Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” ngày 05.05.2024

“Một người bạn luôn yêu thương”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” ngày 05.05.2024

*******

Trưa Chúa nhật ngày 5 tháng 5 năm 2024, Chúa nhật thứ 6 Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với gần 20.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha phân tích cho thấy trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi chúng ta là “những người bạn” và rằng chúng ta là “những người được yêu thương vượt quá mọi công trạng và sự mong đợi”. Thêm nữa, Đức Thánh Cha xin “Mẹ Maria giúp chúng ta lớn lên trong tình bạn với Con của Mẹ và lan tỏa tình bạn ấy ra xung quanh chúng ta”.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

____________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay Tin Mừng kể cho chúng ta lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa mà là bạn hữu” (x. Ga 15:15). Điều đó có nghĩa là gì?

Trong Kinh Thánh, “tôi tớ” của Thiên Chúa là những người đặc biệt, được Chúa ủy thác cho những sứ vụ quan trọng, chẳng hạn như ông Môsê (x. Xh 14:31), Vua Đavít (x. 2 Sm 7:8), tiên tri Êlia (x. 1 V 18:36), cho đến Đức Trinh nữ Maria (x. Lc 1:38). Họ là những người được Thiên Chúa đặt vào tay kho tàng của Người (x. Mt 25:21). Nhưng với Chúa Giêsu, tất cả những điều này vẫn chưa đủ để nói rằng chúng ta là ai đối với Ngài, điều đó chưa đủ: Ngài muốn nhiều hơn nữa, một điều gì đó lớn lao hơn, vượt ngoài những của cải và các kế hoạch: đó là tình bạn.

Từ bé, chúng ta đã biết được kinh nghiệm này thật đẹp: chúng ta tặng bạn bè các đồ chơi và những món quà đẹp nhất; rồi khi lớn lên, ở tuổi thiếu niên, chúng ta tâm sự những chuyện thầm kín đầu tiên của mình với bạn bè; khi là những người trẻ, chúng ta bày tỏ lòng trung kiên; khi trưởng thành, chúng ta chia sẻ những niềm vui và sự lo lắng; khi về già, chúng ta chia sẻ những kỷ niệm, những suy xét và những ngày dài im lặng. Trong Sách Châm ngôn, Lời Chúa nói với chúng ta rằng “Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh” (27:9). Chúng ta hãy dành chút thời gian nghĩ đến những người bạn của chúng ta và cảm tạ Chúa vì họ! Dành một không gian để suy nghĩ về họ…

Tình bạn không phải là kết quả của sự tính toán hay sự ép buộc: nó nảy sinh một cách tự nhiên khi chúng ta nhận ra điều gì đó của bản thân ở người khác. Và nếu đó là sự thật thì tình bạn bền chặt đến mức nó không thể mất đi ngay cả khi bị phản bội. “Bạn bè thương nhau mọi thời mọi lúc” (Cn 17:17) – Sách Châm ngôn nói như vậy – như Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khi Ngài nói với Giuđa, kẻ phản bội Ngài bằng một nụ hôn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì?” (Mt 26:50). Một người bạn thật không bỏ rơi bạn, ngay cả khi bạn phạm sai lầm: người đó sửa lỗi cho bạn, có thể là trách móc bạn, nhưng người đó tha thứ cho bạn và không bỏ rơi bạn.

Và trong Kinh Thánh hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng đối với Ngài, chúng ta chính là những người bạn này: những người thân yêu vượt quá mọi công trạng và sự mong đợi, những người mà Ngài dang tay và ban cho tình yêu, Ân sủng, và Lời của Ngài; với chúng ta là những người bạn, Người chia sẻ những gì thân thương nhất đối với Người, tất cả những gì Người đã nghe được nơi Chúa Cha (x. Ga 15:15). Thậm chí đến mức độ trở nên mỏng manh vì chúng ta, đặt bản thân Người vào tay của chúng ta mà không biện hộ hay giả cách, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúa yêu chúng ta như một người bạn, Ngài muốn điều tốt lành cho chúng ta và Ngài muốn chúng ta chia sẻ điều đó với Ngài.

Và vì thế chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúa có khuôn mặt nào đối với tôi? Khuôn mặt của một người bạn hay của một người xa lạ? Tôi có cảm thấy được Ngài yêu thương như một người thân yêu không? Và đâu là khuôn mặt của Chúa Giêsu mà tôi thể hiện cho người khác, đặc biệt là những người phạm lỗi lầm và cần được tha thứ?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta lớn lên trong tình bạn với Con của Mẹ và lan tỏa tình bạn ấy ra xung quanh chúng ta.

________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Anh chị em thân mến!

Với tình cảm trìu mến, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới anh chị em của các Giáo hội Chính thống và một số Giáo hội Công giáo Đông phương mà hôm nay cử hành Lễ Phục sinh theo Lịch Julian. Xin Chúa Phục Sinh tuôn đổ tràn đầy niềm vui và sự bình an cho tất cả các cộng đoàn và an ủi những người đang đối mặt với nghịch cảnh. Xin gửi lời chúc Lễ Phục sinh hạnh phúc tới họ!

Tôi dâng lời cầu nguyện cho người dân ở bang Rio Grande do Sul của Brazil, đang bị mắc kẹt bởi trận lũ lụt lớn. Xin Chúa đón nhận những người đã khuất và an ủi người thân của họ cũng như những người phải rời bỏ nhà cửa.

Cha xin chào các tín hữu của Rome và từ nhiều nơi khác trong nước Ý và thế giới, đặc biệt là những anh chị em hành hương đến từ Texas, từ tổng giáo phận Chicago và từ Berlin; các sinh viên từ Trường Saint-Jean de Passy của Paris và nhóm Human Life International. Cha xin chào các bạn trẻ Certaldo và Lainate; các tín hữu đến từ Ancona và Rossano Cariati; các ứng sinh Thêm sức từ Cassano D'Adda, nhóm mục vụ của Tesino và giáo xứ Santa Maria del Rosario ở Rome. Và cha xin chào và chân thành cảm ơn các ban nhạc đến từ nhiều vùng khác nhau của Ý: cảm ơn các bạn, các bạn đã chơi rất hay, và tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục chơi thêm một chút. Cảm ơn các bạn! Cha chào nhóm “Francigeni Monteviale”, cũng như các công dân của Livorno và Collesalvetti đã chờ đợi rất lâu để được cải tạo một số khu vực bị ô nhiễm nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Cha gửi lời chào thân ái tới các tân Vệ binh Thụy sĩ và gia đình của họ, nhân dịp ngày lễ của Quân đoàn lịch sử và đáng khen ngợi này. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các Vệ binh Thụy sĩ!

Tôi vui mừng chào đón Hiệp hội “Meter”, tích cực đấu tranh chống lại mọi hình thức lạm dụng trẻ vị thành niên. Cảm ơn các bạn, cảm ơn vì sự cam kết của các bạn! Và hãy tiếp tục công việc quan trọng của các bạn với lòng can đảm.

Và xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang bị hành hạ – đất nước này đã phải chịu quá nhiều đau khổ! – và cầu nguyện cho Palestine và Israel, để họ có được hòa bình, để sự đối thoại được củng cố và mang lại những kết quả tốt đẹp. Hãy nói Không với chiến tranh, nói Có đối thoại!

Cha chúc mọi người Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cha gửi lời chào các bạn trẻ Immaculata, những người rất giỏi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2024]


Đức Thánh Cha sẽ công bố sắc lệnh Năm Thánh 2025

Đức Thánh Cha sẽ công bố sắc lệnh Năm Thánh 2025

Lúc 5 giờ 30 chiều Thứ Năm tuần này, ngày 9 tháng Năm, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức trao và đọc Sắc chỉ ghi Năm Thánh tiếp theo năm 2025, trong giờ Kinh chiều thứ hai Lễ Chúa Lên Trời.

Đức Thánh Cha sẽ công bố sắc lệnh Năm Thánh 2025


*******

Theo truyền thống của Giáo hội và trùng với ngày Lễ Chúa Giêsu Lên Trời vào thứ Năm tới, ngày 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố Sắc chỉ triệu tập Năm Thánh 2025. Trong khuôn khổ cử hành giờ Kinh chiều thứ hai của Lễ Trọng Chúa Thăng Thiên, do Đức Thánh Cha chủ sự tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 5:30 chiều. Vào thời La Mã, bản Sắc chỉ Năm Thánh tiếp theo sẽ được đọc và công bố, cho biết ngày khai mạc và bế mạc Năm Thánh.

__________________________________


Sắc chỉ triệu tập Năm Thánh

Truyền thống của Giáo hội quy định rằng mỗi Năm Thánh được triệu tập thông qua việc công bố Sắc chỉ Giáo hoàng (Pontifical Bull). Khi dùng từ “Bula” chúng tôi muốn nói đến một tài liệu chính thức, thường được viết bằng tiếng Latinh, có ấn tín của Giáo hoàng. Ban đầu, ấn tín được làm bằng chì và có hình hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở mặt trước, và tên của Giáo hoàng ở mặt sau. Sau này, con dấu mực thay thế con dấu kim loại, nhưng con dấu này vẫn tiếp tục được sử dụng cho những tài liệu quan trọng hơn.

Đặc điểm của Sắc chỉ

Tài liệu này của Đức Thánh Cha không chỉ có đặc điểm cho biết ngày khai mạc và ngày bế mạc của Năm Ân sủng, mà mỗi Sắc chỉ Giáo hoàng còn được xác định bởi những lời mở đầu. Chẳng hạn, Thánh Gioan Phaolô II đã triệu tập Đại Năm Thánh 2000 với Tông sắc Incarnationis mysterium (“Mầu nhiệm Nhập thể”), trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập Năm thánh Ngoại thường Lòng thương xót (2015-2016) với Tông sắc Misericordiae Vultus (“Dung nhan Lòng Thương xót”). Các Sắc chỉ bắt đầu bằng tên hiệu của vị Giáo hoàng (không có chữ số), tiếp theo là phẩm vị Episcopus (giám mục) và tước hiệu Servus servorum Dei (tôi tớ của các tôi tớ Chúa). Ví dụ, trong trường hợp của Đức Phanxicô là: ‘Franciscus, Episcopus, Servus servorum Dei’.

Logo Năm Thánh

Vào cuối tháng Sáu năm 2022, logo chính thức của Năm Thánh 2025 đã được công bố, sau khi Bộ Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa tổ chức một cuộc thi với tỷ lệ tham gia cao: 294 bản dự thi nhận được từ 213 thành phố và 48 quốc gia khác nhau.

Đức Thánh Cha sẽ công bố sắc lệnh Năm Thánh 2025

Logo Năm Thánh Lòng Thương Xót

Logo miêu tả bốn nhân vật cách điệu tượng trưng cho loài người đến từ bốn phương của trái đất. Họ ôm nhau thể hiện tình liên đới và tình huynh đệ gắn kết mọi người. Nhân vật đầu tiên đang ôm lấy thánh giá. Đó không những là dấu chỉ của việc ôm lấy đức tin, mà còn là dấu chỉ của niềm hy vọng không bao giờ từ bỏ, bởi vì chúng ta luôn cần đến nó, nhất là trong những thời điểm cần đến nhất.

Rất hữu ích khi quan sát những đường sóng đang chuyển động xung quanh, vì chúng cho thấy cuộc lữ hành của đời sống không phải lúc nào cũng đi qua những vùng nước phẳng lặng. Nhiều khi, những kinh nghiệm cá nhân và các biến cố thế giới đòi hỏi niềm hy vọng cách mãnh liệt hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta phải làm nổi bật phần chân của thánh giá kéo dài, biến thành một chiếc neo và hứng chịu dòng chuyển động của sóng. Chúng ta sẽ biết rằng mỏ neo được dùng như một phép ẩn dụ cho niềm hy vọng. Trên thực tế, mỏ neo hy vọng là tên được đặt trong ngôn ngữ ngành hàng hải khi mỏ neo được các tàu thuyền sử dụng trong thao tác khẩn cấp nhằm giữ thuyền ổn định trong bão tố.

Đừng quên rằng hình ảnh cho thấy hành trình lữ hành không phải là một biến cố cá nhân mà là một sự kiện cộng đồng, với dấu ấn của một động lực ngày càng hướng về thập giá. Thập giá không tĩnh, nhưng năng động và uốn cong hướng về nhân loại, đi ra gặp gỡ nhân loại và không bỏ rơi nhân loại, bảo đảm chắc chắn về sự hiện diện và niềm hy vọng.

Cuối cùng, khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 nổi bật với màu xanh lá: Pilgrims in Spem.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2024]