Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Trong số 266 giáo hoàng, có bao nhiêu vị được tuyên thánh?

Shutterstock

Larry Peterson

08/07/18


Khoảng một phần ba các đấng kế vị Thánh Phêrô đã chính thức được nâng lên bậc thánh.

Trong số 266 vị giáo hoàng của chúng ta kể từ thời Thánh Phêrô (bao gồm cả Đức Thánh Cha Phanxicô), 82 vị đã được công nhận là các vị thánh được tuyên phong. Tất cả 35 vị giáo hoàng đầu tiên đều được tuyên thánh; 31 vị trong số đó là tử vì đạo.

Khi Đức Phaolô VI được tuyên thánh, ngài trở thành vị giáo hoàng thứ 82 được tuyên thánh. Trước khi Đức Phaolô VI được tuyên thánh, vị được tuyên thánh gần đây nhất là Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào năm 2014. Gần đây nhất, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I được phong chân phước vào năm 2022, tức là chỉ còn một bước nữa là được nâng lên bậc hiển thánh.

Điều thú vị là trong số 82 vị thánh này, chỉ có 8 vị được tuyên thánh kể từ thế kỷ 11. Về con số đó, chúng ta nên nhớ rằng trong 1.000 năm đầu tiên của Giáo hội, có rất ít thủ tục chính thức được thực hiện để tuyên thánh cho một vị thánh.

Tám vị đó là:

Đức Giáo hoàng Bênêđictô IX (#142); Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII (#156); Đức Giáo hoàng Grêgôriô X (#193); Đức Giáo hoàng Piô V (#224); Đức Giáo hoàng Piô X (#256); Đức Giáo hoàng Gioan XXIII (#260); Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (#264); và Đức Giáo hoàng Phaolô VI (#262).

Sau thiên niên kỷ đầu tiên, Giáo hội bắt đầu phát triển một tiến trình có trật tự để xác định tiêu chuẩn của những vị được đề cử tuyên thánh. Vào ngày 4 tháng 7 năm 973, Đức Giáo hoàng Bênêđictô VI đã tuyên thánh cho Đức Giám mục Ulrich của Augsburg. Vì thế, Thánh Ulrich trở thành vị đầu tiên được tuyên thánh bởi một giáo hoàng.

Vào năm 1243, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX khẳng định rằng riêng giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố một người nào đó là thánh. Điều này vẫn còn áp dụng đến ngày nay, mặc dù cần lưu ý vai trò đặc biệt của giáo hoàng trong một hình thức tuyên thánh, được gọi là “tuyên thánh tương đương”, khi một giáo hoàng xác nhận lòng sùng kính đối với một vị thánh đã có từ lâu trong Giáo hội. Việc tuyên thánh tương đương này là trường hợp của tu sĩ Dòng Tên Pierre Faber (1506-1546) được Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận năm 2013, hay nữ đan viện trưởng Hildegard of Bingen, được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công nhận.

Giáo luật năm 1917 tuyên bố rằng không thể mở án tuyên thánh cho đến 50 năm sau khi ứng viên qua đời. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã rút ngắn khung thời gian đó xuống còn 5 năm. Đôi khi, khoảng thời gian đó có thể được bỏ qua hoặc rút ngắn, như Đức Bênêđictô XVI đã làm khi Đức Gioan Phaolô II qua đời.

Thời gian chờ đợi trung bình để một người được tuyên thánh sau khi chết là khoảng 180 năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên thánh chỉ 9 năm sau khi ngài qua đời.

Chúng ta gặp gỡ một số vị giáo hoàng đã được tuyên thánh và những vị đã đứng hiên ngang trong suốt nhiều thế kỷ để bảo vệ, và nhiều lần chết để bảo vệ, Giáo hội do chính Chúa Kitô thành lập.

Giáo hoàng #2: Thánh Linô (67-76) Thánh Linô kế vị ngay sau Thánh Phêrô. Sứ vụ được Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trao lại cho Đức Linô, sau khi Giáo hội Kitô giáo được thành lập ở Rome. Các nhiệm vụ và trách nhiệm thực tế được giao phó cho Đức Linô hơi mơ hồ vì phẩm trật Giáo hội vẫn đang được thiết lập. Được biết, Đức Linô đã tử vì đạo và ngài được chôn cất gần với Thánh Phêrô. Tên của ngài được nhắc đến trong Lễ quy Roma. Thánh Phaolô cũng đề cập đến Đức Linô trong Thư thứ hai gửi cho Timôthê.

Giáo hoàng #3: Thánh Cletus (76-90) Thánh Giáo hoàng Cletus còn được gọi là Anacletus. Truyền thống kể rằng Đức Cletus đã chia Rome thành 25 giáo xứ và truyền chức một số linh mục. Đức Cletus cũng được nhắc đến trong Lễ quy Roma. Không có ghi chép nào về việc Đức Cletus tử vì đạo và ngài được chôn cất gần vị tiền nhiệm của mình là Đức Thánh Giáo hoàng Linô.

Giáo hoàng #4: Thánh Clêmentê I (88-99) Ngài sinh năm 35 và trở thành giáo hoàng vào khoảng giữa năm 88 và 90. Ngài được chính Thánh Phêrô thánh hiến. Thánh Phaolô đề cập đến Clêmentê trong các thư của ngài với tư cách là một “đồng nghiệp”, vì vậy rõ ràng Đức Clêmentê đã tham gia rất nhiều vào việc hình thành Giáo hội sơ khai.

Thánh Clêmentê được gọi là Tông phụ đầu tiên. Các vị Tông phụ là những người sống ở thế kỷ thứ 1 và thứ 2 và được học trực tiếp từ Mười hai Tông đồ đầu tiên.

Thánh Giáo hoàng Clêmentê, biết cả Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, viết về những điều mà hai vị đại tông đồ này đã nói. Trong số các bài viết của ngài, chúng ta tìm thấy lời dạy rằng các Tông đồ có thẩm quyền phong chức tân giám mục, từ đó đặt nền tảng cho hệ thống hàng Giáo phẩm.

Đức Clêmentê chịu tử đạo theo hình thức bị nhấn chết chìm ngoài biển năm 99.

Giáo hoàng #64: Thánh Grêgôriô I (590-604) hay còn gọi là Thánh Grêgôriô Cả: Khi Đế quốc La Mã gầm lên trước khi sụp đổ, các giáo hoàng lãnh đạo không chịu tuyệt vọng. Các ngài chấp nhận rằng sứ mệnh của các ngài là hoán cải những chiến binh ngoại giáo và hướng tới một xã hội Kitô giáo hòa bình. Một trật tự xã hội mới đang khai sinh.

Khắp Đế quốc La Mã đang sụp đổ, kho tàng của các bộ lạc man rợ đã chinh phục. Lục địa trở nên hỗn loạn. Đức Giáo hoàng Grêgôriô I đến. Một con người có tài thực sự, tinh thần sâu sắc và năng lực rất lớn, Đức Grêgôriô thiết lập tông tòa theo tiến trình sẽ được tuân thủ xuyên suốt thời Trung cổ.

Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Rome, ngài trở thành đô trưởng thành phố nhưng rồi đột ngột từ bỏ thế giới vật chất. Ngài dành của cải của mình để thành lập các tu viện và thậm chí biến ngôi nhà nguy nga của mình thành một tu viện. Ngài sống cuộc đời khổ hạnh và sau đó, khi được yêu cầu, đã đảm nhận vai trò là đặc phái viên của Giáo hoàng tại Constantinople. Khi Ngai tòa Phêrô bỏ trống năm 590, người dân Rome đã gây áp lực buộc ngài Grêgôriô phải chấp nhận vị trí này. Ngài chấp nhận và trước khi từ giã dương thế, ngài đã đặt nền móng cho thế giới Kitô giáo thời trung cổ.

Thánh Giáo hoàng Grêgôriô I được gọi là “Cha đẻ của việc phụng tự Kitô giáo” vì thời gian và nỗ lực ngài đã bỏ ra để sửa đổi việc thờ phụng của người Roma (Bình ca Gregorian được đặt theo tên của ngài). Ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Đức Grêgôriô Cả là bổn mạng của của các nhạc sĩ, ca sĩ, sinh viên và nhà giáo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/7/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét