Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Geneva: Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi họp Đại kết Hội đồng Đại kết các Giáo hội (WCC)

Geneva: Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi họp Đại kết Hội đồng Đại kết các Giáo hội (WCC)
Vatican Media Screenshot

Geneva: Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi họp Đại kết Hội đồng Đại kết các Giáo hội (WCC)

‘Những gì thực sự cần thiết là một cách thế rao giảng phúc âm mới.’

21 tháng Sáu, 2018 16:29

Ngày 21 tháng Sáu, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ trong buổi họp Đại kết đánh dấu kỷ niệm 70 thành lập Hội đồng Đại kết các Giáo hội (WCC) tại Trung tâm Đại kết WCC ở Geneva.


Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp

Anh chị em thân mến,

Tôi rất hạnh phúc được gặp gỡ anh chị em và xin cảm ơn sự chào đón nồng hậu của anh chị em. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với ngài Tổng Thư ký, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, và ngài Điều phối viên, Tiến sĩ Agnes Abuom, vì những lời chào thăm tốt đẹp và lời mời của các ngài đến tham dự kỷ niệm lần thứ bảy mươi ngày thành lập Hội đồng Đại kết các Giáo hội.

Trong Kinh Thánh, bảy mươi năm thể hiện một giai đoạn thời gian rất đặc biệt, một dấu hiệu phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng bảy mươi cũng là một con số nhắc chúng ta nhớ đến hai trình thuật quan trọng trong Kinh Thánh. Trong trình thuật thứ nhất, Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ cho nhau không phải bảy lần nhưng là “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Đương nhiên, con số đó không có mục đích đặt ra một giới hạn, nhưng mở ra một chân trời bao la; nó không có ngụ ý tính toán lượng công chính nhưng hàm ý như một thước đo lòng bác ái có khả năng tha thứ đến cùng. Sau những thế kỷ xung khắc, lòng bác ái đó cho phép chúng ta đến với nhau như là anh chị em, trong bình an với đầy lòng tri ân Thiên Chúa là Cha của chúng ta.

Khi chúng ta có mặt ở đây hôm nay, đó cũng là nhờ công ơn tất cả những vị đã đi trước chúng ta, chọn lấy con đường tha thứ và dành trọn mọi nỗ lực để đáp lời theo thánh ý Chúa “để tất cả nên một” (x. Ga 17:21). Với lòng mến yêu chân thành dành cho Chúa Giê-su, các vị đó không cho phép bản thân bị chìm đắm trong những bất đồng, nhưng có cái nhìn can đảm về tương lai, tin tưởng vào sự hiệp nhất và phá vỡ những rào cản của những nghi ngờ và sợ hãi. Một Thánh Giáo phụ xưa đã nhận xét rất xác đáng rằng: “Khi tình yêu hoàn toàn chế ngự sự sợ hãi, và nỗi sợ hãi được biến thành sự yêu thương, thì sự hiệp nhất được Đấng Cứu thế mang đến sẽ trở nên hiện thực trọn vẹn” (THÁNG GREGORY THÀNH NYSSA, Bài giảng XV về Diễm ca). Chúng ta là những người thừa tự của đức tin, bác ái, và hy vọng của tất cả các vị đó, nhờ sức mạnh phi bạo lực của Tin mừng, đã tìm được lòng can đảm để thay đổi dòng lịch sử, một lịch sử đã dẫn chúng ta đến chỗ nghi kỵ và xa rời nhau, từ đó bước vào vòng xoáy của sự chia rẽ liên tục. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng khơi gợi và dẫn dắt hành trình đại kết, hướng đi đã thay đổi và một lối đi vừa cũ vừa mới được vạch ra một cách vững chắc: con đường kết hợp hòa giải nhằm thể hiện tình huynh đệ hữu hình mà hiện nay đã đoàn kết được các tín hữu.

