Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

Tranh cãi về Thế vận hội: xét đến phản ứng của Đức Thánh Cha

Tranh cãi về Thế vận hội: xét đến phản ứng của Đức Thánh Cha

Tranh cãi về Thế vận hội: xét đến phản ứng của Đức Thánh Cha

Antoine Mekary | ALETEIA

Cyprien Viet

01/08/24



Không như nhiều nhân vật nổi tiếng khác, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn giữ thái độ kín đáo về cuộc luận chiến do lễ khai mạc Thế vận hội gây ra. Aleteia phân tích lý do tại sao.

Từ cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng đó là “một sự ô nhục”, cho đến tỷ phú Elon Musk lên án một hành động “vô cùng thiếu tôn trọng đối với người Kitô giáo”, một số nhân vật nổi tiếng khác đã bất ngờ lên tiếng phản đối hành động nhạo báng bức tranh Bữa Tiệc Ly, được trình diễn trong Lễ khai mạc Thế vận hội Paris, phát sóng trên toàn thế giới vào thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024.

Vào sáng thứ Bảy, các giám mục Pháp lấy làm tiếc về “những cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô giáo”, nói rằng người Kitô hữu trên toàn thế giới “bị tổn thương bởi sự xúc phạm và trêu chọc của một số cảnh.”

Trong bối cảnh này, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô sau buổi đọc Kinh Truyền tin của Chúa Nhật tuần trước được chăm chú xem xét. Nhưng một lần nữa, Đức Phanxicô chọn đi theo hướng khác, đề cập đến Thế vận hội Olympic nhưng lại lên án những vấn đề khác.

Ngài nói, “Trong khi có nhiều người trên thế giới đang phải chịu đau khổ vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí và đốt cháy tài nguyên để tiếp sức cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đây là một sự vi phạm mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó đi ngược lại với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic vừa mới khai mạc.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô, người hầu như không bao giờ xem truyền hình kể từ khi khấn với Đức Maria, có lẽ đã không xem trực tiếp Lễ Khai mạc, mặc dù lẽ đương nhiên ngài được thông báo về các sự kiện quốc tế hiện tại. Đặc biệt, “Đức Giáo hoàng Phanxicô không muốn buộc phải hành động dưới áp lực của truyền thông”, một nguồn tin từ Rome nêu rõ. Mặt khác, Đức Giáo hoàng là người quảng bá lớn cho thể thao và nhiều giá trị Kitô giáo có thể được thúc đẩy thông qua thể thao: tình huynh đệ, sự hợp tác, niềm vui, v.v. Ngài đặc biệt hâm mộ môn bóng đá, là đặc tính thường thấy ở quê hương của ngài.
Các giám mục sẽ “làm việc”

Một điểm then chốt khác để hiểu thái độ của Đức Giáo hoàng nằm ở nguyên tắc phân quyền, trong trường hợp này có nghĩa là để các giám mục liên quan đưa ra phản ứng và làm việc với những người có trách nhiệm.

Đức Giám mục Emmanuel Gobilliard thuộc cộng đồng Digne và là đại biểu của Giáo hội Pháp tại Thế vận hội đã đảm nhận vai trò là người phát ngôn không chính thức của Giáo hội. Ngài lưu ý rằng “sự nhạo báng chống Kitô giáo đã đẩy mọi người ra trong khi chương trình đáng lẽ phải đưa họ lại gần nhau hơn”. Ngài cũng đứng sau tuyên bố của các giám mục Pháp đưa ra, bày tỏ cả sự tổn thương của người Công giáo và mong muốn đóng góp vào thành công của Thế vận hội Paris.

Vatican đã lên tiếng thông qua tiếng nói của Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, ủng hộ lập trường này. Ngài nói, “Các giám mục Pháp rất tốt và can đảm. Và về phần tôi, tôi không có thêm lời nào ngoài việc tán thành trọn vẹn từng lời trong tuyên bố của các ngài.”

Một tín hiệu khác cho thấy sự ủng hộ của Rome đối với các giám mục Pháp là tuyên bố của các ngài ngay lập tức được các phương tiện truyền thông của Tòa thánh đăng tải.

Cũng có những tuyên bố khác đến từ các vị hồng y thân cận với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg, người sẽ chào đón Đức Giáo hoàng đến giáo phận của mình vào tháng Chín, có mặt tại Rome trong chuyến hành hương quốc tế của các lễ sinh, và đã lên tiếng cách mạnh mẽ, lên án việc dàn dựng “không thể chấp nhận được”.

