Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 09.06.2024: “Hãy để tình yêu tự do của Thiên Chúa đổ tràn đầy và mở rộng tâm hồn chúng ta”

“Hãy để tình yêu tự do của Thiên Chúa đổ tràn đầy và mở rộng tâm hồn chúng ta”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 09.06.2024: “Hãy để tình yêu tự do của Thiên Chúa đổ tràn đầy và mở rộng tâm hồn chúng ta”

Vatican Media


*******

Trưa Chúa Nhật ngày 9 tháng Sáu năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 15.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật phúc lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (x. Mc 3:20-35) cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, sau khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài, đã phải đối mặt với sự phản ứng từ hai phía: một là từ những người thân của Ngài lo lắng và sợ rằng Ngài mất trí, và phản ứng từ các nhà chức trách tôn giáo, họ cáo buộc Ngài hành động dưới ảnh hưởng của tà thần. Trên thực tế, Chúa Giêsu rao giảng và chữa lành người bệnh bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và chính Thần Khí đã làm cho Ngài hoàn toàn tự do, tức là có khả năng yêu thương và phục vụ vô vị lợi hoặc vô điều kiện. Chúa Giêsu, tự do. Chúng ta hãy dừng lại một chút để chiêm ngưỡng sự tự do này của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu tự do thoát khỏi sự giàu sang: vì thế, Ngài đã rời bỏ sự an toàn của ngôi làng Nadarét để ôm lấy một đời sống nghèo khó đầy bấp bênh (x. Mt 6:25-34), tự do chăm sóc các bệnh nhân và bất cứ ai đến cầu xin Ngài giúp đỡ mà không bao giờ đòi hỏi được đền đáp lại bất cứ điều gì (x. Mt 10:8). Tính cách nhưng không của sứ vụ Chúa Giêsu là như thế. Và đó cũng là tính nhưng không của mọi thừa tác vụ.

Ngài tự do thoát khỏi quyền lực: thật vậy, mặc dù kêu gọi nhiều người theo Ngài, nhưng Chúa không bao giờ bắt buộc ai phải làm việc đó, cũng không bao giờ tìm sự ủng hộ của những người quyền thế, mà luôn đứng về phía kẻ sau rốt, dạy bảo các môn đệ hãy làm như Ngài đã làm (x. Lc 22:25-27).

Cuối cùng, Chúa Giêsu tự do thoát khỏi việc tìm kiếm danh vọng và sự chấp nhận, và vì lý do này, Ngài không bao giờ từ bỏ nói lên sự thật, ngay cả khi với cái giá là không được thấu hiểu (x. Mc 3:21), không được hâm mộ, thậm chí đến mức chết trên thập giá, không cho phép mình bị đe dọa, bị mua chuộc, không bị hủ hóa bởi bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai (x. Mt 10:28).

Chúa Giêsu là một người tự do. Ngài tự do trước sự giàu sang, tự do trước quyền lực, tự do trước sự tìm kiếm danh vọng. Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta cho phép mình bị tác động bởi việc tìm kiếm lạc thú, quyền lực, tiền bạc hoặc sự đồng thuận, thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những điều này. Thay vào đó, nếu chúng ta để cho tình yêu được Chúa ban cho cách tự do đổ đầy chúng ta và rộng mở tâm hồn chúng ta, và nếu chúng ta cho phép nó tuôn tràn cách tự nhiên, bằng cách trao tặng lại cho người khác với cả con người chúng ta, mà không sợ hãi, tính toán hay đặt điều kiện, thì chúng ta sẽ phát triển trong tự do, và lan tỏa hương thơm tốt lành của nó ra xung quanh chúng ta.

Vì vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có phải là người tự do không? Hay tôi để mình bị giam cầm bởi những chuyện hoang đường về tiền bạc, quyền lực và thành công, hy sinh sự thanh thản và bình an của chính bản thân cũng như của người khác cho những điều này? Ở những nơi tôi sống và làm việc, tôi có lan tỏa luồng khí trong lành của sự tự do, chân thành và tự nhiên không?

Xin Đức Nữ Trinh Maria giúp chúng ta sống và yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy, trong sự tự do của những người con của Thiên Chúa (x. Rm 8:15,20-23).

_____________________


Sau Kinh Truyền tin

Hai ngày nữa, tại Jordan, một hội nghị quốc tế về tình hình nhân đạo ở Gaza sẽ được tổ chức, do ngài Quốc vương Jordan, Tổng thống Ai Cập và Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập. Tôi xin cảm ơn họ vì sáng kiến ​​quan trọng này, và tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế hãy khẩn trương hành động, bằng mọi cách, để trợ giúp người dân Gaza đang kiệt sức vì chiến tranh. Viện trợ nhân đạo phải đến được với những người cần giúp đỡ và không ai có thể ngăn cản được.

Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 10 năm lời kêu gọi hòa bình tại Vatican, với sự tham dự của Tổng thống Israel, Shimon Peres, và Tổng thống Palestine Abu Mazen. Cuộc gặp gỡ đó cho thấy rằng việc chung tay là có thể, và cần có lòng dũng cảm để xây dựng hòa bình, lòng dũng cảm hơn nhiều so với việc gây chiến. Vì vậy, tôi động viên những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các bên, mặc dù chúng không hề dễ dàng, và tôi hy vọng rằng các đề xuất hòa bình, ngừng bắn trên mọi mặt trận và việc thả con tin phải được chấp nhận ngay lập tức vì lợi ích của người Palestine và người Israel.

Và chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang đau khổ, họ càng đau khổ thì càng khao khát hòa bình. Cha gửi lời chào nhóm người Ukraine cầm cờ ở đằng kia. Chúng tôi gần gũi với các bạn! Với lòng khao khát này, lòng khao khát hòa bình, vì vậy tôi khuyến khích mọi nỗ lực đang được thực hiện để có thể xây dựng hòa bình càng sớm càng tốt, với sự giúp đỡ của quốc tế. Và chúng ta đừng quên Myanmar.

Cha chào anh chị em, người Rome và những anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các thầy cô giáo đến từ Nhà thi đấu “Thánh Gioan Phaolô II” ở Kyiv, Ukraine – Slava Isusu Khrystu! (Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô) – cha động viên họ trong sứ mạng của họ trong thời điểm khó khăn và đau khổ này. Cha gửi lời chào các thầy cô giáo và học sinh của trường giáo phận “Cardenal Cisneros” thuộc giáo phận Sigüenza-Guadalajara ở Tây Ban Nha, cũng như các tín hữu của Assemini, Cagliari, các học sinh của Trường “Giovanni Prati” ở Padua, và các bạn trẻ từ giáo xứ Sant'Ireneo của Rome.

Cha lặp lại lời chào mừng tới các ca viên từ khắp nơi trên thế giới tập trung về Rome để tham gia Đại hội Quốc tế các Ca đoàn lần thứ tư. Các bạn thân mến, với tiếng hát của mình, các bạn luôn có thể tôn vinh Thiên Chúa và truyền tải niềm vui của Tin Mừng!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2024]


Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Kêu gọi hành động của các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế

Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” 
được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Tiếp các tham dự viên cuộc họp “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu” được chủ trì bởi Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Vatican Media


*******

Sáng nay (ND: 5/6/2024), trước giờ Tiếp kiến ​​chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên cuộc họp do Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học chủ trì về chủ đề “Khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu”.

Những chỉ trích về sự toàn cầu hóa được quản lý kém, đại dịch và chiến tranh là những yếu tố làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Phân tích của Đức Thánh Cha về nguyên nhân mang tính cơ cấu của vấn đề nợ nần được nhấn mạnh, không chỉ trong những quyết định kém cỏi của các quốc gia mắc nợ.

Dưới đây là lời chào mừng của Đức Thánh Cha gửi đến những người có mặt trong cuộc họp:

____________________________________________


Lời chào mừng của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến, chào mừng các bạn!

Tôi rất vui được gặp gỡ các bạn hôm nay. Tôi xin chào Đức Hồng y Turkson, Chưởng ấn Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học, cùng với tất cả các bạn đang tham dự cuộc họp về “Giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Nam toàn cầu”. Cuộc họp của các bạn nhằm mục đích tham gia vào cuộc đối thoại về việc thực hiện các chính sách nhằm giúp giải quyết vấn đề nợ đang gây đau khổ cho nhiều quốc gia ở Nam toàn cầu cũng như gây khổ sở cho hàng triệu gia đình và cá nhân trên khắp thế giới.

Không phải bất kỳ hình thức tài trợ tài chính nào cũng hữu ích cho con người, nhưng chỉ có sự tài trợ hàm ý trách nhiệm chung giữa người nhận và người cung cấp nó. Lợi ích mà nguồn tài chính này có thể mang lại cho xã hội phụ thuộc vào điều kiện của nó, vào cách nó được sử dụng và vào khuôn khổ giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ có thể phát sinh.

Theo sau sự toàn cầu hóa được quản lý yếu kém, và sau đại dịch và chiến tranh, chúng ta thấy mình phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ ảnh hưởng chủ yếu đến các quốc gia ở Nam toàn cầu, gây ra cảnh đau khổ và túng quẫn, đồng thời tước đi cơ hội có một tương lai xứng đáng của hàng triệu người. Do đó, về mặt đạo đức, không một chính phủ nào có thể bắt buộc người dân của mình phải chịu những túng thiếu không phù hợp với phẩm giá con người.

Để cố gắng phá vỡ vòng tròn nợ tài chính, cần phải tạo ra một cơ chế đa quốc gia, dựa trên sự đoàn kết và hòa hợp của các dân tộc, xét đến tính chất toàn cầu của vấn đề và những tác động kinh tế, tài chính và xã hội của nó. Việc thiếu một cơ chế như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tâm lý “mỗi người vì chính mình”, nơi mà kẻ yếu nhất luôn thua cuộc.

Tiếp nối những giáo huấn của các vị tiền nhiệm, tôi xin nhắc lại rằng chính những nguyên tắc công bằng và đoàn kết sẽ dẫn đến việc tìm ra giải pháp. Trên con đường này, điều cần thiết là phải hành động với thiện chí và sự thật, tuân theo quy tắc ứng xử quốc tế với các tiêu chuẩn đạo đức có thể hướng dẫn việc đối thoại giữa các bên. Vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến một cấu trúc tài chính quốc tế mới đầy táo bạo và sáng tạo.

Trong Năm Thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng vấn đề nợ nước ngoài “không chỉ mang tính kinh tế mà còn liên quan đến các nguyên tắc đạo đức căn bản và cần phải có một vị trí trong luật pháp quốc tế”. Ngài cũng nhìn nhận rằng “Năm Thánh có thể là một cơ hội thích hợp cho những cử chỉ thiện chí […], nhằm giảm thiểu đáng kể, nếu không muốn nói là xóa bỏ hoàn toàn, khoản nợ quốc tế […] vì lợi ích chung” (Tiếp kiến chung, ngày 3 tháng Mười Một năm 1999). Năm Thánh là một truyền thống của người Do Thái, năm mà các khoản nợ được tha. Tôi muốn lặp lại lời kêu gọi mang tính tiên tri này, một lời kêu gọi cấp bách hơn bao giờ hết, khi xét thấy rằng món nợ sinh thái và nợ nước ngoài là hai mặt của cùng một đồng xu cầm cố tương lai. Các bạn thân mến, vì vậy Năm Thánh 2025 sắp tới kêu gọi chúng ta hãy rộng mở trí lòng để có thể tháo gỡ những nút thắt của các mối ràng buộc đang bóp nghẹt hiện tại, mà không quên rằng chúng ta chỉ là những người trông coi và quản lý chứ không phải là những ông chủ.

Tôi mời gọi các bạn hãy mơ ước và cùng nhau hành động trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta một cách có trách nhiệm; chúng ta không thể sống trong đó với một lương tâm trong sáng khi biết rằng xung quanh chúng ta có vô số anh chị em đang đói khát và bị đẩy vào tình trạng bị xã hội loại trừ và dễ bị tổn thương. Để điều này trôi qua là một tội, một tội của con người. Ngay cả với một người không có đức tin, đó cũng là một tội xã hội. Những gì các bạn đang làm ở đây là rất quan trọng và tôi cầu nguyện cho các bạn. Xin Chúa chúc phúc cho các bạn. Và tôi cũng xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tôi cầu xin Chúa ban phúc lành cho tất cả các bạn. Amen.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/6/2024]