© Vatican Media
Toàn văn Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha nhắc lại những điểm sáng trong chuyến viếng thăm Ma-rốc
‘Chuyến hành hương của cha noi theo những bước chân của hai thánh: Phanxico Assisi và Gioan Phaolô II.’
03 tháng Tư, 2019 15:11
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến Ma-rốc vừa kết thúc (Trích đoạn Kinh Thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 13:33).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển lần thứ 6, do Liên Hợp quốc khởi xướng và được tổ chức hôm nay.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Bảy và Chúa nhật vừa rồi cha thực hiện chuyến Tông du đến Ma-rốc, theo lời mời của Quốc vương Mohammed VI. Một lần nữa tôi xin gửi đến Quốc vương và quý vị Giới chức Ma-rốc lòng tri ân vì sự tiếp đón nồng hậu của quý vị và tất cả những sự hợp tác, đặc biệt với Quốc vương: ngài giống như người anh em, rất thân thiện, rất gần gũi.
Trên hết cha cảm tạ Chúa, Người đã cho phép cha thực hiện một bước đi tiếp theo trên hành trình đối thoại và gặp gỡ với những anh chị em Hồi giáo, để trở thành — như câu khẩu hiệu của chuyến Tông du cho biết — “Người Phục vụ cho Hy vọng” trong thế giới hôm nay. Chuyến hành hương của cha noi theo những bước chân của hai thánh: Phanxico Assisi và Gioan Phaolô II. Tám trăm năm trước Thánh Phanxico đã mang thông điệp hòa bình và huynh đệ đến với Quốc vương al-Malik al-Kamil; năm 1985, Đức Giáo hoàng Wojtyla đã thực hiện chuyến đi đáng nhớ của ngài đến Ma-rốc, sau khi đón tiếp tại Vatican Quốc vương Hassan II — người đầu tiên trong số các vị Lãnh đạo Chính phủ Hồi giáo. Tuy nhiên, có thể anh chị em lại đặt câu hỏi: tại sao Giáo hoàng lại đi đến với người Hồi giáo mà không đến riêng với người Công giáo không thôi? Tại sao có quá nhiều tôn giáo, và tại sao vẫn mãi có quá nhiều tôn giáo? Với anh em Hồi giáo chúng ta là những hậu duệ của cùng một Tổ phụ, Abraham: Tại sao Chúa lại cho phép quá nhiều tôn giáo như vậy? Thiên Chúa có ý cho phép điều này: các nhà thần học theo Học thuyết Kinh viện nói đến voluntas không bắt buộc của Chúa. Người có ý cho phép thực tại này: có quá nhiều tôn giáo; một số tôn giáo ra đời theo văn hóa, nhưng luôn hướng về Thiên Đàng, hướng về Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều Thiên Chúa muốn như ý định của Người là tình huynh đệ giữa chúng ta theo một cách đặc biệt — đây là lý do của chuyến đi — với những anh em của chúng ta, con cái của Tổ phụ Abraham như chúng ta, những người Hồi giáo. Chúng ta không được sợ hãi vì sự khác biệt: Chúa cho phép điều này. Chúng ta phải sợ nếu chúng ta không hành động đúng với tình huynh đệ, không cùng đồng hành trong cuộc sống.
Để phục vụ cho niềm hy vọng trong thời đại như thời đại của chúng ta ngày nay, trước hết là phải xây dựng những cầu nối giữa các nền văn minh. Và thật là một niềm vui và vinh dự cho cha đã có thể làm được điều này với Vương quốc cao quý Ma-rốc, gặp gỡ dân tộc này và các nhà lãnh đạo của đất nước. Nhớ lại một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng đã được tổ chức trong quốc gia đó trong những năm qua, cùng với Quốc vương Mohammed VI chúng tôi khẳng định vai trò quan trọng của các tôn giáo trong việc bảo vệ nhân phẩm và thúc đẩy hòa bình, công bằng, chăm sóc Tạo vật, tức là ngôi nhà chung của chúng ta. Trong quan điểm này, chúng tôi đồng ký với Quốc vương một Thỉnh nguyện thư cho Giêrusalem, để Thành Thánh này được giữ gìn như là di sản của nhân loại và là nơi của sự gặp gỡ hòa bình, đặc biệt cho các tín hữu của ba tôn giáo độc thần.
Cha đã đến viếng Lăng của Quốc vương Mohammed V, thể hiện lòng tôn kính và Đức Hassan II, cũng như Học viện Đào tạo Imams, đào tạo những người nam nữ thuyết giảng. Học viện này thúc đẩy một Hồi giáo tôn trọng các tôn giáo khác, loại bỏ bạo lực và chính thống cực đoan, tức là học viện nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là anh em và chúng ta phải làm việc cho tình huynh đệ.
Cha đặc biệt chú ý đến vấn đề di cư, hoặc là trao đổi với các vị Lãnh đạo hoặc khi đến gặp gỡ buổi họp mặt dành riêng cho người di cư. Một số người làm chứng rằng cuộc sống của người nhập cư thay đổi hoàn toàn và trở lại thành con người khi họ tìm được một cộng đồng đón nhận họ như là con người. Điều này rất quan trọng. Thật vậy, “Công ước Toàn cầu về Di cư An toàn, có Trật tự và Định kỳ” đã được thông qua tại Marrakech ở Ma-rốc vào tháng Mười Hai — một bước đi quan trọng hướng đến việc đảm nhận trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với vai trò Tòa Thánh, chúng ta thêm phần đóng góp của mình, nó được tóm tắt trong bốn động từ: tiếp nhận người di cư, bảo vệ người di cư, thăng tiến người di cư và hội nhập người di cư. Nó không phải là vấn đề lên kế hoạch phúc lợi từ trên đưa xuống, nhưng nó là việc cùng nhau thực hiện con đường thông qua bốn động từ này, để xây dựng những thành phố, những quốc gia biết mở rộng trước các sự khác biệt và có khả năng đánh giá đúng những khác biệt đó dưới những dấu chỉ của tình huynh đệ con người trong khi vẫn duy trì bản sắc văn hóa và tôn giáo của mình. Giáo hội ở Ma-rốc cam kết cùng sát cánh với người di cư. Cha không thích gọi là dân di cư; cha thích gọi họ là người di cư hơn. Anh chị em có biết tại sao không? Vì từ dân di cư (migrant) gốc là một tính từ, trong khi tiếng người (peron) là một chủ thể. Chúng ta đã rơi vào văn hóa của các tính từ: chúng ta sử dụng quá nhiều tính từ và rất thường khi chúng ta quên đi chủ thể, tức là thực thể. Một tính từ luôn luôn được liên kết với một chủ thể, với một ngôi vị; vì thế gọi là người di cư. Vì thế nó có sự tôn trọng và người ta không rơi vào văn hóa của tính từ, là loại văn hóa quá hay thay đổi, quá mong manh. Giáo hội ở Ma-rốc, như cha đã nói, cam kết sát cánh với người di cư, và vì vậy, cha xin cảm ơn ơn và động viên tất cả những người đang làm công tác phục vụ họ với lòng quảng đại, làm cho lời của Đức Ki-tô trở nên trọn vẹn: “Ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước” (Mt 25:35).
Chúa nhật là ngày dành riêng cho cộng đoàn Ki-tô hữu. Đầu tiên cha đến thăm Trung tâm Phục vụ Xã hội, do các Nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái, cũng giống như công việc được thực hiện ở đây trong các cơ sở khám và phát thuốc và phòng khám bệnh trẻ em, trong khu Thánh Marta, và các chị Nữ tu ở đây làm việc hợp tác với rất nhiều người thiện nguyện; họ cung cấp nhiều sự phục vụ cho người dân.
Trong Vương cung Thánh đường Robat, cha gặp gỡ các linh mục, những người tận hiến và Hội đồng Đại kết các Giáo hội. Đó là một đoàn chiên nhỏ ở Ma-rốc, và cha lại nhớ đến những hình ảnh truyền rao Tin mừng của muối, ánh sáng và men bột (x. Mt 13-16)l 13:33), mà chúng ta đã đọc ở đầu buổi Tiếp kiến này. Vấn đề quan tâm ở đây không phải là số lượng, nhưng ở chỗ muối mang đầy hương vị, ánh sáng thì tỏa rạng, và men bột có sức mạnh làm dậy men tất cả các lớp bột. Và điều này không phải do chúng ta, mà là nhờ Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta trở thành các chứng nhân của Đức Ki-tô tại nơi chúng ta sinh sống, theo phong cách đối thoại và tình bạn hữu trước hết được thể hiện trong cuộc sống giữa chúng ta là người Ki-tô hữu, vì — Chúa Giê-su nói — “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Và niềm vui của sự hiệp thông giáo hội được tìm thấy nền tảng và cách thể hiện trọn vẹn trong Thánh Lễ Chúa nhật, được cử hành trong khu thể thao phức hợp của thủ đô. Có hàng ngàn người thuộc 60 quốc tịch khác nhau! — một sự hiển linh của Dân Chúa giữa lòng một quốc gia Hồi giáo. Dụ ngôn người Cha đầy lòng thương xót làm cho nét đẹp của chương trình Thiên Chúa chiếu tỏa giữa chúng ta, Người muốn tất cả con cái của Người đều tham dự vào niềm vui này của Người, trong lễ tha thứ và hòa giải. Đi vào lễ này là những người chân nhận rằng mình cần có lòng thương xót của Chúa Cha và là những người có khả năng mừng vui hân hoan với Người khi một người anh em hay chị em trở về nhà. Không phải là sự tình cờ mà ở đó, nơi người Hồi giáo khẩn cầu mỗi ngày với Đấng Nhân từ và Đấng Thương xót, dụ ngôn vĩ đại về lòng thương xót của Chúa Cha lại được vang lên. Như vậy đấy: chỉ người nào được tái sinh và sống trong vòng tay ôm chặt của Chúa Cha, chỉ những ai cảm thấy mình là những anh em của nhau, thì mới có thể trở thành những người phục vụ cho niềm hy vọng trên thế giới.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Hôm nay là kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển, được khởi xướng bởi Liên Hợp quốc. Thể thao là một ngôn ngữ toàn cầu, nó bao trùm lên mọi dân tộc và góp phần vượt qua những xung khắc và hiệp nhất con người. Thể thao cũng là một nguồn mạch của niềm vui và những cảm xúc mạnh, nó là một trường học nơi các đức tính được trui rèn cho sự phát triển của con người và xã hội cho các dân tộc và các cộng đồng. Cha hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ tham gia vào cuộc sống giống như trong thể thao.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét