Tiếp kiến Đoàn ngoại giao Chính thức tại Tòa Thánh Chúc mừng Năm mới, ngày 09.01.2025
*******
Lúc 10:00 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp các thành viên của đoàn Ngoại giao chính thức tại Tòa thánh trong Khán phòng Blessings của Điện Tông tòa nhân buổi họp mặt chúc mừng năm mới.
Sau đôi lời giới thiệu của Trưởng đoàn Ngoại giao đoàn, Ngài Georges Poulides, đại sứ của Síp tại Tòa thánh, và sau lời chào mừng của Đức Thánh Cha, Đức ông Filippo Ciampanelli, phó thư ký Bộ các Giáo hội Đông phương, đọc bài diễn từ sau đây của Đức Thánh Cha Phanxicô soạn:
__________________________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa quý ngài, thưa quý ông và quý bà,
Sáng nay, chúng ta đến để tham dự một buổi gặp gỡ, ngoài đặc tính thuộc về thể chế, trên hết là tìm cách để trở thành một sự kiện gia đình: một khoảnh khắc tượng trưng khi gia đình các dân tộc họp mặt, thông qua sự hiện diện của quý vị, để trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp của tình anh em, để bỏ lại sau lưng những tranh chấp chia rẽ chúng ta và thay vào đó là tìm kiếm điều để đoàn kết chúng ta. Đầu năm nay, một năm đặc biệt có ý nghĩa đối với Giáo hội Công giáo, việc chúng ta đến với nhau mang tính biểu tượng riêng. Vì Năm Thánh nhằm giúp chúng ta thoát khỏi nhịp sống ngày càng quay cuồng của cuộc sống thường nhật để trở nên tươi mới và được nuôi dưỡng bởi những gì thực sự quan trọng. Nói một cách ngắn gọn, để tái khám phá lại chính mình, với tư cách là những người con của Thiên Chúa và là anh chị em trong Người, để tha thứ cho những xúc phạm, để hỗ trợ những người yếu đuối và nghèo khổ xung quanh chúng ta, để mang lại sự nghỉ ngơi và nhẹ nhàng cho trái đất, để thực hành công lý và khôi phục lại niềm hy vọng. Đây là lời hiệu triệu gửi đến tất cả những ai phục vụ ích chung và thực hiện đức ái cao cả – có lẽ là hình thức bác ái cao nhất – đó là chính trị.
Trong tinh thần này, tôi xin gửi đến quý vị lời chào nồng hậu. Trước hết, tôi xin cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Trưởng đoàn Ngoại giao, vì những lời tốt đẹp truyền đạt tình cảm chung của quý vị. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả quý vị, về tình cảm và sự tôn trọng mà dân tộc và chính phủ quý vị đại diện dành cho Tòa thánh. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm của hơn ba mươi Nguyên thủ quốc gia hoặc Chính phủ mà tôi rất vui mừng được tiếp đón tại Vatican vào năm 2024, cũng như việc ký kết Nghị định thư bổ sung thứ hai cho Hiệp định giữa Tòa thánh và Burkina Faso về tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo tại Burkina Faso và Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Séc về một số vấn đề pháp lý, được ký kết trong suốt năm qua. Tiếp theo, vào tháng 10 năm ngoái, Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục đã được gia hạn thêm bốn năm, một tín hiệu cho thấy mong muốn tiếp tục cuộc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo hội Công giáo trong đất nước Trung Quốc và của toàn thể người dân.
Về phần mình, tôi đã đáp lại tình cảm này qua các Chuyến tông du gần đây đưa tôi đến những vùng đất xa xôi như Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, cũng như đến những quốc gia gần hơn như Bỉ và Luxembourg và gần đây nhất là Corsica. Mặc dù rõ ràng đây là những điểm đến rất khác nhau, nhưng mỗi chuyến đi đều là cơ hội để tôi gặp gỡ và tham gia đối thoại với những dân tộc, những nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau, và mang đến những lời động viên và an ủi, đặc biệt là cho những người đang cần nhất. Thêm vào các chuyến đi này là ba chuyến viếng thăm tôi đã thực hiện đến Verona, Venice và Trieste trong nước Ý này.
Nhân dịp đầu năm Thánh, tôi xin gửi lời cảm ơn cách đặc biệt đến các nhà chức trách quốc gia và địa phương của nước Ý, vì các sự cố gắng đã bỏ ra để chuẩn bị cho Rome mừng Năm Thánh. Công việc ráo riết trong những tháng vừa qua, chắc chắn đã gây ra không ít những bất tiện, giờ đây được đền đáp bằng việc cải thiện một số dịch vụ và không gian công cộng, để mọi người, công dân, khách hành hương và du khách, có thể tận hưởng nhiều hơn vẻ đẹp của Thành phố Vĩnh cửu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến người dân Rome, nổi tiếng với lòng hiếu khách, vì sự kiên nhẫn mà họ đã thể hiện trong những tháng gần đây, đồng thời là sự hiếu khách mà họ sẽ thể hiện khi chào đón nhiều du khách đến đây trong năm nay. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lực lượng cảnh sát, các cơ quan bảo vệ dân sự và chăm sóc sức khỏe, và tất cả những người tình nguyện đang nỗ lực hết mình mỗi ngày để đảm bảo an ninh và một Năm Thánh bình yên.
Thưa các vị Đại sứ,
Trong lời của tiên tri Isaia mà Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường ở Nadarét khi Ngài bắt đầu đời sống công khai, như chúng ta đọc trong Tin mừng theo Thánh Luca (4:16-21), chúng ta tìm thấy hình ảnh thu nhỏ không riêng của mầu nhiệm Giáng sinh mà chúng ta vừa cử hành, mà còn là của Năm Thánh hiện tại. Đức Kitô đến để “loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân; công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61:1-2a).
Thật đáng buồn, chúng ta khởi đầu năm mới này khi thế giới chứng kiến cảnh chia rẽ bởi nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, được biết đến nhiều hoặc ít, và cả với sự tái diễn của các hành động khủng bố tàn bạo, chẳng hạn như những hành động vừa xảy ra ở Magdeburg, Đức và New Orleans, Hoa Kỳ.
Chúng ta cũng thấy những căng thẳng xã hội và chính trị ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia. Chúng ta nhìn thấy các xã hội ngày càng phân cực, được ghi dấu bằng cảm giác chung là nỗi sợ hãi và ngờ vực người khác và hoài nghi về tương lai, điều này trở nên trầm trọng hơn do những tin giả liên tục được tạo ra và lan truyền, không những bóp méo sự thật mà còn cả nhận thức. Hiện tượng này tạo ra những hình ảnh sai lệch về thực tại, một bầu không khí nghi ngờ kích động lòng căm thù, làm suy yếu cảm giác an toàn của mọi người và gây tổn hại đến sự chung sống của người dân và sự ổn định của tất cả các quốc gia. Những ví dụ bi thảm cho vấn đề này là các vụ tấn công vào ngài Chủ tịch Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.
Bầu không khí bất ổn này dẫn đến việc dựng lên những hàng rào mới và vẽ ra những đường biên giới mới, trong khi các hàng rào khác vẫn tồn tại vững chắc, chẳng hạn như hàng rào chia cắt đảo Síp trong hơn năm mươi năm và hàng rào chia đôi bán đảo Triều Tiên trong hơn bảy mươi năm, chia cách các gia đình và chia cắt nhà cửa và thành phố. Những đường biên giới mới này được cho là ranh giới phân định bản sắc, qua đó sự đa dạng trở thành lý do để hoài nghi, ngờ vực và sợ hãi: “Bất cứ điều gì đến từ bên kia đều không đáng tin cậy, vì nó là thứ xa lạ, không quen thuộc, không phải là một phần của làng ... Kết quả là, những bức tường mới được dựng lên để tự bảo vệ, thế giới bên ngoài không còn tồn tại và chỉ còn lại thế giới ‘của tôi’, đến mức những người khác không còn được coi là con người có phẩm giá bất khả xâm phạm mà chỉ là ‘họ’.” [1] Thật trớ trêu, từ “biên giới” (“giới hạn”) không có nghĩa là một nơi chia cắt, nhưng là nơi hợp nhất, (cum-finis), nơi người ta có thể gặp gỡ người khác, tìm hiểu về họ và đối thoại với họ.
Niềm hy vọng của tôi trong năm mới này là Năm Thánh có thể tượng trưng cho tất cả mọi người, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, một cơ hội để suy nghĩ lại về các mối tương quan ràng buộc chúng ta với nhau như những con người và cộng đồng chính trị. Nhưng cũng để vượt qua luận lý đối đầu và thay vào đó bằng luận lý gặp gỡ; để tương lai không thấy chúng ta trôi dạt cách vô vọng, nhưng tiến về phía trước như những người lữ khách của hy vọng, những cá nhân và cộng đồng di chuyển, cam kết xây dựng một tương lai hòa bình.
Hơn nữa, trước mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới, sứ mệnh của ngoại giao là thúc đẩy đối thoại với tất cả các bên, gồm cả những bên đối thoại được coi là ít “thuận tiện” hơn hoặc không được coi là hợp pháp để đàm phán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể phá vỡ xiềng xích của lòng hận thù và sự trả thù đang trói buộc và làm giảm sức mạnh bùng phát của lòng ích kỷ, lòng kiêu hãnh và sự ngạo mạn của con người, chúng là gốc rễ của mọi quyết tâm tiến hành chiến tranh hủy diệt.
Thưa quý ngài,
Dựa trên những cân nhắc ngắn gọn ở trên, sáng nay tôi muốn cùng quý vị vạch ra một số đặc điểm của nền ngoại giao hy vọng, bắt nguồn từ những lời của tiên tri Isaia, mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành sứ giả, để những đám mây đen của chiến tranh có thể bị quét sạch bởi các luồng gió mới của hòa bình. Nói chung, tôi muốn nhấn mạnh một số trách nhiệm mà mọi nhà lãnh đạo chính trị nên ghi nhớ khi thực hiện trách nhiệm của mình, những trách nhiệm này phải hướng tới việc theo đuổi ích chung và sự phát triển toàn diện của con người.
Mang tin vui đến cho những người bị áp bức
Trong mọi lúc và mọi nơi, con người luôn bị cuốn hút bởi ý nghĩ cho rằng tự bản thân họ có đủ khả năng và là kiến trúc sư cho số phận của chính họ. Bất cứ khi nào chúng ta để cho mình bị chi phối bởi tính tự phụ như vậy, chúng ta ngay lập tức thấy mình bị các biến cố và hoàn cảnh bên ngoài buộc phải nhận biết rằng chúng ta mong manh và bất lực, nghèo nàn và thiếu thốn, phải chịu nghịch cảnh về tinh thần và vật chất. Nói cách ngắn gọn, chúng ta khám phá ra nỗi khốn khổ của mình và cần một ai đó để cứu chúng ta thoát khỏi tình cảnh đó.
Thật khốn khổ cho thời đại chúng ta. Hơn bao giờ hết, nhân loại đã nếm trải sự tiến bộ, phát triển và giàu có, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại thấy mình cô đơn và lạc lõng đến thế, thậm chí đôi khi còn thích nuôi thú cưng hơn con cái. Một nhu cầu cấp bách hiện có là được nghe tin vui. Một tin vui mà theo quan điểm của Kitô giáo được Thiên Chúa trao ban cho chúng ta vào đêm Giáng sinh! Do đó, mọi người – ngay cả những người không phải là tín hữu – đều có thể trở thành người mang thông điệp hy vọng và sự thật.
Vì vậy, con người được phú bẩm một lòng khát khao chân lý từ bẩm sinh. Đó là một khía cạnh căn bản về tình trạng con người của chúng ta, vì mỗi người đều mang trong thẳm sâu mình một lòng khát khao chân lý khách quan và mong muốn vô bờ đối với kiến thức. Cho dù điều này luôn đúng, nhưng trong thời đại của chúng ta, việc phủ nhận những chân lý hiển nhiên dường như đã chiếm ưu thế. Một số người không tin vào luận chứng lý tính, tin rằng đó là công cụ trong tay của một thế lực vô hình nào đó, trong khi những người khác tin rằng họ chắc chắn nắm giữ một chân lý do chính họ tạo ra, và vì vậy miễn thảo luận và đối thoại với những người có suy nghĩ khác. Những người khác có khuynh hướng phát minh ra “chân lý” của riêng họ, bất chấp tính khách quan của thực tế. Những xu hướng này có thể được thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo; chúng có thể bị lạm dụng để thao túng tâm trí vì mục đích kinh tế, chính trị và ý thức hệ.
Sự tiến bộ khoa học hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đã mang lại những lợi ích hiển nhiên cho nhân loại. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, giữ liên lạc với những người thân yêu ngay cả khi họ cách xa về mặt vật lý, luôn cập nhật thông tin và tăng thêm kiến thức của chúng ta. Nhưng đồng thời, không thể bị bỏ qua những hạn chế và nguy hiểm của nó, vì nó thường góp phần gây ra sự phân cực, thu hẹp quan điểm trí tuệ, đơn giản hóa thực tế, lạm dụng, lo lắng, và thật trớ trêu, đó là tình trạng cô lập, đặc biệt là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến.
Sự phát triển trí tuệ nhân tạo làm dấy lên mối quan ngại rộng hơn về quyền sở hữu trí tuệ, an ninh việc làm của hàng triệu người, nhu cầu tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường khỏi rác thải điện tử. Hầu như không có góc nào trên thế giới của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi văn hóa rộng lớn do những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ mang lại, sự liên kết với lợi ích thương mại ngày càng rõ ràng, tạo ra một văn hóa xuất phát từ chủ nghĩa tiêu dùng.
Sự mất cân bằng này đe dọa phá vỡ trật tự các giá trị vốn có trong việc tạo ra những mối quan hệ, giáo dục và truyền tải các chuẩn mực xã hội, trong khi cha mẹ, họ hàng thân thiết và các nhà giáo dục vẫn phải là những kênh chính để truyền tải văn hóa, vì mục đích này, các chính phủ nên giới hạn hỗ trợ chúng trong những trách nhiệm giáo dục. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của giáo dục hiểu biết truyền thông, nhằm mục đích cung cấp các công cụ vô cùng cần thiết để thúc đẩy các kỹ năng tư duy phản biện, trang bị cho lớp người trẻ tuổi những phương tiện cần thiết cho sự phát triển cá nhân và sự tham gia tích cực của họ vào tương lai của xã hội.
