Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

TIẾP KIẾN CHUNG: Tình Phụ tử của Thiên Chúa là suối nguồn hy vọng của chúng ta

TIẾP KIẾN CHUNG: Tình Phụ tử của Thiên Chúa là suối nguồn hy vọng của chúng ta

‘Chúng ta không bao giờ cô đơn. Chúng ta có thể bị xa lánh, bị thù ghét; chúng ta không bao giờ có thể nói rằng chúng ta ‘không có Chúa.’ Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô tiết lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta’
7 tháng Sáu, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Tình Phụ tử của Thiên Chúa là suối nguồn hy vọng của chúng ta
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ những nhóm người và khách hành hương đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài giáo huấn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha suy tư về chủ đề: “Tình phụ tử của Thiên Chúa, suối nguồn hy vọng của chúng ta” (x. Lc 11:1-4).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt. Sau đó ngài kêu gọi ủng hộ sáng kiến “Một phút cho Hòa bình.”
Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Có điều rất lôi cuối trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, quá lôi cuốn đến mức một ngày kia các môn đệ của Ngài xin được dạy cho họ. Chúng ta tìm thấy trích đoạn này trong Tin mừng của Luca là người, cùng với các tác giả Tin mừng khác, đã chứng minh mầu nhiệm của Đức Ki-tô “cầu nguyện”: Thiên Chúa cầu nguyện. Các môn đệ của Chúa Giê-su rất cảm phục trước việc Ngài lui vào nơi thanh vắng và “đắm” mình trong cầu nguyện, đặc biệt vào buổi sáng và buổi tối. Vì thế, một ngày kia các ông xin Ngài dạy các ông cầu nguyện (x. Lc 11:1).
Và chính từ đó Chúa Giê-su đã truyền lại lời kinh vô cùng tuyệt vời của người Ki-tô hữu: “Kinh Lạy Cha.” Thực tế, Lu-ca, cũng như Mát-thêu, cho chúng ta lời kinh của Chúa Giê-su theo dạng hơi rút gọn, được bắt đầu đơn giản bằng lời cầu: “Lạy Cha” (c. 2).
Tất cả mầu nhiệm lời kinh của người Ki-tô hữu được tóm gọn ở đây, trong lời này: có được lòng can đảm được gọi Thiên Chúa là Cha. Phụng vụ cũng khẳng định điều này, khi mời gọi chúng ta đọc lại lời kinh Chúa Giê-su dạy, với cách nói “chúng ta dám nguyện rằng.”
Thật ra, được gọi Thiên Chúa là “Cha” không phải là một cách đương nhiên. Chúng ta đáng lẽ phải học cách sử dụng những danh hiệu cao quý nhất, mà đối với chúng ta để thể hiện sự tôn trọng đối với tính siêu việt của Người. Nhưng, cách gọi là “Cha” đưa chúng vào một mối quan hệ vững tin nơi Người, như một người con chạy đến với cha, biết rằng nó được yêu thương và được Người chăm sóc. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại mà Ki-tô giáo ghi dấu vào tâm lý tôn giáo của con người. Mầu nhiệm của Thiên Chúa, luôn luôn lôi cuốn chúng ta và làm chúng ta cảm thấy nhỏ bé, nhưng không làm chúng ta sợ hãi, không đè bẹp chúng ta; không làm chúng ta lo âu. Đây là một cuộc cách mạng rất khó đón nhận trong tâm trí con người chúng ta, và điều này cũng giống như vậy trong trình thuật Phục sinh kể rằng những người phụ nữ, sau khi nhìn thấy ngôi mộ trống và Thiên Thần, “các bà liền chạy trốn [...] run lẩy bẩy và hết hồn hết vía” (Mc 16:8). Tuy nhiên, Chúa Giê-su tỏ lộ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, và Ngày nói với chúng ta: “Đừng sợ!”
Chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn người cha nhân từ (x. Lc 11-32). Chúa Giê-su nói đến một người cha chỉ có tình thương cho các con. Một người cha không bao giờ phạt con của mình vì quyền uy của mình và là người thậm chí có thể trao phó cho đứa con phần gia sản và để nó rời khỏi ngôi nhà. Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su nói, nhưng không theo cách của con người, vì trên trần gian này không có người cha nào có cách đối xử như nhân vật chính trong dụ ngôn này. Thiên Chúa là Cha theo cách riêng của Người: nhân lành, yếu đuối trước ý tự do của con người, chỉ có khả năng chia động từ duy nhất là “yêu thương.” Khi đứa con nổi loạn, sau khi đã phá tan hết mọi sự, cuối cùng quay trở lại ngôi nhà nơi nó sinh ra, người cha đó không áp dụng những tiêu chuẩn công bằng của con người, nhưng cảm nhận trên tất cả là sự tha thứ, và bằng cái ôm ông làm cho đứa con hiểu rằng trong suốt thời gian dài nó bỏ đi vắng nhà, nó đã đau đớn tách ra khỏi tình yêu thương của người cha.
Thật không thể hiểu được mầu nhiệm khi Thiên Chúa lại có một tình yêu thương như vậy dành cho con cái của Người! Có lẽ vì lý do này, khi làm nổi bật trọng tâm của mầu nhiệm Ki-tô giáo, Thánh Tông đồ Phao-lô không muốn dịch sang tiếng Hy lạp từ ngữ mà Chúa Giê-su nói bằng tiếng A-ram: “abba.” Hai lần trong các Thư của ngài (x. Rm 8:15; Gl 4:6) Thánh Phao-lô nói đến chủ đề này, và hai lần ngài để từ ngữ đó ở nguyên ngữ, giữ nguyên gốc nó được phát ra từ miệng của Chúa Giê-su, “abba.” Một cụm từ còn thân thương hơn cả từ “cha,” mà một số cách dịch là “cha, babbo [cách người Ý gọi ‘cha’].”
Anh chị em thân mến, chúng ta không bao giờ cô đơn. Chúng ta có thể bị xa lánh, bị thù ghét; chúng ta không bao giờ có thể nói rằng chúng ta ‘không có Chúa.’ Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô tiết lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta: Người sẽ không bao giờ là một Thiên Chúa “không có con người”; chính Ngài không thể không có chúng ta, và đây là một mầu nhiệm vĩ đại! Thiên Chúa không thể là Chúa mà không có con người: đây là một mầu nhiệm vĩ đại! Và đây thực sự là suối nguồn hy vọng của chúng ta, điều mà chúng ta tìm thấy ẩn chứa trong mọi lời khẩn cầu của Kinh Lạy Cha. Khi chúng ta cần sự trợ giúp, Chúa Giê-su không bảo chúng ta đầu hàng và khóa chặt vào trong bản thân, nhưng hãy tìm đến Chúa Cha và cầu xin Người với lòng tín thác. Tất cả những nhu cầu của chúng ta, từ những nhu cầu thiết thực nhất hàng ngày như lương thực, sức khỏe, công việc cho đến xin được tha thứ và đứng vững vượt qua những cám dỗ, không phải là tấm gương phản chiếu tình trạng cô độc của chúng ta: nhưng ngược lại có một người Cha luôn nhìn đến chúng ta với tình yêu thương, và Người chắc chắn không bỏ rơi chúng ta.
Bây giờ tôi đề nghị với anh chị em một điều: mỗi người chúng ta đều có rất nhiều vấn đề, rất nhiều nhu cầu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, trong thinh lặng, đến những vấn đề và những nhu cầu này. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Chúa Cha, Cha của chúng ta, Đấng không thể không có chúng ta, và là Đấng đang ngắm nhìn chúng ta ngay trong giây phút này. Và tất cả chúng ta hãy đồng thanh, trong sự tín thác và hy vọng, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời …”
Cảm ơn anh chị em!

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Lúc 1 giờ chiều ngày mai sáng kiến “Một phút cho Hòa bình” diễn ra ở nhiều quốc gia, nghĩa là, một phút cầu nguyện nhân kỷ niệm cuộc gặp gỡ ở Vatican giữa tôi, Tổng thống Peres của Israel đã qua đời và Tổng thống Palestine Abbas. Thời đại của chúng ta rất cần lời cầu nguyện cho hòa bình – người Ki-tô hữu, người Do thái và Hồi giáo.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 08/06/2017]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét