Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha ở Bologna

Bài giảng của Đức Thánh Cha ở Bologna

‘Trong hành trình của Giáo hội, câu hỏi thường đặt ra là: đi đâu, làm sao để tiến bước? Để đúc kết cho ngày hôm nay, tôi muốn để lại cho anh chị em 3 điểm tham chiếu, 3 chữ “P”’
1 tháng Mười, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha ở Bologna
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ cho các tín hữu của Tổng Giáo phận Bologna trong chuyến thăm mục vụ một ngày của ngài, 1 tháng Mười, 2017.
Trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm, Đức Thánh Cha có bài giảng và ZENIT dịch dưới đây:
* * *
Tôi cùng với anh chị em dâng Lễ Chúa nhật đầu tiên (ND: của tháng), Lời Chúa làm tâm hồn bừng cháy (x. Lc 24:32), vì lời đó làm cho chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa yêu và ủi an. Đức Bà của Thánh Lu-ca Thánh sử giúp chúng ta hiểu được sự dịu dàng của tình mẫu tử của Lời hằng sống, nhưng đồng thời “cắt” sâu; quả thật Lời thấm nhập vào tâm hồn chúng ta như trong Tin mừng hôm nay (Cf. Dt 4:12) và đưa ra ánh sáng những điều che kín và những nghịch lý của tâm hồn.
Hôm nay Lời chất vấn chúng ta qua dụ ngôn của hai người con trai trả lời với người cha yêu cầu họ ra làm vườn nho; người thứ nhất nói không, nhưng rồi lại đi; người thứ hai nói vâng, nhưng rồi không đi. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa người con thứ nhất, là đứa lười biếng, và đứa thứ hai, là một kẻ đạo đức giả. Chúng ta hãy cố hình dung ra những gì diễn ra bên trong của hai đứa con ấy. Trong tâm hồn của đứa con thứ nhất, sau lời từ chối, tiếng mời gọi của người cha vẫn vang vọng; nhưng trong tâm hồn của đứa con thứ hai, bất kể tiếng “vâng” của nó, tiếng nói của người cha đã bị chôn kín. Sự ghi nhớ lời của cha đánh thức đứa con thứ nhất từ sự lười biếng của nó, trong khi đứa con thứ hai, cho dù nó biết đâu là điều tốt lành, đã chối bỏ lời nói của nó bằng hành động của mình. Quả thật, người con đó đã không thể thấm nhuần được lời của Chúa và của lương tâm anh ta, và từ đó dễ dàng mang một đời sống hai mặt. Bằng dụ ngôn này Chúa Giê-su vạch ra những lối đi trước mắt chúng ta, những lối đi mà chúng ta không phải lúc nào cũng sẵn sàng xin vâng bằng lời nói và bằng hành động – như chúng ta có kinh nghiệm về điều đó –, vì chúng ta là những tội nhân. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn lấy cách làm những tội nhân trên hành trình, vẫn lắng nghe Lời Chúa và khi chúng ta vấp ngã hãy ăn năn sám hối và đứng dậy, như người con đầu; hoặc trở thành những tội nhân ngồi lỳ, luôn sẵn sàng bào chữa cho mình và chỉ dùng lời nói tùy theo những gì cảm thấy là lợi cho mình nhất.
Chúa Giê-su nhắm dụ ngôn này vào một số nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó, họ giống như người con sống hai mặt, trong khi người dân lại có thái độ giống như người con đầu. Những người lãnh đạo này biết và giải thích được mọi điều, theo một cách trịnh trọng rất thuyết phục của những nhà trí thức tôn giáo thật sự. Tuy nhiên họ không có lòng khiêm nhường để lắng nghe, không có sự can đảm để tự chất vấn mình, không có sức mạnh để hối cải. Và Chúa Giê-su rất nghiêm khắc: Người nói rằng ngay cả những người thu thuế sẽ vào Nước Thiên Chúa trước họ. Đó là một lời trách mắng rất nặng, vì người thu thuế là những người bội phản xấu xa của quê hương. Vậy đâu là vấn đề của những người lãnh đạo này? Họ không phạm một lỗi trong công việc gì đó, nhưng trong cách sống và suy nghĩ trước Thiên Chúa, trong lời nói với người khác, những người quản lý truyền thống của con người không thể lay chuyển được, không hiểu rằng đối với Thiên Chúa đời sống là một hành trình và Người đòi hỏi lòng khiêm nhường để mở lòng, để sám hối và để bắt đầu trở lại.
Vấn đề này nói lên điều gì với chúng ta? Đó là không có đời sống Ki-tô hữu theo mặc định, được xây dựng một cách khoa học, trong đó chỉ cần hoàn tất một mệnh lệnh nào đó là làm im bặt được tiếng lương tâm: Đời sống người Ki-tô hữu là một hành trình khiêm nhường không bao giờ cứng nhắc và luôn luôn giữ mối quan hệ với Thiên Chúa, có khả năng hoán cải và tín thác những sự nghèo hèn của mình nơi Ngài, và không bao giờ tự thỏa mãn với chính mình. Từ đó phải vượt qua những hình thức mới của tội từ thuở xưa đã bị Chúa Giê-su lên án trong dụ ngôn: đạo đức giả, đời sống hai mặt, tính giáo quyền được kèm theo bằng chủ nghĩa luật pháp, xa rời với bổn đạo. Cụm từ chính là thống hối: chính sự thống hối làm cho người ta không bị khô cứng, biết biến đổi từ câu không thành xin vâng trước Thiên Chúa, và chữ vâng với tội trở thành chữ không nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Ý định của Thiên Chúa, Đấng nói chuyện với chúng ta một cách rất khéo léo mỗi ngày trong lương tâm của chúng ta, chỉ được thực thi trọn vẹn trong sự thống hối và hoán cải liên tục. Cuối cùng, trong hành trình của mỗi người có hai con đường: trở thành những tội nhân thống hối hoặc những tội nhân giả hình. Tuy nhiên, những gì đáng quan tâm không phải là những lập luận biện minh và cố gắng giữ lấy những hình thức, mà là một tâm hồn đến với Thiên Chúa, chiến đấu mỗi ngày, thống hối và trở về với Ngài, vì Chúa tìm kiếm sự thanh sạch của tâm hồn, không phải là sự thanh sạch “của hình thức bề ngoài.”
Anh chị em thân mến, từ đó chúng ta thấy rằng Lời của Chúa đào sâu, “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy” (Dt 4:12). Nhưng Lời Người cũng luôn hiện hữu: dụ ngôn cũng nhắc chúng ta về những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, không phải luôn luôn dễ dàng. Ngày nay, cứ nói đến tốc độ thay đổi giữa thế hệ này sang thế hệ khác, thế hệ quá khứ cần phải thấu hiểu rõ được tính tự do ý chí, đôi khi đến mức nổi loạn. Tuy nhiên, sau khi đã đóng cửa hoặc giữ im lặng một thời gian dài từ phía này hoặc phía kia, thật vô cùng đẹp khi biết tái khám phá lại sự gặp gỡ, cho dù trong đó vẫn còn ngự trị những xung khắc, nhưng nó có thể trở thành tác nhân kích thích cho một sự cân bằng mới. Trong gia đình thế nào, thì trong Giáo hội và trong xã hội cũng vậy: đừng bao giờ từ bỏ sự gặp gỡ, đối thoại, tìm kiếm những con đường mới để cùng đồng hành với nhau.
Trong hành trình của Giáo hội, câu hỏi thường đặt ra là: đi đâu, làm sao để tiến bước? Để đúc kết cho ngày hôm nay, tôi muốn để lại cho anh chị em 3 điểm tham chiếu, 3 chữ “P”. Chữ thứ nhất là Parola [Lời], đó là la bàn giúp bước đi trong khiêm nhường, không lạc mất con đường của Chúa và rơi vào tính trần gian. Chữ thứ hai là Pane [Bánh] vì mọi điều đều bắt đầu từ Thánh Thể. Chính trong Thánh Thể mà Giáo hội được gặp gỡ: không phải trong những tin đồn thổi và những biên niên sử, nhưng ở đây, trong Thân mình Đức Ki-tô được chia sẻ bởi những tội nhân và thiếu thốn, nhưng là những người cảm nhận được yêu thương và từ đó khát khao yêu thương. Người ta rời khỏi nơi này và trở lại nơi này mọi lúc; đây là một sự khởi đầu không thể thiếu của Giáo hội. Cộng đoàn Thánh Thể tuyên xưng “bằng một giọng đồng thanh lớn”: Giáo hội hợp lại với nhau, được sinh ra và sống trong Thánh Thể, với Chúa Giê-su hiện diện và hằng hữu để được tôn thờ, được lãnh nhận và được tặng ban mỗi ngày. Cuối cùng, chữ P thứ ba: Poor [Người nghèo]. Thật không may, ngày nay vẫn còn nhiều người thiếu những nhu cầu căn bản nhất. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người nghèo sự yêu thương, những người cô đơn, và những người nghèo Thiên Chúa. Chúng ta tìm thấy Chúa Giê-su trong tất cả những con người đó, vì trên trần gian Người đi theo con đường nghèo khó, con đường hèn mọn, như Thánh Phao-lô nói trong Thư thứ Hai: “Chúa Giê-su đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mang lấy thân nô lệ” (Phil 2:7). Chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su đi từ Phép Thánh Thể đến người nghèo. Anh chị em đã chép lại lời viết của Đức Hồng y Lercaro muốn được nhìn thấy khắc trên bàn thờ: “Nếu chúng ta chia sẻ Bánh Nước Trời, làm sao chúng ta lại không thể chia sẻ bánh đó trên trần gian?” Thật tốt nếu chúng ta luôn khắc ghi câu này. Lời, Bánh, Người nghèo (Word, Bread, Poor): chúng ta hãy xin ơn sủng không quên những điều tốt lành căn bản này, nó hỗ trợ chúng ta trên hành trình.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT - Virginia M. Forrester]

Thánh Lễ kết thúc và Đức Thánh Cha đi trực thăng đến Trung Tâm Thể Thao “Corticelli” trở về Vatican.
Chiếc trực thăng chở Đức Thánh Cha, đáp lúc 8:10 tối.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/10/2017]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét