Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Không ai cô đơn trong nỗi đau

Không ai cô đơn trong nỗi đau, Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định trong buổi canh thức cầu nguyện

Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi canh thức cầu nguyện
Đức Thánh Cha Phanxico giảng tại buổi canh thức cầu nguyện “Hãy lau khô những đôi mắt” tại Quảng trường Thánh Phê-rô hôm 05/05/2016.
Ảnh: Daniel Ibanez/CNA.
Vatican City, 5 tháng 5, 2016 / 11:30 sáng (CNA/EWTN News).- Trong buổi canh thức cầu nguyện hôm thứ Năm cho những người đang cần sự an ủi, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng cho dù chúng ta phải khóc lên trong những giờ phút gặp khó khăn, chúng ta vẫn không bao giờ bị cô đơn.
Lời khẳng định của ngài được đưa ra sau khi lắng nghe nhiều chứng nhân chịu những đau khổ khác nhau trong buổi canh thức cầu nguyện được tổ chức như một phần của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
“Có bao nhiêu giọt nước mắt phải rơi xuống trong mỗi giây phút trên thế giới; mỗi giọt đều khác nhau nhưng hợp chung lại chúng tạo thành một đại dương hiu quạnh , như những gì đã xảy ra, kêu gào lòng thương xót, sự thương cảm và sự an ủi,” Đức Thánh Cha nói hôm 5 tháng 5.
Ngài lưu ý, những giọt nước mắt cay đắng nhất “là những giọt do con người gây ra; những giọt nước mắt của những người phải chứng kiến những người thân yêu nhất của mình bị bạo lực cướp đi; nước mắt của những ông bà, của mẹ cha, của con cái; những đôi mắt cứ mãi phải nhìn vào bóng hoàng hôn mà thấy khó có cơ hội để nhìn được ánh bình minh ngày hôm sau.”
Tuy nhiên, Đức Phanxico nhấn mạnh rằng “trong nỗi đau của chúng ta, chúng ta không cô đơn,” và ngài nói rằng “Đức Giê-su cũng vậy, Người rất hiểu ý nghĩa quan trọng như thế nào khi khóc cho sự mất mát một người thân yêu.”
Dẫn chứng về đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan nói về việc Chúa Giê-su khóc trước cái chết của người bạn của mình là La-za-rô, Đức Thánh Cha nói rằng Đức Kit-tô khi nhìn thấy Maria thành Bethany đang khóc thì “Người cũng không cầm được nước mắt. Người đã thổn thức và bắt đầu khóc.”
“Những giọt nước mắt của Chúa Giê-su đã làm bối rối nhiều nhà thần học qua nhiều thế kỷ,” ngài nói, nhưng còn hơn thế nhiều, “những giọt nước mắt đó đã tắm mát cho bao linh hồn và xoa dịu bao nhiêu nỗi đau.”
Đức THánh Cha Phanxico nói trước hàng ngàn người hành hương tụ họp tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong tối canh thức cầu nguyện “Hãy lau khô những đôi mắt” cho tất cả những ai đang cần sự an ủi.
Buổi canh thức đánh dấu ngày Lễ Thăng Thiên của Chúa Giê-su, bắt đầu với 3 chứng nhân đau khổ đan xen giữa 3 bài đọc Thánh thư, qua đó những gia đình trình bày những ký ức về những bi kịch họ phải trải qua như sự cô đơn, tự tử, và bách hại tôn giáo.
Sau mỗi chứng nhân đau khổ một cây nến được thắp lên trước hòm thánh tích của Đức Bà Khóc ở Syracuse, được đem về Roma đặc biệt cho buổi canh thức cầu nguyện năm thánh này, và được trưng ra để mọi người tôn thờ.
Trong bài giảng, Đức Phanxico nói rằng trong những giây phút buồn chán, đau khổ, và bệnh tật, mọi người đều mong chờ “một lời an ủi” giữa những nỗi thống khổ của sự bách hại và đau buồn.
“Chúng ta thấu hiểu được sự cần thiết mạnh mẽ có một ai đó ở gần thể hiện sự thương cảm cho chúng ta. Chúng ta trải nghiệm và cảm nhận được ý nghĩa như thế nào khi bị mất phương hướng, bị xáo trộn, bị thất vọng hơn là chúng ta tưởng. Chúng ta quay qua quay lại hoang mang, cố gắng tìm một ai đó có thể hiểu được nỗi đau của chúng ta,” ngài nói.
Các câu hỏi nằm đầy trong đầu những người đang chịu khổ nhưng thường lại không có câu trả lời, ngài nói, chỉ lý do thôi thì chưa đủ để giải thích được nỗi đau sâu thẳm của những ai đang phải ghánh chịu, và nó cũng thể đưa ra được những câu trả lời.
Trong những lúc như vậy, “hơn bao giờ hết chúng ta cần lý lẽ của con tim, mà chỉ mình nó thôi mới có thể giúp chúng ta hiểu được sự bí ẩn đang ôm ấp lấy sự cô đơn của chúng ta,” Đức Phanxico nhận định.
Cùng với việc hiểu được giá trị của tiếng khóc trong những thời điểm đau buồn, chính Đức Ki-tô cũng đã trải nghiệm không phải chỉ sự sợ hãi đau khổ và cái chết, mà còn “là sự thất vọng và chán nản trước sự phản bội của Giu-đa và Phê-rô.”
“Nếu Chúa còn có thể khóc, thì cha cũng có thể khóc được, vì biết rằng Người hiểu cha,” Đức Thánh Cha nói, và giải thích rằng những giọt nước mắt của Đức Ki-tô “như một liều thuốc giải cho sự thờ ơ của cha trước những nỗi đau của người anh em và chị em.”
“Những giọt nước mắt của Người dạy cha biết biến những nỗi đau của người khác thành nỗi đau của riêng mình, để biết chia sẻ những lúc ngã lòng và đau buồn của những ai đang trong những hoàn cảnh đau thương,” ngài nói, và thêm rằng những giọt nước mắt của Giê-su “không thể rơi xuống mà không có sự đồng cảm về phía những ai tin theo Người. Vì Người an ủi, chúng ta cũng được kêu gọi đi ủi an.”
Đức Phanxico giải thích trong những giây phút sợ hãi và mất hết tinh thần thì Đức Ki-tô đến với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, ngài nói rằng cầu nguyện là “phương thuốc” cho những nỗi đau khổ của chúng ta. “Trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa,” và điều đó an ủi chúng ta và tăng thêm sức mạnh và sự hy vọng cho chúng ta.
“Chúng ta nữa cũng cần phải chắc chắn rằng Chúa Cha nghe thấy chúng ta  và đến cứu giúp chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa rót đổ vào con tim của chúng ta, để chúng ta có thể lên tiếng rằng khi chúng ta yêu, không điều gì và không ai có thể chia cách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu,” Đức Thánh Cha nói.
Ngài đúc kết bài huấn giáo bằng dẫn chứng một đoạn trong Thư gửi giáo đoàn Roma trong đó Thánh Phaolo nói rằng “không có điều gì có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.”
Ngài nói, sức mạnh của tình yêu “đã biến sự đau khổ thành niềm vinh quang của Đức Ki-tô, và chúng ta được kết hiệp với Người, và sống trong hy vọng rằng một ngày kia chúng ta sẽ lại được ở cùng Người và sẽ mãi mãi hưởng nhan Thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn sự sống và tình yêu vĩnh hằng.”
Sau khi Đức Phanxico kết thúc bài giảng, buổi canh thức tiếp tục với việc thu lại những ý cầu nguyện cá nhân của những người đang tham dự, cũng như lời cầu nguyện chung toàn thế giới cho tất cả những người đang trong hoàn cảnh chịu đựng đau khổ về tinh thần và thể xác.
Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc buổi canh thức bằng phép lành và tặng một số người hiện diện tấm ảnh Chiên Phục Sinh như một sự biểu tượng cho lòng thương xót cho tất cả những tín hữu đang sống trong những hoàn cảnh đau thương vô cùng.

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 06/05/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét