Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.12.2024: “Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

“Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 29.12.2024: “Đối thoại là yếu tố quan trọng của một gia đình!”

*******

Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với khoảng 30.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong ngày lễ Thánh gia, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về tầm quan trọng của việc đối thoại và lắng nghe giữa các thành viên trong gia đình. Đức Thánh Cha nói: “Gia đình Thánh Nadarét là một mẫu gương vì đó là một gia đình đối thoại, gia đình nói chuyện”.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia thất Nadarét. Tin Mừng tường thuật lúc Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, vào cuối chuyến hành hương hằng năm lên Giêrusalem, đã bị lạc khỏi Mẹ Maria và Thánh Giuse, sau đó ông bà tìm thấy Người trong Đền Thờ đang trò chuyện với các thầy dạy (x. Lc 2:41-52). Thánh sử Luca cho thấy tâm trạng của Mẹ Maria khi hỏi Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (câu 48). Và Chúa Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (câu 49).

Đây là một kinh nghiệm gần như bình thường của một gia đình với những khoảng thời gian yên bình đan xen với những khoảnh khắc kịch tính. Có vẻ như đây là câu chuyện về một khủng hoảng gia đình, một cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, của một cậu thiếu niên khó bảo và cha mẹ không thể hiểu được cậu ta. Chúng ta hãy dừng lại để quan sát gia đình này. Anh chị em có biết tại sao Gia đình Nadarét lại là một gia đình gương mẫu không? Bởi vì đó là một gia đình đối thoại, lắng nghe, trao đổi. Đối thoại là một yếu tố quan trọng đối với một gia đình! Một gia đình không giao tiếp đối thoại không thể là một gia đình hạnh phúc.

Thật tốt khi người mẹ không bắt đầu bằng lời trách mắng, mà bằng một câu hỏi. Mẹ Maria không buộc tội và không phán xét, nhưng cố gắng hiểu cách chấp nhận Người Con này, một người con rất khác biệt, qua cách lắng nghe. Dù rất cố gắng, Tin Mừng kể rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse “không hiểu lời Người vừa nói” (câu 50), cho thấy rằng trong gia đình, việc lắng nghe còn quan trọng hơn cả việc hiểu. Lắng nghe là coi trọng người khác, chấp nhận quyền sống và suy nghĩ độc lập của người khác. Trẻ em cần điều này. Hãy suy nghĩ thật kỹ, thưa các bậc cha mẹ: hãy lắng nghe con cái của bạn, chúng cần điều này!

Bữa ăn là thời điểm đặc biệt để đối thoại trong gia đình. Thật tốt khi quây quần với nhau bên bàn ăn và trò chuyện. Việc này có thể giải quyết nhiều vấn đề, và trên hết là đoàn kết các thế hệ: con cái nói chuyện với cha mẹ, cháu chắt nói chuyện với ông bà… Đừng bao giờ khép kín trong bản thân mình, hoặc tệ hơn nữa là cúi đầu vào điện thoại di động. Điều này sẽ chẳng giúp ích gì, không bao giờ, không bao giờ. Hãy nói chuyện, lắng nghe nhau, đối thoại là tốt cho chúng ta và giúp chúng ta phát triển!

Gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là thánh. Nhưng chúng ta thấy rằng ngay cả cha mẹ Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng hiểu được Người. Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này, và đừng ngạc nhiên nếu có những lúc chúng ta không hiểu nhau. Khi việc này xảy ra, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta đã lắng nghe nhau chưa? Chúng ta có đối mặt với các vấn đề bằng cách lắng nghe nhau hay chúng ta khóa kín trong im lặng, đôi khi trong sự oán giận và kiêu căng? Chúng ta có dành một chút thời gian để trò chuyện không? Điều chúng ta có thể học được từ Gia đình Thánh hôm nay là lắng nghe lẫn nhau.

Chúng ta hãy phó thác cho Đức Trinh nữ Maria và xin cho gia đình chúng ta ơn biết lắng nghe.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Xin chào mừng tất cả anh chị em người Rome và anh chị em hành hương. Hôm nay cha gửi lời chào đặc biệt đến các gia đình có mặt ở đây, và những gia đình kết nối từ nhà qua phương tiện truyền thông. Gia đình là tế bào của xã hội, là kho báu quý giá cần được hỗ trợ và bảo vệ!

Suy nghĩ của tôi hướng đến nhiều gia đình ở Hàn Quốc hôm nay đang đau buồn sau vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Tôi cầu nguyện cho những người sống sót và những người đã khuất.

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những gia đình đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh: tại các quốc gia Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar, Sudan, Bắc Kivu đang chịu đau khổ: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những gia đình đang bị cuốn vào chiến tranh.

Cha gửi lời chào các tín hữu Pero-Cerchiate, nhóm anh chị em thuộc Giáo hạt Varese, các bạn trẻ Cadoneghe và San Pietro ở Cariano; các ứng sinh lớp Thêm sức của Clusone, Chiudono, Adrara San Martino và Almenno San Bartolomeo; và các Hướng đạo sinh từ Latina, Vasto và Soviore. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành và cuối năm bình an. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2025]


Đức Thánh Cha Phanxicô trên chương trình "Thought of the Day" của BBC Radio 4 Today: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

Trong một thông điệp truyền thanh được phát vào thứ Bảy ngày 28 tháng 12 bởi BBC Radio 4 Today trong chương trình “Thought of the Day” (“Suy nghĩ trong ngày”), Đức Thánh Cha động viên chúng ta không nhìn về tương lai “với sự bi quan và cam chịu”, nhưng hãy luôn chọn con đường Yêu thương và ngắm nhìn thế giới với “cái nhìn của niềm hy vọng ngọt ngào”

Đức Thánh Cha Phanxicô trên chương trình "Thought of the Day" của BBC Radio 4 Today: Niềm hy vọng và lòng tốt làm cho thế giới tươi đẹp hơn

*******

“Một thế giới tràn đầy hy vọng và lòng tốt sẽ đẹp hơn. Một xã hội nhìn về tương lai cách tin tưởng và đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng và đồng cảm thì nhân ái hơn” vì niềm hy vọng và lòng tốt “chạm đến trọng tâm của Tin Mừng và cho thấy cách thức hướng dẫn hành vi của chúng ta”. Đây là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến các thính giả kênh BBC của Anh đang lắng nghe thông điệp truyền thanh của ngài ngày 28 tháng 12 trong chuyên mục “Suy nghĩ trong ngày” trên kênh BBC Radio 4 Today.

Đức Giáo hoàng đã tham gia chương trình phát sóng năm 2021 trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Glasgow, Scotland. Trong dịp đó, như giới truyền thông nhắc lại, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới hãy “áp dụng một sự thay đổi hướng đi cấp bách” để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo hoàng Benedict XVI, cũng là người đầu tiên tham gia chương trình, với một thông điệp được ghi âm trước vào đêm Giáng sinh năm 2010.

Lần này, nhân dịp mùa Giáng sinh và Năm Thánh Hy vọng khai mạc vào ngày 24 tháng 12: những khoảnh khắc mà, theo giải thích của Đức Giám mục Rome, mời gọi chúng ta trở thành “những người hành hương hy vọng” và không nhìn về tương lai “với thái độ bi quan và cam chịu”. Ngài nói: “Đừng để chiến tranh, bất công xã hội, nhiều hình thức bạo lực mà chúng ta trải qua hàng ngày, đưa chúng ta vào cám dỗ của chủ nghĩa hoài nghi và chán nản”.

Như vậy, sự lựa chọn phải được thực hiện là Yêu thương, đó là điều làm cho tâm hồn trở nên “đầy nhiệt huyết và tin tưởng”. Thật vậy, người yêu thương “luôn nhìn thế giới bằng ánh mắt của niềm hy vọng ngọt ngào, ngay cả khi họ ở trong những hoàn cảnh bấp bênh”.

Đức Phanxicô nói rằng lòng tốt tự bản chất “không phải là một chiến lược ngoại giao”, cũng không phải là “một hành vi thuộc nghi thức cần tuân theo để bảo đảm sự hòa hợp xã hội hoặc để đạt được những lợi thế”. Ngược lại, đó là “một hình thức yêu thương mở lòng chào đón và giúp mọi người trở nên khiêm nhường hơn”, nghĩa là có khả năng khiêm nhường “dẫn đến đối thoại, giúp vượt qua những hiểu lầm và tạo ra lòng biết ơn”. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta, về việc “đón nhận những điều trong cuộc sống với lòng biết ơn chứ không coi đó là điều đương nhiên”, như văn hào người Anh Gilbert Keith Chesterton nói.

Thông điệp kết thúc bằng “lời cầu chúc niềm hy vọng” và hy vọng rằng trong Năm Thánh, chúng ta có thể “thực hành lòng tốt như một hình thức yêu thương khi cư xử với người khác”, mang đến “hòa bình, tình huynh đệ và lòng biết ơn” cho thế giới.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2024]