Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24, tháng 11, 2024

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 24, tháng 11, 2024

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 24 tháng 11, 2024

________________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Ga 18:33-37) cho chúng ta thấy cảnh Chúa Giêsu trước mặt Phongxiô Philatô. Chúa đã bị trao cho viên tổng trấn La Mã để kết án tử hình. Tuy nhiên, một cuộc đối thoại ngắn ngủi bắt đầu giữa hai người, giữa Chúa Giêsu và Philatô. Qua những câu hỏi của Philatô và câu trả lời của Chúa, hai từ ngữ đặc biệt đã được biến đổi, mang ý nghĩa mới. Hai từ đó là: “vua” và “thế gian”.

Lúc đầu Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” (câu 33). Với tư cách là một viên chức của đế quốc, ông ta muốn biết liệu người đàn ông đứng trước mặt ông có phải là mối đe dọa tiềm ẩn không. Đối với ông, vua là người có thẩm quyền cai trị tất cả thần dân của mình. Và điều này sẽ là mối đe dọa đối với ông ta, đúng không? Chúa Giêsu tuyên bố mình là vua, đúng vậy, nhưng theo một cách hoàn toàn khác! Chúa Giêsu là vua theo nghĩa Ngài là một người làm chứng: Người là Đấng nói sự thật (so sánh câu 37). Quyền năng của Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, nằm trong lời sự thật của Ngài, trong lời hiệu quả của Ngài, lời biến đổi thế giới.

Thế gian: đây là từ thứ hai. “Thế gian” của Phongxiô Philatô là nơi kẻ mạnh thắng kẻ yếu, người giàu chiến thắng kẻ nghèo khó, kẻ hung bạo chiến thắng người hiền lành. Nói cách khác, đáng buồn đó là một thế gian mà chúng ta biết rõ. Chúa Giêsu là Vua, nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian của Philatô, và cũng không thuộc về thế gian này (câu 36).

Quả thật, thế gian của Chúa Giêsu là thế giới mới, thế giới trường tồn mà Thiên Chúa chuẩn bị cho tất cả mọi người chúng ta bằng cách hiến mạng sống của Người để cứu chuộc chúng ta. Đó là vương quốc thiên đàng, mà Chúa Kitô mang đến trần gian này bằng cách đổ tràn đầy ân sủng và sự thật (x. Ga 1:17). Thế giới nơi Chúa Giêsu là Vua, cứu chuộc thụ tạo bị hủy hoại bởi sự dữ bằng quyền năng của tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cứu rỗi thụ tạo, bởi vì Chúa Giêsu giải thoát, Chúa Giêsu tha thứ, Chúa Giêsu mang lại hòa bình và công lý. “Nhưng đây có phải là Cha thật sự không?” – “Đúng vậy”. Linh hồn của anh chị em thế nào? Có điều gì đó đang đè nặng nó không? Một tội cũ nào đó? Chúa Giêsu luôn tha thứ. Đây là vương quốc của Chúa Giêsu. Nếu có điều gì đó xấu xa ở bên trong bạn, hãy xin ơn tha thứ. Và Ngài luôn tha thứ.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu nói chuyện với Philatô từ khoảng cách rất gần, nhưng Philatô vẫn xa cách với Chúa vì ông sống trong một thế giới khác. Philatô không mở lòng mình ra với sự thật, mặc dù sự thật ở ngay trước mắt ông. Ông sẽ để Chúa Giêsu bị đóng đinh. Ông sẽ ra lệnh viết “Vua dân Do Thái” (Ga 19:19) trên thập giá, nhưng không hiểu được ý nghĩa của lời này: “Vua dân Do Thái”, của những từ này. Nhưng Chúa Kitô đã đến thế gian, đến thế gian này. Đấng đến từ sự thật, lắng nghe tiếng nói của Người (x. Ga 18:37). Đó là tiếng nói của Vua vũ trụ, Đấng cứu độ chúng ta.

Anh chị em thân mến, lắng nghe tiếng Chúa mang ánh sáng vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình – mỗi người hãy tự hỏi lòng mình: tôi có thể nói Chúa Giêsu là “vua” của tôi không? Hay trong lòng tôi có những “vua” khác? Theo ý nghĩa nào? Lời của Người có phải là kim chỉ nam, là sự chắc chắn của tôi không? Tôi có nhìn thấy nơi Người dung nhan thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ, luôn luôn tha thứ, Đấng đang chờ đợi chúng ta để ban cho chúng ta ơn tha thứ của Người không?

Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Đức Maria, nữ tỳ của Chúa, trong khi chúng ta chờ đợi Vương quốc Thiên Chúa với niềm hy vọng.

__________________________________________


Sau kinh Truyền tin

Hôm nay, hai bạn trẻ Hàn Quốc đã khiêng Thánh Giá được sử dụng trong Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ diễn ra tại Seoul. Hai bạn sẽ mang Thánh Giá về Hàn Quốc để chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các bạn Hàn Quốc! Và cùng thêm một tràng pháo tay cho các bạn trẻ Bồ Đào Nha đã chuyển lại Thánh Giá.

Hôm qua, tại Barcelona, ​​linh mục Cayetano Clausellas Ballvé và người giáo dân trung thành Antonio Tort Reixachs đã được phong chân phước. Họ đã bị giết vì sự thù ghét đức tin tại Tây Ban Nha vào năm 1936. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì món quà lớn lao là những chứng nhân gương mẫu này của Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta hãy hoan hô các vị Chân phước mới!

Hôm nay, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39 đang được cử hành tại các Giáo hội địa phương, với chủ đề: “Những người cậy trông Đức Chúa sẽ chạy hoài mà không mỏi mệt” (x. Is 40:31). Ngay cả những người trẻ đôi khi cũng mệt mỏi, nếu họ không cậy trông vào Chúa! Cha chào các phái đoàn đến từ Bồ Đào Nha và Hàn Quốc, những người đã “truyền ngọn đuốc” chuẩn bị cho WYD tại Seoul vào năm 2027. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho hai phái đoàn.

Như cha đã thông báo, vào ngày 27 tháng 4 tới, trong Năm Thánh của Thanh thiếu niên, cha sẽ tuyên bố Chân phước Carlo Acutis là Thánh. Ngoài ra, sau khi được Bộ Phong Thánh thông báo rằng Án của Chân phước Pier Giorgio Frassati sắp kết thúc thành công, tôi dự định sẽ phong thánh cho ngài vào ngày 3 tháng 8 tới, trong Năm Thánh của Thanh thiếu niên, sau khi nhận được ý kiến ​​từ các Hồng y. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho những vị thánh mới sắp tới.

Ngày mai Myanmar sẽ kỷ niệm Ngày lễ quốc khánh, để tưởng nhớ cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên đã đưa đất nước này đến với nền độc lập, và trong viễn cảnh về một mùa hòa bình và dân chủ mà đất nước vẫn đang đấu tranh để đạt được ngày hôm nay. Tôi bày tỏ sự gần gũi với toàn thể người dân Myanmar, đặc biệt là những người đau khổ vì những cuộc chiến đấu đang diễn ra, đặc biệt là sự gần gũi của tôi với những người dễ bị tổn thương nhất: trẻ em, người già, người bệnh và tất cả những người tị nạn, bao gồm cả người Rohingya. Với tất cả các bên liên quan, tôi gửi lời kêu gọi chân thành: mong rằng mọi loại vũ khí đều im tiếng và một cuộc đối thoại chân thành và toàn diện được mở ra, điều đó có thể bảo đảm cho một nền hòa bình dài lâu.

Và cha thân ái chào tất cả anh chị em, các tín hữu và khách hành hương người Rome. Đặc biệt, cha chào các nhóm tín hữu đến từ Malta, Israel, Slovenia và Tây Ban Nha, cũng như từ các giáo phận Mostar-Duvno và Trebinje-Mrkan và từ lãnh thổ của Tu viện Fossanova.

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho đất nước Ukraine tử đạo, đang phải chịu quá nhiều đau khổ, chúng ta hãy cầu nguyện cho Palestine, cho Israel, cho Li Băng, cho Sudan. Chúng ta hãy cầu xin ơn hòa bình.

Và với tất cả anh chị em, cha chúc tất cả mọi người Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/11/2024]


Cảnh hang đá Chúa giáng sinh trang trí Vatican sẽ đến từ Ý và Palestine

Cảnh hang đá Chúa giáng sinh trang trí Vatican sẽ đến từ Ý và Palestine

Cảnh hang đá Chúa giáng sinh trang trí Vatican sẽ đến từ Ý và Palestine

ALBERTO PIZZOLI | AFP

Mọi người tập trung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, nơi máng cỏ được khánh thành và cây Noel được thắp sáng, vào ngày 9 tháng 12 năm 2023.


I.Media

20/11/24


Ý sẽ trang trí Quảng trường Thánh Phêrô và cây Noel, trong khi Palestine sẽ trang trí Hội trường Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha có các buổi tiếp kiến ​​vào mùa đông.

Cảnh Chúa Giáng sinhcây Noel nổi tiếng của Vatican mà du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng vào mỗi dịp cuối năm tại Quảng trường Thánh Phêrô, sẽ được khánh thành vào ngày 7 tháng 12 năm 2024, phủ thống đốc của quốc gia nhỏ bé này thông báo ngày 19 tháng 11.

Năm nay, những cảnh này đến từ Friuli-Venezia Giulia và Trentino-Alto Adige, hai vùng giáp ranh nhau thuộc miền đông bắc nước Ý. Cảnh Chúa Giáng sinh trong Hội trường Phaolô VI — nơi Đức Thánh Cha chủ trì các buổi tiếp kiến ​​chung vào mùa đông — sẽ đến từ Palestine.


Cảnh Chúa giáng sinh trên biển

Năm nay, cảnh Hang đá Chúa Giáng sinh theo chủ đề biển sẽ được xây dựng tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới chân tháp bút. Tác phẩm này, do kiến ​​trúc sư Andrea de Walderstein thiết kế, được thực hiện bởi khoảng 40 tình nguyện viên từ Grado, một thị trấn trên Phá Marano ở mũi phía bắc của Biển Adriatic trong tỉnh Gorizia.
Nó sẽ mô tả những cảnh trong cuộc sống hàng ngày thuộc đầu thế kỷ 20, tập trung vào những ngư dân địa phương, những “casoneri” và “casoni” là những ngôi nhà bằng lau sậy đặc trưng của họ. Bối cảnh của hang đá máng cỏ này sẽ phản ánh hệ sinh thái địa phương, đặc biệt là những loài chim đặc trưng trong vùng, được tạo ra bằng máy in 3D.

Hai chiếc “batele” là những chiếc thuyền đáy phẳng đặc trưng, sẽ bồng bềnh trên một dòng suối phía sau con đê dài 100 mét. Máng cỏ cũng sẽ được trang trí bằng “briccole” là những biển chỉ báo các kênh đào có thể đi lại được dẫn đến các thành phố Aquileia, Trieste và Venice, và đến đền thánh Đức Maria Trinh Nữ Vương Barbana. Đền thánh này có từ năm 582 và nằm trên một trong những hòn đảo nhỏ của đầm phá, trong đó có hơn một trăm hòn đảo.

Trong những bức tượng được tạo tác bằng tay từ bùn trong đầm phá, phụ nữ sẽ có một vị trí đặc biệt. Nhất là một nữ ngư dân sẽ chỉ huy con thuyền chở Ba Nhà Chiêm tinh nổi tiếng.

Các nhà thiết kế cũng đã tính đến việc ngăn chặn sự xâm nhập của mòng biển — một hiện tượng rất phổ biến ở Rome — bằng cách lắp đặt hai cột phát sóng tần số siêu âm thay đổi để xua đuổi chúng.


Cây Noel gây tranh cãi

Bên cạnh việc tái tạo cảnh Chúa giáng sinh sẽ là một cây thông đỏ cao 95 feet (xấp xỉ 29m) có tuổi đời hơn một thế kỷ. Cây này mọc trên lãnh thổ Ledro, một xã có 5.000 cư dân ở tỉnh Trentino.

Theo báo chí địa phương đưa tin, việc chọn cây thông này từ Trentino-Alto Adige đã gây ra nhiều tranh cãi trong những tuần gần đây. Các hiệp hội môi trường thu thập được hơn 40.000 chữ ký phản đối kích thước của cây. Ngoài ra, họ tuyên bố ý định chặn đường đến cơ quan lâm nghiệp chịu trách nhiệm đốn hạ cây.

Chính quyền địa phương bảo đảm với công chúng rằng cây được chọn dựa trên các tiêu chí bền vững và “có trách nhiệm về mặt sinh thái”, như đã nêu trong thông cáo báo chí của Vatican. Cây sẽ được di chuyển ra khỏi lô đất được chỉ định như một phần “thay thế tự nhiên” cho các khu rừng trong khu vực, theo các tiêu chí của chứng chỉ quản lý rừng bền vững PEFC.

39 cây nhỏ hơn cũng sẽ trang trí các văn phòng và tòa nhà trong Vatican. Các đồ trang trí được thực hiện bởi Ledro và các thành phố kết nghĩa của Ledro ở Đức và Cộng hòa Séc.


Cảnh Chúa giáng sinh từ Palestine

Hội trường Phaolô VI sẽ được trang trí bằng tác phẩm “Cảnh Chúa Giáng sinh 2024 của Bêlem” do hai nghệ sĩ Johny Andonia và Faten Nastas Mitwasi đến từ Bêlem thiết kế.

Cấu trúc của nó, cao gần 10 feet (hơn 3m), gồm nhiều cảnh Chúa giáng sinh khác nhau được trưng bày trên các kệ và được soi chiếu bởi Ngôi sao Bêlem. Sắt, gỗ ô liu, xà cừ, đá, gốm, thủy tinh, nỉ và vải được kết hợp với nhau trong tác phẩm này, kết hợp nghề thủ công truyền thống với các yếu tố đương đại.

Hang đá này nhằm mục đích nhắc nhở rằng Đất Thánh “là nơi hàng ngày diễn ra cảnh tàn phá, xung đột, đau buồn và bạo lực”, Vatican giải thích.


Yết kiến Đức Giáo Hoàng và lễ khánh thành

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp các phái đoàn Ý và Palestine — bao gồm đại sứ của Nhà nước Palestine tại Tòa thánh — vào sáng ngày 7 tháng 12. Đây sẽ là một ngày bận rộn với vị giáo hoàng sắp bước sang tuổi 88, người cũng sẽ chủ trì một công nghị tấn phong 21 tân hồng y vào buổi chiều hôm đó.

Lễ khánh thành chính thức cảnh hang đá Chúa giáng sinh và thắp sáng cây thông Noel sẽ diễn ra vào lúc trời chạng vạng tối, lúc 6 giờ 30 tối.

Các nhà chức trách dân sự và giáo hội của mỗi phái đoàn, chủ tịch Phủ thống đốc là Đức Hồng y Fernando Vérgez Alzaga và Tổng thư ký, Sơ Raffaella Petrini, đều sẽ có mặt.

Theo truyền thống, vào ngày 31 tháng 12, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm cây thông và cảnh Chúa giáng sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc chiều muộn, sau giờ Kinh Chiều. Các trang trí sẽ được trưng bày cho đến hết mùa Giáng sinh vào lễ Chúa chịu phép rửa, ngày 12 tháng 1 năm 2025.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2024]