phạm xa cách, xa cách mọi người, thì vô ích, nó không ích gì. Giáng sinh dạy chúng ta rằng sự vĩ đại không được thể hiện ở những thành công hay sự giàu có, mà ở tình yêu và sự phục vụ người khác. Phương pháp sư phạm của Thiên Chúa là một phương pháp cho đi, một tiếng gọi sống hiệp thông với Ngài và với tha nhân, như một phần trong kế hoạch của tình huynh đệ phổ quát, một kế hoạch trong đó gia đình có vị trí trung tâm và không thể thay thế. Gia đình. Ngoài ra, phương pháp sư phạm này là một lời mời gọi công nhận phẩm giá của mỗi người, bắt đầu từ những người bị từ chối và ở bên lề, như những người chăn chiên đã bị đối xử cách đây hai ngàn năm, và quý trọng giá trị của mọi giai đoạn của sự sống, kể cả tuổi thơ.

Đừng quên rằng gia đình là trung tâm. Có người kể với tôi rằng vào một ngày Chúa Nhật, anh đang ăn trưa tại một nhà hàng, và ở một chiếc bàn gần đó có một gia đình: cha, mẹ, con trai và con gái. Cả bốn người đều đang dùng điện thoại di động và họ không nói chuyện với nhau. Người này cảm nhận điều gì đó, và anh ấy đến gần họ, nói: “Các bạn là một gia đình, tại sao các bạn không nói chuyện với nhau mà lại nói như thế này, thật là lạ …”. Họ lắng nghe anh ta, sau đó họ xua anh ta đi và lại tiếp tục như vậy ... Xin làm ơn, trong gia đình, người ta phải chuyện trò! Gia đình là đối thoại, chính sự đối thoại giúp chúng ta trưởng thành.

Cuộc gặp gỡ hôm nay cũng diễn ra vào khởi đầu hành trình Năm Thánh, đã khai mạc cách đây vài ngày với việc cử hành biến cố mà qua đó niềm hy vọng đi vào thế giới, với sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Năm Thánh có nhiều điều để nói với thế giới giáo dục, và cả thế giới học đường. Thật vậy, “những người hành hương của hy vọng” là tất cả những người tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của họ và cũng là người giúp cho những người bé mọn nhất tiến bước trên con đường này. Người thầy giỏi là một người thầy của hy vọng, vì họ cống hiến hết mình với lòng tự tin và kiên nhẫn cho một dự án phát triển con người. Hy vọng của họ không ngây thơ, nó bắt nguồn từ thực tế, được nâng đỡ bởi sự vững tin rằng mọi nỗ lực giáo dục đều có giá trị và rằng mỗi người đều có phẩm giá và mỗi người đều có một ơn gọi xứng đáng được nuôi dưỡng. Tôi đau lòng khi thấy những trẻ em không được học hành và phải đi làm, thường xuyên bị bóc lột, hoặc đi tìm thức ăn hoặc đồ vật trong đống rác để bán. Rất cực khổ. Và có những đứa trẻ như vậy!

Niềm hy vọng là động lực giúp nhà giáo dục giữ vững nỗ lực hằng ngày của họ, ngay cả khi gặp khó khăn và thất bại. Nhưng chúng ta phải làm gì để không mất niềm hy vọng và nuôi dưỡng hy vọng mỗi ngày? Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, người thầy và người bạn đồng hành: điều này cho phép chúng ta thực sự trở thành những người hành hương của hy vọng. Hãy nghĩ đến những người anh chị em gặp gỡ ở trường, các trẻ và những người lớn: “Mọi người đều biết hy vọng là gì. Trong tâm hồn của mỗi người, niềm hy vọng ngự trị như một khát khao và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến, cho dù chúng ta không biết tương lai có thể mang đến điều gì” (Spes non confundit, 1). Những niềm hy vọng này của con người, thông qua mỗi người chúng ta, có thể gặp gỡ niềm hy vọng Kitô giáo, niềm hy vọng trổ sinh từ đức tin và đời sống bác ái. Và chúng ta đừng quên: hy vọng không làm thất vọng. Sự lạc quan làm thất vọng, nhưng hy vọng không làm thất vọng. Một niềm hy vọng vượt quá mọi mong muốn của con người, vì nó mở rộng tâm trí và trái tim trước sự sống và vẻ đẹp vĩnh cửu.

Trường học cần điều này! Anh chị em được kêu gọi phát triển và truyền tải một văn hóa mới, một nền văn hóa mới, dựa trên sự gặp gỡ giữa các thế hệ, trên sự hòa nhập, sự phân định chân, thiện, mỹ; một nền văn hóa có trách nhiệm cả về phương diện cá nhân và tập thể, để đối mặt với những thách thức toàn cầu như khủng hoảng môi trường, xã hội và kinh tế, và thách thức lớn về hòa bình. Ở trường, các bạn có thể “hình dung ra hòa bình”, nghĩa là đặt nền móng cho một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, với sự đóng góp của những rèn luyện và sáng tạo của trẻ em và thanh thiếu niên. Nhưng nếu ở trường, các em gây chiến với nhau, nếu ở trường, các em bắt nạt những bạn có vấn đề, thì đó là đang chuẩn bị cho chiến tranh, chứ không phải hòa bình. Xin đừng bao giờ bắt nạt, các bạn có hiểu điều này không? Tôi nghĩ là không... [trả lời: ‘Có!’] Không bắt nạt! Tất cả chúng ta đồng thanh nói điều này! Nào! Không bao giờ bắt nạt! Tôi vẫn chưa hiểu... [lặp lại: Không bao giờ bắt nạt!] Hãy mạnh dạn và tiến tới. Hãy làm việc này.

Anh chị em thân mến, hôm nay anh chị em ở đây để kỷ niệm những ngày thành lập quan trọng của các hiệp hội của mình, được thành lập để đóng góp cho trường học, nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu giáo dục của trường. À, cha không nhớ nữa, anh chị em đã nói gì nhỉ? [Họ trả lời: “Không bắt nạt!”]. Tôi hiểu rồi. Và không phải nói với ngôi trường như một thùng chứa hàng, mà với những người sống và làm việc trong đó: các học sinh, các thầy cô giáo, phụ huynh, ban quản lý và toàn thể nhân viên. Khởi đầu lịch sử của anh chị em, có một sự hiểu biết sâu sắc rằng chỉ bằng cách liên kết, cùng đồng hành thì người ta mới có thể cải thiện ngôi trường, mà về bản chất đó là một cộng đồng, một cộng đồng cần sự đóng góp của mọi người. Những vị sáng lập của các bạn đã sống vào thời mà các giá trị của con người và quyền công dân dân chủ cần được làm chứng ​​và củng cố, vì lợi ích của tất cả mọi người; và kể cả giá trị của tự do giáo dục. Đừng bao giờ quên mình đã đến từ đâu, nhưng đừng ngoảnh mặt nhìn hướng khác khi đang bước đi, khóc thương thời đã qua! Điều này rất quan trọng. Và anh chị em không được làm gì, đó là gì? [Họ trả lời: “Không bao giờ bắt nạt!”]. Anh chị em đã học được! Hãy nghĩ đến hiện tại của trường học, tương lai của xã hội, đang phải đối mặt với sự thay đổi của thời đại. Hãy nghĩ đến những thầy cô giáo trẻ đang chập chững những bước đi đầu tiên ở trường, và nghĩ đến những gia đình cảm thấy đơn độc trong nhiệm vụ giáo dục của mình. Với từng người đó, hãy đề xuất phong cách giáo dục và liên kết của anh chị em với sự khiêm tốn và tươi mới; và đó là gì? [Họ trả lời: “Không bắt nạt!”] Đừng quên điều này.

Tôi động viên anh chị em cùng nhau làm tất cả những điều này, với một hình thức “giao ước giữa các hiệp hội”, vì theo cách này, anh chị em có thể làm chứng tốt hơn cho khuôn mặt của Giáo hội trong trường học và vì trường học. Hy vọng không bao giờ làm thất vọng, không bao giờ; hy vọng không bao giờ đứng yên, nó luôn chuyển động và khiến chúng ta chuyển động. Vì vậy, hãy tự tin tiến về phía trước! Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và những người tạo nên mạng lưới các hiệp hội của anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi, và đừng quên…? [Họ trả lời: “Không bao giờ bắt nạt!”]. Anh chị em đã học nhớ! Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/1/2025]