Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 16.06.2024: Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tin tưởng chờ đợi sau khi gieo hạt giống

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tin tưởng chờ đợi sau khi gieo hạt giống

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 16.06.2024: Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta tin tưởng chờ đợi sau khi gieo hạt giống

Vatican Media - Angelus June 16, 2024


*******

Lúc 12 giờ hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện bên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với khoảng 15 ngàn tín hữu và khách hành hương có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Cùng với những người hành hương, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về hình ảnh gieo hạt và hạt giống được Tin Mừng đưa ra. Và ngài bày tỏ mối quan ngại về những vụ giết người in odium fidei ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa qua hình ảnh hạt giống (x. Mc 4:26-34). Chúa Giêsu sử dụng cách ví von này nhiều lần (x. Mt 13:1-23; Mc 4:1-20; Lc 8:4-15), và hôm nay Ngài làm như vậy bằng cách mời gọi chúng ta suy tư cách đặc biệt về một thái độ quan trọng liên quan đến hình ảnh của hạt giống: đó là thái độ tin tưởng chờ đợi.

Thật vậy, trong việc gieo hạt, cho dù người làm nông có gieo hạt giống tốt đến mấy hay nhiều bao nhiêu, hoặc chuẩn bị đất kỹ càng như thế nào đi nữa thì cây cũng không nảy mầm ngay lập tức: cần có thời gian và cần có sự kiên nhẫn! Vì vậy, điều cần thiết là sau khi gieo hạt, người đó phải biết vững tâm chờ đợi, để hạt nở đúng lúc và hạt nảy mầm đâm chồi và phát triển đủ mạnh để bảo đảm cuối cùng có được vụ mùa bội thu (xem câu 28-29). Dưới lòng đất, phép lạ đang diễn ra (x. câu 27), có một sự phát triển rất lớn, nhưng nó vô hình, cần có sự kiên nhẫn, và trong khi chờ đợi, cần phải tiếp tục chăm sóc, tưới nước và giữ cho đất sạch sẽ, cho dù dường như ngoài mặt không có gì xảy ra.

Nước Thiên Chúa cũng giống như vậy. Chúa đặt vào trong chúng ta những hạt giống của lời Ngài và ân sủng của Ngài, những hạt giống tốt lành, những hạt giống dồi dào, và rồi không ngừng đồng hành với chúng ta, Ngài kiên nhẫn chờ đợi. Chúa tiếp tục chăm sóc chúng ta, với sự tin tưởng của một người Cha, nhưng Ngài cho chúng ta thời gian – Chúa kiên nhẫn – để những hạt giống nảy mầm, lớn lên và phát triển đến mức sinh hoa trái các việc lành. Và đó là vì Chúa không muốn thứ gì trong cánh đồng của Ngài bị mất đi, mọi thứ phải đạt đến mức trưởng thành trọn vẹn; Ngài muốn tất cả chúng ta có thể lớn lên như bông lúa.

Không chỉ như thế. Khi làm việc này, Chúa trao cho chúng ta một mẫu gương: Ngài dạy chúng ta cũng biết gieo Tin Mừng cách vững tin dù chúng ta ở đâu, và rồi chờ đợi hạt giống đã được gieo lớn lên và sinh hoa trái trong chúng ta và nơi người khác, mà không nản chí và không ngừng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau kể cả những lúc chúng ta dường như chưa thấy được kết quả ngay lập tức dù đã rất nỗ lực. Quả thật, ngay cả trong chúng ta, không kể vẻ bề ngoài, phép lạ cũng đang diễn ra và đến thời điểm nó sẽ sinh nhiều hoa trái!

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Lời Chúa có được gieo trong tôi không? Tôi có vững tin gieo Lời Chúa ở nơi tôi sống không? Tôi có kiên nhẫn chờ đợi hay nản chí vì không thấy được kết quả ngay lập tức? Và tôi có biết cách an tâm phó thác mọi sự cho Chúa, trong khi cố gắng hết sức để loan báo Tin Mừng không?

Xin Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã đón chào và làm cho hạt giống Lời Chúa lớn lên trong Mẹ, giúp chúng ta trở thành những người gieo hạt giống Tin Mừng cách quảng đại và tin tưởng.

_________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm qua, Cha Michał Rapacz đã được phong chân phước tại Krakow. Là một linh mục và tử đạo, một mục tử theo Thánh tâm Đức Kitô, một chứng nhân trung thành và quảng đại của Tin Mừng, ngài đã trải qua sự bách hại của Đức Quốc xã và Liên Xô và đã đáp trả bằng món quà là mạng sống của mình. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước!

Những bản tin đau thương về các cuộc đụng độ và thảm sát ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục đổ về. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia và cộng đồng quốc tế hãy làm mọi việc có thể để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ mạng sống của dân thường. Trong số các nạn nhân, có nhiều người là Kitô hữu bị giết in odium fidei. Họ là những người tử đạo. Sự hy sinh của họ là một hạt giống nảy mầm và sinh hoa trái, đồng thời dạy chúng ta làm chứng cho Tin Mừng với lòng can đảm và trung kiên.

Chúng ta không ngừng cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, Thánh Địa, cho Sudan, Myanmar và bất cứ nơi nào người dân phải chịu đau khổ vì chiến tranh.

Cha chào tất cả anh chị em, người Rome và anh chị em hành hương! Đặc biệt, cha chào các tín hữu đến từ Li Băng, Ai Cập và Tây Ban Nha; các sinh viên từ trường “London Oratory School”; anh chị em thuộc giáo phận Opole ở Ba Lan và những anh chị em thuộc giáo phận Budapest-Albertfalva; anh chị em tham gia Diễn đàn Giáo dân Châu Âu, với chủ đề “Đức tin, nghệ thuật và tính hiệp hành”; và nhóm các bà mẹ đến từ cộng đồng người Congo ở Rome. Các bà mẹ hát hay quá! Cha muốn nghe họ hát thêm lần nữa.

Cha chào các tín hữu Carini, Catania, Siracusa và Messina; các thiếu nhi và thiếu niên lớp Rước lễ Lần đầu và Thêm sức từ Mestrino; Castelsardo, Sassari, từ Bolgare, Bergamo và từ Camin, Padua; và cuối cùng là lời cảm ơn đến những người hiến máu vừa kỷ niệm ngày Quốc gia.

Cha xin chào tất cả anh chị em và chúc anh chị em Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/6/2024]


Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp riêng Tổng thống Biden tại G7

Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media

13/06/24



Ngài cũng sẽ gặp các vị lãnh đạo của một số quốc gia khác bao gồm Pháp (ông Macron), Ukraine (ông Zelensky), Brazil (ông Lula), Ấn Độ (ông Modi) và Thổ Nhĩ Kỳ (ông Erdogan).

Trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Bari để tham dự G7, Vatican đã công bố chương trình cho chuyến đi này vào ngày 13 tháng 6 năm 2024, trong đó Đức Giáo hoàng dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo (AI).

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cũng sẽ có hàng chục cuộc gặp gỡ song phương. Những cuộc họp riêng được lên lịch với các vị nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ: Tổng thống Biden (Mỹ), Tổng thống Macron (Pháp), Tổng thống Zelensky (Ukraine), Tổng thống Lula (Brazil), Thủ tướng Modi (Ấn Độ) và Tổng thống Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ).


Cảnh báo về trí tuệ nhân tạo

Đức Thánh Cha Phanxicô sắp bước vào một cuộc chạy marathon về ngoại giao chỉ kéo dài vài giờ. Ở tuổi 87, Đức Thánh Cha đến thành phố Bari của Ý với tư cách là thành viên của G7 để vận động các nguyên thủ quốc gia về tính cần thiết của pháp chế toàn cầu để quản lý vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo. Tòa Thánh đã nghiên cứu về vấn đề này trong nhiều năm và Đức Thánh Cha dành hai thông điệp quan trọng cho vấn đề này vào tháng Giêng.

Nhưng trí tuệ nhân tạo không phải là chủ đề duy nhất trong chương trình nghị sự của Đức Giáo hoàng, ngài sẽ đến ngoại ô Bari, thủ phủ của vùng Puglia bằng trực thăng vào lúc 12:30 trưa.

Chào đón ngài là Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu vòng đầu tiên của các cuộc gặp song phương sau những cánh cửa đóng kín. Sau cuộc họp với người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo sẽ hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.


Cuộc gặp với Tổng thống Zelensky

Hai người đã nói chuyện nhiều lần qua điện thoại từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Một năm trước, ông Volodymyr Zelensky được Đức Thánh Cha tiếp riêng khoảng 40 phút tại Vatican. Đó là một buổi tiếp kiến ​​được công bố rộng rãi, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về “sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực nhân đạo để hỗ trợ người dân”. Tuy nhiên, sau đó tổng thống Ukraine tỏ ra không mấy hào hứng với ý tưởng hòa giải của Vatican, mà muốn Tòa thánh tập trung vào vấn đề ngoại giao nhân đạo.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Ukraine sẽ diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16 tháng Sáu, một sự kiện quốc tế quan trọng trong đó Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ tham dự.


Cuộc gặp lần thứ 5 với Tổng thống Emmanuel Macron

Sau khi kết thúc cuộc gặp với tổng thống Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp tổng thống Emmanuel Macron. Đây sẽ là cuộc gặp chính thức thứ năm của hai người. Lần gần đây nhất là vào tháng 9, khi Đức Giáo hoàng đến Marseille tham gia Rencontres Méditerranéennes (Cuộc gặp gỡ Địa Trung hải).

Trong ít phút đàm phán kín, các cuộc thảo luận có thể tập trung vào vấn đề hòa bình ở Ukraine và Gaza. Một nguồn tin của Rome cho I.MEDIA biết rằng tình hình chính trị của Pháp cũng có thể là một trong những chủ đề được thảo luận.

Mặc dù dự luật về cái chết êm dịu của Pháp đã bị trì hoãn do Quốc hội giải tán sau các cuộc bầu cử ở Châu Âu, nhưng Đức Giáo hoàng có thể bày tỏ sự thất vọng của ngài trước một văn bản cho phép trợ tử và an tử. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo tổng thống Pháp: “Chúng ta không đùa giỡn với sự sống”.

Sau cuộc gặp gỡ lần thứ tư theo lịch trình với Thủ tướng Canada Justin Trudeau – người đã đến Vatican vào tháng 5 năm 2017 – Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia phiên họp chung của G7 lúc 2:15 chiều, tại đây ngài sẽ có bài phát biểu về trí tuệ nhân tạo. Nghi thức chụp ảnh chung tất cả các tham dự viên vào lúc 5:30 chiều, trước khi các cuộc gặp gỡ song phương thứ hai của Đức Thánh Cha bắt đầu.


Tổng thống Joe Biden, một cuộc gặp vì hòa bình?

Trước tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp ông William Samoei Ruto, tổng thống Kenya, quốc gia mà ngài đã đến thăm vào năm 2015. Sau đó, ngài sẽ gặp ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội của đất nước ông. Trong chuyến thăm Vatican vào tháng 10 năm 2021, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ấn Độ. Đức Thánh Cha vẫn chưa chính thức chấp nhận lời mời này.

Tổng thống Joe Biden sau đó sẽ gặp riêng vị đứng đầu Giáo hội Công giáo. Đức Thánh Cha đã tiếp ông ông tại văn phòng của ngài ở Vatican vào tháng 10 năm 2021. Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến ​​sẽ đặt vấn đề hòa bình lên bàn nói chuyện, như ngài đã làm trong cuộc điện đàm vào Tháng Mười năm trước. Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho quân đội Israel và Ukraine.


Tổng thống Brazil, mối quan hệ thân tình

Tổng thống Brazil, Luiz Inácio “Lula” da Silva, người đã đến thăm Vatican hơn một năm trước, sẽ gặp lại Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc họp riêng. Trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, 20 năm sau chiến thắng bầu cử đầu tiên, vị nguyên thủ quốc gia Brazil có mối quan hệ thân tình với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2019, một bức thư của Đức Phanxicô gửi ông Lula đã bị rò rỉ tới giới báo chí Brazil. “Sự thật sẽ chiến thắng những gian dối, sự cứu rỗi sẽ chiến thắng sự kết án,” đức giáo hoàng viết bày tỏ sự thông cảm đối với nhà lãnh đạo Đảng Công nhân trước “những thử thách khó khăn” mà ông đã trải qua cả về mặt chính trị lẫn trong gia đình.


Chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ với Tổng thống Erdoğan?

Đức Thánh Cha cũng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Một lần nữa, dự kiến hai vị ​​sẽ thảo luận về các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Tháng 10 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã gọi cho nhau để phản ứng trước cuộc xung đột đầy chết chóc giữa Hamas và Israel.

Một chủ đề khác có thể được thảo luận là chuyến tông du có thể diễn ra của Đức Thánh Cha tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2025, để đánh dấu kỷ niệm 1700 năm thành lập Công đồng Nicaea. Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo có thể đến thăm Phanar, trụ sở của Tòa Thượng phụ Constantinople ở Istanbul, và sau đó là — cùng với Đức Thượng phụ Bartholomew — Iznik, tên hiện tại của Nicaea, thành phố sản sinh ra Kinh Tin kính đầu tiên của Kitô giáo.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Tổng thống Algeria, Abdelmadjid Tebboune, người cũng được mời tham dự phiên bản G7 lần này. Mối quan hệ giữa Algeria và Tòa thánh luôn đầy căng thẳng. Chưa có vị giáo hoàng nào từng đến thăm đất nước Maghreb này. Đã từng có những đồn đoán về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô để phong chân phước cho 19 vị tử đạo Algeria nhưng Tòa thánh đã bác bỏ vào năm 2018.

Sau chuỗi sự kiện ngoại giao căng thẳng kết thúc — duy nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô —, ngài sẽ trở về Vatican bằng trực thăng, và ngài sẽ hạ cánh lúc 9 giờ 15 tối.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/6/2024]