Ý nghĩa tượng trưng phong phú trong kinh thánh và văn hóa của cây hương bá (tuyết tùng) Li Băng
Hiba Al Kallas | Shutterstock
Aug 06, 2020
Trong thảm kịch, hãy nhìn đến ý nghĩa tượng trưng rất đẹp của loại cây cổ xưa này.
Sau vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, thế giới đã và đang cùng hợp sức để trợ giúp người dân Li Băng, với sự giúp đỡ và lời cầu nguyện thiết thực. Điều có thể làm cho bạn chú ý giữa tất cả những hỗ trợ đó là Lá cờ Li Băng thu hút sự chú ý, với cây tuyết tùng (hương bá) nằm ở chính tâm, xuất hiện trên truyền thông xã hội của người dân.
Trong khi hai dải vạch đỏ tượng trưng cho máu đã đổ ra trong cuộc chiến giành độc lập của đất nước, dải vạch màu trắng rộng ở giữa tượng trưng cho sự thanh khiết và hòa bình, cũng như tuyết rơi xuống trong đất nước. Và nổi bật ở chính giữa là cây tuyết tùng cổ xưa với ngọn cây chạm vào dải vạch đỏ phía trên và rễ cây chạm nhẹ vào dải vạch đỏ phía dưới.
Chính loài cây mang ý nghĩa tượng trưng quen thuộc này, có niên đại từ thời kinh thánh sẽ tạo niềm hy vọng cho người dân Li Băng khi họ cố gắng vượt qua thảm kịch của đất nước.
Được biết đến như là cây Hương bá của Chúa, loài cây thông Li Băng trước đây thường mọc trên Núi Li Băng trong thời cổ đại và được các tu sĩ ẩn tu Kitô giáo trong các tu viện ở Thung lũng Kadisha vô cùng coi trọng. Cho đến ngày nay loài cây này tượng trưng cho sự thánh thiện, sự bất diệt và hòa bình.
“Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng.” (Tv 92:13)
Vì gỗ và rễ của loài cây này vô cùng rắn chắc — giải thích cho quan điểm về tuổi thọ và sự trường tồn — vì thế gỗ của nó được sử dụng trong xây dựng, đóng tàu, và sau này là làm đường ray xe lửa.
Mặc dù loài cây này có những cách sử dụng thiết thực, nhưng ý nghĩa tượng trưng của nó trước đây, và bây giờ vẫn còn, thậm chí còn quan trọng hơn. Loại cây này nói chung có một vị trí nổi bật trong Kinh Thánh, cây hương bá Li Băng được nhắc đến trên 70 lần và thường tượng trưng cho sự phát triển tâm linh:
“Nó bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng. Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng.” (Hs 14: 6-7)
Và chính quan niệm này mà ngày nay người dân Li Băng có thể bám vào với hy vọng. Rễ của cây hương bá chạm vào dải màu đỏ phía dưới và chiều cao của nó vươn lên đến dải đỏ phía trên, cho thấy mối tương quan vững chắc và mật thiết với Thiên Chúa là Cha trên Trời.
Nếu bạn muốn biết thêm một chút về loài cây đóng vai trò nổi bật trong thời kinh thánh, hãy xem loạt ảnh bên dưới:
Cây hương phong (sweetgum)
Thường được biết đến hơn với cái tên Liquidambar styraciflu ở Bắc Mỹ, cây hương phong cung cấp dầu thoa chữa bệnh và dầu sáp ở Trung Đông. Tán lá xum xuê của nó tỏa bóng mát trong thời tiết nóng nực.
Cây hương bá Li Băng (Lebanon cedar)
Cây Cedrus libani thuộc họ thông và được đề cập trong nhiều văn bản cổ. Trong Thánh vịnh 92:12, cây này tượng trưng cho sự công chính. Trên Núi Li Băng có 400 cây được cho là đã 2.000 năm tuổi và cây hương bá là biểu tượng của nước Li Băng.
Acacia (cây keo)
Cũng còn được biết đến là cây shittah, gỗ keo của loại cây này được cho là đã được dùng để đóng Hòm bia Giao ước. Cây này mọc ở thung lũng Giođan và sa mạc Sinai. Tán lá xòe rộng của cây có thể mang đến một chút dịu bớt sức nóng thiêu đốt của sa mạc.
Jericho balsam (Cây chà là Giêricô)
Cây chà là sa mạc này cung cấp một chất dầu mà có thể bạn đã nghe nói đến như là “dầu thơm ở Galaát.” Nó là một loại cây rất có giá trị vì dầu chiết xuất trong trái cây được dùng để làm xà phòng và dầu ăn. Là một loại cây có bông và gai, nó không phải là loài cây nhìn đẹp mắt.
Cypress (cây bách)
Loại gỗ rất bền của cây Cupressus sempervirens được dùng để làm nhà và đóng tàu. Người ta tin rằng Tàu của ông Nôê và những cánh cửa đầu tiên của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma được làm bằng gỗ cây bách.
Fig tree (cây vả)
Trong khi lá cây vả liên quan đến việc che phủ những phần cơ thể con người, thì trái của loài cây này đóng một phần quan trọng trong chế độ ăn của người địa phương. Hoặc là ăn tươi hoặc phơi khô, vả được xem là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu đã chúc dữ một cây vả khi Ngài đang đói và nhìn thấy nó cằn cỗi không sinh trái.
Olive tree (Cây ôliu)
Cây ôliu xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh và là một nguồn dinh dưỡng quý giá trong thời Chúa Giêsu - và vẫn còn cho đến ngày nay. Cây ôliu cho dầu, trái ăn và gỗ và chúng là loại hàng hóa thương mại rất giá trị. Vườn Ghếtsêmani có một lùm cây ôliu nhỏ và ý nghĩa của tên đó theo tiếng Aram cho biết có một xưởng ép dầu tại chỗ. Loài cây có lá xanh quanh năm ngày nay vẫn còn phổ biến, trồng trong các khu vườn và bồn cây cảnh trên khắp thế giới.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/8/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét