Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

Thánh lễ tưởng nhớ các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

*******

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ vào sáng Thứ Hai để tưởng nhớ bảy vị Hồng y và hơn 120 Giám mục đã qua đời trong năm qua. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về lời của người trộm lành đã bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

______________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Đây là những lời cuối cùng của một trong hai người bị đóng đinh cùng với Chúa nói với Người. Đó không phải là lời của một trong những môn đệ của Chúa Giêsu đã theo Người trên những nẻo đường của xứ Galilê và cùng chia sẻ bánh với Người trong Bữa Tiệc ly. Ngược lại, người nói những lời đó với Chúa là một tên tội phạm, một người chỉ được gặp Chúa vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, một người mà chúng ta thậm chí còn không biết tên.

Tuy nhiên, trong Phúc Âm, những lời nói cuối cùng của “người ngoài cuộc” này khởi đầu một cuộc đối thoại sự thật. Ngay cả khi Chúa Giêsu bị “liệt vào hàng tội nhân” (Is 53:12) như Tiên tri Isaia đã nói trước thì một giọng nói bất ngờ vang lên, nói rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:41). Đúng như vậy. Kẻ tội phạm bị kết án đó đại diện cho tất cả chúng ta; mỗi người chúng ta có thể thay cái tên của anh ta bằng tên của chúng ta. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là chúng ta hãy biến lời cầu xin của anh ta thành lời cầu xin của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con”. Xin hãy giữ con sống mãi trong ký ức của Chúa. “Xin đừng quên con”.

Chúng ta hãy suy ngẫm về chữ đó: nhớ. Nhớ (ricordare) có nghĩa là “dẫn đưa trở về trái tim (cor)”, mang theo trong tim. Con người đó, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu, đã biến nỗi đau khủng khiếp của mình thành lời cầu nguyện: “Ông Giêsu ơi, xin hãy nhớ đến tôi trong trái tim Ngài”. Những lời của anh không phản ánh sự thống khổ và thất bại, mà là niềm hy vọng. Kẻ tội phạm này trong giờ sau cùng đã chết như một người môn đệ, chỉ mong muốn một điều: tìm được trái tim chào đón. Đó là tất cả những gì quan trọng đối với anh khi anh ta thấy mình không có khả năng tự vệ trước cái chết. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ tội nhân, ngay cả vào giờ phút cuối cùng, như Người vẫn luôn làm. Trái tim của Chúa Kitô – một trái tim rộng mở, không khép kín – bị đâm thâu bởi sự đau đớn, đã mở ra để cứu thế giới. Khi Chúa chết, Người đã mở lòng ra trước tiếng nói của một người đang hấp hối. Chúa Giêsu chết với chúng ta vì Người đã chết vì chúng ta.

Bị đóng đinh mặc dù vô tội, Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu nguyện của một người bị đóng đinh vì tội của anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Ký ức của Chúa Giêsu luôn hiệu quả vì nó giàu lòng thương xót. Khi cuộc đời của một người kết thúc, tình yêu của Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi sự chết. Người bị kết án giờ đây đã được cứu chuộc. Người ngoài cuộc trở thành người bạn đồng hành; một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên thập giá dẫn đến sự bình an đời đời. Điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm một chút. Tôi gặp gỡ Chúa Giêsu như thế nào? Hoặc suy ngẫm cách tốt hơn nữa là: tôi để cho bản thân được Chúa Giêsu đến gặp gỡ như thế nào? Tôi có cho phép mình được gặp gỡ hay tôi khép mình lại trong sự ích kỷ, trong nỗi đau, trong sự tự mãn của mình? Tôi có cảm nhận được tội lỗi của mình và cho phép bản thân được Chúa gặp gỡ không, hay tôi cảm thấy mình công chính và nói: “Chúa không cần ở đây để phục vụ tôi. Hãy đến chỗ khác”?

Chúa Giêsu nhớ đến những người bị đóng đinh bên cạnh Người. Lòng trắc ẩn của Chúa cho đến hơi thở cuối cùng khiến chúng ta nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau để nhớ đến mọi người và mọi vật. Chúng ta có thể nhớ đến những lỗi lầm, những công việc còn dang dở, những bạn bè và kẻ thù của mình. Anh chị em thân mến, trước hình ảnh này trong Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta mang theo mọi người trong lòng mình như thế nào? Chúng ta nhớ đến những người đã ở bên cạnh chúng ta trong các biến cố của cuộc đời mình như thế nào? Tôi có phán xét không? Tôi có chia rẽ không? Hay tôi chào đón họ?

Anh chị em thân mến, khi hướng về trái tim của Thiên Chúa, tất cả mọi người của thời đại hôm nay và mọi thời đại có thể tìm thấy niềm hy vọng của ơn cứu độ, ngay cả khi “bọn ngu si coi họ như đã chết rồi” (Kn 3: 2). Toàn bộ lịch sử được lưu giữ trong ký ức của Chúa. Ký ức được giữ ở nơi an toàn. Người là vị thẩm phán nhân từ và thương xót của lịch sử. Chúa gần gũi với chúng ta như một vị thẩm phán; Người gần gũi, nhân từ và thương xót. Đây là ba thái độ của Chúa. Tôi có gần gũi với mọi người không? Tôi có trái tim nhân hậu không? Tôi có nhân từ không? Với sự bảo đảm này, chúng ta cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong mười hai tháng qua. Hôm nay, sự tưởng nhớ của chúng ta trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho những người anh em thân yêu của chúng ta. Là những thành viên được tuyển chọn của Dân Chúa, họ đã được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô (x. Rm 6: 3) để được sống lại với Người. Họ là những người chăn chiên và là hình mẫu cho đoàn chiên của Chúa (x. 1 Pr 5: 3). Sau khi hoàn thành việc bẻ bánh sự sống trên dương thế, xin cho họ giờ đây được ngồi vào bàn tiệc của Người. Họ yêu mến Giáo Hội, mỗi người theo cách riêng, nhưng tất cả đều yêu mến Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để họ có thể hân hoan trong sự hiệp thông vĩnh cửu với các thánh. Với niềm hy vọng vững chắc, chúng ta cũng hãy mong đợi được hưởng niềm hân hoan với họ trên thiên đàng. Và tôi mời anh chị em cùng tôi nói ba lần: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2024]


Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland đã trở thành nữ tu chuẩn bị được tôn kính trên bàn thờ

Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland đã trở thành nữ tu chuẩn bị được tôn kính trên bàn thờ
Một Tuần Thánh tĩnh tâm Ở Tây Ban Nha đã thay đổi cuộc đời Sơ. Photo: Our Sunday Visitor

Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland trở thành nữ tu sắp được tôn kính trên bàn thờ

Với việc mở hồ sơ phong thánh tại Madrid, Sơ Clare sẽ được công bố là “Tôi tớ Chúa”, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình xem xét kỹ lưỡng về cuộc đời và sự phục vụ của Sơ. Việc bổ nhiệm một cáo thỉnh viên phong thánh và phó cáo thỉnh viên sẽ bảo đảm câu chuyện của Sơ đến Vatican với sự nghiên cứu cẩn thận.


05 tháng 11, 2024 13:14

COVADONGA ASTURIAS



(ZENIT News / Madrid, 05.11.2024). - Derry, Ireland – Sơ Clare Crockett, một người nữ trẻ với hành trình đi từ thế giới giải trí đến đời sống tu trì đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người, đang chuẩn bị tiến gần hơn đến bậc thánh. Đầu năm 2025 sẽ đánh dấu việc chính thức mở án tiến trình phong thánh của Sơ, một động thái được mong chờ với niềm vui lớn lao nơi quê hương và những người theo dõi Sơ trên toàn thế giới.

Con đường đến với đức tin của Sơ Clare không gì khác ngoài sự phi thường. Khi còn trẻ, Sơ không mấy quan tâm đến tôn giáo, chỉ theo đuổi sự nghiệp diễn xuất đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, vào năm 2000, cuộc tĩnh tâm Tuần Thánh ở Tây Ban Nha đã thay đổi sâu sắc cuộc đời của Sơ. Sơ đã trải qua sự hoán cải mạnh mẽ và cảm nhận tiếng gọi gia nhập đời sống tu trì không thể chối từ với các Nữ tu Dòng Servant Sisters of the Home of the Mother. Câu chuyện của Sơ — từ một “đứa con hoang dã” như Sơ tự gọi mình trở thành người phụ nữ với niềm tin không lay chuyển — tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người qua nhiều thế hệ và châu lục.

Đức tin của một phụ nữ Ireland trở thành nguồn cảm hứng toàn cầu

Sinh năm 1982 trong bối cảnh xã hội hỗn loạn của Bắc Ireland, Sơ Clare lớn lên tại Derry, một thành phố được cả thế giới biết đến với chương trình truyền hình nổi tiếng “Derry Girls”. Nhưng câu chuyện của Sơ Clare lại mang đến một góc nhìn khác về linh hồn của thành phố Derry: một tâm hồn kiên cường, sức mạnh tinh thần và sự tận tụy với cộng đồng. Cuộc đời của Sơ đã có một bước ngoặt biến đổi, đưa Sơ từ cuộc sống trên sàn diễn đến công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, cuối cùng là đến Ecuador, nơi Sơ phục vụ giới trẻ và cộng đồng cho đến khi cuộc đời của Sơ bị cắt ngang cách bi thương trong trận động đất năm 2016.

Cha Gerard Mongan, một linh mục tại giáo xứ của Sơ ở khu phố Bogside của thành phố Derry, miêu tả thông báo về án phong thánh của Sơ là “vô cùng vui mừng”. Cha cho biết tiến trình này sẽ chính thức bắt đầu ngày 12 tháng 1 tại Madrid, phản ánh ảnh hưởng lâu dài của Sơ Clare và đã làm bừng lên cảm giác mong đợi sâu sắc đối với người dân Derry đang háo hức muốn nhìn thấy một người của họ được công nhận là “Tôi tớ Chúa”.

Cha Mongan chia sẻ: “Chúng tôi đang chứng kiến khoảnh khắc phi thường đối với thành phố của chúng tôi. Sơ đã truyền cảm hứng cho một thế hệ thanh thiếu niên ở đây và những nơi khác làm bừng sáng lại đức tin của họ và tìm thấy niềm vui và mục đích trong đó.”




Di sản của sự hân hoan phục vụ và lòng trắc ẩn

Sau tiếng gọi ban đầu, Sơ Clare gia nhập tu viện và bắt đầu một hành trình trải dài qua nhiều quốc gia. Sau lần tuyên khấn đầu tiên vào năm 2006, Sơ phục vụ tại nhiều cộng đoàn khác nhau, và công việc của Sơ là hoạt động với các bạn trẻ đang phải đối mặt với hoàn cảnh gia đình khó khăn ở Belmonte, Tây Ban Nha. Nổi tiếng với lòng nhiệt thành và niềm vui bất tận, Sơ Clare nhanh chóng trở thành hình mẫu cho giới trẻ và là nguồn an ủi và cảm hứng cho những người xung quanh. Sứ mệnh của Sơ cuối cùng đã đưa Sơ đến Jacksonville, Florida, nơi Sơ tiếp tục công việc mục vụ của mình tại Giáo xứ và Trường Assumption.

Cha Frederick Parke, một linh mục cùng phục vụ với Sơ ở Florida và qua đời vào năm 2021, nhớ lại sự nhiệt tình dễ lan tỏa của Sơ. “Niềm vui của Sơ là vô cùng lôi cuốn; những người trẻ có thể thấy được tình yêu của Sơ dành cho Thánh Thể, và chính họ cũng cảm thấy bị cuốn hút đến với Thánh Thể. Sơ là ngọn hải đăng của hy vọng và lòng tốt.”

Sức mạnh của một đời sống được biến đổi

Câu chuyện của Sơ Clare đã thu hút được nhiều người theo dõi, đặc biệt là những người trẻ Công giáo, những người coi Sơ là một mẫu gương dễ đồng cảm nhưng phi thường về sự biến đổi tâm linh. Hội dòng của Sơ, Dòng Servant Sisters of the Home of the Mother, đã thực hiện một phim tài liệu, “All or Nothing”, ghi lại cuộc đời của Sơ, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên YouTube. Ngoài ra, quyển sách “Sister Clare Crockett: Alone with Christ Alone”, xuất bản năm 2020, cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào hành trình thiêng liêng của Sơ thông qua các bài viết cá nhân, thư từ và lời chứng của những người biết Sơ.

Suy ngẫm về kinh nghiệm hoán cải của bản thân, Sơ Clare viết về tác động sâu sắc của Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2000. Sơ kể lại: “Không có đoàn hợp xướng các thiên thần nào cả, nhưng tôi biết Ngài ở trên thập giá vì tôi. Niềm tin đó đã trở thành tiếng gọi.”

Những bước nên thánh bắt đầu ở Madrid

Với việc mở hồ sơ phong thánh tại Madrid, Sơ Clare sẽ được công bố là “Tôi tớ Chúa”, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình xem xét kỹ lưỡng về cuộc đời và sự phục vụ của Sơ. Việc bổ nhiệm một cáo thỉnh viên phong thánh và phó cáo thỉnh viên sẽ đảm bảo câu chuyện của Sơ đến được Vatican với sự nghiên cứu cẩn thận.

Đối với gia đình, bạn bè và nhiều người mà Sơ đã truyền cảm hứng, triển vọng Sơ được phong thánh là một giấc mơ thành hiện thực. Cha Mongan bày tỏ hy vọng rằng biến cố này sẽ cho phép nhiều người hơn nữa được tiếp cận ​​di sản của Sơ Clare về lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và sự hân hoan phục vụ.

Cha Mongan nói: “Sơ Clare đã đưa không biết bao nhiêu người trở về với đức tin của họ. Khoảnh khắc này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tinh thần của Sơ — một ngọn hải đăng hy vọng cho một thế giới đang rất cần nó. Chúng tôi chờ đợi với trái tim rộng mở.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2024]