Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc
Archbishop Mark Coleridge - Facebook

Báo cáo mới phác họa bức tranh về dân số Công giáo nước Úc

Năm 2016 có ít người Công giáo ở Úc hơn năm 2011

05 tháng Tư, 2019 16:53

Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Úc, năm 2016 có ít người Công giáo ở Úc hơn năm 2011, nhưng có thể họ có trình độ học vấn cao hơn và quê quán của họ ở nước ngoài nhiều hơn 5 năm về trước.

Ngày 4 tháng Tư năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Quốc gia (NCPR) phát hành một Thống kê Xã hội về Cộng đồng Công giáo Úc, dựa trên thông tin có trong thống kê Dân số năm 2016.

Dữ liệu thống kê phát hành đã ghi lại sự sụt giảm về số người dân thừa nhận là Công giáo từ 5.439.267 năm 2011 xuống 5.291.834 năm 2016. Tính theo tỷ lệ toàn bộ dân số Úc, số người Công giáo tính theo phần trăm từ 25,3 rơi xuống 22,6.

Tuy nhiên, Thống kê Xã hội cung cấp một sự tìm hiểu sâu hơn về dân số Công giáo trên nhiều lĩnh vực, bao gồm trình độ học vấn, việc làm, thu nhập, quê quán, ngôn ngữ, và tình trạng khuyết tật.

“Sự sụt giảm về con số người Công giáo là đáng quan tâm, và các giám mục hiểu được những gì ẩn chứa sau nó và phản ứng với nói một cách tích cực,” Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Úc Châu.

“Như dữ liệu gần đây về sự giảm sút số người tham dự Thánh Lễ, chúng tôi thừa nhận rằng Hội đồng Hoàng gia và những tiết lộ liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em, cũng như thái độ hờ hững nói chung đối với việc giữ đạo và một khuynh hướng rộng hơn về việc bỏ đạo, tất cả đều góp phần vào sự thay đổi những số liệu thống kê.”

Đức Tổng Giám mục Coleridge nói Thống kê Xã hội là một trong những công cụ chính mà các giám mục sử dụng để nắm được tình hình cộng đồng Công giáo và trở thành một cánh tay trợ giúp trong việc lên kế hoạch cho Công đồng toàn miền.

Ngài nói, “Trong báo cáo chúng ta có thể thấy rằng người Công giáo ngày nay có trình độ đại học cao hơn hai lần so với 20 năm trước, điều đó có thể cho thấy cách các trường Công giáo có những con người được trang bị tốt hơn cho chương trình đại học trong những thập niên gần đây.”

“Người Công giáo cũng có nguồn gốc quê quán từ một quốc gia không nói tiếng Anh nhiều hơn chính người Úc bản xứ và độ tuổi trung bình 40 của họ có cao hơn một vài năm so với dân số nói chung. Họ ít có khả năng bị thất nghiệp hơn và có mức độ hoàn trả vay thế chấp cao hơn so với người đồng niên của họ.

“Tất cả những điều này là dữ liệu quan trọng khi chúng tôi lập kế hoạch cho một tương lai khác biệt, vì rằng bất kỳ sự hoạch định hiệu quả nào cũng cần phải dựa trên số liệu thật, không phải là sự biến tấu tùy hứng.”

Giám đốc NCPR, Trudy Dantis, nói rằng có một sự thay đổi trong quy trình thu thập dữ liệu và nó cũng có thể giải thích một số kết quả Thống kê.

“Từ cái nhìn phân tích thống kê, những thay đổi vật lý đối với mẫu Thống kê – đặc biệt mục ‘No Religion’ (không tôn giáo) là lựa chọn đầu tiên trên câu hỏi về tình trạng tôn giáo – có thể giải thích một số thay đổi trong Thống kê,” Tiến sĩ Dantis nói.

“Chúng ta không biết được có quyền lực nào đã thay đổi các mẫu Thống kê theo cách tương tự, vì vậy không thể so sánh những xu hướng của Úc với xu hướng quốc tế.

“Dù vậy, những gì chúng ta biết được đó là sự giảm sút về con số và mức độ phần trăm những người tự nhận mình là người Công giáo trong Thống kê năm 2016 là phù hợp với những nghiên cứu và bằng chứng khác liên quan đến việc nhận mình là người theo đạo và thực hành đạo.”

Tiến sĩ Dantis nói rằng những thống kê xã hội khác sẽ được phát hành suốt thời gian trong năm cho tất cả các giáo phận và giáo xứ Công giáo.

Bà nói, “Cách thức để một giáo phận hay một giáo xứ có thể hỗ trợ đời sống đức tin và đời sống thường ngày của người Công giáo tùy thuộc và sự thấu hiểu những nhu cầu của cộng đồng.”

“Nắm được thống kê về ngôn ngữ hoặc kinh tế hoặc thống kê về tình trạng khuyết tật của cộng đoàn địa phương sẽ định hình cho cách thức phản ứng của một giáo xứ hoặc một giáo phận trước những hoàn cảnh của người dân.”




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]


Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người
Copyright: Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế về nạn Buôn người

‘Buôn người là một sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá của nạn nhân’

APRIL 11, 2019 16:08

Dưới đây là văn bản diễn từ (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha Phanxico, do Vatican cung cấp, trước các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về nạn buôn người: ‘Một vết thương trên thân thể của nhân loại hiện nay’, được tổ chức bởi Phân bộ người Di cư và Tị nạn thuộc Bộ Phát triển Con người Toàn diện (8-11 tháng Tư, Fraterna Domus, Sacrofano) nhân dịp phiên bế mạc:


***

Anh chị em thân mến, xin chào!

Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em trong phiên cuối của hội nghị chuyên đề về việc áp dụng Những Hướng dẫn Mục vụ về Nạn Buôn người, được phát hành bởi Phân bộ người Di cư và Tị nạn thuộc Bộ Phát triển Con người Toàn diện, và được tôi phê duyệt. Tôi xin cảm ơn Cha Michael Czerny về những lời tốt đẹp gửi đến tôi thay mặt toàn thể những người tham dự.

“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10). Câu này trong Tin mừng theo Thánh Gio-an tóm tắt sứ mạng của Chúa Giê-su: trao ban sự sống viên mãn cho mọi người nam và nữ thuộc mọi độ tuổi, theo chương trình của Chúa Cha. Con Thiên Chúa đã hạ mình làm người phàm để chỉ cho mọi người con đường tiến đến sự viên mãn của con người, phù hợp với sự độc nhất và tính duy nhất của mỗi người.

Thật đáng tiếc thế giới hiện tại bị đánh dấu bởi những điều kiện làm cản trở sự kiện toàn cho sứ mạng này. Như đã được nhấn mạnh trong Những định hướng Mục vụ về nạn Buôn người (Pastoral Orientations on Human Trafficking), “thời đại của chúng ta chứng kiến sự phát triển của cá nhân chủ nghĩa và tính xem mình là trung tâm, là những thái độ có khuynh hướng đánh giá người khác qua một lăng kính thực dụng lạnh lùng, xét giá trị của họ theo những tiêu chuẩn tiện nghi và lợi ích cá nhân” (17).

Về căn bản đó là khuynh hướng biến người khác thành hàng hóa, điều mà tôi đã liên tục tố cáo[1]. Nạn buôn người nằm trong số những thảm kịch nặng nề nhất của khuynh hướng xem con người là hàng hóa này. Dưới nhiều hình thức khác nhau, nó đã góp phần tạo nên một vết thương “trên thân thể của nhân loại hiện nay” [2], một vết cắt sâu trong nhân tính của những người gánh chịu nó và những người thực thi nó. Thật vậy, buôn người làm biến dạng nhân tính của nạn nhân, xúc phạm đến sự tự do và phẩm giá của họ. Nhưng đồng thời, nó cũng làm mất tính người nơi những kẻ thực thi nó, từ chối không cho họ tiếp cận với “sự sống dồi dào.” Cuối cùng, buôn người tàn phá nghiêm trọng nhân loại nói chung, xé tan gia đình nhân loại và Thân thể của Đức Ki-tô.

Như chúng ta đang nói đến, buôn người là một sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá của các nạn nhân, những chiều kích cấu thành nên con người theo chương trình và ý muốn tạo dựng của Thiên Chúa. Vì vậy nó được xem là một tội ác chống lại nhân loại[3]. Cũng vậy, một trách nhiệm tương tự đặt trên mọi hình thức khinh rẻ quyền tự do và phẩm giá của bất kỳ con người nào, người đồng bào hoặc ngoại kiều.

Những người phạm tội ác này không chỉ tàn phá người khác, nhưng họ tàn phá chính bản thân họ. Thật vậy, mỗi người chúng ta được tạo dựng để yêu thương và chăm sóc cho người khác, và điều này đạt đến đỉnh điểm là cho đi bản thân: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 13). Trong mối quan hệ mà chúng ta thiết lập với người khác chúng ta thực thi nhân tính, tiếp cận hoặc xa lánh bản thân khỏi mẫu hình con người như ý muốn của Thiên Chúa Cha và được tỏ lộ nơi Chúa Con nhập thể. Vì thế, mọi sự lựa chọn nghịch lại với chương trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta là một sự phản bội của nhân tính chúng ta và là một sự chống đối với “sự sống dồi dào” được Chúa Giê-su Ki-tô ban tặng.