Vị Hồng y Dòng Tên, người đã quen với các cuộc tranh luận về sự tôn trọng bản sắc tôn giáo ở Châu Âu, nói, “Tôi rất buồn. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng trên thế giới, và chúng tôi cũng muốn xã hội tự do của Châu Âu biết tôn trọng người Kitô giáo và không làm bất cứ điều gì chống lại tình cảm tôn giáo của họ”.
Quan điểm phê phán của Đức Giáo hoàng Phanxicô về văn hóa Pháp

Mặc dù Đức Giáo hoàng không bày tỏ quan điểm của ngài về lễ khai mạc, nhưng có thể nhận thấy lập trường cá nhân của ngài về văn hóa Pháp trong một số câu nói. Trong một phỏng vấn được nhật báo Pháp La Croix xuất bản năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trích Pháp vì “phóng đại chủ nghĩa thế tục”, với xu hướng “xem các tôn giáo là văn hóa nhóm hơn là một nền văn hóa theo đúng nghĩa của các tôn giáo. Tôi e rằng cách tiếp cận này vẫn còn tồn tại, có thể hiểu được nó khi xét đến di sản của Thời kỳ Khai sáng”.

Đức Giáo hoàng cũng đã tách mình ra khỏi “tinh thần Charlie”, một tinh thần gần như trở thành học thuyết chính thức của nền ngoại giao Pháp sau vụ tấn công khủng bố vào trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng Một năm 2015. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh khoảng một tuần sau đó trên chuyến bay đến Philippines rằng tự do bày tỏ không phải là cho phép mọi điều, và tôn trọng người khác phải bao hàm mong muốn tránh mọi sự cố ý xúc phạm.

Ngài nhấn mạnh, “Chúng ta không được khiêu khích người khác, chúng ta không được xúc phạm niềm tin của họ, chúng ta không được nhạo báng niềm tin của họ. Tất cả những ai khinh thường tôn giáo, nhạo báng tôn giáo, ‘giễu cợt’ với tôn giáo của người khác, là họ gây đối kháng với người khác”.

Những nhận xét này cũng có thể áp dụng cho lễ khai mạc Thế vận hội, dường như đã tạo ra sự bực bội ngay cả trong phong trào Olympic. Hôm thứ Bảy, một phát ngôn viên của Ủy ban tổ chức Thế vận hội cho biết chương trình này nhằm mục đích tạo ra một hiệu ứng nhất định. Tuy nhiên, ngày hôm sau, đã có một chút thay đổi với chiến lược truyền thông mới, khi một phát ngôn viên khác nói rằng họ “thành thực xin lỗi” nếu có ai đó bị xúc phạm bởi chương trình.

Ngoại giao Olympic

Một nguồn tin ngoại giao cũng nhấn mạnh rằng Tòa thánh muốn “tránh bước vào cuộc luận chiến với thế giới Olympic khi nó đang diễn ra và kết thúc”. Những lần gặp gỡ của Đức Giáo hoàng Phanxicô với các liên đoàn thể thao đã tăng lên trong những năm gần đây, dẫn đến việc đoàn Athletica Vaticana được đưa vào một số liên đoàn quốc tế, mở đường cho việc quốc gia nhỏ nhất thế giới chính thức tham gia giải vô địch xe đạp thế giới.

Sự tham gia trực tiếp của Vatican vào Thế vận hội tiếp theo vẫn còn là giả thuyết, nhưng không phải là không thể, vì các chuyến viếng thăm Rome của ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế, đã thiết lập được nhiều mối liên hệ. Vào tháng Chín năm 2022, Vatican và IOC đồng tổ chức một diễn đàn tại Rome về chủ đề “Thể thao cho mọi người”. Sự tham gia của Chủ tịch IOC trong Thánh lễ khai mạc Thế vận hội Paris, được cử hành tại Nhà thờ La Madeleine vào ngày 19 tháng 7, cũng là kết quả của những nỗ lực này.

Do đó, Đức Giáo hoàng vẫn giữ khoảng cách với một số tiếng nói Công giáo lên án Thế vận hội là cách thể hiện của chủ nghĩa ngoại giáo, và trong vấn đề này, ngài hoàn toàn tiếp nối con đường của những vị tiền nhiệm. Chẳng hạn, ngày 8 tháng 12 năm 2005, Đức Benedict XVI là người quan tâm đến giải đua Thể thức 1 hơn là các môn thể thao Olympic, đã làm phép ngọn lửa Olympic cho Thế vận hội mùa đông Turin, được một Cận vệ Thụy Sĩ đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô khi bắt đầu hành trình xuyên qua nước Ý.

Sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng Piô X dành cho Nam tước Pierre de Coubertin vào năm 1903, người khơi nguồn cảm hứng cho phong trào Olympic, phép lành của Đức Gioan XXIII cho Thế vận hội 1960 tại Rome và những thông điệp gửi đến các vận động viên từ Đức Piô XII và Đức Gioan Phaolô II cũng là những cột mốc trong lịch sử lâu dài về mối quan hệ giữa các giáo hoàng và Thế vận hội, và nó sẽ không bị đặt nghi vấn chỉ vì một màn trình diễn mang hơi hướng mơ hồ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/8/2024]


Bản tin riêng: Vị linh mục phụ trách án phong thánh Mẹ Teresa

Bản tin riêng: Vị linh mục phụ trách án phong thánh Mẹ Teresa

Bản tin riêng: Vị linh mục phụ trách án phong thánh Mẹ Teresa

Terry Fincher/Gettyimages


John Burger

30/08/16 -  cập nhật 25/07/24



Cáo thỉnh viên án phong thánh cho vị nữ tu chia sẻ tầm nhìn của Cha về một thế giới đang cần tình yêu thương.

Trong một quyển sách mới dựa trên các bài viết của Mẹ Teresa Calcutta, Cha Brian Kolodiejchuk đã trích dẫn một trang của Đức Giáo hoàng Phanxicô và giải thích ý nghĩa sâu xa hơn của từ “lòng thương xót”.

Cha Kolodiejchuk viết trong phần giới thiệu của quyển A Call to Mercy: Hearts to Love, Hands to Serve, “Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta biết rằng ý nghĩa nguyên ngữ của từ lòng thương xót — misericordia — trong tiếng Latinh” là miseris cor dare, nghĩa là ‘trao trái tim cho những người khốn khổ’, những người đang cần giúp đỡ, những người đang đau khổ. Đó là những gì Chúa Giêsu đã làm: Chúa rộng mở lòng mình ra trước sự khốn khổ của con người”.

Có lẽ không có miêu tả nào phù hợp hơn đối với vị nữ tu người Albania đã trao trái tim của chị cho những người khốn khổ và bất hạnh. Từ nhà dòng của chị thuộc khu vực cùng khổ nhất của một thành phố ở Ấn Độ, Mẹ Teresa đã dành trọn cuộc đời trưởng thành của Mẹ để phục vụ những nhu cầu cấp thiết nhất của “những người nghèo nhất trong số những người nghèo” trên khắp thế giới.

Quyển A Call to Mercy xuất hiện vào đêm trước lễ phong thánh cho Mẹ Teresa vào ngày 4 tháng Chín, sự kiện mà Cha Kolodiejchuk đã điều phối trong suốt 17 năm qua với tư cách là cáo thỉnh viên. Vị linh mục nguyên quán Canada cũng là bề trên của Dòng Thừa sai Bác ái, do Mẹ Teresa sáng lập cùng với Dòng Nữ Thừa sai Bác ái. Cha đã cộng tác với Mẹ Teresa từ năm 1977 cho đến khi Mẹ qua đời vào năm 1997. Quyển sách tập hợp các bài viết của vị nữ thánh cũng như chứng ngôn của những người thân cận với Mẹ Teresa.

Cha Kolodiejchuk trao đổi với Aleteia về những bài học mà chúng ta học được từ cuộc đời của Mẹ Teresa.


Khi biên tập quyển sách này, Cha có khám phá ra điều gì mới mẻ và đáng ngạc nhiên về Mẹ Teresa không?

Khi đọc những bài viết của Mẹ, thật tuyệt vời khi chúng tôi được nhắc nhớ lại tất cả những gì Mẹ đã làm. Mẹ đã làm rất nhiều trong 87 năm sống trên dương thế.

Một số câu chuyện khá phi thường, chẳng hạn trong lúc có xung đột giữa người Hindu và người Hồi giáo, và khi Mẹ đang đến sân bay thì Mẹ gặp một nhóm người đánh nhau. Hầu hết mọi người chắc sẽ tự nhủ, “Mình phải rời khỏi đây vì nơi này nguy hiểm”, nhưng Mẹ dừng lại và bước ra ngoài và cố gắng giảng hòa và nói, “Các bạn không nhận ra các bạn là anh em sao? Vậy thì hãy dừng đánh nhau.” Đó là một lòng can đảm phi thường.

Nhưng hầu hết các câu chuyện trong đó — nếu anh tách ra thành những hành động riêng lẻ — thì hầu hết đều là những việc mà bất kỳ ai cũng có thể làm. Đó là những việc nhỏ bé, bình thường, như đến bệnh viện, thăm bệnh nhân hoặc ẵm bồng em bé. Có đủ loại công việc khác nhau mà bản thân chúng ta có thể làm.

Mẹ Teresa chắc sẽ nói rằng “Calcutta có ở khắp nơi.” Chúng ta không nhất thiết phải đến Calcutta để tìm người nghèo. Họ ở ngay xung quanh chúng ta trong chính khu xóm của chúng ta, trong giáo xứ của chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, thậm chí trong chính gia đình của chúng ta. Ai là người cần nụ cười hoặc một cử chỉ yêu thương nhỏ bé, một bông hoa hoặc đọc tờ báo (cho một người không thể ra ngoài), thăm một người đang trong tình trạng cô đơn? Nếu chúng ta để ý, nếu chúng ta tìm kiếm những cơ hội như vậy, chúng có ở khắp nơi xung quanh chúng ta. Chắc Mẹ sẽ nói như vậy.


Và khi Cha sử dụng thuật ngữ “người nghèo”, đối với Mẹ, từ đó không chỉ nói về những người nghèo về vật chất mà còn nghèo cả về tinh thần và tình cảm, những người cảm thấy không được yêu thương.

Đúng vậy, khi Mẹ nói theo cách đó là theo nghĩa rộng hơn.


Mẹ Teresa được tuyên phong thánh chỉ 19 năm sau khi Mẹ qua đời. Cha có ngạc nhiên khi tiến trình phong thánh diễn ra nhanh như vậy không?

Vâng, điều đó rất thú vị vì sau khi phong chân phước mọi người nói rằng, “Sao lại mất quá nhiều thời gian như vậy?” Và tôi nói rằng, “Ồ, khi đến thời điểm thích hợp cho Giáo hội thì chúng ta sẽ có phép lạ và sau đó chúng ta sẽ có lễ phong thánh.” Và đúng như vậy, phép lạ đã xảy ra vào năm 2008, nhưng tôi không nghe nói đến phép lạ đó cho mãi đến tháng Chín năm 2013, và điều đó dẫn đến việc chấp thuận vào năm ngoái. Vì vậy, thời điểm thích hợp cho Giáo hội là Năm Thánh Lòng Thương Xót.


Tham gia án phong thánh này Cha thấy như thế nào?

Nó thật sự đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã làm những công việc khác trong 17 năm qua. Đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về Mẹ Teresa. Tôi nhớ sau khi bản positio hoàn tất [án phong thánh viết về con đường sống đời sống Kitô hữu của Mẹ Teresa], và đặc biệt là quyển đầu tiên trình bày cách Mẹ sống các nhân đức Kitô giáo và tiếng tăm về sự thánh thiện của Mẹ, tôi nhớ là tôi đã có suy nghĩ, “Thực sự bây giờ mình hiểu Mẹ Teresa nhiều hơn so với lúc mình còn cộng tác với Mẹ khi Mẹ còn sống.” Bởi vì tôi có kinh nghiệm nhỏ bé của riêng tôi và những người khác cũng có những kinh nghiệm của riêng họ, nhưng khi anh cộng chung tất cả lại với nhau và anh thấy, nó vô cùng ấn tượng.


Cha rất thân thiết với Mẹ. Mối tương quan có ảnh hưởng đến Cha như thế nào trong vai trò là người môn đệ của Chúa Kitô?

Một trong những điều [tôi nghĩ đến là điều] Mẹ gọi là “tinh thần xã hội”, đó là “lòng tin yêu, dâng hiến trọn vẹn”, thật ra là “Little Way of Spiritual Childhood” [được cho là của Thánh TeresaLisieux], bởi vì Thánh Teresa đã thể hiện “lòng vững tin và sự từ bỏ”. Và Mẹ luôn thực tế, vì vậy Mẹ đã thêm một yếu tố thứ ba vào hai điều đó, đó là sự vui tươi — một cách thể hiện bên ngoài cho thấy anh đang sống lòng tín thác và từ bỏ như thế nào.

Vì thế, về quá trình này, nếu nhìn chung vào tất cả mọi công việc, chắc tôi sẽ thấy sợ và tự hỏi “Làm sao tôi có thể làm được việc này và nếu tôi phạm sai lầm khi toàn thể Giáo hội đang dõi theo thì sao?” Nhưng rồi tôi lại tự trấn an, “Cứ thực hiện từng bước một, trong sự tin tưởng và phó thác, và Chúa sẽ lo liệu, và Đức Mẹ ở đó, và Mẹ đang cầu bầu, vậy chúng ta cứ tiến hành.”

Và đó là cách chúng tôi đi đến được thời điểm này.


Khi đến cuối đời, Mẹ Teresa trở thành một người nổi tiếng. Mẹ cảm thấy thế nào về điều đó?

Đó là một trong những nỗi đau khổ lớn nhất, khi phải xuất hiện trên phương tiện truyền thông, phát biểu, chụp ảnh.... Có lẽ anh đã được nghe về thỏa thuận mà Mẹ đã thực hiện với Chúa Giêsu: “Với mỗi bức ảnh thì một linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục.” Vì vậy, nó giống như một thánh giá thật sự, và bởi vì lời thề hứa Mẹ đã thực hiện năm 1942 là không từ chối Chúa bất cứ điều gì, sẽ dâng lên Chúa bất cứ điều gì Người yêu cầu, dù khó khăn đến đâu, Mẹ chấp nhận điều đó như một phần của cuộc sống, vì lợi ích là làm cho người nghèo được biết đến nhiều hơn.

Vì vậy, những giải thưởng Mẹ nhận được đã được đón nhận nhân danh người nghèo, do đó nó hướng sự chú ý đến người nghèo nhiều hơn, một cơ hội để có thể nói về Thiên Chúa. Vì vậy, đó là lý do tại sao Mẹ sẵn sàng trải qua tất cả những việc đó. Và Mẹ biết rằng nếu Mẹ phải thực hiện một cuộc phỏng vấn hoặc ai đó đang viết một quyển sách về công việc thì điều đó sẽ giúp ích cho sứ mạng. Vì vậy, mục đích cuối cùng là vì người nghèo và lợi ích của người nghèo.


Cuộc sống của Mẹ có ý nghĩa gì với chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động?

Về mặt tinh thần chứ không phải thực tế: về mặt đường lối hành động, Mẹ sẽ không tuyên bố điều đó, nhưng về mặt nguyên tắc hoặc các giá trị Kitô giáo, Mẹ sẽ nói “Anh em tôi, chị em tôi”, bất kể họ theo tôn giáo nào. Trong bộ phim Mẹ Teresa của các nữ tu Petrie, có một cảnh trong cuộc xung đột ở Beirut, Li Băng, nơi Mẹ nghe nói về những trẻ em Hồi giáo đang rất đau khổ, đói khát, và Mẹ muốn đến đó và giải thoát các bé. Những người cố vấn cho Mẹ nói, “Không được, Mẹ ơi, Mẹ không thể đến đó, ở đó có xung đột, có chiến tranh, nơi đó không an toàn.” Và Mẹ nói, “Không, chúng ta phải đến đó, chúng ta phải làm gì đó. Tôi sẽ cầu nguyện với Đức Mẹ xin một cuộc ngừng bắn.”

Và rồi cảnh tiếp theo diễn ra: có một lệnh ngừng bắn — vào ngày 15 tháng 8 (Lễ Đức Mẹ Lên Trời).

Và Mẹ đến và mang những trẻ em Hồi giáo này về và chăm sóc chúng. Có một bé bị chấn thương, liên tục run rẩy, vì vậy phải có một nữ tu ôm lấy bé, và bé bình tĩnh trở lại. Sau đó, Mẹ nói chuyện với một bác sĩ người Do Thái. Thế đấy, anh thấy có một bác sĩ Do Thái giúp một nữ tu Công giáo chăm sóc các trẻ em Hồi giáo.

Hoặc khi Mẹ mở một nhà ở Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc apartheid. Mẹ cố tình chọn một nữ tu da trắng, một nữ tu da đen, một nữ tu da nâu, nghĩa là từ Ấn Độ, và một chị thứ tư.

Mẹ tin điều này rằng bất kỳ ai cũng là anh chị em của tôi, và ở khía cạnh con người, mọi người đều có phẩm giá. Và chúng ta đều là con của Chúa. Và về khía cạnh đức tin, Mẹ nhìn thấy nơi mỗi người — từ tổng thống, nữ hoàng, vua, thủ tướng, một người trên phố hoặc trong bếp ăn từ thiện, một người hấp hối trong nhà cho người hấp hối — mọi người đều là Chúa Giêsu.

Vậy đó là những nguyên tắc, tầm nhìn đức tin mà Mẹ theo đuổi, và tùy mỗi người tiếp thu những nguyên tắc đó và mở ra con đường.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/8/2024]