Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Đức Thánh Cha trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’

Đức Thánh Cha trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’
© Vatican Media

Đức Thánh Cha trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’

‘Hãy ra đi và thể hiện sự yêu thương cho mọi người, vì sự sống của anh chị em là một sứ mạng quý báu: được sinh ra không phải là một gánh nặng, nhưng là một món quà để trao tặng’

20 tháng Mười, 2019 15:04

Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại những lời của Chúa Giê-su trong ngày Khánh nhật Truyền giáo, 20 tháng Mười năm 2019: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, Chúa Giê-su nói trong Tin mừng (Mt 28:19).

Những lời của Đức Thánh Cha trình bày trong bài giảng trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô để kỷ niệm ngày đặc biệt này, năm nay được mừng vào giữa Tháng Mười Truyền giáo Ngoại thường.

Đức Thánh Cha phân tích 3 từ ngữ trong bài giảng, một danh từ, một động từ, và một tính từ.

Đức Thánh Cha giải thích: “Danh từ đó là núi: I-sai-a nói về nó khi ngôn sứ nói tiên tri về một ngọn núi của Chúa, vượt trên mọi ngọn đồi, và các dân tộc lũ lượt kéo tới (x. Is 2:2). Như vậy, dường như núi là nơi Thiên Chúa yêu thích để gặp gỡ con người.

“Núi hiệp nhất Chúa và những người anh chị em của chúng ta trong một vòng tay ôm duy nhất, đó là lời cầu nguyện. Núi đưa chúng ta lên cao và tránh xa khỏi nhiều thứ chóng qua, và mời gọi chúng ta tái khám phá điều gì là trọng yếu, điều gì tồn tại vững bền: Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ mạng bắt đầu từ trên núi: ở đó, chúng ta khám phá được đâu là điều quan trọng. Trong tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự hỏi mình: điều gì thật sự là giá trị trong đời sống của tôi? Tôi muốn tiến lên tới những đỉnh cao nào?”

Tiếp theo Đức Thánh Cha Phanxico nhắc đến động từ: “vượt lên.” Điều này có nghĩa là bỏ lại sau lưng một đời sống tầm thường và chống lại lực hút do tính xem mình là trung tâm, để thoát khỏi bản ngã của mình.”

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha nói đến một tính từ nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng: “muôn” (all = tất cả). Chúa Giê-su kêu gọi người Ki-tô hữu chia sẻ Lời của Ngài với muôn dân tộc.

“Hãy đi và thể hiện sự yêu thương cho mọi người, vì sự sống của anh chị em là một sứ mạng quý báu: được sinh ra không phải là một gánh nặng, nhưng là một món quà để trao tặng,” Đức Thánh Cha kêu gọi. “Hãy can đảm, và chúng ta hãy dũng cảm tiến đến với mọi người!”

Đức Thánh Cha trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’

Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

Cha muốn phân tích về ba từ ngữ trích từ các bài đọc chúng ta vừa nghe: một danh từ, một động từ, và một tính từ. Danh từ đó là núi: I-sai-a nói về nó khi ngôn sứ nói tiên tri về một ngọn núi của Chúa, vượt trên mọi ngọn đồi, và các dân tộc lũ lượt kéo tới (x. Is 2:2). Chúng ta lại một lần nữa nhìn thấy hình ảnh của núi trong Tin mừng, sau Phục sinh, Chúa Giê-su nói các môn đệ của Người đến gặp Người trên núi Ga-li-lê; Ga-li-lê là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc khác nhau: “Ga-li-lê miền đất của Dân ngoại” (x. Mt 4:15). Như vậy, dường như núi là nơi Thiên Chúa yêu thích để gặp gỡ con người. Đó là nơi Người gặp gỡ chúng ta, như chúng ta nhìn thấy trong Kinh thánh, bắt đầu từ núi Si-nai và Núi Ca-mê-lô, suốt chặng đường đến thời giản của Chúa Giê-su, Đấng công bố các Mối Phúc trên núi, biến hình trên núi Ta-bo, hy sinh mạng sống trên Núi Can-vê, và về trời trên Núi Ô-liu. Núi là nơi của những cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa Thiên Chúa và nhân loại, cũng là nơi Chúa Giê-su dành nhiều giờ để cầu nguyện (x. Mc 6:46) để hiệp nhất trời và đất, và hiệp nhất với chúng ta, anh chị em của chúng ta, với Chúa Cha.