Con số bảy mươi lại nhắc chúng ta nhớ đến một trình thuật Tin mừng khác. Nó nhắc đến những môn đệ mà Chúa Giê-su sai đi thi hành sứ mạng, trong sứ vụ công khai của Ngài (x. Lc 10:1), và những vị được kính nhớ trong một số Giáo hội Ki-tô giáo Đông phương. Con số những môn đệ đó phản ánh con số các dân tộc trên mặt đất xuất hiện trên những trang đầu tiên của Kinh Thánh (x. St 10). Điều này gợi lên cho chúng ta điều gì, nếu không phải là sứ mạng hướng đến mọi dân tộc và mỗi môn đệ, để có thể làm được điều đó, phải trở thành một tông đồ, một nhà rao giảng. Hội đồng Đại kết các Giáo hội được sinh ra để phục vụ cho hoạt động đại kết, mà chính nó được khởi nguồn từ một mệnh lệnh thi hành sứ mạng mạnh mẽ: bởi vì người Ki-tô hữu làm sao có thể rao giảng được Tin mừng nếu chính họ bị chia rẽ? Đòi hỏi bắt buộc này vẫn hướng dẫn hành trình của chúng ta và đặt nền tảng trên lời cầu nguyện của Chúa cho tất cả nên một, “để thế gian tin” (Ga 17:21).

Anh chị em thân mến, cho phép tôi được nói lời cảm ơn vì sự cam kết hiệp nhất của anh chị em, nhưng cũng để bày tỏ một mối quan tâm. Nó xuất phát từ một cảm giác rằng tinh thần đại kết và sứ mạng không còn được đan quyện chặt chẽ với nhau như thuở ban đầu. Nhưng mệnh lệnh rao giảng, nó còn hơn cả diakonia và việc thúc đẩy sự phát triển con người không thể bị sao lãng hoặc thi hành với nội dung trống rỗng. Nó quyết định bản sắc của chúng ta. Việc rao giảng Tin mừng đến tận cùng trái đất là phần quan trọng gắn liền trong hữu thể của chúng ta là người Ki-tô hữu. Dĩ nhiên, cách thức sứ mạng được thực hiện sẽ rất khác nhau tùy thời gian và không gian. Đứng trước cám dỗ muốn hướng nó theo những lối suy nghĩ của trần gian, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng Giáo hội của Đức Ki-tô phát triển bằng sức thu hút.

Nhưng điều gì tạo sức mạnh cho sự thu hút này? Chắc chắn không phải là những ý kiến, những chiến lược hay những chương trình chủ quan của chúng ta. Niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô không phải là hoa trái của sự đồng lòng, cũng chẳng phải việc Dân Chúa có thể trở thành một tổ chức phi chính phủ. Không, sức mạnh của sự thu hút hoàn toàn đến từ ân sủng cao vời đã làm Thánh Tông đồ Phaolo quá đỗi ngạc nhiên: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người” (Phil 3:10). Đây là điều duy nhất chúng ta có thể khoe khoang: “để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô” (2 Cr 4:6), được ban tặng cho chúng ta bởi Chúa Thánh Thần, Đấng Ban tặng Sự sống. Đây là gia tài mà chúng ta, tuy chỉ là những chiếc bình sành (x. c. 7), phải trao tặng cho thế gian, vô cùng yêu thương nhưng cũng đầy những bất trắc. Nếu chúng ta không trung thành với sứ mạng được trao phó là chúng ta biến gia tài này trở thành một học thuyết nhân văn thuần túy, được áp dụng theo kiểu cách của từng thời đại. Chúng ta cũng không thể trở thành những người canh gác mẫn cán nếu chúng ta chỉ cố bảo tồn nó, chôn giấu nó vì sợ hãi trần gian và những thách đố của nó (x. Mt 25:25).

Những gì thực sự cần thiết là một cách thế rao giảng phúc âm mới. Chúng ta được kêu gọi trở thành một dân tộc có kinh nghiệm và chia sẻ niềm vui của Tin mừng, ca khen Thiên Chúa và phục vụ anh chị em chúng ta bằng con tim rực cháy khát khao mở ra những chân trời tốt lành và vẻ đẹp ngoài sức tưởng tượng đối với những người chưa được ơn phúc biết Chúa Giê-su. Tôi thực sự tin tưởng rằng một sự thôi thúc rao giảng trải rộng sẽ dẫn chúng ta đến với sự hiệp nhất mạnh mẽ hơn. Cũng như trong những ngày khởi đầu, việc rao giảng đánh dấu giai đoạn mùa xuân của Giáo hội, cũng thế việc rao truyền phúc âm sẽ đánh dấu sự trổ hoa của một mùa xuân đại kết mới. Cũng như trong những ngày đó, chúng ta hãy cùng nhau tập họp quanh Thầy, không phải là không có sự lúng túng vì những dao động của chúng ta, và cùng với Thánh Phê-rô chúng ta hãy thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68).

Anh chị em thân mến, cá nhân tôi rất muốn được tham dự vào lễ mừng đánh dấu kỷ niệm của Hội đồng Đại kết, đồng thời tái khẳng định cam kết tính đại kết của Giáo hội Công giáo và để cổ vũ sự hợp tác với các giáo hội thành viên cùng với những thành viên đại kết của chúng ta. Liên quan đến việc này, tôi xin phân tích ngắn gọn câu phương châm được chọn cho ngày này: Tiến bước, Cầu nguyện và Hoạt động chung.

Tiến bước. Vâng, nhưng đi đâu? Với tất cả những điều đã được nói đến, tôi xin đề nghị một hoạt động mang hai khía cạnh: hướng nội và hướng ngoại. Hướng nội, để giữ vững chuyển động hướng vào trọng tâm, để chân nhận rằng chúng ta là những cành nho cùng gắn liền vào một cây nho là Chúa Giê-su (x. Ga 15:1-8). Chúng ta sẽ không trổ sinh hoa trái nếu chúng ta không giúp nhau giữ vững sự kết hiệp với Người. Hướng ngoại, là hướng đến nhiều vùng ngoại vi của thế giới hôm nay, để cùng chung sức trong việc mang ơn sủng chữa lành của Tin mừng đến cho những anh chị em đang chịu đau khổ của chúng ta. Chúng ta nên tự vấn bản thân rằng chúng ta đang bước đi trong sự thật hay chỉ đơn giản bằng những lời nói, rằng chúng ta dâng những anh chị em của chúng ta lên Chúa vì lòng quan tâm thật sự đến họ, hay họ bị gạt ra khỏi những ích lợi thật sự của chúng ta. Chúng ta cũng phải tự vấn bản thân rằng chúng ta đang tiến bước bằng những bước chân của riêng mình, hay chúng ta đang tiến bước với lòng vững tin đem Chúa đến trần gian.

Cầu nguyện. Cũng như tiến bước, trong sự cầu nguyện chúng ta không thể tự mình tiến bước vì ơn sủng của Thiên Chúa không hướng đến thỏa mãn từng cá nhân nhưng trải rộng một cách hài hòa giữa những tín hữu yêu thương nhau. Mỗi khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha,” chúng ta cảm nhận tiếng vang vọng trong lòng không chỉ là những người con, nhưng còn là những anh chị em của nhau. Sự cầu nguyện là khí ô-xi của tính đại kết. Nếu không có lời cầu nguyện, sự hiệp nhất trở nên ngột ngạt và không tạo ra được bước tiến nào, vì chúng ta ngăn cản luồng gió của Thần Khí dẫn đưa chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta cầu nguyện cho nhau tới mức độ nào? Chúa Giê-su cầu xin rằng chúng ta sẽ trở nên một: vậy chúng ta có bắt chước Ngài về điều này không?

Hoạt động chung. Về điểm này tôi muốn tái khẳng định rằng Giáo hội Công giáo chân nhận tầm quan trọng đặc biệt của công cuộc được thực hiện bởi Ủy ban Đức tin và Thể chế và khát khao đóng góp cho công cuộc đó qua sự tham gia của những nhà thần học trứ danh. Đòi hỏi về Đức tin và Thể chế cho một tầm nhìn chung của Giáo hội, cùng với công trình nghiên cứu những vấn đề về luân lý và đạo đức, chạm đến những lĩnh vực cốt lõi cho tương lai của đại kết. Tôi cũng xin đề cập đến sự hiện diện tích cực của Giáo hội trong Ủy ban Sứ vụ và Rao giảng Phúc âm Thế giới; sự cộng tác với Văn phòng Đối thoại và Hợp tác Liên tôn, gần đây đã chung sức trong chủ điểm rất quan trọng là giáo dục hòa bình; và đồng chuẩn bị văn bản cho Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu. Những hoạt động này và nhiều hình thức hoạt động chung khác là những yếu tố nền tảng cho việc hợp tác sâu sắc và lâu dài. Tôi cũng đánh giá rất cao vai trò đặc biệt của Học việc Đại kết Bossey trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo mục vụ và giáo dục cho nhiều Giáo hội và Nền tảng Ki-tô giáo trên toàn thế giới. Giáo hội Công giáo từ lâu đã tham gia vào dự án giáo dục này qua sự hiện diện của một giáo sư Công giáo trong học viện, và hàng năm tôi rất vui mừng được chào đón một nhóm sinh viên đến thăm Roma. Do vậy, tôi xin đề cập đến sự hợp tác ngày càng mở rộng trong Ngày Cầu nguyện cho Sự Chăm sóc Tạo vật như là một dấu hiệu tốt lành của “tinh thần nhóm đại kết.”

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng công cuộc của các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta được định nghĩa rất xác đáng bằng từ diakonia. Đó là con đường đi theo Thầy của chúng ta, Đấng đến “không để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10:45). Phạm vi phục vụ rộng lớn của các giáo hội thành viên của Hội đồng Đại kết tìm thấy cách diễn đạt biểu trưng trong Chuyến Hành hương Công lý và Hòa bình. Tính xác thực của Tin mừng được kiểm chứng qua cách người Ki-tô hữu trả lời trước những tiếng kêu của tất cả những người trên mọi miền thế giới đang chịu đau khổ một cách bất công do sự lan tràn của chủ nghĩa loại bỏ hiểm độc qua cách tạo ra sự nghèo khổ, khích động những cuộc xung đột. Ngày càng có nhiều người hèn mọn bị gạt ra bên lề, thiếu lương thực hàng ngày, thiếu việc làm và thiếu một tương lai, trong khi số người giàu chỉ là rất ít và ngày càng giàu có hơn. Chúng ta hãy để cho lòng trắc ẩn bị lay động bởi tiếng kêu của những người đau khổ: “chương trình của người Ki-tô hữu là một trái tim biết nhìn thấy” (Benedict XVI, Deus Caritas Est, 31). Chúng ta phải nhìn thấy những gì chúng ta có thể làm một cách cụ thể, hơn là để cho mình bị thoái chí vì những gì chúng ta không thể làm. Chúng ta cũng hãy nhìn đến nhiều anh chị em của chúng ta thuộc nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt ở Trung đông, họ chịu đau khổ vì họ là người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy gần gũi với họ hơn. Ước mong chúng ta không bao giờ quên rằng hành trình đại kết của chúng ta đã được dẫn trước và đồng hành bởi một tinh thần đại kết thật sự, tinh thần đại kết trong máu, thúc giục chúng ta tiến bước.

Chúng ta hãy động viên nhau vượt qua được cám dỗ muốn tuyệt đối hóa những mô hình văn hóa nào đó và bị vướng vào những ích lợi bè phái. Chúng ta hãy giúp những người thiện chí phát triển ý thức quan tâm đến những biến cố và tình hình làm ảnh hưởng đến phần đông nhân loại nhưng lại ít khi được đưa lên mặt báo. Chúng ta không thể nhìn theo hướng khác. Nó thật sự là một vấn đề khi người Ki-tô hữu trở nên thờ ơ trước những người thiếu thốn. Thậm chí nó còn là vấn đề lớn hơn khi một số người tin rằng những phúc lành của riêng họ là dấu chỉ rõ ràng của sự ưu ái của Thiên Chúa hơn là một yêu cầu về nghĩa vụ phải phục vụ gia đình nhân loại và bảo vệ tạo vật. Chúa Giê-su, Người Sa-ma-ri Nhân lành của nhân loại (x. Lc 10:29-37), sẽ sát hạch chúng ta về tình yêu thương của chúng ta dành cho tha nhân, cho mỗi người anh em của chúng ta (x. Mt 25:31-46). Vì vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta có thể cùng nhau thực hiện những công việc gì? Nếu một hình thức phục vụ khả thi nào đó có thể thực hiện được, tại sao chúng ta lại không lập kế hoạch và cùng nhau thực hiện nó, và từ đó bắt đầu trải nghiệm một tình huynh đệ mạnh mẽ hơn khi thực hành công việc bác ái cụ thể?

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành. Chúng ta hãy cùng giúp nhau tiến bước, cầu nguyện và hoạt động chung, để với sự trợ giúp của Thiên Chúa, sự hiệp nhất có thể phát triển và thế gian có thể tin tưởng. Cảm ơn anh chị em.

[00994-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Vatican Media


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét