Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Triều Yết Chung: Lời mời gọi cho những người lao động vất vả và đang mang gánh nặng

Triều Yết Chung: Lời mời gọi cho những người lao động vất vả và đang mang gánh nặng

“Có nhiều khi sự kiệt sức của chúng ta phải gánh chịu do cách đặt niềm tin vào những điều không quan trọng, vì chúng ta đã tự đặt mình xa cách những điều thực sự giá trị trong đời”
14 tháng 9, 2016
General Audience 9.14.16
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay.
* * *
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trong suốt Năm Thánh này, chúng ta đã nhiều lần suy tư về việc Chúa Giê-su tỏ mình ra là sự nhân hậu duy nhất, một dấu chỉ cho sự hiện hữu và sự tốt lành của Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta suy tư về trích đoạn Tin mừng cảm động (Mt 11:28-30), trong đó Chúa Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học nơi tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (cc. 28-29). Lời mời gọi của Thiên Chúa thật đáng ngạc nhiên: Ngài kêu gọi những con người rất đơn sơ đi theo Ngài, những người đang phải mang gánh nặng cuộc sống khó khăn; Ngài kêu gọi đi theo Ngài là những con người đang quá thiếu thốn và Ngài hứa với họ rằng họ sẽ tìm được sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng trong Ngài . Lời mời gọi được diễn tả theo mệnh lệnh cách: “hãy đến cùng tôi,” “hãy mang lấy ách của tôi,” và “hãy học nơi tôi.” Ước gì mọi người lãnh đạo trên thế giới đều có thể nói được như vậy! Chúng ta hãy cố gắng hiểu ý nghĩa của những cách diễn tả này.
Vế mệnh lệnh thứ nhất “Hãy đến cùng tôi.” Nhắm đến những người đang kiệt sức và bị gánh nặng đè trĩu vai, Đức Giê-su trình bày bản thân Ngài như Người Phục vụ của Thiên Chúa được mô tả trong sách Ngôn sứ Isaia. Đoạn trích sách Isaia trình bày như sau: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.” (50:4). Những người rã rời kiệt sức này, Tin mừng đã miêu tả họ là những người nghèo (Mt 11:5) và những người hèn mọn (Mt 18:6). Họ là những người không thể trông chờ vào của cải của riêng họ, hay những tình bạn quan trọng của họ nữa. Họ chỉ còn biết tín thác vào Chúa. Ý thức được tình trạng thấp kém và đau khổ của mình, họ biết họ phải lệ thuộc vào lòng thương xót của Chúa, mong chờ nơi Ngài là nguồn trợ giúp duy nhất. Trong lời mời gọi của Chúa Giê-su, cuối cùng họ tìm thấy câu trả lời cho sự chờ đợi của họ: bằng cách trở nên những môn đệ của Ngài họ nhận được lời hứa sẽ tìm được sự nghỉ ngơi cho suốt cuộc đời của họ. Một lời hứa mà ở cuối Tin mừng được mở rộng ra cho tất cả mọi người: “Anh em hãy đi – Đức Giê-su nói với các môn đệ – và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Bằng cách đón nhận lời mời gọi mừng Năm Ân sủng của Năm thánh, những người hành hương trên khắp thế giới đi qua Cửa Lòng Thương xót mở trong các Nhà thờ chính tòa, trong các Đền thờ, trong rất nhiều nhà thờ trên khắp thế giới, trong các bệnh viện, trong các nhà tù. Tại sao họ lại đi qua Cửa Lòng Thương xót này? Để tìm Giê-su; để tìm tình bạn với Giê-su; để tìm sự nghỉ ngơi mà chỉ có Giê-su mới tặng ban cho họ. Con đường này diễn tả sự hoán cải của mỗi môn đệ khi quyết định đi theo Đức Giê-su. Và sự hoán cải luôn luôn nằm trong việc tìm được lòng thương xót của Chúa! Vì thế, bằng việc đi qua Cửa Thánh chúng ta tuyên xưng “rằng tình yêu đang hiện diện trên thế giới và tình yêu này mạnh hơn bất kỳ một loại tội ác nào, trong đó con người, nhân loại, toàn thế giới đều được chung phần” (Gioan Phaolo II, John Paul II, Thông điệp Dives in Misericordia, 7 (Thiên Chúa giàu lòng thương xót).
Vế mệnh lệnh thứ hai nói: “hãy mang lấy ách của tôi.” Theo bối cảnh của Giao ước, truyền thống kinh thánh sử dụng hình ảnh của cái ách để chỉ ra sự ràng buộc gần gũi kết nối con người đến Thiên Chúa và, do đó, vâng theo thánh ý của Người được miêu tả trong Lề Luật. Trong lần tranh luận với các kinh sư và Luật sĩ, Đức Giê-su đặt ách của Ngài trên các tông đồ, qua đó Lề Luật được kiện toàn. Ngài mong ước dạy họ biết tìm ra ý định của Thiên Chúa qua con người của Ngài: qua Giê-su, không phải qua các luật và các quy định lạnh lùng mà chính Đức Giê-su lên án. Chỉ cần đọc chương 23 của Mát-thêu. Ngài là trung tâm của mối quan hệ của họ với Thiên Chúa; Ngài là trái tim của những quan hệ giữa các tông đồ và đặt chính Ngài như một điểm tựa cho đời sống mỗi người. Vì vậy, bằng cách đón nhận “ách của Đức Giê-su” mỗi môn đệ đi vào sự kết hiệp với Ngài và được trở thành một người được dự phần vào mầu nhiệm Thập  giá của Ngài và của phần phúc ơn cứu độ của Ngài.
Tiếp theo là vế mệnh lệnh thứ ba: “Hãy học từ tôi.” Đức Giê-su hướng các môn đệ của Ngài vào một con đường hiểu biết và bắt chước. Đức Giê-su không phải là một người thầy bắt những người khác phải chịu những gánh nặng gian khổ mà Ngài không mang: đây là điều Ngài đã tố cáo các Luật sĩ. Ngài tập trung vào những người thấp kém và bé nhỏ, người nghèo và người thiếu thốn vì chính Ngài đã biến mình thành người bé nhỏ và thấp hèn. Ngài hiểu người nghèo và đau khổ vì chính Ngài cũng nghèo và bị thử thách bằng những đau khổ. Đức Giê-su không đi theo con đường dễ dàng để cứu thoát nhân loại; ngược lại con đường của Ngài là đau khổ và khó khăn. Trong thư gửi giáo đoàn Phi-líp-phê nhắc lại: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (2:8). Ách mà người nghèo và người bị áp bức phải mang cũng cùng một ách như Ngài đã mang trước họ: tuy nhiên, nó vẫn là một ách nhẹ nhàng. Ngài mang trên lưng của Ngài những khổ đau và tội lỗi của toàn nhân loại. Vì thế, với người môn đệ đón nhận ách của Đức Giê-su có nghĩa là đón nhận ơn mặc khải của Ngài và chấp nhận nó: trong Ngài lòng thương xót của Chúa lấy đi những sự nghèo nàn của con người, từ đó trao tặng ơn cứu độ. Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại có thể nói lên những điều này? Vì Ngài biến mình thành mọi nguồn ơn cho tất cả, gần gũi với tất cả, với những người nghèo nhất! Ngài là một mục tử giữa mọi người, giữa những người nghèo: Ngài làm việc suốt ngày với họ; Giê-su không phải là một hoàng tử. Thật tệ hại cho Giáo hội khi có những mục tử trở thành các hoàng tử, xa cách mọi người, xa cách những người nghèo nhất: đây không phải là tinh thần của Chúa Giê-su. Đức Giê-su lên án những mục tử này, và nói đến những người này Chúa Giê-su nói với dân chúng: “hãy làm theo những gì họ nói, nhưng đừng theo những gì họ làm.”
Anh chị em thân mến, với chúng ta nữa có những lúc cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Xin cho chúng ta nhớ đến những lời này của Thiên Chúa, những lời đem lại cho chúng ta nhiều sự an ủi và làm cho chúng ta hiểu được nếu chúng ta biết đặt sức mạnh của chúng ta vào việc phục vụ cho những điều thiện ích. Quả thật, Có nhiều khi sự kiệt sức của chúng ta phải gánh chịu do cách đặt niềm tin vào những điều không quan trọng, vì chúng ta đã tự đặt mình xa cách những điều thực sự giá trị trong đời. Đức Giê-su dạy chúng ta biết không e ngại khi bước theo Ngài, vì niềm hy vọng chúng ta đặt nơi Ngài sẽ không phải thất vọng.Vì thế, chúng ta được kêu gọi để học từ Ngài ý nghĩa sống lòng thương xót là gì, làm khí cụ của lòng thương xót là như thế nào. Sống lòng thương xót, là những khí cụ của lòng thương xót: sống lòng thương xót và cảm thấy bản thân chúng ta cần lòng thương xót của Chúa Giê-su, và khi chúng ta tự cảm nhận cần sự tha thứ, cần sự ủi an, xin cho chúng ta học cách trở nên thương xót với anh em. Bằng cách giữ ánh mắt của chúng ta luôn hướng về Con Thiên Chúa chúng ta hiểu được rằng chúng ta còn phải đi một chặng đường dài, nhưng đồng thời, Ngài ban cho chúng ta niềm vui biết rằng chúng ta đang cùng đi với Ngài và chúng ta không bao giờ cô đơn – vì thế, hãy can đảm, hãy can đảm! Chúng ta đừng đánh mất của mình niềm vui trở thành các môn đệ của Chúa. “Nhưng Cha ơi, con là kẻ có tội, con có thể làm được gì?” Hãy để Thiên Chúa nhìn đến anh chị em, mở cửa tâm hồn anh chị em, dõi ánh mắt của Người trên anh chị em, lòng thương xót của Người, và tâm hồn anh chị em sẽ được ngập tràn niềm vui, niềm vui tha thứ, nếu anh chị em cứ mạnh dạn tiến đến gần và cầu xin sự tha thứ.” Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp mất niềm hy vọng được sống trong sự sống này với Người  và với sức mạnh của sự an ủi của Người. Xin cảm ơn anh chị em.

[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

Lời chào bằng tiếng Ý
Xin gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý!
Cha vui mừng được tiếp các giáo hữu của Giáo phận Lugano, có Đức Đức ông Giám mục Valerio Lazzeri cùng đi, và dòng Thánh Clare Hèn Mọn từ nhiều nước: nguyện xin việc hành hương Năm thánh anh chị em đang sống trở thành một cơ hội để anh chị em lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa để các cộng đoàn của anh chị em là những nơi mà mọi người trải nghiệm được lòng thương xót cho tha nhân.
Cha xin chào các nhóm giáo xứ,đặc biệt các tín hữu của Acerra và Cento, Quỹ 8/10/2001 và Nhóm truyền thông Bio-media của Milan.
Cuối cùng, cha xin chào các bạn trẻ, những anh chị em bệnh nhân và các cặp hôn nhân mới. Hôm nay chúng ta mừng lễ Suy tôn Thánh Giá. Các bạn trẻ thân mến, trong khi lấy lại những hoạt động bình thường của chúng con sau kỳ nghỉ hè, hãy tăng cường thêm sự đối thoại của chúng con với Thiên Chúa, làm lan tỏa ánh sáng của Người và sự bình an của Người; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy tìm nguồn an ủi nơi thập giá của Chúa Giê-su, Ngài tiếp tục công cuộc cứu chuộc trong đời  sống của từng người; và chào các con, những đôi uyên ương mới, hãy cố gắng giữ mối quan hệ với Đức Giê-su Đóng Đinh, để tình yêu của chúng con hơn bao giờ hết trở nên đích thực, trổ sinh hoa trái và vững bền.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/09/2016]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét