Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

Ngày Cửa Thánh suýt đổ ập xuống Đức Phaolô VI

Ngày Cửa Thánh suýt đổ ập xuống Đức Phaolô VI

Ngày Cửa Thánh suýt đổ ập xuống Đức Phaolô VI

AFP Paul VI ouvrant la “Porte sainte” de la basilique Saint-Pierre, 24 décembre 1974.


Anna Kurian

09/06/24


Từ khi Đức Phaolô VI suýt bị đè bởi đống gạch vụn từ bức tường của Cửa Thánh trong Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức mở Cửa Thánh đã được đơn giản hóa.

Đó là ngày 24 tháng 12 năm 1974. Vào đêm Giáng sinh này, các ống kính máy quay truyền hình của Vatican tập trung vào vị Giáo hoàng thứ 262 của Rome. Đội mũ và mặc lễ phục phụng vụ, Đức Phaolô VI chuẩn bị chính thức mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cho Năm Thánh 1975: Một thời điểm long trọng đối với Giáo hội Công giáo, cứ 25 năm một lần cử hành những năm thánh này với những nghi thức và nghi lễ trọng thể.

Theo thông lệ, Đức Thánh Cha đập vào Cánh cửa một cách tượng trưng – cánh cửa ở bên phải gian giữa, chỉ mở trong Năm Thánh – bằng ba nhát búa. Sau đó, bức tường gạch đã niêm phong Cửa Thánh kể từ Năm Thánh trước, được cắt rời trước mắt cộng đoàn, trước khi được tời kéo hạ từ từ xuống trước mặt giáo hoàng ... Bất thình lình, trước sự kinh hãi tột độ của các thầy phụ tế của ngài, đống gạch vụn bất ngờ đổ xuống từ trên tường, suýt chút nữa đã đè lên người Đấng kế vị Thánh Phêrô!

Những ảnh đen trắng ghi lại vụ việc cho thấy vị Giám mục Rome không hề di chuyển dù chỉ một inch, vẫn vững vàng đứng trước đống gạch vụn. Nhưng ở Vatican, bài học có hiệu quả lâu dài. Từ đó trở đi, các giáo hoàng không còn sử dụng búa, và bức tường gạch — trong đó chứa hộp đựng chìa khóa cửa thánh — sẽ được tháo dỡ vài ngày trước khi bắt đầu Năm Thánh, để tránh cho vị Giám mục Rome gặp bất kỳ rủi ro nào đối với công trình xây dựng.

Ngày nay, Đức Giáo hoàng chỉ đẩy cánh cửa cách tượng trưng khi khai mạc Năm Thánh – như Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm khi khai mạc Năm Thánh 2025, sẽ được tổ chức tại Vương cung thánh đường Vatican vào ngày 24 tháng Mười Hai.

Từ năm 1500

Nếu các Cửa Thánh là biểu tượng đặc biệt của Năm Thánh thì Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô còn hơn thế nữa. Nó đã đánh dấu khai mạc Năm Thánh kể từ năm 1500 với đức Giáo hoàng Alexander VI.

Thiết kế hiện tại của cửa thánh được nhà điêu khắc Vico Consorti tạo tác vào năm 1949. Cửa được khắc 16 tấm bảng tường thuật câu chuyện về ơn cứu độc của nhân loại, từ tội nguyên tổ, việc trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng, cho đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Bức phù điêu kết thúc bằng ảnh Chúa Kitô là cánh cửa của ơn cứu độ.

Ngày Cửa Thánh suýt đổ ập xuống Đức Phaolô VI

Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican Roland Fischer

Thực ra, ​​Cửa Thánh tượng trưng cho Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố trong Tin Mừng rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu…” (Ga 10:9). Ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập truyền thông của Vatican, giải thích trong một video: đối với hàng triệu người hành hương dự kiến sẽ ​​đến Rome vào năm tới, việc đi qua Cửa Thánh là “dấu chỉ của hành trình cứu độ mà Đức Kitô đã mở ra qua việc nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Người”.

Bốn đại vương cung thánh đường của Rome — Đền thờ Thánh Phêrô, Đền thờ Thánh Gioan Lateran, Đền thờ Đức Bà Cả và Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành — đều có Cửa Thánh. Khi đi qua các Cửa Thánh ở chặng cuối của cuộc hành hương, các tín hữu sẽ nhận được ơn toàn xá.

Các Cửa Thánh khác trên khắp thế giới có thể được mở cho năm thánh địa phương — Vương cung thánh đường Assisi cũng như Đền thờ quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội — hoặc trong các dịp năm thánh ngoại thường.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015—2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn mở Cửa Thánh đầu tiên ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi. Trong Năm Thánh 2025, Đức Giáo hoàng người Argentina dự định mở một cửa trong nhà tù.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2024]


Đại hội các ca đoàn quốc tế lần IV: Việc chúng ta cùng nhau tiến bước có thể được coi là thực hiện một “buổi hòa nhạc” vĩ đại

Việc chúng ta cùng nhau tiến bước có thể được coi là thực hiện một “buổi hòa nhạc” vĩ đại

Đại hội các ca đoàn quốc tế lần IV

Đại hội các ca đoàn quốc tế lần IV: Việc chúng ta cùng nhau tiến bước có thể được coi là thực hiện một “buổi hòa nhạc” vĩ đại

Vatican Media


*******

Hôm thứ Bảy (ND: 8/6/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ​​những người tham dự Đại hội các ca đoàn quốc tế lần thứ IV trong Khán phòng Phaolô VI, do Ca đoàn Giáo phận Rome xúc tiến, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập. Cuộc họp do Nova Ópera tổ chức và được tài trợ bởi Bộ Văn hóa và Giáo dục và Viện Giáo hoàng về Thánh nhạc diễn ra tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 9 tháng Sáu năm 2024.

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt trong buổi gặp gỡ:

______________________________________


Xin chào!

Các bạn có thấy là sự hồn nhiên của các trẻ em còn lớn hơn cả những bài phát biểu hay nhất không? Trẻ con là vậy, chúng thể hiện bản chất thật của chúng. Chúng ta phải chăm sóc trẻ em vì chúng là tương lai, là niềm hy vọng và cũng là chứng nhân cho sự hồn nhiên, ngây thơ và lời hứa. Thật vậy, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng Ngài muốn các trẻ đến gần. Khi các tông đồ bảo các bé: “Hãy đi chỗ khác!”, Chúa nói: “Không, không, hãy để các trẻ đến!” Trẻ em là những người được đặc ân. Vì lý do này, Chúa Giêsu đã nói: “Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Chúng ta phải học được bài học từ sự hồn nhiên mà các trẻ đang chơi. Hơn nữa, chúng đã không bị lôi kéo bởi những viên kẹo – sau đó chúng mới nhận ra rằng có kẹo – nhưng chúng đến vì muốn đến. Trẻ em là vậy đó. Chúng ta đừng quên bài học các trẻ đã dạy chúng ta hôm nay. Cảm ơn các con!

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các bạn, và tôi đặc biệt cảm ơn Đức ông Marco Frisina và Nova Opera vì đã thúc đẩy sáng kiến ​​này, diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Ca đoàn của Giáo phận Rome. Dịp kỷ niệm này khuyến khích tất cả các bạn tiếp tục công việc phục vụ quý báu mà các bạn thực hiện, cả ở Rome và ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Đại hội Quốc tế lần thứ tư của các bạn quy tụ các ca đoàn giáo xứ và giáo phận, scholæ cantorum, ca đoàn nhà nguyện, các giám đốc và nhạc sĩ. Các bạn cùng nhau đến Vatican để khám phá sâu hơn ý nghĩa của âm nhạc trong việc phục vụ phụng vụ. Thật vui khi được gặp gỡ các bạn ở đây, đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng tất cả đều hiệp nhất bởi đức tin và niềm đam mê âm nhạc. Các bạn là dấu chỉ hùng hồn của sự hiệp nhất. Vì lý do này, tôi muốn các bạn chú ý đến ba khía cạnh quan trọng trong việc phục vụ của các bạn: sự hòa hợp, hiệp thông và niềm vui.

Trước hết là sự hòa hợp. Âm nhạc tạo nên sự hòa hợp, từ đó tiến đến với mọi người, an ủi những người đau khổ, khơi dậy nhiệt huyết trong những tâm hồn chán nản, mang đến những giá trị tuyệt vời như cái đẹp và thi ca phản chiếu ánh sáng hài hòa của Thiên Chúa. Quả thật, âm nhạc là một ngôn ngữ phổ quát và trực tiếp, không cần phải phiên dịch hay giải thích tỉ mỉ. Cả các chuyên gia lẫn người bình thường đều có thể thưởng thức nó, mỗi người nắm bắt các khía cạnh khác nhau ở những mức độ khác nhau, tuy nhiên tất cả đều rút tỉa từ cùng một sự phong phú. Hơn nữa, âm nhạc còn dạy chúng ta cách lắng nghe, chú ý và học tập; nó nâng cao cảm xúc, cảm nhận và suy nghĩ, dẫn đưa con người vượt qua cơn lốc của sự vội vã, ồn ào và tầm nhìn thuần túy vật chất về cuộc sống, đồng thời giúp họ chiêm nghiệm bản thân và thực tại xung quanh tốt hơn. Do đó, nó mang đến một cái nhìn khôn ngoan và nhẹ nhàng cho những người trau dồi nó, giúp dễ dàng vượt qua những chia rẽ và ganh đua hơn và từ đó có được sự hòa hợp, giống như các nhạc cụ của một dàn nhạc hoặc các giọng hát của một ca đoàn. Nó khuyến khích chúng ta phải cảnh giác với những “nốt lạc điệu” và sửa lại “sự chói tai”, rất hữu ích đối với cường độ của các bản tổng phổ miễn là chúng được kết hợp vào một kết cấu hài hòa cách khôn ngoan.

Thứ hai: hiệp thông. Hát hợp xướng được thực hiện cùng nhau, không phải một mình. Điều này cũng nói với chúng ta về Giáo Hội và thế giới chúng ta đang sống. Cuộc hành trình cùng nhau của chúng ta có thể được ví như việc trình diễn một “buổi hòa nhạc” vĩ đại, trong đó mỗi người đóng góp tùy theo khả năng của mình, chơi hoặc hát “phần” của mình, và nhờ đó khám phá ra sự phong phú độc đáo của bản thân từ bản giao hưởng hiệp thông. Trong một ban hợp xướng hoặc dàn nhạc, mỗi thành viên đều dựa vào những người khác và sự thành công của buổi biểu diễn phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi cá nhân. Tất cả phải cống hiến hết mình theo đúng vai trò của bản thân, tôn trọng và lắng nghe để hòa hợp với những người xung quanh, không tìm kiếm sự nổi bật cá nhân. Điều này phản ánh đời sống của Giáo hội và đời sống của chính chúng ta, trong đó tất cả chúng ta được mời gọi hoàn thành vai trò của mình vì lợi ích của toàn thể cộng đồng, để bài ca ngợi khen Thiên Chúa có thể vang lên từ khắp nơi trên thế giới (x. Tv 47:1).

Cuối cùng là niềm vui. Các bạn là những người gìn giữ một kho tàng nghệ thuật, cái đẹp và tinh thần của nhiều thế kỷ. Đừng để não trạng thế gian làm hoen ố nó bằng tính tư lợi, tham vọng, đố kỵ, chia rẽ, vì những điều đó có thể, như các bạn đều biết, xâm nhập vào đời sống của các ca đoàn cũng như các cộng đoàn, khiến chúng trở thành những nơi không còn niềm vui mà chỉ có buồn bã, nặng nề, thậm chí dẫn đến tan rã. Để đạt được mục đích này, sẽ rất tốt nếu các bạn duy trì tinh thần cao cả của ơn gọi của mình qua việc cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, tham gia vào các phụng vụ mà các bạn làm sống động không chỉ bằng giọng hát của mình mà còn bằng tâm trí và trái tim mình, và bằng cách sống đời sống hằng ngày cách hăng say, để âm nhạc của các bạn ngày càng trở thành một hiến tế hân hoan dâng lên Thiên Chúa, Đấng thu hút, soi sáng và biến đổi mọi sự bằng tình yêu của Người (x. 1 Cr 13:1-13). Bằng cách này, các bạn sẽ thực hiện được lời khuyên của Thánh Augustinô: “Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa bằng đời sống và lưỡi, bằng trái tim và miệng của chúng ta, bằng giọng nói và hành vi của chúng ta” (Sermo 256).

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã đến thăm, đặc biệt cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em trong việc cầu nguyện và truyền giáo của Giáo hội. Tôi đồng hành cùng anh chị em bằng phép lành của tôi và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi trong khi cất lên tiếng ca lời hát. Cảm ơn anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/6/2024]