Tất cả những hoạt động nhằm mục đích phục hồi và thăng tiến nhân tính của chúng ta và của những người khác là phù hợp với sứ mạng của Giáo hội, như là một sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô. Và giá trị truyền giáo này trở nên rõ ràng trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức buôn người và trong cam kết cứu thoát những nạn nhân sống sót; một cuộc chiến và một cam kết cũng có những hiệu quả ích lợi đối với chính nhân tính của chúng ta, mở ra con đường viên mãn của sự sống, mục đích cuối cùng của cuộc sống chúng ta.

Anh chị em thân mến, sự hiện diện của anh chị em là một dấu chỉ hữu hình của cam kết mà nhiều Giáo hội địa phương đã quảng đại gánh vác trong môi trường mục vụ này. Nhiều sáng kiến đặt anh chị em vào vị trí tiền tuyến trong việc phòng ngừa nạn buôn người, bảo vệ những nạn nhân sống sót và tố cáo những kẻ vi phạm, thật xứng đáng được tưởng thưởng. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt với nhiều dòng tu là những anh chị em đã hoạt động – và tiếp tục hoạt động, như một mạng lưới – như là “những người tiên phong” của hoạt động thừa sai của Giáo hội chống lại hình thức buôn người.

Nhiều việc đã được thực hiện và đang được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đối mặt với một hiện tượng vừa phức tạp vừa mơ hồ như nạn buôn người, điều quan trọng là phải bảo đảm sự hợp tác của nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau, cả ở cấp độ địa phương và quốc tế. Những văn phòng được thiết lập bởi các Giáo hội địa phương, các dòng tu và các tổ chức Công giáo được kêu gọi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức, và hiệp nhất các sức mạnh kết thành một hành động hiệp lực bao gồm các quốc gia ban đầu, trung chuyển và đích đến, và những người là đối tượng của nạn buôn người.

Để làm cho hoạt động của mình phù hợp và hiệu quả hơn, Giáo hội phải biết cách tìm sự giúp đỡ hữu ích của các nhà hoạt động chính trị và xã hội. Quy định của sự hợp tác có tổ chức với các hiệp hội và các tổ chức của xã hội dân sự sẽ là một bảo đảm cho những kết quả hữu hiệu và dài lâu hơn.

Tôi xin chân thành cảm ơn những gì anh chị em đang làm để giúp đỡ quá nhiều người anh chị em của chúng ta, những nạn nhân vô tội của tư tưởng biến con người thành hàng hóa. Tôi động viên anh chị em hãy tiếp tục sứ mạng này, thường là nguy hiểm và phải âm thầm, nhưng chính vì lý do này mà nó lại là một bằng chứng về sự cho đi quảng đại của anh chị em.

Qua sự cầu bầu của Thánh Josephine Bakhita, rơi vào tình trạng nô lệ khi còn bé, bị mua và bị bán, sau đó được tự do và phát triển trọn vẹn như một người con của Chúa, tôi khẩn cầu dồi dào ơn lành đổ xuống trên anh chị em và những người tham gia trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tôi sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!

__________________________



[1] X Diễn từ trước các tham dự viên trong Phiên họp Khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, 7 tháng Hai 2015; Tiếp kiến chung , 22 tháng Tư 2015; Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris laetitia, 54; Diễn từ trước các thành viên của Ủy ban Quốc hội chống Mafia, 21 tháng Chín 2017.

[2] Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Buôn người, 10 tháng Tư, 2014.

[3] X Diễn từ trước một nhóm các Tân Đại sứ nhân dịp trình Ủy nhiệm thư, 12 tháng Mười Hai 2013; Diễn từ trước Phái đoàn Liên hiệp Luật Hình sự Quốc tế, 23 tháng Mười 2014; Thông điệp gửi các tham dự viên Hội nghị về nạn Buôn người được tổ chức bởi “Santa Marta Group”, 30-31 tháng Mười 2015; Diễn từ trước các tham dự viên trong cuộc họp về nạn Buôn người được tổ chức bởi “RENATE”, 7 tháng Mười Một 2016; Phát biểu trước các tham dự viên trong Ngày Thế giới Cầu nguyện chống nạn Buôn người lần thứ IV, 12 tháng Hai 2018; Buổi họp Tiền Thượng Hội đồng với giới trẻ, 19 tháng Ba 2018; Thông điệp Video gửi các tham dự viên Diễn đàn Quốc tế về Nô lệ Hiện đại lần thứ Hai, 5-8 tháng Năm 2018; Diễn từ trước các tham dự viên trong Phiên họp Khoáng đại của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, 12 tháng Mười Một 2018; Lời chào các thành viên của Galileo Foundation, 8 tháng Hai 2019.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican] [Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]


Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng; Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng; Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng; Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

‘Vào Chúa nhật thứ hai Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi đến với Đức Ki-tô trong niềm tin, mở rộng tâm hồn đón nhận sự bình an, niềm vui và sứ mạng’’

28 tháng Tư, 2019 15:09

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Lạy Nữ Vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (x. Ga 20:19-31) kể cho chúng ta biết rằng vào ngày Phục sinh Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ trong Phòng Tiệc Ly, vào buổi tối, và mang đến ba món quà: sự bình an, niềm vui, và sứ mạng tông đồ.

Những lời đầu tiên Người là: “Bình an cho anh em” (c. 21). Đấng Phục sinh mang đến sự bình an đích thực, qua hy tế của Người trên thập giá, Người đã làm hiện thực sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại và chiến thắng tội và sự chết. Đây là sự bình an. Các môn đệ của Người trước hết cần có sự bình an này, vì sau vụ bắt giữ và kết án tử của Thầy, các ông đã rơi vào tình trạng mất hết tinh thần và sợ hãi. Chúa Giê-su hiện ra sống động giữa họ, và chỉ cho họ thấy những dấu thương của Người — Chúa Giê-su có ý giữ lại những dấu thương của Người –, trong thân thể vinh thắng của Người; Người ban sự bình an như là hoa trái của chiến thắng của Người. Tuy nhiên, tối hôm đó Tô-ma không có mặt ở đó. Được thông báo về biến cố lạ thường này, ông hoài nghi trước lời chứng của các Tông đồ khác, ông muốn trực tiếp thẩm định lại sự thật của những gì họ đã khẳng định. Và tám ngày sau, tức cũng như ngày hôm nay, Chúa lại hiện ra: Chúa Giê-su giải tỏa sự hoài nghi của Tô-ma, mời ông chạm vào những dấu thương của Người. Những vết thương đó tạo nên nguồn mạch bình an vì chúng là dấu chỉ của tình yêu vô bờ bến của Chúa Giê-su, một tình yêu đã đánh bại những sức mạnh thù địch của con người, đó chính là tội và sự chết. Người mời ông chạm vào các dấu thương của Người. Đó là một bài học cho chúng ta rằng dường như Chúa Giê-su nói với tất cả chúng ta: “Nếu các con không có sự bình an, hãy chạm vào các vết thương của ta.”

Hãy chạm đến các vết thương của Chúa Giê-su, đó là những vấn đề, những khó khăn, bắt bớ, và bệnh tật của quá nhiều con người đau khổ. Anh chị em nếu không có sự bình an? Hãy đi, hãy đi gặp gỡ một người nào đó, một người là biểu tượng cho vết thương của Chúa Giê-su. Hãy chạm đến vết thương của Chúa Giê-su. Lòng thương xót tuôn đổ từ những vết thương đó. Vì vậy, hôm nay là Chúa nhật Lòng Thương xót, tuôn đổ cho chúng ta qua những vết thương của Người. Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều cần lòng thương xót. Chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su và chạm vào những vết thương của Người nơi những anh em đang đau khổ. Những vết thương của Chúa Giê-su là một kho tàng: lòng thương xót tuôn đổ từ đó. Chúng ta hãy can đảm và động chạm đến những vết thương của Chúa Giê-su. Người đến trước mặt Chúa Cha với những vết thương này, Người cho Chúa Cha xem thấy và dường như nói rằng: “Thưa Cha, đây là cái giá, những vết thương này là những gì con đã trả cho những người anh em của con.” Bằng những vết thương của mình, Chúa Giê-su can thiệp trước Chúa Cha. Người ban tặng cho chúng ta lòng thương xót nếu chúng ta đến với Ngài, và can thiệp cho chúng ta. Đừng quên những vết thương của Chúa Giê-su.

Món quà thứ hai mà Chúa Giê-su Phục sinh mang đến cho các môn đệ là niềm vui. Tác giả Tin mừng nói rằng “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (c. 20). Và trong Tin mừng của Thánh Lu-ca, còn có một câu nói rằng họ không tin nổi vì quá đỗi vui mừng. Có thể điều đó cũng xảy đến cho chúng ta khi một điều gì đó vô cùng lạ thường, quá tốt đẹp xảy đến cho chúng ta, và chúng ta thốt lên: “Tôi không tin nổi, không thể như vậy!” Các môn đệ cũng như vậy, họ không thể tin nổi vì quá đỗi vui mừng. Đây là niềm vui Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta, hãy nhìn lên Chúa Giê-su Phục sinh, hãy nhìn đến những vết thương của Người và ôm lấy niềm vui đó.

Và rồi cùng với sự bình an và niềm vui, Chúa Giê-su cũng mang đến sứ mạng như là món quà cho các môn đệ. Người nói với các ông: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c. 21). Sự Phục sinh của Chúa Giê-su là sự khởi đầu cho một chiều kích mới của tình yêu, có khả năng biến đổi thế giới với sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần.

Vào Chúa nhật thứ hai Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi đến với Đức Ki-tô trong niềm tin, mở rộng tâm hồn đón nhận sự bình an, niềm vui và sứ mạng. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên những vết thương của Chúa Giê-su, vì từ đó tuôn đổ sự bình an, niềm vui và sức mạnh cho sứ mạng. Chúng ta hãy phó dâng lời cầu nguyện này cho sự can thiệp theo tình mẫu tử của Mẹ Maria Đồng trinh, Nữ vương Thiên đàng và trần gian.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Huấn từ Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng; Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại La Rioja, Argentina, đã diễn ra lễ tuyên phong Chân phước cho các vị Enrique Angel Angelelli, Giám mục giáo phận; Carlos de Dios Murias, Dòng Phan sinh; Gabriel Longueville, linh mục fidei donum, và Wenceslao Pedernera, giáo lý viên, người cha của một gia đình. Những vị tử đạo vì đức tin này đã bị bách hại vì công bằng và bác ái rao giảng phúc âm. Ước mong rằng mẫu gương và sự cầu bầu của các ngài hỗ trợ đặc biệt cho những người đang hoạt động cho một xã hội công bằng và đoàn kết hơn. Một trong các vị đó là người Pháp; ngài đã đến Argentina như một nhà thừa sai. Ba vị kia là người Argentina. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô các tân Chân phước!

Cha mời gọi anh chị em cùng chung lời cầu nguyện với cha cho các người tị nạn đang ở trong những trung tâm quản thúc ở Libya, mà hoàn cảnh của họ vốn đã xấu, nay thậm chí trở nên nguy hiểm hơn vì cuộc xung đột đang diễn ra. Tôi tha thiết kêu gọi cho các phụ nữ, trẻ em và bệnh nhân có thể được di tản sớm nhất qua những hành lang nhân đạo.

Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã thiệt mạng hoặc gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do các trận lũ lụt gần đây ở Nam Phi. Ước mong rằng sự đoàn kết của chúng ta cùng với sự hỗ trợ cụ thể của Cộng đồng Quốc tế không bỏ sót những người anh em này của chúng ta.

Cha xin chào tất cả anh chị em, các tín hữu của Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các tín hữu của Tlalnepantla (Mexico); giới trẻ của Valencia, các học sinh của Tricase, thiếu niên của Arcore và Carugo; các tín hữu của Modugno và Genoa. Xin gửi lời chào mừng đặc biệt chuyến hành hương cấp giáo phận của các gia đình thuộc Tổng Giáo phận Trani-Barletta-Bisceglie, cũng như anh chị em sùng kính Lòng Thương xót của Chúa, hôm nay tập trung trong nhà thờ Thánh Linh ở Sassia.

Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp đến anh chị em của chúng ta thuộc các Giáo hội Đông phương, mà theo Lịch Julian, hôm nay mừng Phục sinh Thánh. Nguyện xin Chúa Sống lại ban cho họ niềm vui và sự bình an! Và chúng ta cùng vỗ tay chúc mừng tất cả anh chị em Công giáo Đông phương và Chính Thống giáo, và gửi đến họ lời: “Chúc mừng Phục sinh hạnh phúc!”

Cuối cùng, cha cảm ơn tất cả anh chị em trong thời gian này đã gửi đến cha những lời chúc Phục sinh tốt đẹp. Cha chân thành gửi đến mọi người, khẩn xin mọi điều tốt lành cho từng người và cho từng gia đình.

Chúc Chúa nhật hạnh phúc đến tất cả anh chị em! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/4/2019]


Các nhà thờ Công giáo ở Sri Lanka ngừng dâng Lễ vô thời hạn

Các nhà thờ Công giáo ở Sri Lanka ngừng dâng Lễ vô thời hạn

Các nhà thờ Công giáo ở Sri Lanka ngừng dâng Lễ vô thời hạn
Des soldats déployés devant l'église saint Antoine, à Colombo, le 25 avril 2019.


28 tháng Tư, 2019


Một tuần sau những vụ đánh bom nhà thờ và khách sạn, sự nguy hiểm vẫn rình rập.

Một tuần sau những vụ tấn công khủng bố đánh vào các nhà thờ và khách sạn sang trọng ở Sri Lanka, các nhà thờ Công giáo đóng cửa Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót.

“Các nhà lãnh đạo Công giáo hủy các Thánh Lễ Chúa nhật vô thời hạn trên khắp đất nước Sri Lanka và các nhà chức trách thúc giục người Hồi giáo ở trong nhà trong ngày Thứ Sáu cầu nguyện trong một lời kêu gọi bất thường bởi các giáo sĩ rút ngắn sự thờ phụng vì lo sợ có thêm những vụ tấn công lây lan trên đảo quốc sau những vụ đánh bom cảm tử vào ngày Phục sinh,” theo báo cáo của Associated Press.

Cả nước nằm trong mức độ báo động cao kể từ Chủ nhật trước, khi hơn 250 người bị thiệt mạng. Trước đó, số người chết được báo lên con số 359, nhưng đêm thứ Năm, Bộ Sức Khỏe của Sri Lanka đã hạ số ước tính xuống “xấp xỉ” 253 người.

AP tường thuật:

Các nhà chức trách từ cảnh sát đến thủ tướng nói rằng các chiến binh vẫn chưa bị bắt và có nguồn chất nổ. Do đó phải gia tăng mức độ an ninh tại các đền thánh, nhà thờ, đền thờ trên khắp đất nước đa sắc tộc với 21 triệu dân ngoài khơi phía nam Ấn độ.

Đức Hồng y Malcolm Ranjith nói với các nhà báo rằng các giới chức giáo hội đã nhìn thấy một tài liệu an ninh bị rò rỉ mô tả các nhà thờ Công giáo Roma và các giáo phái khác là mục tiêu chính. Đức Ranjith, tổng giám mục Colombo, yêu cầu tín hữu trên khắp Sri Lanka ở nhà vì sự an toàn cho bản thân.

Đức Giám mục Ranjith nói, “Chúng tôi không muốn có sự tái diễn.”

Mười lăm người, gồm sáu trẻ em, đã bị giết hôm Thứ Sáu khi các chiến binh Hồi giáo bị tình nghi đã tự kích hoạt chất nổ trong một cuộc tấn công bất ngờ, theo tường thuật của BBC:

Vụ tấn công xảy ra tại thành phố Sainthamaruthu, gần quê hương của nghi can cầm đầu những vụ tấn công hôm Chúa nhật Phục sinh … Cảnh sát cho biết các tay súng đã khai hỏa khi quân đội thực hiện cuộc đột kích vào một căn nhà.

Họ cho biết thêm ba người đàn ông đã kích hoạt chất nổ giết chết 3 trẻ em và 3 phụ nữ. Ba người khác chết trong cuộc đọ súng.

AP nói cũng trong tuần này, các linh mục cho phép những nhà báo vào bên trong các nhà thờ bị đánh bom, đền Thánh An-tôn ở Colombo, nơi kính bể vương vãi và sàn nhà thờ vương đầy vết máu.

Trước các vụ đánh bom ngày 21 tháng Tư, nhóm Nhà nước Hồi giáo đăng tải một video cho thấy Mohammed Zaharan, kẻ đứng đầu nhóm Thowheeth Jama’ath Quốc gia, một nhóm khủng bố ít tiếng tăm được cho là thủ phạm, đang dẫn đầu các môn đồ quấn mặt nạ và mặc đồ đen khi họ thề trung thành với ISIS.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/4/2019]


Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đừng để chiếc điện thoại của chúng con trở thành một thứ nghiện, Đức Thánh Cha cảnh báo học sinh trung học

Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến Chung tại Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 18 tháng Tư, 2018. Credit: Daniel Ibanez/CNA.


Thành Vatican, 15 tháng Tư, 2019 / 05:28 chiều (CNA). - Cuối tuần này Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ một nhóm các học sinh trung học, động viên các em hạn chế việc sử dụng điện thoại, để không trở thành những trở ngại cho văn hóa gặp gỡ.

Học sinh từ trường Trung học Visconti đến viếng thăm Đức Thánh Cha trong Thính phòng Phaolô VI ngày 13 tháng Tư. Buổi gặp gỡ diễn ra một tháng sau kỷ niệm 450 năm ngày sinh Thánh Aloysius Gonzaga. Vị thánh nổi tiếng với công cuộc bác ái cho người nghèo, dẫn đến hậu quả ngài bị lây nhiễm bệnh dịch và chết ở tuổi 23.

Tòa nhà của trường học ở Roma lưu giữ những di sản của Thánh Gonzaga, ngài là thánh bổn mạng của giới trẻ. Chính Thánh Gonzaga đã học ở đây. Đức Thánh Cha Phanxico ngợi khen thánh nhân vì sự sẵn sàng gặp gỡ những người ở quanh mình, đặc biệt những người thiếu thốn.

Đức Thánh Cha cảnh báo, trong thời hiện đại chúng ta phải cẩn thận với bất cứ điều gì kéo chúng ta ra khỏi sự gặp gỡ và những mối quan hệ đích thực. Trong khi điện thoại có thể là một công cụ giá trị để giao tiếp, chúng cũng có thể giảm bớt sự tự do của chúng ta và biến thành một trở ngại cho sự đối thoại thật sự, ngài nói.

Đức Phanxico nói, “Xin chúng con hãy giải thoát mình khỏi sự lệ thuộc vào chiếc điện thoại! Chúng con chắc chắn đã nghe thấy thảm kịch của bệnh nghiện … Mà cái thứ này nó rất tinh vi.”

“Hãy cẩn thận, vì điều nguy hiểm là khi điện thoại trở thành thuốc phiện thì sự giao tiếp chỉ còn là ‘những liên lạc’ đơn giản. Nhưng cuộc sống không phải chỉ là ‘liên lạc,’ nó là sự giao tiếp!”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống trường học như là một nơi để giao tiếp, đặc biệt giữa các văn hóa. Giáo hội thúc đẩy tình huynh đệ, ngài lưu ý rằng điều này đòi hỏi một nền tảng về sự tự do, sự thật, tình đoàn kết, và công bằng.

Ngài nói, “Sự đối thoại giữa những văn hóa khác nhau và những con người khác nhau làm phong phú cho một đất nước, làm phong phú cho quê hương và giúp chúng ta có thể phát triển sự tôn trọng lẫn nhau, giúp chúng ta có thể có cái nhìn về một trái đất cho tất cả mọi người, không chỉ cho một số người.”

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói đến vai trò quan trọng của tính khiêm tốn và trung thực trong những tình bạn. Ngài nhấn mạnh rằng sự yêu thương không đơn thuần là một thực tại thuộc cảm xúc nhưng là một trách nhiệm.

“Ý thức về sự khiêm nhường nói lên một lương tâm thận trọng bảo vệ cho phẩm giá của con người và tình yêu đích thực, nó không hạ thấp giá trị của ngôn ngữ cơ thể. Vì thế lòng trung thực cùng với sự tôn trọng người khác là một chiều kích không thể thiếu được của một mối quan hệ yêu thương thật sự, vì người ta không thể đùa cợt với cảm xúc.”

Những sự lo lắng của Đức Thánh Cha Phanxico về bệnh nghiện điện thoại làm âm vang lại lời của những chuyên gia về công nghệ trong những năm gần đây, khi việc sử dụng điện thoại và vi tính trở nên phổ biến hơn với trẻ em và thiếu niên, làm dấy lên những lo ngại về việc học tập, sự lành mạnh của xã hội và chất lượng cuộc sống nói chung.

Nhà tâm lý học Jean Twenge, tác giả quyển “iGen: Tại sao những trẻ em được kết nối quá nhiều lớn lên ít năng động, ít hạnh phúc hơn - và hoàn toàn không sẵn sàng cho tuổi trưởng thành,” nói với CNA tháng Chín năm trước về những khuynh hướng trong công nghệ.

Thời gian gắn với màn hình mỗi ngày cho thiếu niên cao hơn nhiều so với 2 giờ theo khuyến cáo, bà Twenge lưu ý. Bà nói: “Vượt ra ngoài con số đó các nguy cơ sẽ gia tăng, nhất là ở những mức độ sử dụng cao nhất,” bà nói.

Bà chỉ ra một nghiên cứu năm 2015 của nhóm nghiên cứu Common Sense Media. Nghiên cứu cho biết rằng hơn một nửa số thiếu niên ở Hoa kỳ dành ít nhất 4 giờ trước màn hình và 25% được báo cáo dành thời gian trước màn hình trên 8 tiếng mỗi ngày, với những hậu quả gây bất lợi.

“Chẳng hạn, những thiếu niên sử dụng các thiết bị điện tử từ 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ tự tử ở mức độ 71% cao hơn những thiếu niên sử dụng dưới 1 giờ một ngày,” bà Twenge nói. “51% các em ngủ không đủ giấc. Những thiếu niên lên mạng từ 5 giờ trở lên trong một ngày có thể không hạnh phúc bằng những em lên mạng dưới 1 giờ một ngày.”

Trước đây Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về sự điều độ đối với công nghệ. Trong một bài giảng năm 2016, ngài nhấn mạnh đến những tàn phá mà truyền hình và điện thoại có thể có đối với những sự gặp gỡ trong gia đình.

“Trong các gia đình chúng ta, tại bàn ăn, khi đang ăn có bao nhiêu lần người ta lại xem TV hoặc gõ tin nhắn trên điện thoại? Mỗi người đều rất thờ ơ với sự gặp gỡ đó. Ngay cả trong trung tâm của xã hội đó là gia đình đã chẳng có sự gặp gỡ.”

Ngài nói rằng chính trách nhiệm của gia đình phải tìm ra sự đối thoại trong đó con người thật sự được nhìn thấy và được nghe thấy hơn là bị đối xử như một đối tượng của sự thờ ơ.

“Chúng ta trở nên quen thuộc với văn hóa thờ ơ và chúng ta phải cố gắng xin ơn biết xây dựng một văn hóa gặp gỡ, một sự gặp gỡ đầy hoa trái, một sự gặp gỡ phục hồi lại nơi từng con người phẩm giá được làm con cái của Thiên Chúa, phẩm giá của một con người sống động,” ngài nói.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/4/2019]


Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?

Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?

Tuần Bát nhật Phục sinh là gì?


24 tháng Tư, 2019


Chúa nhật Phục sinh và bảy ngày tiếp theo là một khoảng thời gian đặc biệt để đắm mình trong vinh quang phục sinh.

Tuần Bát nhật Phục sinh là một trong những cử hành phụng vụ ít được biết đến trong Giáo hội Công giáo. Nó bao gồm Chúa nhật Phục sinh và bảy ngày tiếp theo, đỉnh điểm là cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót (cũng còn được gọi là Chúa nhật thứ hai Phục sinh).

Đã bắt đầu ít nhất từ thế kỷ thứ 3 hoặc 4, người Ki-tô hữu bắt đầu kéo dài những ngày lễ theo sau ngày lễ chính. Điều này có nghĩa là những buổi cử hành hân hoan của Chúa nhật Phục sinh được kéo dài thêm trọn tám ngày.

Thật vậy, người Ki-tô hữu xem mỗi ngày trong tuần bát nhật giống như Chúa nhật Phục sinh. Truyền thống này được duy trì trong Nghi lễ Roma và nhiều Nghi lễ Đông phương khác, trong đó các bài đọc và cử hành mỗi ngày đều phỏng theo những gì diễn ra trong Chúa nhật Phục sinh.

Quyển St. Andrew Daily Missal giải thích thêm về sự liên kết giữa Tuần Bát nhật Phục sinh với những thành viên mới được rửa tội của Giáo hội Công giáo.

Tuần Bát nhật Phục sinh là một lễ kéo dài, trong suốt thời gian đó không có những công việc nô bộc. Hàng ngày những người tân tòng tham dự Thánh lễ tại một [nhà thờ khác nhau ở Roma], tại đó họ rước Mình Thánh. Buổi tối họ đến Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran để tham dự giờ Kinh Chiều.

Ngoài ra, người tân tòng sẽ mặc áo rửa tội trong suốt tuần bát nhật. Theo Bách khoa toàn thư Công giáo, Chúa nhật thứ Hai Phục sinh “được gọi là dominica in albis (deponendis), Chúa nhật (gấp cất) áo choàng trắng.”

Trong khi những truyền thống rửa tội này không còn được thực hành trong Giáo hội Công giáo nữa, nhưng Tuần Bát nhật Phục sinh vẫn là thời gian mừng vui của người Ki-tô hữu trên khắp thế giới và với ý nghĩa là thời gian hân hoan để sống vẻ đẹp phục sinh của Chúa.

Cũng như cách mừng Giáng sinh trong Giáo hội Công giáo, mùa Phục sinh bắt đầu với Chúa nhật Phục sinh. Đó là một mùa lễ mừng, ca khen Thiên Chúa và tận hưởng không khí đoàn tụ của gia đình và bạn bè.

Những ngày giữ chay của Mùa Chay đã qua! (thậm chí cả việc kiêng giữ thứ Sáu hàng tuần mà nhiều người Công giáo vẫn giữ suốt năm được hoãn lại vào Thứ Sáu Phục sinh). Bây giờ là thời gian của lễ lạc!



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2019]


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 15-22/4/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 15-22/4/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 15-22/4/2019


15 tháng Tư: Vì yêu thương, Đức Ki-tô đã hoàn toàn tự hiến để giải thoát bạn. Đôi cánh tay giang rộng trên thập giá của Người là dấu chỉ nói lên rõ ràng nhất rằng Người là một người bạn luôn sẵn sàng với bất cứ giá nào. #HolyWeek

16 tháng Tư: Hôm nay chúng ta cùng hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho người dân nước Pháp, khi chúng ta chờ đợi trong sự đau buồn ập đến do sự tàn phá nghiêm trọng được biến đổi thành niềm hy vọng tái thiết. Lạy Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ chúng con, xin cầu cho chúng con. #NotreDame

17 tháng Tư: Đức Ki-tô đã hy sinh vì Người yêu thương mỗi người chúng ta: trẻ và già, thánh nhân và tội nhân, con người trong thời đại của Ngài và con người trong thời đại chúng ta. #HolyWeek

18 tháng Tư: Trong Thánh Thể bạn thật sự gặp gỡ Chúa Giê-su, chia sẻ sự sống của Người, cảm nhận tình yêu của Ngài; ở đó bạn trải nghiệm rằng cái chết và sự phục sinh của Người là cho bạn. #HolyThursday

19 tháng Tư: Hãy nhìn lên đôi cánh tay giang rộng của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, và để cho Ngài giải thoát bạn. Hãy chiêm ngắm máu của Người đổ ra vì yêu thương và cho phép bản thân bạn được thanh tẩy bởi máu đó. Bằng cách này bạn sẽ được tái sinh. #GoodFriday

21 tháng Tư: Hôm nay chúng ta chiêm ngắm ngôi mộ trống của Đức Ki-tô và chúng ta nghe thấy tiếng của thiên thần: “Đừng sợ! Người đã sống lại!” #Easter

22 tháng Tư: Hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện với cộng đoàn Ki-tô hữu Sri Lanka, đã bị tấn công bởi bạo lực kinh hoàng ngày Chúa nhật Phục sinh. Chúng ta hãy phó thác những nạn nhân, người bị thương và tất cả những người chịu đau khổ cho Thiên Chúa Phục sinh. #PrayForSriLanka




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 23/4/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài cuối (157-167)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng cuối (Số 157 - 167):


**************

PHẦN III

Chương IV

Sự đào tạo toàn diện

Tính cụ thể, sự phức tạp và hòa nhập

157. Thực tại hôm nay được đánh dấu với sự phức tạp ngày càng tăng của các hiện tượng xã hội và kinh nghiệm cá nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, những thay đổi đang diễn ra có sự tác động lẫn nhau và không thể giải quyết theo cách có chọn lọc. Trong cuộc sống thực tế, mọi thứ đều được kết nối với nhau: đời sống gia đình và sự gắn kết với nghề nghiệp, sử dụng những công nghệ và kinh nghiệm cộng đồng, bảo vệ thai nhi và bảo vệ người di cư. Tính cụ thể trình bày cho chúng ta một cái nhìn nhân học về con người nói chung và một cách nhận biết không tách rời nhưng hiểu thấu được các sự kết nối, học hỏi kinh nghiệm, đọc lại nó dưới ánh sáng của Lời Chúa, và tìm thấy nguồn cảm hứng từ những chứng ngôn gương mẫu hơn là từ những mô hình trừu tượng. Điều này đòi hỏi một loại hình đào tạo mới nhằm tích hợp các cách nhìn, làm cho họ đủ khả năng nắm bắt sự liên kết của các vấn đề và biết cách hợp nhất những chiều kích khác nhau của con người. Cách tiếp cận này có sự hài hòa sâu sắc với quan điểm Ki-tô giáo trong sự chiêm ngắm, sự nhập thể của Chúa Con, sự gặp gỡ không thể tách rời giữa Thiên Chúa và con người, giữa trần gian và thiên đàng.

Giáo dục, trường học và đại học

158. Trong Thượng hội đồng, có một sự nhấn mạnh đặc biệt và liên tục về trách nhiệm quyết định và quan trọng của việc đào tạo chuyên môn trong các trường học và đại học, đặc biệt vì đây là những nơi mà hầu hết người trẻ trải qua phần lớn thời gian của họ. Ở một số nơi trên thế giới nền giáo dục cơ bản là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất mà giới trẻ đặt ra cho Giáo hội. Do đó, đối với cộng đồng Ki-tô giáo, vấn đề quan trọng là phải duy trì sự hiện diện nổi bật trong các lĩnh vực này qua các giáo viên giỏi, phát triển các vai trò tuyên úy và sự tham gia văn hóa nghiêm túc.

Các viện giáo dục Công giáo phải là chủ thể của sự phản ánh cụ thể. Chúng phải thể hiện sự khắc khoải của Giáo hội đối với việc đào tạo toàn diện cho người trẻ. Đây là những đấu trường quý giá cho những cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa của một dân tộc và cho sự phát triển nghiên cứu. Những nơi này được kêu gọi phải đưa ra được một mô hình đào tạo có khả năng đưa đức tin vào cuộc đối thoại với các câu hỏi đặt ra của thế giới đương đại, với những quan điểm nhân học khác nhau, với những thách đố của khoa học và công nghệ, với những thay đổi trong phong tục xã hội và cam kết đối với sự công bằng.

Cần phải chú ý đặc biệt đến những nơi này để thúc đẩy tính sáng tạo của người trẻ trong các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật, thơ ca và văn học, âm nhạc và thể thao, thế giới kỹ thuật số và truyền thông, v.v.. Bằng cách này, người trẻ sẽ có thể khám phá tài năng của họ và đưa ra để phục vụ xã hội vì lợi ích của tất cả mọi người.

Chuẩn bị những người đào tạo mới

159. Tông hiến Veritatis Gaudium gần đây về các phân khoa và đại học thuộc giáo hội đưa ra một số tiêu chuẩn nền tảng cho việc đào tạo đủ khả năng giải quyết những thách đố của thời đại hôm nay: sự suy ngẫm về tinh thần, trí tuệ và hiện sinh của sứ điệp, đối thoại toàn diện, công việc đa ngành được thực hiện với sự khôn ngoan và tính sáng tạo và nhu cầu cấp thiết của việc “kết nối mạng” (x. Tông hiến Veritatis Gaudium, 4d). Những nguyên tắc này có thể truyền cảm hứng cho tất cả các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; việc áp dụng chúng sẽ đặc biệt có lợi cho cho công việc đào tạo các nhà giáo dục mới, giúp họ mở ra một tầm nhìn có khả hòa hợp kinh nghiệm và sự thật. Ở cấp độ toàn cầu, các Đại học Giáo hoàng đóng một phần quan trọng và cũng góp phần như vậy ở cấp độ châu lục và quốc gia là các trường đại học và trung tâm nghiên cứu Công giáo. Đánh giá định kỳ, hướng tới các tiêu chuẩn cao nhất và sự đổi mới liên tục của các tổ chức này, là một sự đầu tư chiến lược tuyệt vời vì lợi ích của giới trẻ và của toàn Giáo hội.

Đào tạo các môn đệ thừa sai

160. Hành trình của Thượng hội đồng nhấn mạnh khát khao rất lớn để đưa ra hình ảnh cho sự tham gia tích cực của giới trẻ ngày càng nhiều hơn. Chắc chắn thừa tác vụ tông đồ của người trẻ đối với những người trẻ khác không thể là sự ngẫu hứng, nhưng phải là kết quả của một hành trình đào tạo nghiêm túc và kỹ lưỡng: làm thế nào để đồng hành với tiến trình này? Làm thế nào để cung cấp các công cụ tốt nhất cho giới trẻ, để họ có thể là chứng nhân đích thực của Tin Mừng? Câu hỏi này cũng phản ánh mong muốn của nhiều người trẻ muốn đào sâu đức tin của họ hơn: khám phá những nguồn cội Kinh thánh của đức tin, để nắm bắt sự phát triển lịch sử của giáo lý, ý nghĩa của tín điều, sự phong phú của phụng vụ. Điều này giúp giới trẻ có thể suy tư về các vấn đề hiện tại trong môi trường đức tin được thử thách, để biết cách đưa ra được một lý do cho niềm hy vọng có trong họ (x. 1 Pr 3:15).

Do đó, Thượng hội đồng đề xuất rằng những kinh nghiệm truyền giáo cho giới trẻ phải được tăng cường bằng cách thiết lập các trung tâm đào tạo cho việc truyền giáo, nhắm vào người trẻ và các đôi vợ chồng trẻ, và bằng một kinh nghiệm toàn diện để hoàn thành việc sai họ đi rao giảng. Hiện đã có những sáng kiến như vậy ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng mỗi Hội đồng Giám mục được yêu cầu phải nghiên cứu làm thế nào có thể đạt được trong bối cảnh cụ thể.

Thời gian cho sự đồng hành phân định

161. Trong Nghị trường Thượng Hội đồng thường xuyên có những lời yêu cầu chân thành xin sự đầu tư một cách quảng đại cho giới trẻ, cho niềm đam mê giáo dục, sự mở rộng thời gian và cả các nguồn lực kinh tế. Tập hợp những đóng góp và mong muốn khác nhau nổi lên trong các cuộc trao đổi của thượng hội đồng và lắng nghe những kinh nghiệm đang được thực hiện, Thượng Hội đồng đề nghị tất cả các Giáo hội địa phương, các dòng tu, các phong trào, các hiệp hội và các tổ chức của giáo hội thuyết phục họ cung cấp cho các bạn trẻ một kinh nghiệm của sự đồng hành khi cân nhắc phân định. Kinh nghiệm này – với thời lượng cần được xác định tùy theo bối cảnh và cơ hội – có thể được mô tả như là một thời gian dành cho sự trưởng thành của đời sống người Ki-tô hữu. Nó liên quan đến thời gian dài thoát ra khỏi những môi trường và các mối quan hệ theo thói quen, và nó cần được xây dựng theo ít nhất ba yếu tố không thể thiếu: kinh nghiệm về đời sống huynh đệ được chia sẻ với những người đào tạo lớn tuổi hơn là điều vô cùng cần thiết, đơn sơ và tôn trọng ngôi nhà chung; một kế hoạch tông đồ vững chắc và đầy ý nghĩa, được kết hợp với nhau; một yêu cầu về linh đạo bén rễ trong đời sống cầu nguyện và bí tích. Bằng cách này, tất cả các thành phần cần thiết được đưa ra để Giáo hội có thể cung cấp cho những người trẻ mong muốn nó trở thành một kinh nghiệm sâu sắc cho sự phân định ơn gọi.

Đồng hành trong hôn nhân

162. Điều quan trọng là phải đồng hành với các đôi bạn trẻ trong quá trình chuẩn bị tiến đến hôn nhân, nhớ rằng có nhiều cách phù hợp để tổ chức những hành trình như vậy. Như chúng ta đã đọc trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu), 207: “Họ không cần phải được học toàn bộ Giáo lý hoặc bị choáng ngợp với quá nhiều thông tin … sự chuẩn bị cho hôn nhân cần trở nên như một bước 'khởi đầu' cho bí tích hôn phối, cung cấp cho các đôi vợ chồng sự trợ giúp họ cần có để lãnh nhận bí tích một cách xứng đáng và tạo nên một khởi đầu vững chắc của cuộc sống như một gia đình.” Điều quan trọng là phải đồng hành cùng các gia đình trẻ, quan trọng nhất là trong những năm đầu tiên của hôn nhân, và điều này cũng bao gồm việc giúp họ đóng một vai trò tích cực trong cộng đoàn Ki-tô giáo.

Sự đào tạo chủng sinh và những người nam nữ sống đời thánh hiến

163. Nhiệm vụ đặc biệt của việc đào tạo các ứng viên cho thừa tác vụ chức thánh và cho đời sống thánh hiến nam hoặc nữ vẫn là một thách đố quan trọng đối với Giáo hội. Chúng tôi cũng lưu ý đến tầm quan trọng của sự đào tạo nền tảng văn hóa và thần học vững chắc cho những người nữ và nam tận hiến. Liên quan đến chủng sinh, nhiệm vụ đầu tiên rõ ràng là việc đưa vào áp dụng Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới. Trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng, một số điểm nhấn quan trọng đã xuất hiện đáng được quan tâm.

Ở vị trí hàng đầu là sự lựa chọn các nhân viên đào tạo: với họ việc có trình độ chuyên môn là chưa đủ; họ cần phải có khả năng tạo những mối quan hệ huynh đệ, lắng nghe và thấu hiểu, sự tự do sâu sắc trong tâm hồn. Ở vị trí thứ hai, những gì cần thiết trong việc đồng hành thích hợp với các chủng sinh là công việc rất nghiêm túc và đòi hỏi có khả năng đối với các nhóm giáo dục phân định, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Cấu trúc của các nhóm đào tạo này, nơi các ơn gọi khác nhau có ảnh hưởng lẫn nhau, là một hình thức thu nhỏ nhưng vô cùng quý giá của công đồng tính, nó có thể tác động đến tâm trí của những người trẻ trong giai đoạn đào tạo ban đầu của họ. Ở vị trí thứ ba, sự đào tạo phải tập trung vào việc phát triển khả năng của những mục tử tương lai và những người nam và nữ tận hiến để thực hiện vai trò của họ là những người hướng dẫn theo cách có thẩm quyền, nhưng không độc đoán, giáo dục các ứng viên trẻ để cống hiến cho cộng đoàn. Cần chú ý đặc biệt đến một số tiêu chuẩn đào tạo, chẳng hạn: chiến thắng khuynh hướng thiên về chủ nghĩa giáo sĩ trị, khả năng làm việc theo nhóm, nhạy cảm với người nghèo, minh bạch về lối sống, sẵn sàng cho phép mình được đồng hành. Ở vị trí thứ tư, sự phân định ban đầu nghiêm túc là rất quan trọng, vì rất thường khi những người trẻ gia nhập các chủng viện hoặc các nhà đào tạo được chấp nhận nhưng lịch sử quá khứ của họ không được biết rõ hoặc không được nghiên cứu sâu. Vấn đề này trở nên vô cùng tế nhị trong trường hợp của “những chủng sinh lang thang”: sự bất quân bình về quan hệ và tình cảm, và thiếu nền tảng giáo hội, là những tín hiệu nguy hiểm. Bỏ qua các chuẩn mực giáo hội về những vấn đề này là hành vi vô trách nhiệm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn Ki-tô giáo. Điểm thứ năm liên quan đến quy mô của các cộng đoàn đào tạo: những cộng đoàn quá lớn có nguy cơ thiếu sự theo dõi cá nhân và thiếu kiến thức đối với những người trẻ đang đi trên hành trình của họ, trong khi những cộng đoàn quá nhỏ có thể gặp khó khăn và phải chịu luận lý của sự phụ thuộc; trong những trường hợp này, tốt hơn là xây dựng các chủng viện hoặc nhà đào tạo liên giáo phận được kết hợp bởi một số tỉnh dòng, với các dự án đào tạo rõ ràng và trách nhiệm được xác định rõ.

164. Thượng Hội đồng đã trình ba đề xuất để khuyến khích sự đổi mới.

Đề xuất đầu tiên liên quan đến sự đào tạo liên kết cho giáo dân, các tu sĩ và linh mục. Điều quan trọng là giữ cho các thanh niên nam nữ đang được đào tạo tiếp xúc với đời sống hàng ngày của các gia đình và các cộng đoàn, đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của phụ nữ và các đôi vợ chồng Ki-tô hữu, sự đào tạo đó đặt nền móng trên thực tại của cuộc sống và được đánh dấu bằng các mối quan hệ có thể hòa hợp vào trong bối cảnh xã hội và văn hóa.

Đề xuất thứ hai được quan tâm bao gồm chương trình chuẩn bị các khóa học đặc biệt về việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ cho thừa tác vụ chức thánh hoặc đời sống thánh hiến, thông qua các chương trình có kế hoạch chu đáo và những kinh nghiệm về công tác mục vụ và rao giảng tin mừng.

Đề xuất thứ ba yêu cầu cân nhắc về khả năng hỗ trợ cho hành trình đào tạo về kinh nghiệm và trong bối cảnh cộng đoàn – với sự phân định đích thực về con người và hoàn cảnh theo tầm nhìn và tinh thần của Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis. Đây là trường hợp đặc biệt trong giai đoạn cuối của hành trình đó, là giai đoạn xem xét các ứng viên sẽ từng bước được giới thiệu vào trách nhiệm mục vụ. Những cách thức này được giải thích và đưa vào áp dụng có thể được chỉ rõ bởi Hội đồng Giám mục của mỗi quốc gia, phù hợp với các phiên bản Ratio Fundamentalis riêng của họ.

Kết luận

Được kêu gọi nên thánh

165. Tất cả các ơn gọi khác nhau đều hợp nhất trong một tiếng gọi chung là sự nên thánh, nó là sự kiện toàn cho tiếng gọi đến với niềm vui của tình yêu vang lên trong trái tim của mỗi người trẻ. Chỉ qua việc đặt nền tảng trên một tiếng gọi duy nhất nên thánh thì các hình thức khác nhau của đời sống mới có thể được liên kết, biết rằng Thiên Chúa “muốn chúng ta trở thành những thánh nhân và không dừng lại ở một đời sống vô vị và tầm thường” (Phanxico, Tông huấn Gaudete et Exsultate, 1). Sự nên thánh tìm thấy nguồn mạch vô tận nơi Chúa Cha, Đấng qua Thần Khí của Người sai Chúa Giê-su đến với chúng ta, “là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1:24), Người đến giữa chúng ta để làm cho chúng ta nên thánh qua tình bạn hữu với Người, Đấng mang đến niềm vui và sự bình an cho cuộc sống của chúng ta. Phục hồi trong tất cả các công tác mục vụ thông thường của Giáo hội sống kết hiệp mật thiết với sự hiện hữu hạnh phúc của Chúa Giê-su là điều kiện cơ bản cho mọi sự đổi mới.

Tái thức tỉnh thế giới với sự nên thánh

166. Chúng ta phải là những thánh nhân để chúng ta có thể mời gọi người trẻ trở nên thánh. Người trẻ đang rất cần một Giáo hội đích thực, tỏa sáng, minh bạch, hân hoan: chỉ có một Giáo hội của các vị thánh mới có thể đáp ứng được những yêu cầu như vậy! Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo hội vì họ không tìm thấy sự thánh thiện trong Giáo hội, mà thay vào đó là sự tầm thường, sự kiêu căng, chia rẽ và hủ hóa. Thật không may, thế giới bị làm tổn thương bởi những sự lạm dụng của một số người trong Giáo hội thay vì được tiếp thêm sức mạnh bởi sự thánh thiện của các thành viên trong Giáo hội: do đó, toàn thể Giáo hội phải quyết tâm đi theo con đường thay đổi dứt khoát, tức thời và triệt để về quan điểm! Người trẻ cần những thánh nhân có thể đào tạo nên những vị thánh khác, từ đó cho thấy rằng “sự thánh thiện là một khuôn mặt cuốn hút nhất của Giáo hội” (Phanxico, Tông huấn Gaudete et Exsultate, 9). Có một ngôn ngữ mà tất cả những người đàn ông và phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, vùng miền và văn hóa đều có thể hiểu được, vì nó mang tính trực tiếp rạng ngời: đó là ngôn ngữ của sự nên thánh.

Bị cuốn hút bởi sự thánh thiện của người trẻ

167. Rõ ràng ngay từ bước khởi đầu của hành trình thượng hội đồng người trẻ tạo thành một phần thiết yếu của Giáo hội. Sự thánh thiện của họ cũng vậy, trong những thập kỷ gần đây đã phát triển theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới: chiêm ngưỡng và phản ánh trong Thượng Hội đồng về sự can đảm của rất nhiều người trẻ đã hy sinh cuộc sống của họ để giữ lòng trung thành với Tin Mừng khiến chúng tôi vô cùng cảm động; lắng nghe những chứng ngôn của người trẻ có mặt tại Thượng Hội đồng, là những người giữa sự bắt bớ đã chọn cách chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Giê-su, đã mang lại sức sống. Qua sự thánh thiện của người trẻ, Giáo hội làm mới tinh thần hăng hái và sức sống tông đồ của mình. Nhựa sống của sự nên thánh được tạo ra bởi đời sống tốt lành của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành những vết thương của Giáo hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với sự viên mãn của tình yêu mà chúng ta luôn được kêu gọi đạt đến: các vị thánh trẻ truyền cảm hứng cho chúng ta quay trở về với tình yêu ban đầu của mình (x. Kh 2:4).

[1] International Theological Commission, Synodality in the life and mission of the Church, 2 March 2018, §9. The document illustrates, moreover, the nature of synodality in these terms: “It is possible to go deeper into the theology of synodality on the basis of the doctrine of the sensus fidei of the People of God and the sacramental collegiality of the episcopate in hierarchical communion with the Bishop of Rome. This ecclesiological vision invites us to articulate synodal communion in terms of ‘all’, ‘some’ and ‘one’. On different levels and in different forms, as local Churches, regional groupings of local Churches and the universal Church, synodality involves the exercise of the sensus fidei of the universitas fidelium (all), the ministry of leadership of the College of Bishops, each one with his presbyterium (some), and the ministry of unity of the Bishop of Rome (one). The dynamic of synodality thus joins the communitarian aspect which includes the whole People of God, the collegial dimension that is part of the exercise of episcopal ministry, and the primatial ministry of the Bishop of Rome. This correlation promotes that singularis conspiratio between the faithful and their Pastors, which is an icon of the eternal conspiratio that is lived within the Trinity” (§64).



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/4/2019]


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục những bài giáo lý về ‘Kinh Lạy Cha’

24 tháng Tư, 2019 15:49

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019, được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục những bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Trích đoạn Kinh Thánh: Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 18:21-22).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta hoàn tất về lời xin thứ năm của “Kinh Lạy Cha,” với câu “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Chúng ta thấy con người thật là người mắc nợ trước mặt Thiên Chúa: chúng ta đón nhận mọi thứ từ Ngài, về thiên nhiên và về ơn sủng. Đời sống của chúng ta không những hướng theo Thánh ý của Chúa nhưng còn được yêu thương bởi Người. Khi chúng ta cùng nắm tay nhau cầu nguyện thì không còn chỗ cho sự kiêu căng ngạo mạn. “Những con người tự lập” không tồn tại trong Giáo hội — là những con người tự tạo nên họ. Tất cả chúng ta đều là người mắc nợ của Thiên Chúa và của rất nhiều người đã cho chúng ta những điều kiện tốt đẹp trong cuộc sống. Bản sắc của chúng ta được xây dựng từ những sự tốt lành được đón nhận, trước hết là sự sống.

Một người cầu nguyện là người học cách nói “cảm ơn.” Và chúng ta rất thường xuyên quên nói “cảm ơn.” Chúng ta rất ích kỷ. Một người cầu nguyện là học cách nói “cảm ơn,” và xin Thiên Chúa rộng lượng với họ. Cho dù chúng ta có cố gắng tới đâu thì một món nợ rất lớn vẫn tồn tại trước mặt Chúa, món nợ mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn trả: Người yêu thương chúng ta hoàn toàn hơn cách chúng ta yêu mến Người. Và rồi dù chúng ta có cố gắng sống cho phù hợp theo những giáo huấn Ki-tô giáo bao nhiêu đi nữa, thì vẫn luôn có một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta cần phải xin tha thứ: chúng ta hãy nghĩ đến những ngày trở nên lười biếng, đến những lúc sự oán hận chế ngự tâm hồn chúng ta, và nhiều điều khác. Chính những kinh nghiệm này, rất không may là chúng không phải hiếm, làm cho chúng ta phải khẩn cầu: “Lạy Chúa là Cha, xin tha thứ cho những tội của chúng con.” Vì thế chúng ta phải xin Chúa tha thứ.

Nếu chúng ta nghĩ đúng thì lời xin này cũng có thể được giới hạn vào phần đầu tiên này. Thay vì vậy, Chúa Giê-su gắn nó với lời xin thứ hai đi kèm chung với lời thứ nhất. Mối quan hệ theo chiều dọc của lòng nhân từ về phía Thiên Chúa được khúc xạ và chúng ta được kêu gọi phải biến thành một mối quan hệ mới mà chúng ta sống với anh em của chúng ta: một mối quan hệ theo chiều ngang. Thiên Chúa tốt lành mời gọi chúng ta tất cả trở nên tốt lành. Hai phần của lời cầu xin được kết nối với nhau bằng một liên từ hơi khó nghe: chúng ta xin Chúa tha thứ cho những lỗi phạm của chúng ta, tội của chúng “như” chúng ta tha thứ cho bạn của mình, là những người sống với chúng ta, cho những người hàng xóm, những người đã làm những điều không tốt đối với chúng ta.

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019

Mọi người Ki-tô hữu đều biết rằng sự tha thứ tội tồn tại cho chính mình; tất cả chúng ta đều biết điều này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự và luôn luôn tha thứ. KHi Chúa Giê-su nói với các môn đệ về ơn sủng của Thiên Chúa, Ngài tóm tắt nó bằng những cách nói về lòng thương xót nhân từ. Ngài nói rằng trên Thiên đàng sẽ vui mừng hơn khi có một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là nhiều người công chính không cần ăn năn (x. Lc 15:7.10). Không có chỗ nào trong các Tin mừng khiến chúng ta nghi ngờ rằng Thiên Chúa không tha thứ tội của một người hoàn toàn quay trở về và xin được vòng tay ôm một lần nữa.

Tuy nhiên, ơn sủng của Chúa là dư tràn và luôn luôn thách đố. Một người đón nhận quá nhiều phải học cách cho đi rất nhiều và không giữ cho riêng bản thân những gì người đó đã lãnh nhận. Một người đón nhận quá nhiều phải học cách cho đi rất nhiều. Không phải là tình cờ mà Tin mừng theo Thánh Mát-thêu ngay sau khi trình bày văn bản “Kinh Lạy Cha,” đã dừng lại để nhấn mạnh đến sự tha thứ huynh đệ trong số bảy lời khẩn cầu: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Và điều này là rất mạnh mẽ! Cha suy nghĩ: có những lúc cha nghe thấy có người nói: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những gì họ đã làm đối với tôi!” Nhưng nếu bạn không tha thứ thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn. Chính bạn chọn cánh cửa ra. Chúng ta hãy suy nghĩ xem chúng ta có khả năng tha thứ hay chúng ta không tha thứ. Khi cha ở một giáo phận kia, một linh mục băn khoăn kể cho cha nghe câu chuyện khi ngài đi ban các Bí tích cuối cùng cho một bà cụ gần hấp hối. Bà cụ tội nghiệp đó không nói được. Và linh mục nói với bà: “Thưa bà, bà có thống hối các tội của bà không?” Bà cụ nói có; cha không nghe được lời xưng tội nhưng bà nói có. Thế là đủ. Và khi cha hỏi lần nữa: “Bà có tha thứ cho những người khác không?” Và bà cụ sắp hấp hối nói: “Không.” Vị linh mục vẫn còn băn khoăn. Nếu anh chị em không tha thứ thì Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho anh chị em. Chúng ta những người có mặt ở đây suy nghĩ xem chúng ta tha thứ hay chúng ta có khả năng tha thứ. “Lạy Cha, con thể làm được điều đó, vì những người kia gây ra cho con quá nhiều điều.” Tuy nhiên, nếu anh chị em không thể làm được, hãy xin Chúa ban cho anh chị em sức mạnh để thực hiện điều đó: Lạy Chúa, xin giúp con biết tha thứ. Ở đó chúng ta tái khám phá được mối liên kết giữa tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu kêu gọi tình yêu, tha thứ kêu gọi thứ tha. Chúng ta lại tìm thấy trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu một dụ ngôn rất mạnh mẽ nói về sự tha thứ huynh đệ (x. 18:21-35). Chúng ta cùng lắng nghe.

Có một người đầy tớ mắc một món nợ khổng lồ với vua của anh ta: mười ngàn yến vàng! Một con số không có cách gì trả lại; cha chẳng biết bây giờ nó trị giá bao nhiêu, nhưng có lẽ hàng trăm triệu. Tuy nhiên, phép lạ đã xảy ra, và người đầy tớ nhận được một ân tứ bất ngờ — không phải là sự gia hạn thời gian trả, nhưng là tha nợ hoàn toàn! Nhưng sự thật trớ trêu ngay sau đó chúng ta nhìn thấy cách người đầy tớ này cư xử với người anh em của anh ta chỉ nợ một trăm quan tiền — một con số rất nhỏ –, và mặc dù số tiền này là có thể trả được, nhưng anh ta vẫn không chấp nhận bất kỳ lời bào chữa hay khẩn nài. Vì vậy cuối cùng, ông chủ gọi anh ta lại và kết án anh ta. Vì nếu bạn không cố gắng tha thứ thì bạn sẽ không được thứ tha; nếu bạn không cố gắng yêu thương thì bạn sẽ không được thương yêu.

Chúa Giê-su lồng ghép sức mạnh của sự tha thứ trong các mối quan hệ của con người. Không phải mọi sự trong cuộc sống đều được giải quyết bằng công lý. Không phải vậy. Trên hết, khi phải đặt một dấu chấm hết cho sự ác, thì người ta phải có sự yêu thương vượt trên những gì còn mắc nợ, để bắt đầu lại một lịch sử của ơn sủng. Cái ác biết đến sự báo thù, và nó không hề bị gián đoạn; nguy cơ nó làm cho toàn thế giới trở nên nghẹt thở. Đối với luật ăn miếng trả miếng — anh làm gì cho tôi thì tôi sẽ trả lại như vậy — Chúa Giê-su thay thế bằng luật yêu thương: Thiên Chúa đã làm những gì cho tôi thì tôi làm lại cho bạn cũng như vậy! Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ, trong tuần lễ Phục sinh này, chúng ta có khả năng tha thứ không. Và nếu chúng ta cảm thấy không đủ khả năng, chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết tha thứ, vì đó là ơn có khả năng tha thứ.

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019

Thiên Chúa ban cho mỗi người Ki-tô hữu ơn viết một câu chuyện về sự tốt lành trong cuộc sống của người anh em mình, đặc biệt đối với những người đã làm điều gì đó không nên không phải hoặc sai lỗi. Bằng một lời nói, một cái ôm, một nụ cười, chúng ta có thể truyền sang người khác những gì chúng ta đã đón nhận là điều quý giá nhất. Vậy điều quý giá nhất chúng ta đã được đón nhận là gì? Đó là sự tha thứ, là điều chúng ta cũng phải có khả năng để trao cho người khác.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 4-14/4/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 4-14/4/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 4-14/4/2019


04 tháng Tư: Khi cầu nguyện, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta cầu nguyện cùng với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là sự can đảm của chúng ta. Chúa Giê-su là sự an toàn của chúng ta, Người can thiệp cho chúng ta trong giây phút này. #SantaMarta

05 tháng Tư: Chay tịnh tội lỗi cũng trao niềm hy vọng cho tạo vật, là những điều sẽ “không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rom 8:21). #Lent

06 tháng Tư: #Lent Mùa Chay là thời gian tái khám phá con đường của chúng ta trở về với sự sống. Chúa là cùng đích cho hành trình của chúng ta trên dương thế: hành trình phải đặt nền tảng trên Ngài.

07 tháng Tư: #Lent Mùa Chay mời gọi chúng ta ngước nhìn lên khi cầu nguyện, nó giải thoát chúng ta khỏi đời sống bám chặt vào thế gian, là nơi chúng ta chỉ tìm thấy thời gian cho lòng kiêu ngạo của mình, nhưng lại lãng quên Thiên Chúa.

08 tháng Tư: Chay tịnh giải thoát chúng ta khỏi sự gắn chặt vào vật chất, khỏi tính thế gian làm tê liệt tâm hồn. #Lent

09 tháng Tư: Xin Chúa luôn ban cho chúng ta niềm hy vọng về tương lai và sức mạnh để tiếp tục tiến bước. #SantaMarta

10 tháng Tư: Bố thí giúp chúng ta vượt lên thoát khỏi sự khờ dại của việc sống chỉ tích lũy mọi thứ cho bản thân, với ảo tưởng có được tương lai an toàn không thuộc về chúng ta. #Lent

11 tháng Tư: Trên Thập giá, Chúa Giê-su dạy cho chúng ta lòng can đảm đầy sức mạnh của sự buông bỏ. Vì chúng ta sẽ không bao giờ tiến bước được nếu chúng ta bị đè nặng bởi nhiều thứ vật chất. #Lent

12 tháng Tư: Ăn chay cũng có nghĩa là thay đổi thái độ của chúng ta với người khác và với các loài thụ tạo: từ cám dỗ muốn “ăn ngấu nghiến” hết mọi thứ để thỏa mãn lòng tham của chúng ta, chuyển thành khả năng chịu đau khổ vì yêu thương. #Lent

13 tháng Tư: Nếu chúng ta trở về với Chúa cùng với những yếu đuối của mình, nếu chúng ta đi theo con đường yêu thương, chúng ta sẽ ôm lấy sự sống không bao giờ phai mờ. Và chúng ta sẽ trải nghiệm được niềm vui. #Lent

14 tháng Tư: Bằng cách tự hạ mình, Chúa Giê-su muốn mở ra cho chúng ta con đường đức tin và đi trước chúng ta trên con đường đó. #PalmSunday #HolyWeek http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2019/documents/papa-francesco_20190414_omelia-palme.html …




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/4/2019]


Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sáng Thứ Hai Phục Sinh của Đức Thánh Cha Phanxico

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sáng Thứ Hai Phục Sinh của Đức Thánh Cha Phanxico
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng sáng Thứ Hai Phục Sinh của Đức Thánh Cha Phanxico

‘Sự Sống lại của Đức Ki-tô là một biến cố gây chấn động nhất trong lịch sử loài người’

22 tháng Tư, 2019 16:38

Đức Thánh Cha Phanxico đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào sáng Thứ Hai Phục sinh với những đám đông tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ngài có những lời giáo huấn, nhắc nhớ rằng niềm vui Phục sinh vẫn tiếp tục trong tuần này.


Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican News văn bản huấn từ của Đức Thánh Cha

Hôm nay và trong suốt tuần lễ này, niềm vui Phục sinh của sự Sống lại của Chúa Giê-su, biến cố diệu kỳ nhất mà chúng ta cử hành hôm qua, sẽ tiếp tục.

Trong suốt Đêm Canh thức Phục sinh, những lời của các Thiên Thần tại ngôi mộ trống của Đức Ki-tô lại vang lên. Các ngài nói với những người phụ nữ đi ra mồ vào lúc rạng sáng ngày thứ nhất trong tuần sau ngày Sa-bát: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi”. Sự Sống lại của Đức Ki-tô là một biến cố gây chấn động nhất trong lịch sử loài người, chứng thực chiến thắng của Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên tội và sự chết và trao tặng cho niềm hy vọng về sự sống của chúng ta một nền tảng vững chắc như bàn thạch. Chuyện mà con người nghĩ là không thể thật sự đã xảy ra: “Giê-su làng Na-da-rét … Thiên Chúa cho Người trỗi dậy, giải thoát Người khỏi những đau đớn của cái chết.”

Vào ngày Thứ Hai Phục sinh này (tiếng Ý là “Thứ Hai của Thiên Thần”), phụng vụ theo Thánh Mát-thêu dẫn đưa chúng ta trở lại với ngôi mộ trống của Chúa Giê-su. Những người phụ nữ, đầy lòng kinh sợ và vui mừng, vội vã rời đi và đến để báo tin cho các môn đệ; và ngay lúc đó Chúa Giê-su hiện ra ngay trước mắt họ. Họ “chạy vội đến Người, phủ phục trước Người, ôm chặt lấy chân của Người.” Chúa Giê-su xua tan nỗi sợ hãi ra khỏi lòng họ và động viên các ông, và thậm chí còn hơn thế, loan báo với anh chị em của họ những gì đã xảy ra. Tất cả các Tin mừng đều nhấn mạnh đến vai trò của những người phụ nữ, Maria Magdala và những người khác, là những nhân chứng đầu tiên của sự sống lại. Những người đàn ông thì kinh hoảng, họ khóa mình trong Phòng Tiệc Ly. Phê-rô và Gio-an, được Maria Magdalena mời gọi, chỉ chạy vội ra và nhìn thấy rằng ngôi mộ được mở ra và trống không. Nhưng chính những người phụ nữ là những người đầu tiên gặp gỡ Đấng Phục sinh và công bố thông điệp rằng Người đã sống lại.

Thưa anh chị em, hôm nay lời của Chúa Giê-su nói với những người phụ nữ lại vang lên với chúng ta: “Đừng sợ; hãy đi và loan báo …”. Sau các phụng vụ của Tam nhật Thánh cho phép chúng ta sống lại mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, bây giờ với con mắt đức tin, chúng ta chiêm ngưỡng Người sống lại và đang sống. Chúng ta cũng được kêu gọi gặp gỡ riêng với Người và trở thành những sứ giả và chứng nhân của Người.

Với Bài ca Tiếp liên Phục sinh cổ xưa, trong những ngày này chúng ta lặp đi lặp lại: “Đức Ki-tô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” Chúng ta cũng đã sống lại trong Ngài, đi từ cái chết đến sự sống, từ tình trạng nô lệ của tội đến sự tự do của tình yêu. Vì thế, chúng ta hãy để cho bản thân mình được chạm đến bởi thông điệp an ủi của Phục sinh và được bao phủ bởi ánh sáng vinh quang của nó là ánh sáng xua tan bóng đêm của sự hãi sợ và buồn sầu. Chúa Giê-su sống lại đồng hành bên cạnh chúng ta. Người tỏ lộ mình ra cho những ai kêu cầu Người và những ai yêu mến Người. Trước hết trong lời cầu nguyện, nhưng trong cả những niềm vui đơn sơ của đức tin và lòng tri ân. Chúng ta cũng có thể cảm nhận sự hiện hữu của Người khi chúng ta chia sẻ những thời khắc của tình thân ái, chào đón, và tình bạn, hoặc khi chúng ta chiêm ngắm thiên nhiên. Ước mong rằng ngày lễ này, mà theo truyền thống là thời gian rảnh rỗi và nghỉ ngơi, giúp chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Giê-su.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta đón nhận đầy ơn bình an của Chúa Phục sinh, và chia sẻ với những anh chị em của chúng ta, đặc biệt với những người cần sự an ủi và hy vọng nhất.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/4/2019]