Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng vào năm 2023

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng vào năm 2023

Peter's Pence (Đồng tiền của Thánh Phêrô) là những khoản quyên góp hoặc thanh toán được thực hiện trực tiếp cho Tòa thánh của Giáo hội Công giáo. Ảnh: Truyền thông Vatican

Mười quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng trong năm 2023

*******

Ba quốc gia Châu Mỹ, sáu quốc gia Châu Âu và một quốc gia Châu Á là những quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho Giáo hoàng.


30 tháng 06, 2024 05:42
JORGE ENRIQUE MÚJICAAN


(ZENIT News / Rome, 30.06.2024). - Những quốc gia nào đóng góp tài chính lớn nhất cho Giáo hoàng trong năm 2023? Thông tin này được ghi lại trong Báo cáo thường niên của quỹ Peter's Pence (Đồng tiền của Thánh Phêrô).

Đồng tiền Thánh Phêrô (Peter’s Pence) là gì?

Peter's Pence là các khoản quyên góp hoặc thanh toán được thực hiện trực tiếp cho Tòa Thánh của Giáo hội Công giáo. Chúng được sử dụng cho các nhu cầu của Giáo hội trên toàn thế giới, bắt đầu từ Giáo triều Rôma và các Đại diện của Giáo hoàng, cũng như những sáng kiến ​​hỗ trợ người thiếu thốn nhất.

Tổng thu nhập năm 2023 là 52 triệu euro so với chi tiêu là 109,4 triệu euro; thiếu hụt 57,4 triệu euro.


Thống kê thu nhập

Trong tổng số 52 triệu euro, 48,4 triệu được quyên góp theo ba cách:

Thứ nhất là khoản quyên góp thường niên nhân dịp Lễ Thánh Phêrô và Phaolô. Khoản quyên góp này được chuyển đến thông qua các Sứ thần trên toàn thế giới và ở Ý là thông qua các Giáo phận.

Khoản quyên góp thứ 2 được thực hiện trực tiếp cho Trang web Peter's Pence

Tài sản thứ 3 là thông qua các di chúc, trong đó người quá cố bày tỏ mong muốn để lại toàn bộ hoặc một phần tài sản của mình cho Giáo hoàng.

Trong số 48,4 triệu euro nêu trên, các nguồn dâng cúng bao gồm:

1. Các giáo phận có 31,2 triệu (64.4%)

2. Các nhà dâng cúng tư nhân với 2,1 triệu (4.4%)

3. Các tổ chức với 13,9 triệu (28.8%)

4. Các dòng tu, với 1,2 triệu (2,4%)

Mười quốc gia đứng đầu

Xét về các giáo phận và các nhà tài trợ tư nhân, mười quốc gia quyên góp hàng đầu cho Giáo hoàng là:

1 Hoa Kỳ với 13,6 triệu (28.1%)

2 Ý với 3,1 triệu (6.4%)

3 Brazil với 1,9 triệu (3.9%)

4 Đức với 1,3 triệu (2.7%)

6 Pháp với 1 triệu (2%)

7 Mexico với 900 ngàn euros (1.8%)

8 Ireland với 900 ngàn euros (1.8%)

9 Cộng hòa Séc với 800 ngàn euros (1.7%)

10 Tây Ban Nha với 800 ngàn euros (1.7%)

Tiền được chi tiêu như thế nào?

Trong năm 2023, Quỹ Peter’s Pence đã nhận được 103 triệu euro, trong đó 900 triệu euro được phân bổ để hỗ trợ các hoạt động của Tòa thánh nhằm phục vụ sứ mạng tông đồ của Đức Thánh Cha và 13 triệu euro để hỗ trợ các dự án trợ giúp trực tiếp cho những người cần giúp đỡ nhất.

Các đóng góp này đến từ những khoản dâng cúng nhận được lên tới 48,4 triệu euro và thu nhập tài chính từ tiền sinh lợi của các tài sản lên tới 3,6 triệu euro. 51 triệu euro còn lại đến từ tài sản của Quỹ Peter's Pence (tài sản). Được hiểu là “ủng hộ sứ mạng tông đồ của Đức Thánh Cha” đối với Giáo triều Rôma và các Sứ thần (Đại sứ quán) tại các quốc gia mà Tòa thánh có quan hệ ngoại giao. Khoản “hỗ trợ trực tiếp” là sự hỗ trợ vật chất cho các cá nhân, gia đình gặp khó khăn, người di cư, tị nạn, người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nạn đói và người dân chịu hậu quả của thiên tai. Sự trợ giúp của Đức Thánh Cha được thực hiện thông qua các Giáo phận và các Dòng tu.

Đức Thánh Cha hỗ trợ những dự án nào?

Năm 2023, quỹ Peter’s Pence đã hỗ trợ 236 dự án ở 76 quốc gia với số tiền lên tới 13 triệu euro. Sự phân bổ theo châu lục như sau:

– Châu Phi, 68 dự án, 5,4 triệu (41.6%)

– Châu Âu, 100 dự án, 2,4 triệu (18.5%)

– Châu Mỹ, 34 dự án, 2,3 triệu (17.7%)

– Châu Á, 33 dự án, 2,8 triệu (21.4%)

– Châu Đại dương, 1 dự án, 0,1 triệu (0.8%)

Báo cáo nêu rõ rằng trong số các dự án được hỗ trợ ở Châu Âu có các khoản tài trợ học tập nghiên cứu cho các linh mục, chủng sinh và nam tu sĩ từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á (500 ngàn euro), cũng như các quỹ được phân bổ để tài trợ cho những sáng kiến ​​mục vụ và xã hội ở Ukraine.

Một phần thú vị là phần đề cập đến chi phí mà các Bộ của Giáo triều Rôma phải gánh chịu, trong đó chi phí truyền thông là đắt nhất. 68 Bộ, cơ quan và ban ngành của Tòa thánh đã phải chi tới 370,4 triệu euro vào năm 2023. 90 triệu euro (24% tổng số) của Peter's Pence đã được phân bổ để trợ cấp một phần chi phí này.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2024]


Đức Thánh Cha làm phép dây Palios và cử hành Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Đức Thánh Cha: Xây dựng một Giáo hội và Xã hội rộng mở

Làm phép dây Palios và cử hành Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Đức Thánh Cha làm phép dây Palios và cử hành Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

*******

Trong ngày Lễ trọng kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô lúc 9 giờ 30 sáng trong Vương cung Thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép các dây Pallium, từ Lời tuyên xưng của Thánh Tông đồ Phêrô và dành cho các Tổng Giám mục Chánh tòa được bổ nhiệm trong năm. Sau đó, dây Pallium sẽ được vị Đại diện Giáo hoàng trao cho mỗi Tổng Giám mục Chánh tòa.

Sau nghi thức làm phép Dây Palio, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ cùng với các vị Hồng y, các Tổng Giám mục và các Giám mục, Linh mục.

Theo thông lệ vào ngày Lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Bổn mạng của Thành phố Rôma, một phái đoàn từ Tòa Thượng Phụ Constantinople hiện diện tham dự Thánh lễ.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng dưới đây:

_________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúng ta hãy nhìn vào hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô: một người là ngư phủ xứ Galilê được Chúa Giêsu biến đổi thành kẻ lưới người, và một người Biệt phái bách hại Giáo Hội nhưng nhờ ân sủng đã được biến đổi thành người rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta rút ra nguồn linh hứng từ câu chuyện của hai vị và từ lòng nhiệt thành tông đồ là dấu ấn cuộc đời các ngài. Khi gặp được Chúa, họ đã trải nghiệm một cuộc vượt qua thật sự: họ được giải thoát: những cánh cửa dẫn đến đời sống mới mở ra trước mắt họ.

Anh chị em thân mến, trước thềm Năm Thánh, chúng ta hãy suy ngẫm về hình ảnh cánh cửa đó. Năm Thánh sẽ là thời gian của ân sủng trong đó chúng ta mở Cửa Thánh để mọi người có thể bước qua ngưỡng cửa của thánh đường sống động là Chúa Giêsu, và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, một tình yêu củng cố niềm hy vọng của chúng ta và đổi mới niềm vui của chúng ta. Trong câu chuyện của Thánh Phêrô và Phaolô, có nhiều cánh cửa mở ra.

Bài đọc thứ nhất kể về việc giải thoát Phêrô khỏi nhà tù; nó chứa đầy những hình ảnh gợi nhớ đến Lễ Vượt qua. Biến cố diễn ra trong dịp lễ Bánh Không men. Vua Hêrôđê gợi lại hình ảnh vua Pharaon của Ai Cập. Sự giải thoát diễn ra vào ban đêm, giống như việc đã xảy ra với dân Israel. Thiên thần đưa ra những chỉ dẫn cho Phêrô tương tự như đã từng trao cho dân Israel: Thiên thần bảo Phêrô hãy nhanh chóng đứng dậy, thắt lưng và mang dép vào (x. Cv 12:8; Xh 12:11). Do đó, trình thuật này là trình thuật của một cuộc xuất hành mới. Thiên Chúa giải thoát Giáo Hội của Người, cứu thoát dân Người đang bị xiềng xích, và một lần nữa tỏ mình là Thiên Chúa của lòng thương xót, là Đấng nâng đỡ họ trên hành trình của họ.

Vào đêm giải thoát đó, trước hết những cánh cửa nhà tù được mở ra cách lạ lùng. Sau đó, chúng ta được kể rằng khi Phêrô và Thiên Thần đi cùng ông đến cổng sắt dẫn vào thành, “Cửa tự động mở ra trước mặt hai người” (Cv 12:10). Họ không mở cửa; cửa tự mở ra. Chính Thiên Chúa là người mở cửa; Chúa là người giải thoát chúng ta và mở đường cho chúng ta. Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Phêrô, nhưng Phêrô nhận ra rằng chính Chúa là người mở cửa; Ngài luôn đi trước chúng ta. Điểm này rất quan trọng: các cánh cửa nhà tù được mở ra bởi sức mạnh của Chúa, nhưng sau đó Phêrô lại thấy khó mà bước vào được ngôi nhà của cộng đoàn Kitô hữu. Người đàn bà ra mở cửa tưởng là ma nên không mở (x. Cv 12:12-17). Đã bao nhiêu lần các cộng đoàn không học được sự khôn ngoan về việc cần phải mở cửa!

Cuộc hành trình của Thánh Tông đồ Phaolô trước hết cũng là một một kinh nghiệm vượt qua. Trước tiên, ngài được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh trên đường đến Đamát, và sau đó nhiệt thành chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu đóng đinh, rồi ngài khám phá ra ân sủng của sự yếu đuối. Ngài nói với chúng ta rằng khi chúng ta yếu đuối, đó chính là lúc chúng ta mạnh mẽ, bởi vì chúng ta không còn cậy vào bản thân nữa mà phải cậy dựa vào Đức Kitô (x. 2 Cr 12:10). Bị Chúa chiếm hữu và bị đóng đinh với Người, Thánh Phaolô viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Tuy nhiên, điều này không dẫn đến một lòng một đạo mang tính an ủi, khép kín – giống như được tìm thấy trong một số phong trào trong Giáo hội ngày nay – trái lại, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu làm bừng lên lòng nhiệt thành cháy bỏng với công cuộc truyền giáo trong cuộc đời Thánh Phaolô. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc hai, vào lúc cuối đời, ngài nói: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4:17).

Khi mô tả việc Chúa đã ban cho ngài quá nhiều cơ hội để rao giảng Tin Mừng, Thánh Phaolô sử dụng hình ảnh những cánh cửa rộng mở. Ngài lên đường đến Antiôkhia cùng với Banaba, và chúng ta đọc thấy rằng “Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:27). Tương tự như vậy, khi viết cho cộng đoàn Côrintô, ngài nói, “ở đó cửa đã rộng mở cho tôi, để tôi hoạt động” (1 Cr 16:9). Khi viết cho cộng đoàn Côlôxê, ngài kêu gọi họ: “Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Đức Kitô” (Cl 4:3).

Thưa anh chị em, hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đều có kinh nghiệm về ân sủng này. Họ đã tận mắt chứng kiến ​​công việc của Thiên Chúa, Đấng đã mở cánh cửa các nhà tù tâm hồn của họ cũng như các nhà tù thật sự mà họ bị quăng vào vì Tin Mừng. Chúa Giêsu cũng mở ra trước mắt họ những cánh cửa truyền giáo để họ có thể có được niềm vui gặp gỡ những anh chị em của mình trong các cộng đoàn non trẻ và mang niềm hy vọng Tin Mừng đến cho mọi người. Giờ đây, trong năm nay chúng ta cũng đang chuẩn bị để mở Cửa Thánh.

Thưa anh chị em, hôm nay các Tổng Giám mục Chánh tòa được bổ nhiệm năm ngoái sẽ lãnh nhận dây pallium. Trong sự hiệp thông với Thánh Phêrô và noi gương Chúa Kitô, cửa cho đoàn chiên (x. Ga 10:7), họ được mời gọi trở thành những mục tử nhiệt thành mở những cánh cửa Tin Mừng, và qua thừa tác vụ của mình, giúp xây dựng một Hội Thánh và một xã hội với những cánh cửa rộng mở.

Trong tình huynh đệ, tôi xin chào phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết, tôi xin cảm ơn anh em đã đến đây để bày tỏ ước muốn chung về sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo hội của chúng ta. Tôi cũng xin gửi lời chào thân ái tới hiền huynh Bartholomew thân yêu của tôi.

Xin Thánh Phêrô và Phaolô giúp chúng ta mở ra cánh cửa cuộc đời của chúng ta cho Chúa Giêsu. Xin các ngài cầu bầu cho chúng ta, cho Thành phố Rôma này và cho toàn thế giới. Amen.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/7/2024]