Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

© HLefèvre I.MEDIA

I.Media

04/05/24

34 tân binh của Lực lượng Vệ binh Thụy sĩ sẽ tuyên thệ vào thứ Hai. Chúng tôi đến thăm doanh trại của đội quân nổi tiếng này của giáo hoàng.

Doanh trại Vệ binh Thụy sĩ ở trung tâm Vatican là nơi náo nhiệt các hoạt động. Chỉ còn một thời gian ngắn trước khi các tân binh tuyên thệ, những người lính của quân đội nhỏ nhất thế giới đang bồn chồn náo nức. Không chi tiết nhỏ nào chuẩn bị cho lễ truyền thống vào ngày 6 tháng Năm bị bỏ sót.

Trong phòng chứa vũ khí, các tấm giáp ngực bằng kim loại tạo thành bộ đồng phục huyền thoại của đội quân gồm 135 người phục vụ các giáo hoàng kể từ năm 1506 một lần nữa được quét dầu. Trong căn phòng liền kề treo những bộ đồng phục lễ hội nổi tiếng với sọc xanh, vàng và cổ tay áo màu đỏ.

Với sự trợ giúp của những người lớn tuổi, các tân binh trẻ khoác lên mình bộ giáp nặng khoảng 15 kg (33 lbs). “Sức nặng của lịch sử,” một người thốt lên, nhắc lại rằng ngày 6 tháng 5 tưởng niệm 147 lính Thụy sĩ bị quân đội của vua Charles V giết chết khi đang đe dọa Đức Giáo hoàng Clement VII.

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

Những vệ binh trẻ giúp đồng đội của họ mặc áo giáp. © HLefèvre I.MEDIA

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

Một cận vệ Thụy Sĩ bôi dầu lên áo giáp của tân binh. © HLefèvre I.MEDIA

Trong sân của Đội cận vệ, được trang trí bằng những lá cờ của các bang Thụy Sĩ, họ diễn tập những động tác của đội vệ binh. Dưới sự giám sát của hai sĩ quan, các tân binh không ngừng thực hiện các thao tác sử dụng kích của mình, di chuyển tới lui theo nhịp trống, trong sự đồng bộ đều răm rắp.

Thứ Hai tới, 34 người lính sẽ tiến vào sân Thánh Damasus — một trong những sân đẹp nhất của Vatican — trong tiếng kèn trumpet khi họ tuyên thệ trung thành với giáo hoàng.


“Đứng trước lá cờ, trí óc tôi sẽ ‘tắt’”

Gaël, người đến vào ngày 1 tháng Một để phục vụ giáo hoàng, thừa nhận: “Lần đầu tiên tôi chạm vào một cây kích, dường như không thể làm được những gì người khác làm”. Dần dần, qua 8 buổi huấn luyện kéo dài 3 tiếng, kỹ thuật thao tác duyệt binh đã trơn tru và chàng trai trẻ đến từ xã Saint-Aubain giờ đây tự tin về khả năng hòa nhập vào động tác của Đội cận vệ.

21 tuổi, anh sẽ là một trong 16 thành viên nói tiếng Pháp của lớp tân binh bước tới trước lá cờ và tuyên thệ, ba ngón tay giơ lên ​​trời. Trước sự chứng kiến ​​của gia đình và bạn bè đến từ Thụy Sĩ, khoảnh khắc trang trọng sẽ tràn ngập cảm xúc.

“Khi được gọi đứng trước cờ, trí óc tôi sẽ ‘tắt’… Rồi hai phút sau, nó sẽ hoạt động trở lại khi tôi trở lại hàng ngũ”, chàng trai dự đoán.

Hậu trường với các Vệ binh Thụy Sĩ trước lễ tuyên thệ

21 tuổi, Gaël chuẩn bị tuyên thệ trong bộ đồng phục lễ hội của mình. © HLefèvre I.MEDIA

Gaël đã phát hiện ra doanh trại cách đây vài năm trong chuyến đi đến Rome cùng giáo xứ của anh. Gaël bắt đầu nghĩ đến việc phục vụ giáo hoàng trong khi theo học nghề thợ mộc, anh giải thích: “Tôi gác nó sang một bên khi hoàn thành việc học của tôi”. Sau đó, anh nộp đơn, vượt qua bước tuyển chọn và gia nhập doanh trại, nơi “toàn bộ Thụy Sĩ hòa quyện vào nhau,” anh mỉm cười nói.


Được huấn luyện kỹ thuật chiến đấu

Hai tháng đầu dành cho việc huấn luyện. Đầu tiên là ở Rome, nơi họ được giới thiệu với các phòng Vệ binh khác nhau và môi trường Vatican, sau đó là các khóa học tiếng Ý chuyên sâu cũng như các bài tập di chuyển và diễu hành. Sau đó, ở bang Ticino của Thụy Sĩ, nơi các tân binh trẻ được cảnh sát hướng dẫn huấn luyện sử dụng vũ khí và tự vệ.

Gia nhập quân đội Công giáo này ít nhất 26 tháng, chàng trai Gaël, người trước đây chưa bao giờ rời khỏi nhà, biết rằng mình sẽ rời khỏi Rome với một sự trưởng thành mới.

“Cấp độ huấn luyện của Vệ binh là điểm quan trọng nhất. Nó cho phép chúng tôi bảo đảm việc phục vụ trọn vẹn,” Hạ sĩ Eliah Cinotti đồng ý, anh là phát ngôn viên của Lực lượng Vệ binh, người đã đến Rome vào năm 2019. Anh nói, “Chúng tôi được huấn luyện nhiều kỹ thuật chiến đấu khác nhau, nhưng vũ khí chính của Lực lượng Vệ binh là lời nói,” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huấn luyện tâm lý cho các Vệ binh.

Anh kể lại: “Tại các cổng của Vatican, có nhiều người tuyệt vọng đến – những người bị mất việc làm, những người khác có lẽ muốn kết liễu cuộc đời mình, và vẫn có những người khác nghĩ rằng họ là Chúa Giêsu, là Thánh Phêrô hoặc Thánh Phaolô. Chúng tôi phải trở thành đôi tai chăm chú lắng nghe họ, hướng dẫn họ và tìm ra giải pháp.”


Làm chứng cho đức tin Công giáo qua sự phục vụ

24 giờ một ngày, mọi ngày trong năm, những người thuộc đội quân nhỏ bảo vệ Đức Giáo hoàng Phanxicô và nơi ở của ngài, canh gác các cổng chính của Thành phố Vatican, đồng thời đảm bảo trật tự và danh dự. Các hạ sĩ quan và sĩ quan cũng tháp tùng Đức Thánh Cha trong các chuyến tông du nước ngoài, hợp tác chặt chẽ với Lực lượng Hiến binh Vatican.

Thứ Hai tới, 34 tân binh sẽ cuộc gặp ngắn với Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi tuyên thệ. Năm ngoái, vị giáo hoàng người Argentina bày tỏ lòng biết ơn với những thanh niên đã âm thầm bảo vệ ngài hàng ngày. Ngài kêu gọi khóa 2023 “làm chứng” cho đức tin của mình ở những nơi phục vụ khác nhau.

Ngài nói, cho họ cái góc nhìn về sứ mệnh của họ: “Trên khuôn mặt của những người mà các con gặp hàng ngày, cho dù họ là thành viên của Giáo triều Rôma, là người hành hương hay khách du lịch, các con sẽ tìm thấy nhiều lời mời gọi để nhận ra và chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người”.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/5/2024]


Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp các ông bà giới cao niên và các cháu

“Sự âu yếm và nụ cười”

Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp các ông bà giới cao niên và các cháu

Những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp các ông bà giới cao niên và các cháu

Vatican Media


*******


Trong Khán phòng Phaolô VI sáng nay (ND: 27/04/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp giới ​​ông bà cao niên và các cháu tham dự buổi gặp gỡ “Sự âu yếm và nụ cười” do Quỹ Età Grande tổ chức.

Dưới đây là bài huấn từ của Đức Giáo Hoàng gửi đến những người có mặt trong Buổi Tiếp kiến:

___________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha


Thưa các ông bà và các con cháu, chào buổi sáng và chào mừng tất cả!

Tôi xin gửi lời chào Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia và tất cả những người đã cộng tác để tổ chức buổi họp mừng này. Và xin gửi lời cảm ơn cách đặc biệt đến nhiều cá nhân trong ngành kinh doanh tổ chức sự kiện mong muốn tham gia. Xin cảm ơn anh chị em! Tất cả chúng ta đều có một người ông và một người bà, hai người ông, hai người bà… thật là một trải nghiệm tuyệt vời khi có ông bà! Nhưng thậm chí nước Ý cũng có một người ông! Và vì lý do này, tôi muốn gửi lời chào người ông của nước Ý đang hiện diện ở đây.

Thật vui mừng được chào đón các ông bà và các con cháu ở đây, trẻ cũng như không quá trẻ. Ngày nay chúng ta thấy, như Thánh Vịnh nói, thật đẹp biết bao khi được ở bên nhau (x. Tv 133). Người ta chỉ cần nhìn vào ông bà và các cháu là có thể hiểu được, bởi vì có tình yêu thương giữa ông bà và các cháu. Và chính vì điều này mà tôi muốn chúng ta cùng suy ngẫm một chút: suy ngẫm về sự thật rằng yêu thương làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, tình yêu làm cho chúng ta tốt hơn, nó làm cho chúng ta giàu có hơn và nó làm cho chúng ta khôn ngoan hơn, ở mọi lứa tuổi. Yêu thương làm cho chúng ta tốt hơn.

Trước hết: yêu thương làm cho chúng ta tốt hơn. Các bạn cũng thể hiện điều này, đó là các bạn làm cho nhau trở nên tốt hơn bằng sự yêu thương nhau. Và tôi nói điều này với mọi người ở đây với tư cách là một “người ông”, với mong muốn chia sẻ niềm tin mãi luôn trẻ trung hiệp nhất mọi thế hệ. Tôi cũng đã nhận được điều đó từ bà của tôi, nhờ bà mà tôi biết về Chúa Giêsu là Đấng yêu thương chúng ta, Đấng không bao giờ bỏ chúng ta một mình, và là Đấng thúc giục chúng ta hãy gần gũi với nhau và không bao giờ loại trừ bất kỳ người nào. Tôi vẫn còn nhớ những lời cầu nguyện đầu tiên mà bà tôi đã dạy cho tôi. Chính từ bà mà tôi nghe được câu chuyện về một gia đình có người ông bị đưa ra chỗ khác ngồi ăn một mình, vì ông gặp khó khăn khi ăn tại bàn và làm vấy bẩn. Và đó không phải là điều tốt đẹp, bà tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện đó… Nó không phải là điều tốt, mà trái lại là rất tệ! Và thế là, đứa cháu trai – tiếp tục câu chuyện mà bà tôi kể cho tôi – đứa cháu trai hý hoáy với cây búa và những cây đinh suốt mấy ngày, và khi bố cậu bé hỏi cậu đang làm gì, cậu bé trả lời: “Con đang đóng một cái bàn cho bố, để bố có thể ăn một mình khi về già!” Và bà tôi đã dạy tôi điều này, và tôi không bao giờ quên câu chuyện đó. Mọi người cũng đừng quên câu chuyện đó, vì chỉ khi ở bên nhau với tình yêu thương, không loại trừ ai, thì người ta mới trở nên tốt đẹp hơn, trở nên nhân bản hơn!

Không chỉ có vậy, chúng ta còn trở nên giàu có hơn. Điều này là như thế nào? Xã hội của chúng ta có rất nhiều người là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, giàu kiến ​​thức và phương tiện hữu ích cho mọi người. Tuy nhiên, nếu không có sự chia sẻ và mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân thì tất cả của cải đó sẽ mất đi; hơn thế, nó trở thành một sự bần cùng hóa con người. Và đây là một nguy cơ lớn cho thời đại chúng ta: sự bần cùng của chia cắt và ích kỷ. Người ích kỷ cho rằng anh ta trở nên quan trọng hơn nếu đặt mình lên hàng đầu và sở hữu nhiều hơn, nếu anh ta có nhiều thứ hơn… Tuy nhiên người ích kỷ là người nghèo nhất, vì lòng ích kỷ làm nghèo đi. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến một số cách diễn đạt mà chúng ta sử dụng: khi chúng ta nói về “thế giới của tuổi trẻ”, “thế giới của người già”, thế giới này hay thế giới kia… Nhưng chỉ có một thế giới mà thôi! Và nó được tạo thành từ nhiều thực tại khác nhau nhằm giúp đỡ và bổ sung cho nhau: các thế hệ, các dân tộc và tất cả những khác biệt, nếu được hòa hợp, có thể bộc lộ vẻ lộng lẫy kỳ diệu của con người và tạo vật, giống như các mặt của một viên kim cương lớn. Đây cũng là điều mà việc các ông bà và con cháu ở bên nhau dạy chúng ta: không để sự đa dạng tạo ra những rạn nứt giữa chúng ta! Không, đừng để có những rạn nứt… Đừng nghiền nát viên kim cương tình yêu, kho báu đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: tình yêu.

Đôi khi chúng ta nghe thấy những cụm từ như “hãy nghĩ đến bản thân!”, cụm từ “hãy nghĩ đến bản thân mình”, “không cần ai cả!”. Đó là những cụm từ lừa dối khiến người ta lầm tưởng rằng tốt nhất là không nên phụ thuộc vào người khác, tự mình làm mọi việc, sống như những hòn đảo, nhưng thái độ này chỉ tạo ra biết bao nỗi cô đơn.

Chẳng hạn, do cái văn hóa loại trừ mà người già bị bỏ lại một mình và phải sống những năm cuối đời xa nhà và xa những người thân yêu. Các ông bà và các con nghĩ sao về điều này? Nó tốt hay nó không tốt? KHÔNG! Không được bỏ rơi người già một mình, họ phải sống trong gia đình, trong cộng đoàn, trong tình yêu thương của mọi người. Và nếu họ không thể sống cùng gia đình, chúng ta phải đến thăm họ và ở gần với họ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: chúng ta có thích điều này không? Chẳng phải một thế giới trong đó không ai phải lo sợ về những ngày cuối đời trong nỗi cô đơn sẽ tốt hơn nhiều sao? Thế giới này thật đáng buồn, rõ ràng là như vậy, nó thật đáng buồn. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng thế giới này, không chỉ bằng cách đưa ra các chương trình chăm sóc, mà còn bằng cách xây dựng những dự án sống, trong đó những năm tháng trôi qua không bị coi là một sự mất mát làm giảm giá trị một ai đó, mà là một tài sản làm phát triển và làm giàu cho mọi người: và vì thế phải được trân quý và không sợ hãi.

Và điều này đưa chúng ta đến khía cạnh cuối cùng: tình yêu, tình yêu làm cho chúng ta khôn ngoan hơn. Thật đáng tò mò: tình yêu làm cho chúng ta trở nên khôn ngoan hơn. Các con là con cháu thân yêu, ông bà của các con là ký ức của một thế giới không còn ký ức, và “khi một cộng đồng mất đi ký ức thì nó sẽ kết thúc” (Diễn từ tại Cộng đoàn Sant’Egidio, ngày 15 tháng Sáu năm 2014). Câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra với một xã hội đã đánh mất ký ức? (Các bạn trẻ trả lời) Nó kết thúc. Chúng ta không được đánh mất ký ức của mình. Hãy lắng nghe ông bà của các con, nhất là khi ông bà dạy bảo các con, với tình yêu và chứng tá của họ, để vun đắp những tình cảm quan trọng nhất không thể đạt được bằng vũ lực, không xuất hiện qua sự thành công, nhưng làm trọn vẹn cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà chính hai người già, cha thích suy nghĩ về hai người ông bà, cụ Simeon và bà Anna, đã nhận biết Chúa Giêsu khi Ngài được Đức Maria và Thánh Giuse đưa vào Đền thờ (x. Lc 2:22-38). Chính hai ông bà cụ này đã nhận ra Chúa Giêsu trước những người khác. Họ chào đón Ngài, họ ôm Ngài trong vòng tay và họ hiểu – chỉ họ mới hiểu – điều gì đang xảy ra: rằng Thiên Chúa ở đó, hiện hữu, và rằng Chúa đang dõi theo họ qua đôi mắt của một trẻ thơ. Các con hiểu không? Hai cụ cao niên này, hãy nhìn vào họ. Khi nhìn thấy hài nhi Giêsu, họ mới nhận ra rằng Đấng Mêsia đã đến, Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi. Chính những người già đã hiểu được Mầu nhiệm.

Các người già thì đeo kính – hầu hết họ đều đeo kính – nhưng họ có thể nhìn xa. Sao lại như vậy được? Họ có thể nhìn xa, vì họ đã sống qua nhiều năm và có nhiều điều để dạy bảo: ví dụ như chiến tranh là rất xấu. Rất lâu trước đây, cha đã học được điều này chính từ ông của cha, ông sống tại Piave vào năm 1914, Thế chiến Thứ nhất, và qua những câu chuyện, ông đã giúp cha hiểu rằng chiến tranh là một điều khủng khiếp, đừng bao giờ gây ra chiến tranh. Ông còn dạy cha một bài hát hay mà cha vẫn còn nhớ. Các con có muốn cha kể cho nghe không? (Các bạn trẻ nói “Thưa có!”). Hãy suy nghĩ thật kỹ về điều này: những binh sĩ ở Piave đã hát thế này: “Tướng Cadorno viết cho Nữ hoàng, nếu Nữ hoàng muốn nhìn thấy Trieste, hãy nhìn vào tấm bưu thiếp!” Nó thật đẹp! Những người lính thường hát bài đó.

Hãy đến thăm ông bà của các con và đừng gạt họ ra bên lề, vì ích lợi của chính các con: “Việc người già bị gạt ra ngoài lề – cả về mặt khái niệm lẫn thực tế – làm hư hỏng mọi giai đoạn của cuộc sống, không chỉ giai đoạn tuổi già” (Giáo lý, ngày 1 tháng Sáu năm 2022). Và khi còn ở giáo phận kia, cha thường đến thăm các nhà an dưỡng cho người già, và cha luôn hỏi: “Ông/Bà có mấy đứa con?” “Nhiều, nhiều!” “Và chúng có đến thăm ông/bà không?” “Có chứ, luôn luôn – cha nhớ có một lần – chúng luôn đến thăm”. Và khi cha đi ra, người y tá nói với cha, “Bà cụ đó tốt lành quá, cách bà giấu chuyện cho con cái của bà: chúng chỉ đến thăm một năm hai lần, không hơn”. Ông bà rất độ lượng: họ biết cách che giấu những điều xấu. Xin hãy đến thăm ông bà của các con, đừng gạt họ ra ngoài lề: đó là vì ích lợi của chính các con. Việc người già bị gạt ra ngoài lề làm hư hỏng mọi giai đoạn của cuộc sống, không chỉ giai đoạn của tuổi già. Cha nhắc lại điều này. Ngược lại, các con học được sự khôn ngoan của tình yêu mãnh liệt cũng như sự yếu đuối của họ, đó là một “huấn quyền” có khả năng giảng dạy mà không cần lời nói, một liều thuốc giải thực sự cho tâm hồn chai đá: nó sẽ giúp các con không bị mắc kẹt trong hiện tại, và tận hưởng cuộc sống như một mối quan hệ (x. Đức Bênêđictô XVI, Greeting in the family home ‘Long Live the Elderly’, ngày 12 tháng Mười Một năm 2012). Nhưng không chỉ có vậy: khi ông bà và con cháu, người già và người trẻ ở bên nhau, khi ông bà và con cháu thường xuyên gặp gỡ và lắng nghe nhau, khi quan tâm đến nhau, sự yêu thương của ông bà và con cháu là hơi thở trong lành làm tươi mới thế giới và xã hội, và làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn, vượt xa hơn những mối ràng buộc quan hệ họ hàng.

Đây là thông điệp, đây là thông điệp mà Chúa Giêsu cũng đã trao cho chúng ta trên thập tự giá, khi Người “thấy thân mẫu và người môn đệ thương mến đứng bên cạnh, [và] Người nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa bà, đây là con của Bà!’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh!’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27). Với những lời đó, Chúa ủy thác cho chúng ta một phép lạ để thực hiện: đó là yêu thương tất cả chúng ta như một đại gia đình.

Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn, cảm ơn các bạn đã có mặt ở đây, và cảm ơn vì những gì các bạn đang làm với Quỹ “Età Grande”! Cùng nhau, hiệp nhất, các bạn là một tấm gương và một món quà cho tất cả mọi người. Cha nhớ đến các bạn trong lời cầu nguyện, cha chúc lành cho các bạn, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các bạn, cảm ơn các bạn thật nhiều!

___________________________





[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2024]