Núi nói lên điều gì với chúng ta? Chúng ta được kêu gọi tiến đến gần hơn với Thiên Chúa và với tha nhân. Lên tới Thiên Chúa, Đấng Cao trọng, trong sự thinh lặng và cầu nguyện, xa tránh những chuyện đồn đại và mách lẻo hạ thấp chúng ta xuống. Và đến với tha nhân, là những người có thể được nhìn thấy theo một cách nhìn khác từ trên núi: đó là cách nhìn của Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi dân tộc. Từ trên cao, tha nhân được nhìn thấy như một cộng đoàn mà vẻ đẹp hòa hợp chỉ được khám phá trong cách nhìn thấy họ là một cộng đoàn chung nhất. Núi nhắc chúng ta nhớ rằng anh chị em chúng ta không phải là để chọn lựa nhưng để ôm ấp, không chỉ bằng ánh mắt nhìn của chúng ta nhưng bằng cả cuộc sống của chúng ta. Núi hiệp nhất Chúa và những người anh chị em của chúng ta trong một vòng tay ôm duy nhất, đó là lời cầu nguyện. Núi đưa chúng ta lên cao và tránh xa khỏi nhiều thứ chóng qua, và mời gọi chúng ta tái khám phá điều gì là trọng yếu, điều gì tồn tại vững bền: Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ mạng bắt đầu từ trên núi: ở đó, chúng ta khám phá được đâu là điều quan trọng. Trong tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự hỏi mình: điều gì thật sự là giá trị trong đời sống của tôi? Tôi muốn tiến lên tới những đỉnh cao nào?

Đức Thánh Cha trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’

Một động từ đi kèm với danh từ “núi” là động từ: vượt lên. I-sai-a thúc giục chúng ta: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa” (2:3). Chúng ta không sinh ra để ở mãi trên mặt đất, thỏa mãn với những điều tầm thường, chúng ta được sinh ra để tiến đến những đỉnh cao và gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em chúng ta ở đó. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là chúng ta phải vượt lên: bỏ lại sau lưng một đời sống tầm thường và chống lại lực hút do tính xem mình là trung tâm, để thoát khỏi bản ngã của mình. Vượt lên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, nhưng nó là con đường duy nhất để có cái nhìn tốt hơn về mọi điều. Như các nhà leo núi đều biết rõ, chỉ khi bạn chạm tới đỉnh thì bạn mới có thể có được tầm nhìn tốt nhất; chỉ khi đó bạn mới nhận ra rằng bạn sẽ không có được tầm nhìn đó nếu bạn không vượt lên theo con đường lên núi đó.

Và cũng như việc leo núi, chúng ta không thể leo tốt nếu chúng ta bị đè nặng bởi các bao lô hành trang, vì thế trong cuộc sống, chúng ta phải giải thoát cho mình khỏi những thứ vô ích. Đây cũng là bí mật của việc truyền giáo: khi đi, bạn phải bỏ lại sau lưng một thứ gì đó, để loan báo, trước hết bạn phải từ bỏ. Một sự loan báo khả tín không được thành lập bởi những từ ngữ hoa mỹ, nhưng bởi một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ có khả năng buông bỏ mọi thứ thuộc vật chất bó chặt lấy tâm hồn và làm cho con người trở nên thờ ơ và chỉ hướng vào bản thân mình; một đời sống buông bỏ những thứ vô ích cản trở tâm hồn để tìm được thời gian cho Chúa và cho tha nhân. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Tôi đang đưa ra những cố gắng gì để vượt lên? Tôi có khả năng buông bỏ những hành trang nặng nề và vô ích của trần gian để trèo lên núi Thiên Chúa không? Lối đi của tôi là lối đi lên hay lối đi của thế gian?

Nếu núi nhắc chúng ta nhớ đến điều gì là quan trọng – Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta – và động từ vượt lên chỉ cho chúng ta cách để lên tới đó, thì một từ thứ ba thậm chí còn quan trọng hơn cho ngày lễ hôm nay. Đó là tính từ muôn, là từ ngữ liên tục tái xuất hiện trong các bài đọc trong Thánh vịnh: “muôn dân,” ngôn sứ I-sai-a nói (2:2); “muôn dân tộc”, chúng ta lặp lại trong Thánh vịnh; Thiên Chúa muốn “muôn người được cứu thoát,” Thánh Phaolo viết (1 Tm 2:4); “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,” Chúa Giê-su nói trong Tin mừng (Mt 28:19). Thiên Chúa có chủ ý khi lặp lại từ muôn. Người biết rằng chúng ta luôn luôn sử dụng các từ “của tôi” và “của chúng tôi”: đồ đạc của tôi, dân tộc chúng tôi, cộng đoàn chúng tôi … Nhưng Người liên tục sử dụng từ muôn. Muôn, vì không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của Người, ra khỏi ơn cứu độ của Người; muôn, để tâm hồn chúng ta có thể vượt ra ngoài những ranh giới của con người và chủ nghĩa đặc thù đặt nền móng trên tính xem mình là trung tâm không làm vui lòng Thiên Chúa. Muôn, vì mọi người là gia tài quý giá, và ý nghĩa của sự sống chỉ được tìm thấy trong việc trao tặng gia tài này cho tha nhân. Đây là sứ vụ của chúng ta: hãy vượt lên trên núi để cầu nguyện cho mọi người và trở xuống núi để trở thành một món quà cho muôn người.

Vượt lên và trở xuống: vì vậy, người Ki-tô hữu luôn trên dòng di chuyển, luôn xa nhà. Hãy đi quả thật là mệnh lệnh của Chúa Giê-su trong Tin mừng. Chúng ta gặp nhiều người mỗi ngày, nhưng – chúng ta hãy tự hỏi – chúng ta có thật sự tiếp xúc với họ khi chúng ta gặp họ? Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Chúa Giê-su hay chỉ đơn giản là ra đi vì công việc riêng của mình? Mọi người đều mong chờ điều gì đó từ người khác, nhưng người Ki-tô hữu đi đến với người khác. Làm chứng cho Chúa Giê-su không phải là vấn đề tìm sự tán tụng nơi người khác, nhưng là việc yêu thương những người thậm chí chưa biết Chúa. Những người làm chứng cho Chúa Giê-su đi đến với mọi người, không chỉ đến với những người thân quen của họ hoặc nhóm của họ. Chúa Giê-su cũng nói với anh chị em: “Hãy đi, đừng để lỡ cơ hội làm chứng cho ta!” Anh chị em thân mến, Thiên Chúa mong chờ nơi anh chị em một chứng tá mà không ai có thể thay thế trong vị trí anh chị em. “Ước mong rằng anh chị em sẽ làm hiện thực hóa từ ngữ đó, là thông điệp của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa muốn nói với thế gian bằng đời sống của anh chị em … bằng không anh chị em thất bại trong sứ mạng quý giá của mình.” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 24).

Chúa đưa ra cho chúng ta những hướng dẫn nào khi đi đến với tha nhân? Chỉ bằng tình yêu, và rất đơn giản: làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng, hãy cẩn thận: là môn đệ của Người, không phải của riêng chúng ta. Giáo hội loan báo Tin mừng tốt đẹp chỉ khi nào Giáo hội sống đời sống của một người môn đệ. Và một người môn đệ đi theo Thầy mỗi ngày và chia sẻ niềm vui của vai trò người môn đệ với tha nhân. Không bằng cách chế ngự, ủy quyền, chiêu dụ, nhưng bằng cách làm chứng, khiêm nhường cùng với các môn đệ khác và cho đi với sự yêu thương của chính tình yêu chúng ta đã được đón nhận. Đây là sứ mạng của chúng ta: hay trao tặng không khí trong lành cho những người đang ngụp lặn trong sự ô nhiễm của thế gian; hãy mang đến cho thế gian sự bình an đã đổ đầy niềm vui cho chúng ta bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su trên núi cầu nguyện; hãy thể hiện bằng đời sống của chúng ta, và có thể bằng cả lời nói của chúng ta, rằng Chúa yêu thương hết mọi người và không bao giờ mệt mỏi với bất kỳ ai.

Anh chị em thân mến, mỗi chúng ta có và là “một sứ vụ trên mặt đất này” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 273). Chúng ta ở đây để làm chứng, để chúc phúc, để an ủi, để nâng dậy, và để làm chiếu tỏa vẻ đẹp của Chúa Giê-su. Hãy can đảm! Chúa Giê-su mong chờ rất nhiều từ anh chị em! Chúng ta có thể nói rằng Chúa “lo lắng” về những người vẫn chưa biết rằng họ là những đứa con được yêu thương của Chúa Cha, là những anh chị em mà vì họ Người đã hy sinh mạng sống của Người và sai Thánh Thần xuống. Anh chị em có muốn làm mất sự lo lắng của Chúa Giê-su không? Hãy ra đi và thể hiện sự yêu thương cho mọi người, vì đời sống của anh chị em là một sứ mạng quý báu: được sinh ra không phải là một gánh nặng, nhưng là một món quà để trao tặng. Hãy can đảm, và chúng ta hãy dũng cảm tiến đến với mọi người!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét