Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ và Phi-líp-phê

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ và Phi-líp-phê
Copyright: Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Sách Tông đồ Công vụ và Phi-líp-phê

‘Đi vào Lời Chúa là sẵn sàng thoát ra khỏi những giới hạn của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và tuân theo Đức Ki-tô, Đấng là Lời Hằng sống của Chúa Cha’

02 tháng Mười, 2019 13:20

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:35 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Ông loan báo Tin mừng Đức Giê-su cho viên quan (Cv 8:35). Phi-líp-phê và ‘cuộc chạy đua’ Tin mừng trên các con đường.” (Trích đoạn Kinh Thánh: Trích Sách Tông đồ Công vụ 8:5-8).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Sau sự tử đạo của Stê-pha-nô, “cuộc chạy đua” của Lời Chúa dường như bị chững lại, căn cứ vào sự bùng dậy “một cuộc bắt bớ dữ dội chống lại Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem” (Cv 8:1). Vì điều này, các Tông đồ ở lại Giê-ru-sa-lem, trong khi những Ki-tô hữu khác, tản mác đi những nơi khác trong vùng Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a. Trong Sách Tông đồ Công vụ, sự bắt bớ trở thành một tình trạng thường xuyên trong đời sống của các môn đệ, như lời Chúa Giê-su nói: “Nếu họ đã bắt bớ thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15:20). Tuy nhiên, thay vì dập tắt ngọn lửa rao giảng phúc âm, thì sự bắt bớ thậm chí lại tiếp thêm năng lượng cho nó.

Chúng ta đã nghe những điều Phó tế Phi-líp-phê làm, ông bắt đầu rao giảng trong các thành Sa-ma-ri-a, và con số đông đảo cho thấy những dấu chỉ của sự giải phóng và chữa lành cùng đi theo với việc loan truyền Lời Chúa. Tại thời điểm này, Chúa Thánh Thần đánh dấu một chặng đường mới trong hành trình của Tin mừng: Người khiến Phi-líp-phê đến gặp một người lạ mặt với tâm hồn đang rộng mở cho Thiên Chúa. Phi-líp-phê đứng lên và tiến bước với một lòng nhiệt huyết, và trên một con đường trong sa mạc và nguy hiểm ông gặp một viên quan lớn của Nữ hoàng Ê-ti-ô-pi-a, người tổng quản kho bạc của bà. Người đàn ông này, là một viên thái giám, sau khi đã đến Giê-ru-sa-lem để hành hương, đang trên đường trở về. Ông là một người theo đạo Do Thái của Ê-ti-ô-pi-a.

Ông ngồi trong xe đọc sách ngôn sứ I-sai-a, đặc biệt là đoạn thứ tư nói về “người tôi tớ của Thiên Chúa.” Phi-líp-phê chạy đuổi kịp xe và hỏi ông: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” (Cv 8:30). Người Ê-ti-ô-pi-a trả lời: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?” (Cv 8:31). Ông là một người quản lý ngân khố lớn, ông là Bộ trưởng Kinh tế, ông ta có toàn bộ sức mạnh của đồng tiền, nhưng ông ta biết rằng nếu không có sự giải thích thì ông không thể nào hiểu được; ông ta khiêm nhường. Và cuộc đối thoại này giữa Phi-líp-phê và người Ê-ti-ô-pi-a cũng làm cho chúng ta phải suy ngẫm về sự thật rằng chỉ đọc Kinh Thánh là không đủ, người ta phải hiểu được ý nghĩa, phải tìm được “mạch sống” bằng cách vượt qua khỏi “cái bề ngoài,” đón lấy Thần Khí tạo sinh khí cho từ ngữ. Như Đức Giáo hoàng Benedict nói khi khai mạc Thượng Hội đồng về Lời Chúa, “Sự chú giải, việc đọc Kinh Thánh thật sự, không chỉ là một hiện tượng về văn ngữ, [...] Đó là hoạt động của sự sống của tôi” (Suy niệm, 6 tháng Mười, 2008). Đi vào Lời của Chúa là sẵn sàng thoát ra khỏi những giới hạn của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và tuân theo Đức Ki-tô, Đấng là Lời Hằng sống của Chúa Cha.

Vậy, ai là vai chính trong những điều người Ê-ti-ô-pi-a đang đọc? Phi-líp-phê cung cấp cho người đối thoại của mình chìa khóa cho việc đọc: về người Phục vụ đau khổ nhu mì đó, Đấng không lấy ác để đáp trả cái ác, mặc dù bị cho là thất bại và cuối cùng được cất ra khỏi giữa chúng ta, giải phóng cho dân tộc khỏi tội và sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa; đó chính là Đức Ki-tô, Đấng mà Phi-líp-phê và toàn Hội thánh công bố, Đấng cùng với sự Phục sinh đã cứu độ tất cả chúng ta. Cuối cùng, người Ê-ti-ô-pi-a nhận biết Chúa Giê-su và xin chịu Phép Rửa và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giê-su. Trình thuật này rất đẹp; tuy nhiên, ai đã thúc đẩy Phi-líp-phê đi vào sa mạc để gặp người đàn ông này? Ai đã thúc đẩy Phi-líp-phê đuổi theo chiếc xe? Đó chính là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là vai chính trong việc rao truyền phúc âm. “Thưa Cha, con sẽ đi ra giảng phúc âm.” “Được, nhưng con sẽ làm gì?” “À, con rao truyền Tin mừng và con nói cho biết Chúa Giê-su là ai, con cố thuyết phục người ta rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa.” Anh chị em thân mến, đây không phải là rao giảng phúc âm; nếu không có Thánh Thần ở đó, sẽ không có rao giảng phúc âm. Việc này có thể trở nên việc chiêu dụ, quảng cáo … Nhưng rao giảng phúc âm là để cho mình được hướng dẫn bởi Thánh Thần; phải chính là Ngài thúc đẩy anh chị em đi rao giảng, để công bố bằng chứng tá, kể cả bằng sự tử đạo, và cũng bằng lời nói.

Sau khi đã giúp cho người Ê-ti-ô-pi-a gặp được Đấng Phục sinh — người Ê-ti-ô-pi-a gặp được Chúa Giê-su Phục sinh vì ông hiểu lời ngôn sứ đó — Phi-líp-phê biến mất, Thần Khí lại sai ông và gửi ông đi làm việc khác. Cha nói rằng vai chính của việc rao giảng phúc âm là Thánh Thần, và dấu chỉ nào cho biết người Ki-tô hữu chúng ta là một người rao truyền phúc âm? — Niềm vui, thậm chí phúc tử đạo. Và Phi-líp-phê đi đến những nơi khác lòng đầy niềm vui để rao giảng Tin mừng.

Xin Thần Khí làm cho những người nam và nữ đã được rửa tội loan báo Tin mừng cuốn hút người khác, không phải đến với họ nhưng đến với Đức Ki-tô; những con người có thể dành không gian cho hoạt động của Chúa, là người có thể làm cho người khác được tự do và chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét