PHỎNG VẤN: Một người Việt nam ở Roma: Một kỹ sư trở thành Tu huynh Phanxico
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ nói về đời sống tu trì của cha và những dự án của Phân Khoa Thần học Giáo hoàng thuộc Giáo hoàng Đại học Thánh Bonaventura nơi cha làm trưởng khoa kể từ khi được bổ nhiệm bởi Thánh bộ Giáo dục Công giáo vài tháng trước
6 tháng 7, 2016
Ảnh của Văn phòng Báo chí của Khoa Thần Học Giáo hoàng thuộc Giáo hoàng Đại học Thánh Bonaventura
Có một vài điều vô cùng đặc biệt đang diễn ra ở Roma. Chúng ta không chỉ có vị giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La tinh, lấy hiệu Phanxico, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử một phụ nữ, Giáo sư Mary Melone thuộc Dòng các Nữ tu Phanxico Angeline, đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Đại học Giáo hoàng Antonianum. Rồi có Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, người Việt nam đầu tiên được bổ nhiệm làm trưởng khoa của Phân khoa Thần học Giáo hoàng thuộc Giáo hoàng Đại học Thánh Bonaventura.
Những dấu chỉ của thời đại? Hay có thể dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxico Giáo hội toàn cầu đang trở nên rõ nét hơn? ZENIT đã hỏi Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ cảm nghĩ của cha về vấn đề nay. Ở tuổi 46, Cha trưởng khoa hiện là giáo sư thần học kinh thánh tại đại học Seraphicum. Cha cũng đã và đang giảng dạy tại Đại học Thần học Công giáo Divinity ở Melbourne, Úc, tại Đại học Giáo hoàng Gregoria (từ năm 2008), và từ năm nay tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana. Cha đã được trao nhiều giải thưởng, và năm 2014 cha được vinh danh với “Giải thưởng Quốc tế Martini” trong lĩnh vực “Thánh kinh và Văn hóa” cho nghiên cứu của cha với chủ đề “Kinh thánh và những Nền Văn hóa Châu Á: Đọc Lời Chúa theo Nền tảng Văn hóa và trong Ngữ Cảnh tiếng Việt Nam.”
***
Thưa Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ, xin Cha cho biết một chút về Cha. Tại sao một kỹ sư điện tử rất tài năng lại quyết định trở thành một tu huynh Phanxico?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Chà, có lẽ hơi quá cường điệu khi nói “rất tài năng” rồi. Liên quan đến lựa chọn của tôi trở thành một tu huynh Phanxico, Thiên Chúa đã dẫn lối cho tôi ở giữa nhiều thăng trầm khác nhau của cuộc sống. Vắn tắt lại, tôi muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa từ lúc bắt đầu tuổi thiếu niên, mơ trở thành một linh mục sau tấm gương của một linh mục dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc chúng tôi và các thanh niên khác trong giáo xứ. Tuy nhiên, lúc đó tôi không thể nào chạy theo giấc mơ đó vì nhiều khó khăn chồng chất. Ba má tôi khuyên tôi cứ tiếp tục học và thăng tiến càng xa càng tốt trong việc học. Họ bảo tôi, “rồi con sẽ thấy: những gì con học bây giờ sẽ rất hữu ích cho dù con có trở thành một linh mục.” Rồi Thiên Chúa hướng dẫn tôi trong hành trình kinh viện. Sau trung học, tôi đậu các kỳ thi tuyển vào đại học và tôi có cơ hội sang học ở Liên xô. Trong lúc học đại học, Thiên Chúa lại giới thiệu tôi với các Tu huynh Phanxico và sau đó, nhớ lại “giấc mơ” của mình khi còn nhỏ, và được khơi nguồn cảm hứng từ mẫu gương tinh thần huynh đệ và truyền giáo, tôi nộp đơn bắt đầu hành trình để được đào tạo linh mục trong Dòng các Thầy Tiểu đệ Phanxico.
Ngay cả hành trình của cha cũng chỉ có một: từ Việt nam sang Liên xô, sang Ba lan và rồi đến Ý. Tại sao lại là đường lữ hành này?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Nói chung, có bàn tay quyền năng của Chúa. Bây giờ tôi mới có thể nói vậy. Thực ra, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến một đường đi như vậy. Từ Liên xô, các Tu huynh gửi tôi sang Ba lan để theo chương trình đào tạo tu sĩ: thỉnh sinh, nhà tập và ba năm chủng viện. Sau đó tôi được chuyển sang Roma để hoàn thành các môn thần học. Vì vậy, sau chương trình Cử nhân, tôi lấy Cử nhân và Tiến sĩ Thần học Thánh. Rồi tôi có vị trí giảng dạy trong Phân khoa. Và bây giờ tôi ở đây.
Cha đến từ Việt nam, một quốc gia rất đẹp, nhưng là nơi Công giáo phải đối mặt với sự thù ghét trong nhiều thập kỷ. Cha sinh ra trong gia đình Công giáo hay cha gặp gỡ Ki-tô giáo trong dòng chảy cuộc đời?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Tôi sinh trong một gia đình Công giáo, ít nhất thế hệ Ki-tô hữu thứ ba. Tôi được rửa tội lúc 1 tháng 3 ngày tuổi. Tôi giữ Ki-tô giáo trong tôi khi sống ở Việt nam, được làm phong phú thêm qua sự tiếp xúc bản thân với Ki-tô giáo ở Ba lan, và ở nhiều miền khác nhau của nước Ý. Tôi luôn tạ ơn Chúa vì tất cả những trải nghiệm đức tin này. Như lời của Thánh Phaolo, tôi cảm tạ Chúa và lòng thương xót của Người mà hôm nay tôi mới chính là con người của tôi.
Cha là người Việt nam đầu tiên dẫn dắt một Phân khoa Giáo hoàng Roma. Đây là một điều hết sức khác thường. Cha giải thích chuyện này như thế nào?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Có lẽ bạn đã nhìn thấy trong sự lựa chọn này sự sự mong mỏi việc tiếp nối bởi các đấng bề trên của chúng tôi, vì trước khi đây tôi đã giữ chức vụ phó trưởng khoa của Phân khoa. Nhưng, chắc có thể là một sự màu nhiệm như là cuộc đời của chúng ta.
Đây có phải là một dấu chỉ thời đại? Một thực tại mới? Của những Ki-tô hữu Châu Á đến Roma? Của phẩm chất và tinh túy lớn của thế hệ mới các linh mục Châu Á?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Chẳng biết nó có phải dấu chỉ thời đạu hay không, tôi không biết chắc. Vấn đề ở chỗ là tôi nhìn thấy rõ ràng và tôi muốn nhấn mạnh rằng: ở mỗi thời đại, ở mỗi nơi và ở mỗi quốc gia, Thiên Chúa luôn kêu gọi và chuẩn bị cho những người để phục vụ Ngài, ban cho họ những ân sủng cần thiết để thực hiện công việc được trao phó.
Người Ki-tô hữu ở Việt nam bây giờ ra sao? Và Dòng Phanxico? Và những đóng góp của vị Trưởng khoa Đại học Seraphicum có thể mang đến cho Việt nam là gì, cho Châu Á và cho Giáo hội toàn cầu?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Tình hình của Ki-tô hữu ở Việt nam bây giờ đang tốt hơn, mặc dù vẫn còn nhiều điều phải cải thiện. Cũng vậy, Dòng Phanxico đang hoạt động rất tối. Tạ ơn Chúa, có nhiều ơn gọi tận hiến và vì thế, giống như toàn Giáo hội Việt nam, chúng tôi là một thực tại năng động ở Việt nam. Về những đóng góp có thể được cho Seraphicum của Phân kho Thần học Giáo hoàng, chúng tôi có thể làm rất nhiều điều trong lĩnh vực đào tạo tu sĩ và tân phúc âm hóa, bắt đầu từ hai môn chuyên khoa kinh viện: Ki-tô học và Linh đạo Phanxico đương thời. Đặc biệt, một sự đối thoại chuyên sâu về Đức Kit-tô là nhu cầu bức thiết ở Châu Á, vì ở đây, do nhiều truyền thống tôn giáo ngoài Ki-tô giáo khác nhau, vẫn còn rất nhiều những lấn cấn và hiểu lầm về hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân loại. Một thách thức đặc biệt là làm sao chúng tôi có thể cập nhật, tiếp cận văn hóa, và hội nhập loan báo Đức Ki-tô và sứ điệp Ki-tô giáo trong những ngữ cảnh mới. Chính xác vì mục tiêu này nên ở đây, trong Đại học Seraphicum, chúng tôi thành lập FIATS – Franciscan Theological Institute for Asian Studies (Viện Thần học Phanxico cho các môn học Châu Á). Tôi nghĩ điều này rất phù hợp không chỉ cho riêng Châu Á, nhưng cho toàn thế giới, vì bây giờ chúng ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu.
Người ta có thể hình dung rằng sẽ có nhiều người Châu Á đến học tại Seraphicum. Điều đó đúng không?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: À, việc đó tùy thuộc nhiều yếu tố. Học ở Roma không dễ dàng gì cho một tu huynh ở Châu Á, không kể một giáo dân, mặc dù rất nhiều người muốn được điều này. Và yếu tố kinh tế cũng rất quan trọng: sống học ở Roma rất đắt đỏ. Vì vậy, Phân khoa chúng tôi đang tìm quỹ và những người dâng cúng để giúp những bạn trẻ Châu Á, và những người không thuộc Châu Âu nói chung, là những người mong muốn theo đuổi việc học nhưng không có điều kiện, để đào sâu kiến thức về những giá trị Ki-tô học và Linh đạo Phanxico, và truyền lại về quốc gia quê hương của họ.
Ước mơ của cha là gì?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Chúng tôi muốn đưa ra cho mọi người một chương trình đào tạo thần học, Ki-tô học và Linh đạo Phanxico giá trị cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Trong những tháng vừa qua trong những lần hẹn gặp, tôi đã có cơ hội nói chuyện với nhiều giáo sư trong Phân khoa và đã nhìn thấy được một sự khát khao to lớn và cháy bỏng để cống hiến ở đây, tại trường Seraphicum, không chỉ việc đào tạo kiến thức kinh viện, mà còn chương trình đào tạo toàn diện những linh mục và các nhà thần học tương lai, những chuyên gia về Ki-tô học: một sự đào tạo đặt cơ sở trên đá tảng là Đức Ki-tô. Với phong cách làm việc mới về môn thần học với nhau trong cộng đoàn, chúng tôi cố gắng cống hiến bằng lòng nhiệt huyết nhiều hơn và những môn học dũng khí trong Ki-tô học và Linh đạo Phanxico đương thời, đây là hai lĩnh vực chuyên môn được trao phó cho chúng tôi bởi Giáo hội.
Nhưng, ngoài sự phát triển kinh viện chuyên môn đó, tôi mong ước có một Phân khoa trong đó mọi thành viên, bất kể là giáo sư hay sinh viên, bất kể họ đang thi hành những trách vụ nào, đều cam kết dâng hiến cho Đức Ki-tô, sống trong Đức Ki-tô, để có thể chuyển tải sang người khác không phải một vài ý tưởng trừu tượng, nhưng là Đức Ki-tô đang sống, với tình yêu và nhiệt huyết mà Thánh Phanxico dành cho Đức Ki-tô.
Đối mặt với thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta có thể và phải gióng lên tiếng nói một lần nữa cùng với Thánh Phanxico: Tình Yêu không được đáp đền. Vâng, tình yêu của Thiên Chúa làm người, Đức Giê-su Ki-tô, tồn tại rất nghịch lý vì vẫn còn quá ít người biết và quá ít người yêu mến. Hãy cùng lên tiếng với một vị Giám mục Phanxico: hãy loan báo về Đức Ki-tô, làm cho mọi người biết Người và yêu mến Người qua mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, gồm cả việc học, đây là sự tận hiến của các tu huynh Phanxico của mọi thời đại. Vì lý do đó sự tận hiến của Phân khoa chúng tôi, sự tận hiến của mỗi người chúng tôi hôm nay. Và cùng với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II và toàn thể Giáo hội, chúng tôi muốn đồng thanh kêu lên thật to trướng toàn thế giới: “Hãy mở rộng những cánh cửa cho Đức Ki-tô.”
Cha nhìn thấy những dự án của mình như thế nào từ cái nhìn của cuộc cách mạng lớn mà Đức Giáo hoàng Phanxico đang làm trong Giáo hội tại Roma?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Chúng tôi cùng hòa nhịp với Đức Thánh Cha và học cách hoạt động trong mọi việc theo tinh thần của ngài. Ở đây cho tôi đề cập đến 3 điểm căn bản. Trước hết, sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, là những người Giáo hội đang đi tìm để trao ban, cùng với hỗ trợ vật chất cần thiết, bánh sự sống là Đức Ki-tô. Thứ hai, Đức Thánh Cha luôn nhấn mạnh đến vai trò tích cực của những vùng ngoại vi hay ngoại ô trong cái nhìn của đức tin và suy tư thần học. À, chúng ta đang ở vùng ngoại vi của Roma, vì chúng ta nằm trong quận EUR, rất gần Đan viện Three Fountains (Tam sơn). Ngay cả độ lớn của Phân khoa của chúng tôi, theo một cách nói, là “vùng ven” hay “bên lề” so với những trung tâm học thuật chính của Roma. Nhưng tất cả lại là lợi điểm của chúng tôi: ở vùng ngoại vi của trung tâm! Vì thế chúng tôi, về một mặt, có sự liên kết rất chặt chẽ với trung tâm, nhưng về mặt khác, nhờ vào vị trí và chiều kích “vùng ven”, chúng tôi có thể suy tư tĩnh lặng hơn và tập trung tốt hơn vào những chủ điểm căn bản của đức tin Ki-tô giáo cũng như xã hội. Cuối cùng, tầm quan trọng của giáo dục/đào tạo xuyên suốt sự tận hiến tu trì và Ki-tô hữu, chúng tôi không thành lập ở đây một câu lạc bộ những người trí thức tự hài lòng, tự tham chiếu, nhưng chúng tôi cố gắng suy tư và cùng nhau khám phá viên ngọc của đức tin Ki-tô giáo làm nền tảng của sự sống đích thực và phục vụ cho đức tin sự sống luôn đòi hỏi sự hiểu biết nhiều hơn.
Một năm học viện đã đi qua. Cha hướng về năm tới như thế nào? Những thách thức mà Phân khoa phải đối mặt là gì?
Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ: Vâng, chúng tôi đã kết thúc một năm học khá căng mà chúng tôi phải tạ ơn Chúa. Tôi cũng cảm ơn vị Trưởng khoa sắp mãn nhiệm là Cha Domenico Paoletti, các giáo sư, các sinh viên, và những người hỗ trợ và những nhà hảo tâm mà chúng tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện. Bây giờ, như Thánh Phaolo nói, hãy quên đi quá khứ, chúng ta đang bước vào tương lai với niềm tín thác vững chắc rằng Thiên Chúa sẽ lại dẫn dắt chúng tôi. Sẽ có rất nhiều thách thức, nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến 1 thách thức, có thể là lớn nhất và là thú vị nhất: hành trình tiến đến sự hiệp nhất các trung tâm học thuật Phanxico để thành lập duy nhất một trường Đại học Phanxico ở Roma. Trong tiến trình này, rất nhiều chi tiết cần phải suy xét và quyết định, nhưng một điều chắc chắn là: chúng tôi sẽ làm phong phú cho nhau và liên kết các sức mạnh để phục vụ Giáo hội và thế giới tốt hơn. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này cảm ơn ban nhân viên ZENIT và các độc giả cho chúng tôi sự hỗ trợ huynh đệ, và tôi xin khiêm nhường đọc kinh Kính Mừng nguyện xin Mẹ Maria ban cho phân khoa “vùng ven” này để chúng tôi có thể trung thành làm tròn bổn phận tận hiến và phục vụ mà chúng tôi được trao phó.
[Nguồn: ZENIT]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/07/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét