Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

Đức Giáo hoàng Phanxicô dang rộng vòng tay yêu thương tới Ukraine vào dịp Giáng Sinh

*******

(ZENIT News / Rome, 20.12.2024). - Khi thế giới chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô một lần nữa thể hiện cam kết của ngài với những người đang phải gánh chịu sự tàn phá của chiến tranh. Trong một cử chỉ mạnh mẽ của tình liên đới, Đức Giáo hoàng thông báo sự trở lại của Đức Hồng y Konrad Krajewski, người phụ trách từ thiện của ngài, đến Ukraine, không chỉ mang đến những lời cầu nguyện mà còn là sự hỗ trợ cụ thể cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Sứ mệnh của hy vọng giữa đống đổ nát

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine là một hành động nhiệt thành hàng ngày. Tuy nhiên, mong muốn hành động của ngài vượt xa lời cầu nguyện thiêng liêng. Giáng sinh này, đại diện của Vatican sẽ chuyển giao các thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm một phòng khám sức khỏe di động hiện đại — một xe y tế được trang bị đầy đủ có khả năng thực hiện phẫu thuật — và sáu máy siêu âm cho các bệnh viện bị tàn phá bởi xung đột.

Sứ mệnh này thể hiện tầm nhìn của Đức Giáo hoàng về việc trở thành một “Giáo hội tiến bước”, mang đến cho các cộng đồng đang phải đương đầu với những khó khăn không chỉ là lời nói. “Chúng tôi mừng ngày Giáng sinh của Chúa Giêsu bằng cách mang lại hy vọng và sự chữa lành cho những người đang cần”, các nhân viên Vatican nói nhấn mạnh ý nghĩa thực tế và tinh thần của sáng kiến ​​này.

Đồng hành với người đau khổ

Chuyến đi của Đức Hồng y Krajewski đến Ukraine sẽ không chỉ đơn thuần là cung cấp thiết bị. Đó sẽ là một chuyến hành hương hiện diện, khi ngài đến thăm các cộng đồng bị tàn phá bởi bạo lực để lắng nghe, cầu nguyện và chia sẻ những khó khăn của họ. Mục tiêu của ngài là giúp mở ra “cánh cửa hy vọng” trong những trái tim đang bị đè nặng bởi tuyệt vọng và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết toàn cầu.

Hành trình của Đức Hồng y sẽ bao gồm những điểm dừng chân tại các thành phố và làng mạc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột đang diễn ra. Tại mỗi nơi, ngài sẽ gặp gỡ những người sống sót, các nhân viên y tế và giáo sĩ, tìm cách nâng đỡ tinh thần của họ và nhắc nhở họ rằng họ không bị lãng quên.

Một món quà bắt nguồn từ lòng trắc ẩn

Một phát ngôn viên của Vatican cho biết, “Món quà của Vatican không chỉ là phản ứng trước những nhu cầu cấp thiết mà còn là thông điệp về sự chăm sóc lâu dài. Nó phản ánh niềm tin của Đức Giáo hoàng rằng lòng thương xót và tình đoàn kết có thể vượt thắng ngay cả những hoàn cảnh đen tối nhất”.

Lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu

Trong khi sứ mệnh Giáng sinh của Đức Giáo hoàng tập trung vào Ukraine, nó mang đến một lời kêu gọi toàn cầu. Qua việc chọn cách hành động cụ thể và có ý nghĩa như vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thúc giục cộng đồng quốc tế ưu tiên cho hòa bình và các nỗ lực nhân đạo hơn là chia rẽ và bỏ mặc.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2024]


Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong tính hài hước

Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong tính hài hước

Bài viết của Đức Giáo hoàng trên The New York Times: có Đức tin trong sự hài hước

*******

(ZENIT News / New York, 22.12.2024). - Vào ngày 17 tháng 12, tờ The New York Times đã đăng một bài viết nêu quan điểm riêng ​​do Đức Giáo hoàng Phanxicô viết. Đây là một bài viết cho tờ báo nổi tiếng này phỏng theo một trích đoạn trong quyển tự truyện của ngài có tựa đề “Hope” (Hy vọng). Dưới đây là toàn văn bài viết xuất hiện trên tờ The New York Times.

__________________________________

Có đức tin trong sự hài hước

Giáo hoàng Phanxicô

Cuộc sống tất yếu có những nỗi buồn, là một phần của mọi con đường hy vọng và mọi con đường hướng đến sự hoán cải. Nhưng điều quan trọng là tránh không đắm mình trong nỗi u sầu bằng mọi giá, đừng để nó làm chua xót tâm hồn.

Đây là những cám dỗ mà ngay cả các giáo sĩ cũng không tránh khỏi. Và thật đáng buồn, đôi khi chúng ta lại trở thành những linh mục cay đắng, u buồn, độc đoán hơn là có thẩm quyền, giống như những ông độc thân già hơn là tận tụy với giáo hội, giống như các công chức hơn là mục tử, khinh khỉnh hơn là tươi vui, và điều này chắc chắn là không tốt. Nhưng nói chung, linh mục chúng tôi có xu hướng thích sự hài hước và thậm chí có cả một kho truyện cười và những câu chuyện vui, mà chúng tôi thường kể rất dí dỏm, cũng như trở thành đối tượng của những câu chuyện.

Các giáo hoàng cũng vậy. Đức Gioan XXIII, người nổi tiếng với khiếu hài hước của mình, trong một bài diễn từ đã nói, ít nhiều như sau: “Khi đêm đến tôi thường bắt đầu nghĩ về một số vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, tôi đưa ra quyết định can đảm và dứt khoát đến gặp giáo hoàng vào buổi sáng. Sau đó, tôi tỉnh giấc vô cùng lo lắng… và nhớ rằng giáo hoàng chính là tôi.”

Tôi hiểu ý ngài rất rõ. Và Đức Gioan Phaolô II cũng vậy. Trong các phiên họp sơ bộ của một mật viện, khi ngài vẫn còn là Hồng y Wojtyła, một vị hồng y cao tuổi và khá nghiêm khắc đã đến khiển trách ngài vì ngài trượt tuyết, leo núi, đạp xe và bơi lội. Câu chuyện diễn ra như thế này: “Tôi nghĩ đây không phải là những hoạt động phù hợp với vai trò của ngài”, vị hồng y cao tuổi nói. Và vị giáo hoàng tương lai đã trả lời, “Nhưng cha có biết rằng ở Ba Lan, đây là những hoạt động được ít nhất 50 phần trăm các hồng y luyện tập không?” Ở Ba Lan vào thời điểm đó, chỉ có hai hồng y.

Trào phúng là một liều thuốc, không chỉ giúp nâng tâm hồn và làm tinh thần người khác tươi sáng, mà còn cho chính chúng ta, bởi vì sự tự giễu cợt bản thân là một khí cụ mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ của chủ nghĩa ái kỷ. Những người theo chủ nghĩa ái kỷ liên tục soi mình trong gương, tự tô vẽ, tự ngắm nghía mình, nhưng lời khuyên tốt nhất khi đứng trước gương là hãy tự trào bản thân. Điều đó tốt cho chúng ta. Nó sẽ chứng minh sự thật của câu cách ngôn rằng chỉ có hai loại người là hoàn hảo: người chết và người chưa được sinh ra.

Những câu chuyện cười do các tu sĩ Dòng Tên kể có phong cách riêng, có lẽ chỉ có thể so sánh với những câu chuyện cười về lực lượng carabinieri (ND: cảnh sát) ở Ý, hay về những bà mẹ Do Thái trong truyện cười Yiddish.

Đối với hiểm họa của chủ nghĩa ái kỷ, cần tránh nó bằng mức độ tự trào thích hợp, tôi nhớ câu chuyện về một tu sĩ Dòng Tên ảo tưởng bị bệnh tim và phải điều trị tại bệnh viện. Trước khi vào phòng phẫu thuật, ông hỏi Chúa: “Chúa ơi, giờ của con đã đến chưa?”

Chúa nói, “Không, con sẽ sống ít nhất 40 năm nữa”. Sau ca phẫu thuật, tu sĩ quyết định tận dụng tối đa và đã cấy tóc, căng da mặt, hút mỡ, lông mày, răng… tóm lại, tu sĩ đã trở thành một người mới hoàn toàn. Ngay bên ngoài bệnh viện, tu sĩ bị một chiếc xe hơi tông và chết. Khi tu sĩ xuất hiện trước sự mặt Chúa, anh phản đối, “Thưa Chúa, nhưng Chúa đã nói với con rằng con sẽ sống thêm 40 năm nữa!” Chúa trả lời, “Ôi, xin lỗi! Ta đã không nhận ra con.”

Và tôi đã được kể một câu chuyện liên quan trực tiếp đến tôi, câu chuyện về Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Hoa Kỳ. Câu chuyện diễn ra như thế này: Ngay khi ngài đến sân bay ở New York để thực hiện chuyến tông du tại Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô thấy một chiếc limousine khổng lồ đang đợi ngài. Ngài khá lúng túng vì sự lộng lẫy tráng lệ đó, nhưng rồi lại nghĩ rằng đã lâu lắm rồi ngài chưa lái xe, và chưa bao giờ lái một chiếc xe loại như thế, và rồi ngài tự nhủ: Thôi được, khi nào mình mới có cơ hội khác? Ngài nhìn vào chiếc limousine và nói với tài xế, “Anh cho tôi thử được chứ?” Anh tài xế trả lời, “Dạ, con thành thực xin lỗi, thưa Đức Thánh Cha, nhưng thực sự con không thể, ngài biết đấy, có những quy tắc và quy định”.

Nhưng bạn hiểu hai người nói gì không, Đức Giáo hoàng sẽ thế nào khi ngài nghĩ ra điều gì đó — tóm lại, ngài cứ khăng khăng, khăng khăng, cho đến khi tài xế chịu thua. Và thế là Đức Giáo hoàng Phanxicô ngồi vào ghế lái, trên một trong những xa lộ rộng lớn đó, và ngài bắt đầu thích thú, chân nhấn ga, tăng tốc 50 dặm một giờ, 80, 120 … cho đến khi ngài nghe thấy tiếng còi hú, và một chiếc xe cảnh sát chạy bên cạnh ngài và chặn ngài lại. Một viên cảnh sát trẻ tiến đến cửa sổ màu tối. Đức Giáo hoàng hơi lo lắng hạ cửa xuống và mặt viên cảnh sát trở nên trắng bệch. “Xin lỗi chờ con một lát”, anh nói, và quay lại xe của mình để gọi điện về sở chỉ huy. “Thưa sếp, tôi nghĩ là tôi gặp vấn đề.”

Sếp hỏi: “Vấn đề gì vậy?”

“À, tôi đã chặn một chiếc xe chạy quá tốc độ, nhưng có một người vô cùng quan trọng trong đó.”

“Quan trọng tới mức nào? Là thị trưởng hả?”

“Không, không, sếp… còn hơn cả thị trưởng.”

“Hơn cả thị trưởng, còn có ai nữa? Thống đốc à?”

“Không, không, hơn nữa.”

“Chắc không phải là tổng thống chứ?”

“Tôi nghĩ là còn hơn nữa.”

“Và ai có thể quan trọng hơn tổng thống?”

“Sếp à, tôi không biết chính xác ông ta là ai, tôi chỉ có thể nói với sếp rằng tài xế là Giáo hoàng!”

Phúc Âm thúc giục chúng ta trở nên giống trẻ nhỏ để được cứu độ (Mt 18:3), nhắc nhở chúng ta lấy lại khả năng mỉm cười.

Hôm nay, không gì làm tôi vui bằng việc gặp gỡ thiếu nhi. Khi còn nhỏ, tôi có những người dạy tôi cách mỉm cười, nhưng giờ tôi đã già, trẻ em lại là người cố vấn của tôi. Những cuộc gặp gỡ với thiếu nhi khiến tôi vui nhất, khiến tôi cảm thấy tốt nhất.

Và rồi những cuộc gặp gỡ với người già: Những người già chúc phúc cho cuộc sống, gạt bỏ mọi oán giận, tận hưởng rượu vang đã được ủ qua nhiều năm, rất hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Họ có được ơn cười và khóc, giống như trẻ con. Khi tôi bế các bé trên tay trong các buổi tiếp kiến ​​tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng thường mỉm cười; nhưng những bé khác, khi thấy tôi mặc toàn đồ trắng, nghĩ rằng tôi là bác sĩ đến để tiêm cho chúng, và thế là chúng khóc.

Đây là những ví dụ về tính nhưng không, về nhân tính, và chúng nhắc nhở chúng ta rằng những ai từ bỏ nhân tính của mình là từ bỏ tất cả, và khi khó có thể khóc một cách nghiêm túc hoặc cười một cách say sưa, thì chúng ta thực sự đang tuột dốc. Chúng ta trở nên vô cảm, và những người lớn vô cảm không làm được điều gì tốt cho bản thân, cho xã hội, hay cho giáo hội.

***

Bài này được chuyển thể từ quyển sách sắp ra mắt của ngài “Hope: The Autobiography”, viết chung với Carlo Musso.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/12/2024]