Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Thông điệp Chúa Nhật (13/4/2025) của Đức Thánh Cha: ‘Người đã an nghỉ, trong cái chết, trong vòng tay của Chúa Cha’

Thông điệp Chúa Nhật của Đức Thánh Cha: ‘Người đã an nghỉ, trong cái chết, trong vòng tay của Chúa Cha’

Thông điệp Chúa Nhật (13/4/2025) của Đức Thánh Cha: ‘Người đã an nghỉ, trong cái chết, trong vòng tay của Chúa Cha’

Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup

13/04/25



Bản văn bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô trước giờ đọc kinh Truyền tin buổi trưa tập trung vào “những cảm xúc mà phụng vụ kêu gọi chúng ta suy niệm” và những nơi đang có chiến tranh.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện không theo lịch trình vào Chúa Nhật Lễ Lá ngày 13 tháng 4, Vatican công bố văn bản bài suy niệm của ngài trong giờ kinh Truyền Tin.

Đức Thánh Cha đã đến vào cuối Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá do Đức Hồng y Sandri cử hành và chào các tín hữu. Đáng chú ý là ngài không đeo dây thở oxy.

Thông điệp Chúa Nhật (13/4/2025) của Đức Thánh Cha: ‘Người đã an nghỉ, trong cái chết, trong vòng tay của Chúa Cha’


Dưới đây là văn bản của thông điệp Kinh Truyền tin:

__________________________________


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, khi chúng ta cử hành Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta đã lắng nghe trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Chúa theo Thánh Luca (x. Lc 22:14-23:56) trong bài Phúc Âm. Chúng ta nghe Chúa Giêsu xin với Chúa Cha nhiều lần:

“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (22:42); Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm ‘ (23:34); Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23:46).

Chúng ta thấy Người bước tới thập giá hoàn toàn bất lực và nhục nhã, với cảm xúc và trái tim của một đứa trẻ ôm chặt cổ cha mình, mỏng manh về thân xác, nhưng mạnh mẽ trong sự tin tưởng phó thác, cho đến khi Người an nghỉ, trong cái chết, trong vòng tay của Chúa Cha.

Đây là những cảm xúc mà phụng vụ kêu gọi chúng ta suy niệm và biến thành của riêng mình. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sầu khổ, thể xác hoặc tinh thần, và niềm tin giúp chúng ta không đầu hàng trước sự tuyệt vọng, không khép mình trong nỗi cay đắng, nhưng đối mặt với chúng, cảm thấy được che chở, như Chúa Giêsu, bởi vòng tay quan phòng và thương xót của Chúa Cha.

Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều vì những lời cầu nguyện. Trong lúc thân xác trong tình trạng yếu đuối này, những lời cầu nguyện giúp tôi cảm nhận được sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn nữa. Tôi cũng đang cầu nguyện cho anh chị em, và tôi xin anh chị em hãy cùng tôi phó thác tất cả những người đau khổ cho Chúa, nhất là là những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nghèo đói hoặc thiên tai. Đặc biệt, xin Chúa đón nhận những nạn nhân của vụ sập một tòa nhà ở Santo Domingo trong sự bình an của Người, và an ủi gia đình họ.

Ngày 15 tháng 4 sẽ đánh dấu kỷ niệm buồn thứ hai kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Sudan, trong đó hàng ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu gia đình đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Nỗi đau khổ của các trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương đang kêu lên trời cao và cầu xin chúng ta hành động. Tôi nhắc lại lời kêu gọi tới các bên liên quan, rằng họ có thể chấm dứt bạo lực và bắt đầu con đường đối thoại, và tới cộng đồng quốc tế, để sự giúp đỡ cần thiết có thể được cung cấp cho người dân.

Và chúng ta cũng hãy nhớ đến Li băng, nơi cuộc nội chiến bi thảm đã khơi mào cách đây năm mươi năm: với sự trợ giúp của Chúa, xin cho đất nước này được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Cầu mong hòa bình đến với đất nước Ukraine, Palestine, Israel, Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar, Nam Sudan. Xin Đức Maria, Mẹ Sầu Bi, ban ơn này cho chúng con và giúp chúng con sống Tuần Thánh này với niềm tin.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/4/2025]


Toàn văn bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha 13/4/2025

Toàn văn bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha

Toàn văn bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha 13/4/2025

Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup

13/04/25


Bài giảng của Đức Thánh Cha tập trung vào Simon thành Cyrene: “Simon miền Galilê nói nhưng không hành động. Simon thành Cyrene hành động nhưng không nói.”

Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá được cử hành bởi Đức Hồng y Leonardo Sandri thay mặt cho Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tuy nhiên, vào cuối Lễ, Đức Thánh Cha đã đến Quảng trường và chào Đức Hồng y, gửi thông điệp đến các tín hữu, và sau đó chào hỏi một số người.

Hôm thứ Bảy, ngày 12 tháng 4, Đức Thánh Cha cũng đã ra ngoài, và một lần nữa viếng Nhà thờ Đức Bà Cả và tượng Đức Mẹ mà ngài yêu mến.

Với cuộc viếng đó, cuộc gặp gỡ với Vua Charles và Hoàng hậu Camilla, thời gian ngài cầu nguyện trước mộ của Đức Piô X ở Đền thờ Thánh Phêrô, và sự xuất hiện bất ngờ của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật tuần trước, chúng ta có thể thấy rằng Đức Thánh Cha chắc chắn không còn phải kiêng ra ngoài nữa!

Vẫn chưa biết khi nào giọng nói và hơi thở của ngài đủ khỏe để có thể bắt đầu giảng trở lại.

Bài giảng do Đức Thánh Cha chuẩn bị được Đức Hồng y Sandri đọc. Bài giảng tập trung vào nhân vật Simon thành Cyrene, người bị buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Sau đây là văn bản của bài giảng.

_______________________________________


“Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Lc 19:38). Đám đông chào đón Chúa Giêsu khi Người tiến vào Giêrusalem. Đấng Messia đã đi vào qua cổng thành thánh, mở toang để chào đón người mà ít ngày sau sẽ rời thành qua cùng cánh cổng đó, nhưng lần này bị nguyền rủa và lên án, vác thập giá.

Hôm nay, chúng ta cũng theo chân Chúa Giêsu, trước hết là trong một cuộc rước kiệu và sau đó là trên con đường đau khổ và buồn phiền, khi chúng ta bước vào Tuần Thánh chuẩn bị tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt của những người lính và những giọt nước mắt của các phụ nữ trong đám đông, sự chú ý của chúng ta hướng đến một người vô danh mà tên của người này đột nhiên xuất hiện trong Phúc âm: Simon thành Cyrene. Ông là người bị những người lính bắt, sau đó “đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu” (Lc 23:26). Lúc đó, ông đang từ ngoài đồng trở về. Ông tình cờ đi ngang qua thì bất ngờ thấy mình bị cuốn vào một vở kịch làm ông choáng, giống như một khúc gỗ nặng đè trên vai ông.

Khi chúng ta tiến về đồi Calvary, chúng ta dành một chút thời gian để suy ngẫm về hành động của Simon, cố gắng nhìn vào trong tâm hồn ông và theo bước chân của ông bên cạnh Chúa Giêsu.

Trước hết, hành động của Simon có sự mâu thuẫn. Một mặt, ông bị ép phải vác thập giá. Ông không giúp Chúa Giêsu vì niềm tin, mà vì bị ép buộc. Mặt khác, sau đó ông đích thân dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa. Thập giá của Chúa Giêsu trở thành thập giá của Simon. Ông không phải là Simon được gọi là Phêrô, người đã hứa sẽ theo Thầy mọi lúc. Simon đó đã biến mất vào đêm Chúa bị phản bội, thậm chí sau khi ông kêu lên: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22:33). Người hiện đang theo chân Chúa Giêsu không phải là môn đệ đó, mà là người từ miền Cyrene. Tuy nhiên, Chúa đã dạy rõ ràng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Simon người Galilê nói nhưng không hành động. Simon người Cyrene hành động nhưng không nói. Giữa ông và Chúa Giêsu, không có đối thoại; không một lời nào được nói ra. Giữa ông và Chúa Giêsu, chỉ có gỗ thập giá.

Toàn văn bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha 13/4/2025


Nếu chúng ta muốn biết liệu Simon thành Cyrene giúp đỡ hay ghét Chúa Giêsu, người mà giờ đây ông phải chia sẻ nỗi đau khổ, liệu ông có “đỡ lấy” thập giá của Chúa hay chỉ đơn thuần vác nó, chúng ta phải nhìn vào tâm hồn của ông. Trong khi trái tim Chúa luôn rộng mở, bị đâm thâu bởi sự đau đớn để tỏ lộ lòng thương xót của Người, thì trái tim con người vẫn khép chặt. Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong trái tim của Simon.

Chúng ta hãy tưởng tượng mình ở vị trí của ông: chúng ta sẽ cảm thấy tức giận hay thương hại, trắc ẩn hay bực bội? Khi chúng ta nghĩ về những gì Simon làm cho Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy nghĩ về những gì Chúa Giêsu đã làm cho Simon — những gì Người đã làm cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta: Người đã cứu chuộc thế gian. Thập giá bằng gỗ mà Simon thành Cyrene đã vác ​​là thập giá của Chúa Kitô, chính Người đã mang lấy tội của toàn nhân loại. Người đã mang lấy chúng vì yêu thương chúng ta, trong sự vâng phục Chúa Cha (x. Lc 22:42); Người đã chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta. Theo cách bất ngờ và đáng kinh ngạc này, Simon thành Cyrene trở thành một phần của lịch sử cứu độ, trong đó không ai là người xa lạ, không ai là người ngoại kiều.

Vậy chúng ta hãy bước theo dấu chân của Simon, vì ông dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu đến để gặp gỡ mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta nhìn thấy đám đông khổng lồ gồm những con người bị thúc đẩy bởi lòng thù ghét và bạo lực hăm hở bước đi trên con đường lên đồi Calvary, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã biến con đường này thành nơi cứu chuộc, vì chính Người đã bước đi trên con đường đó, hiến mạng sống vì chúng ta. Có bao nhiêu Simon thành Cyrene trong thời đại của chúng ta, mang thập giá của Chúa Kitô trên vai họ! Chúng ta có thể nhận ra họ không? Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa trên khuôn mặt của họ không, bị hủy hoại bởi gánh nặng của chiến tranh và bị tước đoạt không? Đứng trước sự bất công quá lớn của sự dữ, chúng ta không bao giờ mang thập giá của Chúa Kitô một cách vô ích; ngược lại, đó là cách cụ thể nhất để chúng ta chia sẻ tình yêu cứu chuộc của Người.

Toàn văn bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá của Đức Thánh Cha 13/4/2025


Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trở thành lòng trắc ẩn bất cứ khi nào chúng ta đưa tay ra với những người cảm thấy họ không thể tiếp tục, khi chúng ta nâng đỡ những người đã ngã xuống, khi chúng ta ôm lấy những người đang chán nản.

Anh chị em thân mến, để trải nghiệm phép lạ phi thường của lòng thương xót này, chúng ta hãy quyết định cách chúng ta phải mang thập giá của chính mình trong Tuần Thánh này như thế nào: nếu không phải trên vai, thì trong trái tim chúng ta. Và không chỉ thập giá của chúng ta, mà còn là thập giá của những người đau khổ xung quanh chúng ta; thậm chí có thể là thập giá của một người vô danh nào đó mà tình cờ — nhưng có thực sự là tình cờ không? — đã đặt trên con đường của chúng ta. Chúng ta hãy chuẩn bị cho mầu nhiệm vượt qua của Chúa bằng cách mỗi người chúng ta trở thành một Simon thành Cyrene cho nhau.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/4/2025]


Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Viacheslav Lopatin | Shutterstoc


Anna Kurian

12/04/25



Hàng năm trong Mùa Chay, Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày ba thánh tích quý báu về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô: ngọn giáo của Longinus, tấm khăn che mặt của bà Veronica và một mảnh vỡ của Thánh giá.

Trong những năm gần đây, Rome tái khám phá các “Chặng đàng Thánh giá” Mùa Chay, tái lập một nghi thức cổ xưa mỗi ngày trong một nhà thờ ở Kinh thành Vĩnh cửu, nơi lưu giữ thánh tích của các vị tử đạo và các thánh. Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô là một trong những điểm dừng chân nơi các tín hữu đến viếng trong 40 ngày này, theo lịch phụng vụ đã được thiết lập rõ ràng. Vương cung Thánh đường của Giáo hoàng trưng bày các thánh tích về Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu trong ba lần khác nhau, được bảo quản cẩn thận trong nhiều thế kỷ.

Vào thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay, các tín hữu có thể tôn kính thánh tích ngọn giáo của Longinus, ngọn giáo mà viên đại đội trưởng La Mã đã dùng để đâm vào cạnh sườn của Chúa Kitô bị đóng đinh. Chương này được thuật lại trong Tin mừng Thánh Gioan:

“Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19:33-34).

Truyền thống tôn kính thánh tích này có từ cuối thế kỷ 15.

Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Tượng Longinus với ngọn giáo của anh ta trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô

Khăn che mặt của bà Veronica

Truyền thống lâu đời nhất, có từ thế kỷ thứ 8, là truyền thống về “tấm khăn che mặt của bà Veronica”, mà các tín hữu có thể chiêm ngắm vào Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay. Tin mừng không đề cập đến bà Veronica, nhưng truyền thống nhắc đến bà là người phụ nữ đã lau mặt Chúa Giêsu khi Người lên đồi Calvary. Khuôn mặt của Chúa Kitô, đẫm mồ hôi, được cho là đã in trên tấm khăn vải mà bà đưa cho Chúa. Khoảnh khắc này là một trong 14 chặng của Chặng đàng Thánh giá.

Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Tượng Thánh Veronica cầm khăn che mặt tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Trong những thế kỷ đầu, thánh tích “Dung nhan Thánh” này là biểu tượng của cuộc hành hương đến Rome, giống như vỏ sò là biểu tượng của Con đường Thánh Giacôbê.

Cha Agnello Stoia, cha sở giáo xứ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nói với Aleteia, “Tấm khăn che mặt của bà Veronica là một thánh tích rất được sùng kính, và có những mô tả đáng kinh ngạc về nghi lễ cổ xưa này. Một dây xích lớn treo từ trần nhà đã được tháo ra, và hai phó tế đi xuống bằng một loại thang nâng, trình bày thánh tích cho mọi người.”

Cuối cùng, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô trưng bày thánh tích thứ ba liên quan đến Cuộc Khổ nạn: đó là một mảnh vỡ của Thánh giá Chúa Kitô, một mảnh gỗ dài khoảng 15cm được dùng để ban phép lành cho giáo dân.

Đền thờ Thánh Phêrô trưng bày 3 thánh tích Cuộc Khổ Nạn mỗi năm một lần

Tượng Thánh Helena ôm Thánh giá thật, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Nến, vải phủ và găng tay đỏ

Ba cuộc trưng bày này hiện được thực hiện theo một nghi lễ không thay đổi. Tất cả đều bắt đầu bằng một cuộc rước kiệu và đọc kinh cầu các thánh. Sau đó, những người cử hành đi đến cột Veronica — một trong bốn cột trụ uy nghi nâng đỡ mái vòm — nơi tất cả các thánh tích được cất giữ trong một két an toàn, chìa khóa do cha sở giữ.

Sau đó, các tín hữu ngước nhìn lên lan can trên đầu cột trụ, nơi nghi thức dâng cao thánh tích bắt đầu. Ba vị tuyên úy của Đền thờ Thánh Phêrô, một vị chủ sự và hai vị phụ tế được chọn lần lượt đi lên ban công của trụ Veronica, được phủ bằng vải đỏ và thắp sáng bằng nến.

Sau khi ca đoàn hát thánh ca, thiết lập bối cảnh của thánh tích, một vị tuyên úy đọc lời cầu nguyện bằng tiếng Ý. “Sau đó, vị tuyên úy đeo hai chiếc găng tay phụng vụ màu đỏ, ‘chiroteche,’ được sử dụng để tránh làm hỏng thánh tích và cũng là dấu hiệu của sự tôn kính,” Cha Stoia giải thích.

Phép lành trọng thể

Các vị tuyên úy tiến vào phòng để mở hòm an toàn. Vị chủ sự cầm thánh tích bằng đôi tay đeo găng. Khoảnh khắc này trở nên long trọng hơn với hồi chuông ba, trừ Thứ Sáu Tuần Thánh là lúc hồi chuông carillon được kéo vang lên – các chuông này im lặng cho đến Lễ Phục Sinh.

Sau đó, thánh tích được dâng cao đưa đến cho mọi người xem, trước hết cho những người hàng đầu, sau đó là những người phía bên phải của ban công, tiếp theo là những người phía bên trái, và cuối cùng, các vị chủ sự trở lại chính giữa trước khi đặt thánh tích trở lại vị trí trong tiếng chuông. Cha sở Vương cung Thánh đường nói: “Các tín hữu thinh lặng chiêm ngắm thánh tích và cầu nguyện; một bầu khí sùng kính mạnh mẽ bao trùm”. Sau nghi thức trưng bày thánh tích, phụng vụ tiếp tục với Thánh lễ.

“Các tín hữu ngày càng quan tâm đến việc đến viếng và tôn kính những thánh tích này”, Cha Stoia lưu ý, ước tính có 1.500 người, chủ yếu là người Rome, đến tham dự các sự kiện. Quả thật vì đây là thời điểm duy nhất trong năm mà công chúng có thể chiêm ngắm những thánh tích này.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2025]