Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, ngày 05.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024) – Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno, ngày 05.09.2024

*******

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Huấn từ của Đức Thánh Cha sau Thánh Lễ

Chiều nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng xe hơi đến Sân vận động Gelora Bung Karno. Sau khi chạy một vài vòng bằng xe giáo hoàng quanh khu vực của các tín hữu ngồi, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ mừng kính Thánh Têrêsa Calcutta.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng.

Cuối cùng, sau bài phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha của Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám Chính tòa Jakarta, Đức Thánh Cha gửi lời chào và lời cảm ơn đến các tín hữu và khách hành hương hiện diện. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Tòa Sứ thần Tòa thánh bằng xe hơi.

Tại hai sân vận động nơi diễn ra Thánh lễ, có hơn 100.000 tín hữu hiện diện.

Dưới đây là bài giảng và lời cảm ơn của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ:

_____________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta sống hai thái độ căn bản giúp chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Thái độ thứ nhất là lắng nghe Lời Chúa, và thái độ thứ hai là sống Lời Chúa. Thứ nhất, lắng nghe, vì mọi thứ đều đến từ việc lắng nghe, từ việc mở lòng mình ra với Ngài, đón nhận món quà quý giá là tình bạn của Chúa. Sau đó, điều quan trọng là sống Lời chúng ta đã đón nhận, để việc lắng nghe không trở nên vô ích và lừa dối chính mình (x. Gc 1:22). Thật vậy, những ai mạo hiểm chỉ lắng nghe bằng tai thì không cho phép hạt giống Lời Chúa đi vào lòng mình để từ đó thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của bản thân, và điều này không tốt. Lời được trao ban và được đón nhận qua việc lắng nghe, mong muốn trở thành sống động chúng ta, biến đổi chúng ta và trở thành cụ thể trong cuộc sống của chúng ta.

Tin Mừng vừa được công bố giúp chúng ta suy tư về hai thái độ trọng yếu này: lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa. Thánh sử kể rằng nhiều người lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu và “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5:1). Họ đang tìm kiếm Chúa, đói khát Lời Chúa và họ nghe thấy lời đó vang vọng trong lời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng này, lặp lại nhiều lần sau đó trong Phúc âm, cho chúng ta biết rằng tâm hồn con người luôn tìm kiếm một chân lý có thể nuôi dưỡng và thỏa mãn mong ước hạnh phúc của mình. Chúng ta không thể được thỏa mãn chỉ bằng lời nói của con người, bằng lối suy nghĩ của thế gian này và những phán xét trần gian. Chúng ta luôn cần một ánh sáng từ trên cao soi rọi những bước chân mình, nước hằng sống có thể làm dịu cơn khát của sa mạc linh hồn, sự an ủi không làm chúng ta thất vọng vì nó đến từ thiên đàng chứ không phải từ những thứ phù du của thế gian này. Thưa anh chị em, giữa sự hỗn độn và phù phiếm của lời nói của con người, chúng ta cần đến Lời của Chúa, la bàn đích thực duy nhất cho hành trình của chúng ta, chỉ có lời đó mới có khả năng dẫn chúng ta trở về với ý nghĩa đích thực của cuộc sống giữa biết bao thương tổn và hỗn loạn.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của người môn đệ – và tất cả chúng ta đều là môn đệ! – không phải là khoác lên mình một lòng mộ đạo hoàn hảo bề ngoài, làm những việc phi thường hay dấn thân vào những công cuộc vĩ đại. Không, thay vào đó, nhiệm vụ đầu tiên, bước đầu tiên, là biết cách lắng nghe Lời duy nhất cứu độ, Lời của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong Tin Mừng, khi Thầy bước lên thuyền của Phêrô để cách xa bờ một chút và từ đó giảng dạy tốt hơn cho mọi người (x. Lc 5:3). Đời sống đức tin của chúng ta bắt đầu khi chúng ta khiêm nhường chào đón Chúa Giêsu vào con thuyền cuộc đời mình, dành chỗ cho Chúa, lắng nghe lời Người và cho phép mình được chất vấn, thách thức và được thay đổi bởi Lời của Người.

Đồng thời, thưa anh chị em, Lời Chúa đòi hỏi phải được thể hiện cách cụ thể trong chúng ta để chúng ta được kêu gọi sống Lời Chúa. Chỉ lặp lại Lời mà không sống lời Chúa, thì chúng ta giống như những con vẹt: đúng vậy, chúng ta nói lời Chúa, nhưng không hiểu Lời Người, không sống Lời Chúa. Sau khi Chúa Giêsu kết thúc giảng dạy cho đám đông từ trên thuyền, Chúa quay sang Phêrô và thách đố ông hãy mạnh dạn đánh cuộc với lời Chúa: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (câu 4). Lời Chúa không thể chỉ là một ý tưởng trừu tượng bóng bảy hoặc chỉ khơi dậy một cảm xúc thoáng qua. Lời Chúa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhìn và cho phép trái tim chúng ta được biến đổi theo hình ảnh trái tim của Đức Kitô. Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy can đảm thả lưới Tin Mừng xuống biển thế gian, chấp nhận rủi ro, vâng, chấp nhận rủi ro khi sống tình yêu mà Chúa đã sống và dạy chúng ta sống. Thưa anh chị em, với sức mạnh cháy bỏng của Lời, Chúa cũng yêu cầu chúng ta hãy ra khơi, thoát khỏi những bến bờ trì trệ của những thói quen xấu, những nỗi sợ hãi và sự tầm thường và dám sống một đời sống mới. Ma quỷ thích sự tầm thường, vì nó xâm nhập vào bên trong chúng ta và hủy hoại chúng ta.

Tất nhiên, luôn có những trở ngại và những lý do để từ chối tiếng gọi này. Chúng ta hãy xem lại hành vi của Phêrô. Ông đã lên bờ sau một đêm khó khăn không đánh bắt được gì. Ông tức giận, mệt mỏi và thất vọng, nhưng thay vì bị tê liệt vì sự trắng tay đó hoặc bị cản trở bởi sự thất bại của bản thân, ông nói: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (câu 5). Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới. Sau đó, một điều chưa từng thấy đã xảy ra, phép lạ về một chiếc thuyền đầy cá đến mức khi nó gần chìm (câu 7).

Anh chị em thân mến, đứng trước nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hằng ngày, cùng với lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đều cảm nhận để xây dựng một xã hội công bằng hơn và tiến bước trên con đường hòa bình và đối thoại – con đường đã tồn tại từ lâu ở Indonesia – có thể nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng. Đôi khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của cam kết và sự dấn thân của mình không luôn đơm hoa kết trái, hoặc những sai lầm của mình dường như cản trở hành trình mà chúng ta đang thực hiện. Chúng ta cũng được yêu cầu không để mình trở thành tù nhân của những thất bại, điều này rất tệ, vì những thất bại sẽ cầm giữ chúng ta và chúng ta có thể trở thành tù nhân của chúng. Không, xin đừng để mình trở thành tù nhân của những thất bại. Thay vì chỉ nhìn vào những tấm lưới trống rỗng, chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Giêsu và tin tưởng Người. Đừng nhìn vào những chiếc lưới trống rỗng của mình, hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Người sẽ giúp bạn bước đi, Người sẽ giúp bạn, hãy phó thác cho Chúa Giêsu! Ngay cả khi chúng ta đã trải qua một đêm thất bại và những lúc thất vọng khi không bắt được gì, chúng ta vẫn có thể can đảm ra khơi và thả lưới một lần nữa. Bây giờ chúng ta hãy dành một phút thinh lặng và anh chị em từng người hãy nghĩ đến những thất bại của riêng mình. Và nhìn vào những thất bại này, chúng ta hãy mạo hiểm, hãy tiến về phía trước với lòng can đảm của Lời Chúa.

Thánh Têrêsa Calcutta, người mà chúng ta mừng kính hôm nay và là người không biết mệt mỏi chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo và trở thành người cổ vũ hòa bình và đối thoại, đã từng nói: “Khi chúng ta không có gì để cho đi, hãy cho đi cái không có gì đó. Và hãy nhớ rằng, ngay cả khi bạn không gặt hái được gì, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt”. Thưa anh chị em, đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo hạt, vì đây là sự sống.

Anh chị em thân mến, tôi cũng muốn nói với anh chị em, với quốc gia này, với quần đảo tuyệt vời và đa dạng này, đừng mệt mỏi khi giương buồm, đừng mệt mỏi khi thả lưới, đừng mệt mỏi khi mơ ước, đừng mệt mỏi khi xây dựng lại nền văn minh hòa bình. Hãy luôn dám ước mơ về tình huynh đệ, đó là một kho báu đích thực giữa anh chị em. Được hướng dẫn bởi Lời Chúa, tôi động viên anh chị em hãy gieo hạt giống tình yêu, tự tin bước đi trên con đường đối thoại, tiếp tục thể hiện lòng nhân hậu và sự tốt lành của mình bằng nụ cười là nét đặc trưng của anh chị em. Anh chị em đã được nói cho biết rằng anh chị em là một dân tộc luôn nở nụ cười chưa? Xin đừng đánh mất nụ cười của mình, và hãy tiếp tục tiến về phía trước! Và hãy là những người xây dựng hòa bình. Hãy là những người xây dựng hy vọng!

Các đức Giám mục trong nước gần đây đã bày tỏ một mong muốn mà tôi cũng muốn truyền đạt đến toàn thể người dân Indonesia: hãy cùng nhau bước đi vì lợi ích của xã hội và của Giáo hội! Hãy là những người xây dựng hy vọng. Anh chị em hãy lắng nghe thật kỹ: hãy là những người xây dựng hy vọng, hy vọng của Tin Mừng, không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5:5), không bao giờ làm chúng ta thất vọng, nhưng thay vào đó mở ra cho chúng ta niềm vui bất tận. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

________________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha sau Lễ

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Ignatius, cũng như ngài Chủ tịch Hội đồng Giám mục và các vị Giám mục của Giáo hội Indonesia, cùng với các linh mục và phó tế là những người phục vụ dân thánh của Chúa tại đất nước vĩ đại này. Tôi cũng xin cảm ơn các tu sĩ nam nữ, tất cả các tình nguyện viên và, với tình cảm sâu sắc là những vị cao niên, các bệnh nhân và người đau khổ đã cầu nguyện cho chúng tôi. Cảm ơn anh chị em!

Chuyến viếng thăm của tôi đến với anh chị em sắp kết thúc, và tôi muốn bày tỏ lời tri ân đối với sự chào đón tuyệt vời mà tôi đã nhận được. Một lần nữa tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới ngài Tổng thống nước Cộng hòa, ngài đã có mặt ở đây hôm nay, tới các Nhà Chức trách Dân sự khác và các cơ quan an ninh, tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể người dân Indonesia.

Sách Công vụ Tông đồ chép rằng vào ngày Lễ Ngũ tuần, có một sự rung chuyển lớn ở Giêrusalem. Và mọi người đều ồn ào rao giảng Tin Mừng. Anh chị em thân mến, xin hãy ồn ào lên! Hãy ồn ào lên!

Xin Chúa ban phúc lành cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2024]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, ngày 05.09.2024

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore (từ ngày 2 đến 13 tháng 9 năm 2024) – Gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”, ngày 05.09.2024

*******

Sáng nay, sau khi rời Tòa Sứ thần Tòa thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal” để tham dự cuộc họp liên tôn.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Đại Imam, Giáo sư K. H. Nasaruddin Umar, MA, chào đón bên ngoài Đền thờ Hồi giáo. Hai vị cùng nhau đến thăm Đường hầm tình Bằng hữu (Tunnel of Friendship), và Đức Thánh Cha chào những người có mặt tại đây. Sau khi một bài hát chào mừng được cất lên, hai vị tiến đến căn lều lớn nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Sau khi hát một đoạn Kinh Qur'an và đọc một đoạn trong Phúc âm theo thánh Luca, Đức Đại Imam có bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp theo là đọc và ký “Tuyên bố chung Istiqlal 2024”. Sau đó, Đức Thánh Cha đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, sau nghi thức quà tặng, Đức Thánh Cha và Đức Đại Imam di chuyển đến sân của Đền thờ để chụp ảnh với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác có mặt. Sau đó, Đức Đại Imam chào tạm biệt Đức Thánh Cha tại Cổng Alfattah.

Sau đây là lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô trước những người có mặt tại “Đường hầm tình Bằng hữu” và bài diễn từ của ngài trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo “Istiqlal”:

__________________________________________


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui khi được ở đây, tại ngôi Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Châu Á, cùng với tất cả anh chị em. Tôi xin chào Đức Đại Imam và cảm ơn ngài vì những gì ngài nói, nhắc nhở chúng ta rằng nơi thờ phượng và cầu nguyện này cũng là “một ngôi nhà lớn cho nhân loại”, nơi mọi người đều có thể bước vào và dành thời gian cho bản thân, để mở ra không gian cho lòng khao khát vô hạn mà mỗi người chúng ta mang trong lòng, và để tìm kiếm sự gặp gỡ với Thượng đế và cảm nghiệm niềm vui của tình bằng hữu với người khác.

Ngoài ra, tôi muốn nhắc lại rằng Đền thờ này được thiết kế bởi kiến ​​trúc sư Friedrich Silaban, một người Kitô hữu đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế. Điều đó chứng minh cho thực tế rằng trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia này và trong nền văn hóa của đất nước, Đền thờ Hồi giáo, cũng như những nơi thờ phượng khác, là những không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại hòa hợp giữa các tôn giáo và các cảm thức tâm linh khác nhau. Đây là một món quà tuyệt vời mà anh chị em được kêu gọi vun đắp mỗi ngày, để những kinh nghiệm tôn giáo có thể là điểm tham chiếu cho một xã hội huynh đệ và hòa bình và không bao giờ là lý do cho sự khép kín hoặc đối đầu.

Về vấn đề này, cần phải nhắc đến đường hầm, “đường hầm tình bằng hữu”, nối liền Đền thờ Istiqlal và Nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ Lên Trời. Đây là một dấu hiệu hùng hồn cho phép hai nơi thờ phượng lớn này không chỉ “ở trước mặt” nhau mà còn “kết nối” với nhau. Thật vậy, lối đi này tạo điều kiện cho sự gặp gỡ, đối thoại và khả năng thực sự để “tìm thấy và chia sẻ một ‘bí ẩn’ của việc sống chung, hòa nhập và gặp gỡ […] bước vào dòng chảy này, cho dù có lộn xộn, nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một đoàn lữ hành đoàn kết, một cuộc hành hương thiêng liêng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 87). Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp tục đi trên con đường này để tất cả chúng ta, cùng nhau, mỗi người vun đắp đời sống tâm linh và thực hành tôn giáo của mình, có thể tiến bước tìm kiếm Thiên Chúa và góp phần xây dựng các xã hội rộng mở, được xây dựng trên sự tôn trọng và tình yêu thương lẫn nhau, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể biện minh được.

Luôn lưu tâm đến những điều đã nói, tượng trưng bằng đường hầm này, tôi muốn để lại cho anh chị em hai gợi ý để khuyến khích anh chị em trên con đường thống nhất và hòa hợp mà anh chị em đã chọn.

Thứ nhất là hãy luôn nhìn cách sâu sắc, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể tìm thấy sự hợp nhất bất kể những khác biệt của chúng ta. Thật vậy, trên bề mặt có những không gian trong Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chánh tòa được xác định rõ ràng và thường xuyên được các tín hữu của hai tôn giáo lui tới, nhưng dưới lòng đất trong đường hầm, cũng những con người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với những quan điểm tôn giáo của nhau. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta về một sự thật quan trọng rằng những khía cạnh hữu hình của các tôn giáo – các nghi lễ, những cách thực hành, v.v. – là một di sản phải được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng những gì nằm “ở bên dưới”, những gì chạy dưới lòng đất, giống như “đường hầm tình bằng hữu”, là cội rễ chung cho tất cả các cảm thức tôn giáo: sự tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với thần linh, sự khao khát vô hạn mà Đấng Toàn năng đã đặt vào tâm hồn chúng ta, sự tìm kiếm một niềm vui lớn lao hơn và một sự sống mạnh mẽ hơn bất kỳ cái chết nào, điều truyền sức sống cho hành trình cuộc sống của chúng ta và thúc đẩy chúng ta vượt ra ngoài bản thân để gặp gỡ Thượng Đế. Ở đây, chúng ta nhớ rằng bằng cách nhìn sâu sắc, nắm bắt những gì chảy trong sâu thẳm cuộc sống của chúng ta, khát vọng về sự viên mãn ngự trị trong tận đáy lòng, chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên con đường đến với Thiên Chúa, vượt ra ngoài những gì làm chúng ta khác biệt.

Gợi ý thứ hai là gìn giữ những mối gắn kết giữa anh chị em. Đường hầm được xây dựng để tạo ra sự liên kết giữa hai nơi khác nhau và cách nhau về địa lý. Đây chính là công việc của đường hầm: nối kết, tạo nên sự liên kết. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung giữa các học thuyết và niềm tin tôn giáo khác nhau bất kể cái giá phải trả là gì. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể khiến chúng ta chia rẽ, vì học thuyết và giáo điều của mỗi tôn giáo đều khác nhau. Điều thực sự đưa chúng ta lại gần nhau hơn là tạo ra mối liên kết giữa sự đa dạng, vun đắp các mối gắn kết tình bằng hữu, sự quan tâm và mối tương quan. Những mối tương quan này gắn kết chúng ta với người khác, cho phép chúng ta cam kết cùng nhau tìm kiếm sự thật, học hỏi từ truyền thống tôn giáo của người khác và cùng nhau đáp ứng cho các nhu cầu về con người và tinh thần. Chúng cũng là những mối liên kết cho phép chúng ta cùng nhau làm việc, cùng nhau tiến bước để theo đuổi những mục tiêu chung: bảo vệ phẩm giá con người, chống lại đói nghèo và thúc đẩy hòa bình. Sự đoàn kết nảy sinh từ mối liên kết tình bạn cá nhân cũng như sự tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ ý kiến của người khác và không gian thiêng liêng của họ. Ước mong anh chị em luôn trân trọng điều này!

Anh chị em thân mến, “thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại” là con đường mà chúng ta được gọi đi theo. Đó cũng là tiêu đề của tuyên bố chung được chuẩn bị cho dịp này. Bằng cách trung thành với con đường này, chúng ta đảm nhận trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đôi khi là bi thảm đe dọa tương lai của nhân loại như chiến tranh và xung đột, đôi khi đáng buồn là do sự thao túng tôn giáo gây ra, và cuộc khủng hoảng môi trường, là rào cản đối với sự phát triển và chung sống của các dân tộc. Trước những cuộc khủng hoảng này, điều quan trọng là các giá trị chung của tất cả các truyền thống tôn giáo phải được thúc đẩy cách hiệu quả để giúp xã hội “đánh bại văn hóa bạo lực và thờ ơ” (Tuyên bố chung Istiqlal) và thúc đẩy hòa giải và hòa bình.

Tôi cảm ơn anh chị em vì con đường chung mà anh chị em đang đi. Indonesia là một đất nước vĩ đại, một bức tranh ghép của các văn hóa, các dân tộc và truyền thống tôn giáo, một sự đa dạng rất phong phú, và cũng được phản ánh trong hệ sinh thái đa dạng. Nếu sự thật là anh chị em có mỏ vàng lớn nhất thế giới, thì hãy biết rằng kho báu quý giá nhất chính là quyết tâm làm hài hòa những khác biệt thông qua sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau thay vì trở thành nguyên nhân gây ra xung đột. Anh chị em được biết đến với sự hòa hợp này. Đừng đánh mất món quà này! Đừng làm kiệt quệ kho báu vĩ đại này. Ngược lại, hãy vun đắp và truyền lại nó, đặc biệt là cho lớp người trẻ. Ước mong không ai đầu hàng trước sự quyến rũ của chủ nghĩa chính thống và bạo lực. Thay vào đó, mong rằng mọi người đều kinh ngạc trước giấc mơ về một xã hội và nhân loại tự do, huynh đệ và hòa bình!

Cảm ơn những nụ cười hòa nhã của anh chị em, luôn tỏa sáng trên khuôn mặt và là dấu hiệu của vẻ đẹp và sự cởi mở trong lòng của anh chị em. Xin Thiên Chúa bảo vệ món quà này. Với sự trợ giúp và phúc lành của Người, Bhinneka Tunggal Ika, đoàn kết trong sự đa dạng. Cảm ơn anh chị em!

______________________________________________


Lời chào trong Đường hầm tình Bằng hữu

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chúc mừng tất cả anh chị em vì mục đích của “Đường hầm tình Bằng hữu” này là trở thành nơi để đối thoại và gặp gỡ.

Khi nghĩ đến đường hầm, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra một con đường tối tăm. Điều này có thể đáng sợ, đặc biệt là khi chúng ta ở một mình. Nhưng ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được soi sáng. Nhưng tôi muốn nói với anh chị em rằng chính anh chị em là ánh sáng soi sáng nó, và anh chị em soi sáng nó bằng tình bạn, bằng sự hòa hợp mà anh chị em vun đắp, bằng sự hỗ trợ mà anh chị em dành cho nhau, và bằng hành trình cùng nhau, mà cuối cùng sẽ dẫn đưa anh chị em đến với ánh sáng trọn vẹn.

Chúng ta, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, có vai trò giúp mọi người vượt qua những đường hầm của cuộc sống với đôi mắt hướng về ánh sáng. Và khi kết thúc hành trình, chúng ta có thể nhận ra một người anh em, một người chị em, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và hỗ trợ lẫn nhau, nơi những người đã đồng hành cùng chúng ta.

Trước nhiều thách thức ngày nay, chúng ta đáp lại bằng dấu chỉ của tình huynh đệ. Thật vậy, bằng cách chào đón người khác và tôn trọng bản sắc của họ, tình huynh đệ thúc đẩy họ trên con đường đi chung trong tình bạn và hướng tới ánh sáng.

Tôi xin tri ân những người làm việc với lòng vững tin rằng chúng ta có thể sống trong hòa bình và hòa hợp, và nhận thức được sự cần thiết về một thế giới huynh đệ hơn. Tôi hy vọng rằng các cộng đồng của chúng ta ngày càng rộng mở hơn với đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng của sự chung sống hòa bình đặc trưng của Indonesia.

Tôi cầu xin Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng tất cả chúc phúc cho tất cả những ai đi qua Đường hầm này trong tinh thần của tình bạn, hòa hợp và tình huynh đệ. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/9/2024]