Do đó, ngoại giao hy vọng trước hết là ngoại giao sự thật. Nếu thiếu đi mối liên hệ giữa thực tế, sự thật và kiến thức, con người sẽ không còn khả năng nói và hiểu nhau nữa, vì đang thiếu nền tảng của một ngôn ngữ chung, được neo giữ trong thực tế của mọi sự và từ đó có thể hiểu được trên toàn thế giới. Mục đích của ngôn ngữ là giao tiếp, chỉ thành công khi các từ ngữ chính xác và ý nghĩa của các thuật ngữ được chấp nhận. Trình thuật trong Kinh thánh về Tháp Babel cho thấy điều gì xảy ra khi mọi người chỉ nói bằng ngôn ngữ “của riêng mình”.
Do đó, giao tiếp, đối thoại và cam kết vì ích chung đòi hỏi phải có thiện chí vững chắc và tuân thủ một ngôn ngữ chung. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực ngoại giao, nhất là trong những bối cảnh đa phương. Tác động và thành công của bất kỳ tuyên bố, tuyên ngôn, nghị quyết và nói chung là các văn bản đàm phán đều phụ thuộc vào điều này. Một thực tế đã được chứng minh là chủ nghĩa đa phương chỉ vững mạnh và hiệu quả khi tập trung vào những vấn đề đang được thảo luận và sử dụng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và được thống nhất.
Do đó, nỗ lực thao túng các văn bản đa phương – bằng cách thay đổi ý nghĩa của các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung của các hiệp ước nhân quyền – nhằm thúc đẩy các hệ tư tưởng gây chia rẽ, chà đạp lên các giá trị và niềm tin của các dân tộc là đặc biệt đáng lo ngại. Nó đại diện cho một hình thức thực dân hóa hệ tư tưởng, cố gắng nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và những mối ràng buộc tôn giáo của các dân tộc, dựa theo các chương trình hành động được lên kế hoạch cẩn thận. Đây là một tâm thức mở ra cánh cửa cho “văn hóa loại bỏ”, bằng cách gạt lại đằng sau những gì được coi là “những trang đen tối của lịch sử”. Nó không khoan dung cho bất kỳ sự khác biệt nào và tập trung vào quyền cá nhân, gây tổn hại đến nghĩa vụ đối với tha nhân, đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. [2] Vấn đề này không thể chấp nhận được, ví dụ, khi nói về điều được gọi là “quyền phá thai” là nghịch lại với các quyền con người, đặc biệt là quyền được sống. Mọi sự sống phải được bảo vệ tại mọi thời điểm, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, bởi vì không có đứa trẻ nào là sai lầm hoặc là điều sai trái khi sinh ra, cũng như không có người già hoặc người bệnh nào có thể bị tước mất hy vọng và bị bỏ rơi.
Cách tiếp cận này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh của các cơ quan đa phương khác nhau. Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, trong đó Tòa thánh là thành viên sáng lập, đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán dẫn đến Tuyên ngôn Helsinki năm 1975 cách đây nửa thế kỷ. Việc khôi phục lại “tinh thần Helsinki” là cấp thiết hơn bao giờ hết, qua đó những quốc gia đối lập, được coi là “kẻ thù”, đã thành công trong việc tạo ra một không gian gặp gỡ và không từ bỏ đối thoại như một phương tiện để giải quyết các xung đột.
Tuy nhiên, các thể chế đa phương, phần lớn ra đời vào cuối Đệ Nhị Thế chiến cách đây khoảng tám mươi năm, dường như không còn khả năng bảo đảm hòa bình và ổn định, hoặc tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển, là những lý do mà các tổ chức này được tạo ra. Dường như các tổ chức cũng không có khả năng phản ứng theo cách hiệu quả thực sự đối với những thách thức mới của thế kỷ 21 này, chẳng hạn như các vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và xã hội, chưa kể đến những thách thức do trí tuệ nhân tạo đặt ra. Trong đó nhiều tổ chức cần phải được cải cách, lưu ý rằng bất kỳ sự cải cách nào cũng cần dựa trên những nguyên tắc bổ trợ và đoàn kết, và tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Đáng tiếc là có nguy cơ tồn tại một “đơn thể luận” và sự phân mảnh thành các câu lạc bộ đồng chí chỉ cho phép những người có cùng suy nghĩ tham gia.
Tuy nhiên, đã có và vẫn đang có những dấu hiệu đáng khích lệ ở bất cứ nơi nào có thiện chí muốn xích lại gần nhau. Tôi nghĩ đến Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa Chile và Argentina, được ký kết tại Thành phố Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 1984, với sự trung gian của Tòa thánh và thiện chí của các Bên, đã chấm dứt tranh chấp Kênh đào Beagle. Theo cách này, nó cho thấy rằng hòa bình và hữu nghị là có thể khi hai thành viên của cộng đồng quốc tế từ bỏ việc sử dụng vũ lực và long trọng cam kết tôn trọng mọi quy tắc của luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác song phương. Gần đây hơn, tôi nghĩ đến những dấu hiệu tích cực của việc nối lại các đàm phán để quay trở lại khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran, với mục đích bảo đảm một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Băng bó những trái tim tan vỡ
Ngoại giao hy vọng cũng là ngoại giao tha thứ, có khả năng hàn gắn các mối quan hệ bị chia cắt bởi hận thù và bạo lực trong thời điểm có quá nhiều những cuộc xung đột công khai hoặc tiềm ẩn, và từ đó chăm sóc những trái tim tan vỡ của không biết bao nhiêu nạn nhân. Mong muốn của tôi cho năm 2025 là toàn thể cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết mình để chấm dứt cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều máu đổ trong gần ba năm qua tại Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, trong đó có nhiều dân thường. Một số dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở phía chân trời, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng và dài lâu, cũng như chữa lành những vết thương do cuộc xâm lược gây ra.
Cũng vậy, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel ở Gaza, nơi hiện đang trong tình trạng nhân đạo rất nghiêm trọng và đáng xấu hổ, và tôi yêu cầu để người dân Palestine được nhận mọi sự hỗ trợ cần thiết. Tôi hy vọng rằng người Israel và người Palestine có thể xây dựng lại những cây cầu đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, bắt đầu từ những cây cầu nhỏ nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống bên nhau trong hai Nhà nước, trong hòa bình và an ninh, và hy vọng rằng Giêrusalem có thể trở thành “thành phố cho sự gặp gỡ”, nơi những người Kitô giáo, Do Thái và Hồi giáo chung sống hòa hợp và tôn trọng. Vào tháng 6 năm ngoái, trong khu vườn Vatican, chúng ta đã kỷ niệm 10 năm Lời kêu gọi Hòa bình tại Đất Thánh, vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, có sự hiện diện của Tổng thống Nhà nước Israel lúc bấy giờ là ông Shimon Peres, và Tổng thống Nhà nước Palestine, Mahmoud Abbas, cùng với Đức Thượng phụ Bartholomew I. Cuộc gặp gỡ đó đã chứng minh rằng đối thoại luôn có thể thực hiện được và chúng ta không thể đầu hàng trước ý tưởng rằng sự thù địch và hận thù giữa các dân tộc sẽ chiếm ưu thế.
Đồng thời, cũng cần phải chỉ thẳng ra rằng chiến tranh được thúc đẩy bởi sự gia tăng liên tục các loại vũ khí hủy diệt ngày càng tinh vi hơn. Sáng nay, tôi nhắc lại lời kêu gọi rằng “với số tiền chi cho vũ khí và các chi phí quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một quỹ toàn cầu để có thể chấm dứt nạn đói và thúc đẩy phát triển ở các quốc gia nghèo đói nhất, để công dân của họ sẽ không phải dùng đến các giải pháp bạo lực hoặc ảo tưởng, hoặc phải rời bỏ đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống đúng phẩm giá hơn”. [3]
Chiến tranh luôn là một thất bại! Sự dính líu đến người dân thường, đặc biệt là trẻ em, và việc phá hủy cơ sở hạ tầng không chỉ là một thảm họa, mà về cơ bản có nghĩa là giữa hai bên chỉ có cái ác mới là kẻ chiến thắng. Chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận việc ném bom xuống đầu thường dân hoặc tấn công vào các cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự sống còn của họ. Chúng ta không thể chấp nhận rằng trẻ em bị chết cóng vì các bệnh viện đã bị phá hủy hoặc mạng lưới năng lượng của một quốc gia đã bị tấn công.
Toàn thể cộng đồng quốc tế dường như đều đồng ý về tính cần thiết đối với việc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nhưng sự thất bại trong việc thực hiện trọn vẹn và cụ thể luật đó đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu chúng ta quên đi nền tảng cuộc sống của chúng ta, tính thiêng liêng của sự sống, là những nguyên tắc làm thế giới chuyển động, thì làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng quyền này được tôn trọng một cách hiệu quả?
Chúng ta cần khôi phục lại những giá trị này và thể hiện chúng trong các nguyên tắc của lương tâm đại chúng, để nguyên tắc nhân đạo thực sự trở thành nền tảng cho hoạt động của chúng ta. Do đó, tôi tin rằng Năm Thánh này sẽ là thời gian thuận lợi để cộng đồng quốc tế có những bước đi tích cực nhằm bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người không bị hy sinh cho nhu cầu quân sự.
Trên cơ sở này, tôi yêu cầu rằng những nỗ lực được thực hiện nhằm tiếp tục bảo đảm rằng việc coi thường luật nhân đạo quốc tế không còn là một tùy chọn nữa. Cũng cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa để chắc chắn rằng những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Hồng Thập tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 34 diễn ra vào tháng 10 năm ngoái tại Geneva sẽ được thực hiện. Lễ Kỷ niệm 75 năm Công ước Geneva vừa được tổ chức, và đó vẫn là một mệnh lệnh phải thực hiện các chuẩn mực và nguyên tắc đặt nền tảng cho các Công ước này trong rất nhiều vùng chiến sự mở.
Trong số đó, tôi nghĩ đến nhiều cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn ở lục địa châu Phi, đặc biệt là ở Sudan, Sahel, Sừng châu Phi, Mozambique, nơi đang diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, và ở các vùng phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi người dân phải chịu cảnh thiếu thốn về y tế và nhân đạo nghiêm trọng, có những lúc trở nên trầm trọng hơn bởi nạn khủng bố, dẫn đến sự mất mát về nhân mạng và hàng triệu người phải di tản. Ngoài ra, chúng ta có thể thêm vào đó là những tác động tàn phá của lũ lụt và hạn hán, làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã bấp bênh ở nhiều nơi khác nhau của châu Phi.
Tuy nhiên, viễn cảnh về một nền ngoại giao tha thứ không chỉ có nghĩa là chữa lành các cuộc xung đột quốc tế hay trong khu vực. Nó làm cho mọi người có trách nhiệm trở thành một nghệ nhân của hòa bình, để xây dựng những xã hội thực sự hòa bình, trong đó những khác biệt về chính trị, xã hội, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo hợp pháp góp phần tạo nên một gia sản chứ không phải là khởi nguồn của hận thù và chia rẽ.
Tôi đặc biệt nghĩ đến Myanmar, nơi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì các cuộc đụng độ vũ trang triền miên khiến họ phải rời bỏ nhà cửa và sống trong nỗi hãi hùng.
Cũng thật đau khổ khi thấy rằng vẫn còn nhiều tình huống xung đột chính trị và xã hội gay gắt, đặc biệt là ở châu Mỹ. Tôi nghĩ đến Haiti, nơi tôi tin rằng cần phải thực hiện các bước cần thiết để tái lập trật tự dân chủ và chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt. Tôi cũng nghĩ đến Venezuela và cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà đất nước này đang trải qua, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được khắc phục bằng sự tuân thủ nghiêm túc các giá trị của sự thật, công lý và tự do, bằng sự tôn trọng sự sống, phẩm giá và quyền của mọi người, bao gồm cả những người bị bắt do các biến cố trong những tháng gần đây, bằng sự từ chối mọi hình thức bạo lực và chúng ta hy vọng, bằng việc bắt đầu các cuộc đàm phán một cách thiện chí và hướng đến lợi ích chung của đất nước. Tương tự như vậy, tôi nghĩ đến Bolivia, nơi đang trải qua tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đáng lo ngại, và Colombia, nơi tôi tin rằng với sự giúp đỡ của mọi người, có thể chấm dứt nhiều cuộc xung đột từ lâu đã xé nát đất nước. Cuối cùng, tôi nghĩ đến Nicaragua, nơi Tòa thánh luôn rộng mở cho việc đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng, luôn quan tâm theo dõi các biện pháp được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức của Giáo hội và yêu cầu quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác phải được đảm bảo trọn vẹn cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự bảo đảm quyền tự do tôn giáo, trong đó có sự tôn trọng lương tâm của các cá nhân và quyền công khai thể hiện niềm tin và tư cách thành viên của một người trong một cộng đồng. Về vấn đề này, những thái độ thể hiện chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng, mà tôi cực lực lên án và ảnh hưởng ngày càng nhiều đến các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, là mối quan ngại sâu sắc.
Tôi cũng không thể im lặng về nhiều cuộc đàn áp chống lại các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, thường do những nhóm khủng bố thực hiện, đặc biệt là ở Châu Phi và Châu Á. Cũng không thể im lặng về những hình thức hạn chế tự do tôn giáo “kín đáo” hơn được tìm thấy ở Châu Âu, nơi các chuẩn mực pháp lý và thông lệ hành chính đang gia tăng, “hạn chế hoặc thực tế là hủy bỏ các quyền được Hiến pháp chính thức công nhận đối với cá nhân các tín đồ và các nhóm tôn giáo”. [4] Về vấn đề này, tôi xin nhắc lại rằng tự do tôn giáo tạo nên sự “thành tựu của một nền văn hóa chính trị và pháp lý lành mạnh”, [5] bởi vì khi nó “được thừa nhận, phẩm giá của con người được tôn trọng từ căn nguyên, và bản sắc và thể chế của các dân tộc được vững mạnh”. [6]
Người Kitô giáo có khả năng và mong muốn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội nơi họ sinh sống. Ngay cả khi họ không phải là nhóm đa số trong xã hội, họ vẫn là công dân theo đúng nghĩa của mình, đặc biệt là ở những vùng đất mà họ đã sinh sống từ lâu đời. Tôi đặc biệt nói về Syria, sau nhiều năm chiến tranh và tàn phá, dường như đang đi theo con đường ổn định. Tôi hy vọng rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của người dân Syria và các cải cách hiến pháp cần thiết sẽ không bị bất kỳ ai xâm phạm, và cộng đồng quốc tế sẽ giúp Syria trở thành vùng đất chung sống hòa bình, nơi tất cả người Syria, gồm cả cộng đồng người Kitô giáo, thấy mình là người công dân trọn vẹn và chia sẻ lợi ích chung của quốc gia yêu dấu đó.
Tôi cũng nghĩ đến đất nước Li Băng thân yêu, và bày tỏ hy vọng rằng đất nước này, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cộng đồng Kitô giáo, có thể có được sự ổn định về mặt thể chế nhằm giải quyết tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng, để xây dựng lại miền Nam đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, và thực hiện đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taif. Ước mong toàn thể người dân Li Băng sẽ làm việc để bảo đảm rằng đất nước của những cây tuyết tùng vĩ đại không bao giờ bị biến dạng bởi sự chia rẽ, mà thay vào đó thể hiện “sự chung sống”. Ước mong Li Băng vẫn là một đất nước và là một thông điệp của sự chung sống và hòa bình.
Công bố tự do cho những người bị giam cầm
Hai ngàn năm của Kitô giáo đã giúp xóa bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều hình thức nô lệ vẫn tồn tại, bắt đầu từ hình thức nô lệ ít được thừa nhận nhưng được áp dụng cách rộng rãi liên quan đến lao động. Quá nhiều người sống như nô lệ cho công việc của họ, từ một phương tiện trở thành mục đích, và thường bị bó chặt vào các điều kiện làm việc vô nhân đạo về mặt an toàn, giờ làm việc và tiền lương. Cần phải nỗ lực để tạo ra các điều kiện làm việc có phẩm giá, để công việc không trở thành rào cản đối với sự hoàn thiện và phát triển của con người, vì bản thân nó là cao quý và cao cả. Đồng thời, cần phải bảo đảm chắc chắn có các cơ hội việc làm thật sự, nhất là khi tình trạng thất nghiệp lan rộng khuyến khích làm việc không khai báo và đó là tội phạm.
Tiếp đến là tình trạng nô lệ kinh khủng cho ma túy, đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ. Không thể chấp nhận được khi nhìn thấy số lượng những người, những gia đình và quốc gia bị hủy hoại bởi tệ nạn này, mà nó dường như đang gia tăng, nhất là sự xuất hiện của các loại ma túy tổng hợp giết người, được bán rộng rãi do hiện tượng buôn bán ma túy vô cùng tàn ác.
Giữa những hình thức nô lệ khác nhau trong thời đại của chúng ta, một hình thức nô lệ kinh khủng nhất là nạn buôn người do những kẻ vô đạo đức lợi dụng nhu cầu của hàng ngàn người chạy trốn chiến tranh, nạn đói, sự đàn áp hoặc những tác động của biến đổi khí hậu nhằm tìm một nơi an toàn để sinh sống. Ngoại giao hy vọng là ngoại giao tự do, đòi hỏi sự cam kết chung của cộng đồng quốc tế nhằm xóa bỏ hoạt động thương mại kinh hoàng này.
Đồng thời, cần phải chăm sóc những nạn nhân của nạn buôn người, những người di cư, sau khi bị buộc phải đi bộ hàng ngàn cây số ở Trung Mỹ hoặc sa mạc Sahara, hoặc băng qua Biển Địa Trung Hải hoặc Eo biển Manche trên những chiếc thuyền tạm bợ chật cứng, để cuối cùng bị từ chối hoặc buộc phải sống lén lút ở một quốc gia xa lạ. Chúng ta có thể dễ dàng quên đi rằng chúng ta đang đứng trước những con người thật cần được chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập. [7]
Tôi nặng lòng khi thấy rằng di cư vẫn bị bao phủ trong một đám mây đen ngờ vực, thay vì được coi là nguồn để trao cơ hội. Những người di cư chỉ đơn giản được xem là một vấn đề cần quản lý. Họ không thể bị đối xử như những đồ vật để đẩy qua đẩy lại; họ có phẩm giá và nguồn lực có thể cung cấp cho người khác; họ có những kinh nghiệm, những nhu cầu, những nỗi sợ hãi, khát vọng, ước mơ, kỹ năng và tài năng của riêng mình. Chỉ bằng cách nhìn nhận mọi việc theo góc độ này, chúng ta mới có thể đạt được sự tiến bộ khi đối mặt với một hiện tượng đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các quốc gia, đặc biệt là thông qua việc tạo ra các con đường hợp thức an toàn.
Sau đó, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di tản, để việc rời bỏ quê hương đến nơi khác là một lựa chọn chứ không phải là phương thức cần thiết để sinh tồn. Với suy nghĩ này, tôi coi cam kết chung về hợp tác phát triển, như một phương tiện giúp loại bỏ một số nguyên nhân khiến con người phải di cư, là điều cần thiết.
Trả tự do cho tù nhân
Cuối cùng, ngoại giao hy vọng là ngoại giao công lý, nếu không có nó thì không thể có hòa bình. Năm Thánh là thời điểm thuận lợi để thực hành công lý, xóa nợ và giảm án cho tù nhân. Tuy nhiên, không có khoản nợ nào cho phép bất kỳ ai, kể cả Chính phủ, đòi lấy mạng sống của người khác. Về vấn đề này, tôi lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình ở mọi quốc gia, [8] vì ngày nay không tìm thấy lý do chính đáng nào trong số các công cụ có khả năng khôi phục công lý.
Chúng ta cũng không thể quên rằng tất cả chúng ta đều là tù nhân theo một nghĩa nào đó, vì tất cả chúng ta đều là con nợ: đối với Thiên Chúa, đối với người khác, và cả với trái đất thân yêu của chúng ta, nơi chúng ta kín múc lấy nguồn sống hàng ngày. Như tôi nhận xét trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới, “mỗi người chúng ta phải cảm nhận theo một cách nào đó có trách nhiệm đối với sự tàn phá mà Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, đã phải gánh chịu”. [9] Chính thiên nhiên dường như ngày càng nổi loạn chống lại hành động của con người bằng những biểu hiện cực đoan về sức mạnh của nó. Những ví dụ cho vấn đề này là lũ lụt tàn hại ở Trung Âu và Tây Ban Nha, các cơn bão tấn công Madagascar vào mùa xuân và ngay trước Giáng sinh, vùng Mayotte của Pháp và Mozambique.
Chúng ta không thể thờ ơ trước tất cả những điều này! Chúng ta không có quyền đó! Thay vào đó, chúng ta có nhiệm vụ phải nỗ lực hết sức để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, hiện tại và trong tương lai.
Tại COP 29 ở Baku, các quyết định đã được đưa ra để bảo đảm nguồn tài chính lớn hơn cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng những quyết định này sẽ cho phép chia sẻ nguồn lực cho nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng lớn do khủng hoảng khí hậu và chịu gánh nặng nợ kinh tế. Với suy nghĩ này, tôi kêu gọi các quốc gia giàu có hơn hãy xóa nợ cho các quốc gia không bao giờ có khả năng hoàn trả. Đây không chỉ đơn thuần là một hành động của tình liên đới hay quảng đại, mà trên hết là một hành động của công bình, xét đến một hình thức bất bình đẳng mới mà chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ngày nay: món “nợ sinh thái” hiện hữu cách đặc biệt giữa Bắc và Nam toàn cầu. [10]
Cũng xét đến món nợ sinh thái này, điều quan trọng là phải tìm ra những cách thức hiệu quả để chuyển đổi nợ nước ngoài của những quốc gia nghèo thành các chính sách và chương trình hiệu quả, sáng tạo và có trách nhiệm để thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho con người. Tòa Thánh sẵn sàng đồng hành với tiến trình này, với nhận thức rằng chúng ta không còn có thể ẩn núp đằng sau bất kỳ biên giới hay rào cản nào, về chính trị hay xã hội. [11]
Trước khi kết thúc, tôi xin chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân và những người đang phải chịu đựng hậu quả của trận động đất xảy ra ở Tây Tạng hai ngày trước.
Thưa các vị Đại sứ,
Theo quan điểm Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng. Tôi vô cùng mong muốn năm 2025 này thực sự là năm ân sủng, tuôn tràn sự thật, sự tha thứ, tự do, công lý và hòa bình! “Trong trái tim của mỗi con người, niềm hy vọng cư ngự như là khát vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến”, [12] và mỗi người chúng ta được kêu gọi làm cho niềm hy vọng nở rộ xung quanh chúng ta. Thưa các vị Đại sứ, đây là lời chúc chân thành của tôi gửi đến tất cả quý vị, gia đình quý vị, và các chính phủ và dân tộc mà quý vị đại diện. Ước mong niềm hy vọng sẽ nở rộ trong tâm hồn chúng ta và mong rằng thời đại của chúng ta tìm thấy nền hòa bình mà chúng ta vô cùng khao khát. Cảm ơn quý vị.
________________________________________________
[1] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 27.
[2] Cf. Meeting with Civil Authorities, Representatives of Indigenous Peoples and the Diplomatic Corps, Citadelle de Québec, 27 July 2022.
[3] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 262; cf. SAINT PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio (26 March 1967), 51.
[4] SAINT JOHN PAUL II, Message for the 1988 World Day of Peace, 1 January 1988, 2.
[5] BENEDICT XVI, Message for the 2011 World Day of Peace, 1 January 2011, 5.
[6] Ibid.
[7] Cf. Address to the Participants in the International Forum on “Migration and Peace”, 21 February 2017.
[8] Cf. Message for the 2025 World Day of Peace, 1 January 2025, 11.
[9] Ibid., 4.
[10] Cf. Bull Spes Non Confundit (9 May 2024), 16; Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 51.
[11] Cf. Encyclical Laudato Si’, 52.
[12] Bull Spes Non Confundit, 1.
__________________________________________________
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2025]