© Vatican Media
Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019
Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục những bài giáo lý về ‘Kinh Lạy Cha’
24 tháng Tư, 2019 15:49
Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 24 tháng Tư, 2019, được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục những bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Trích đoạn Kinh Thánh: Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 18:21-22).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta hoàn tất về lời xin thứ năm của “Kinh Lạy Cha,” với câu “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Chúng ta thấy con người thật là người mắc nợ trước mặt Thiên Chúa: chúng ta đón nhận mọi thứ từ Ngài, về thiên nhiên và về ơn sủng. Đời sống của chúng ta không những hướng theo Thánh ý của Chúa nhưng còn được yêu thương bởi Người. Khi chúng ta cùng nắm tay nhau cầu nguyện thì không còn chỗ cho sự kiêu căng ngạo mạn. “Những con người tự lập” không tồn tại trong Giáo hội — là những con người tự tạo nên họ. Tất cả chúng ta đều là người mắc nợ của Thiên Chúa và của rất nhiều người đã cho chúng ta những điều kiện tốt đẹp trong cuộc sống. Bản sắc của chúng ta được xây dựng từ những sự tốt lành được đón nhận, trước hết là sự sống.
Một người cầu nguyện là người học cách nói “cảm ơn.” Và chúng ta rất thường xuyên quên nói “cảm ơn.” Chúng ta rất ích kỷ. Một người cầu nguyện là học cách nói “cảm ơn,” và xin Thiên Chúa rộng lượng với họ. Cho dù chúng ta có cố gắng tới đâu thì một món nợ rất lớn vẫn tồn tại trước mặt Chúa, món nợ mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn trả: Người yêu thương chúng ta hoàn toàn hơn cách chúng ta yêu mến Người. Và rồi dù chúng ta có cố gắng sống cho phù hợp theo những giáo huấn Ki-tô giáo bao nhiêu đi nữa, thì vẫn luôn có một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta cần phải xin tha thứ: chúng ta hãy nghĩ đến những ngày trở nên lười biếng, đến những lúc sự oán hận chế ngự tâm hồn chúng ta, và nhiều điều khác. Chính những kinh nghiệm này, rất không may là chúng không phải hiếm, làm cho chúng ta phải khẩn cầu: “Lạy Chúa là Cha, xin tha thứ cho những tội của chúng con.” Vì thế chúng ta phải xin Chúa tha thứ.
Nếu chúng ta nghĩ đúng thì lời xin này cũng có thể được giới hạn vào phần đầu tiên này. Thay vì vậy, Chúa Giê-su gắn nó với lời xin thứ hai đi kèm chung với lời thứ nhất. Mối quan hệ theo chiều dọc của lòng nhân từ về phía Thiên Chúa được khúc xạ và chúng ta được kêu gọi phải biến thành một mối quan hệ mới mà chúng ta sống với anh em của chúng ta: một mối quan hệ theo chiều ngang. Thiên Chúa tốt lành mời gọi chúng ta tất cả trở nên tốt lành. Hai phần của lời cầu xin được kết nối với nhau bằng một liên từ hơi khó nghe: chúng ta xin Chúa tha thứ cho những lỗi phạm của chúng ta, tội của chúng “như” chúng ta tha thứ cho bạn của mình, là những người sống với chúng ta, cho những người hàng xóm, những người đã làm những điều không tốt đối với chúng ta.
Mọi người Ki-tô hữu đều biết rằng sự tha thứ tội tồn tại cho chính mình; tất cả chúng ta đều biết điều này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự và luôn luôn tha thứ. KHi Chúa Giê-su nói với các môn đệ về ơn sủng của Thiên Chúa, Ngài tóm tắt nó bằng những cách nói về lòng thương xót nhân từ. Ngài nói rằng trên Thiên đàng sẽ vui mừng hơn khi có một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là nhiều người công chính không cần ăn năn (x. Lc 15:7.10). Không có chỗ nào trong các Tin mừng khiến chúng ta nghi ngờ rằng Thiên Chúa không tha thứ tội của một người hoàn toàn quay trở về và xin được vòng tay ôm một lần nữa.
Tuy nhiên, ơn sủng của Chúa là dư tràn và luôn luôn thách đố. Một người đón nhận quá nhiều phải học cách cho đi rất nhiều và không giữ cho riêng bản thân những gì người đó đã lãnh nhận. Một người đón nhận quá nhiều phải học cách cho đi rất nhiều. Không phải là tình cờ mà Tin mừng theo Thánh Mát-thêu ngay sau khi trình bày văn bản “Kinh Lạy Cha,” đã dừng lại để nhấn mạnh đến sự tha thứ huynh đệ trong số bảy lời khẩn cầu: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Và điều này là rất mạnh mẽ! Cha suy nghĩ: có những lúc cha nghe thấy có người nói: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những gì họ đã làm đối với tôi!” Nhưng nếu bạn không tha thứ thì Thiên Chúa cũng sẽ không tha thứ cho bạn. Chính bạn chọn cánh cửa ra. Chúng ta hãy suy nghĩ xem chúng ta có khả năng tha thứ hay chúng ta không tha thứ. Khi cha ở một giáo phận kia, một linh mục băn khoăn kể cho cha nghe câu chuyện khi ngài đi ban các Bí tích cuối cùng cho một bà cụ gần hấp hối. Bà cụ tội nghiệp đó không nói được. Và linh mục nói với bà: “Thưa bà, bà có thống hối các tội của bà không?” Bà cụ nói có; cha không nghe được lời xưng tội nhưng bà nói có. Thế là đủ. Và khi cha hỏi lần nữa: “Bà có tha thứ cho những người khác không?” Và bà cụ sắp hấp hối nói: “Không.” Vị linh mục vẫn còn băn khoăn. Nếu anh chị em không tha thứ thì Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho anh chị em. Chúng ta những người có mặt ở đây suy nghĩ xem chúng ta tha thứ hay chúng ta có khả năng tha thứ. “Lạy Cha, con thể làm được điều đó, vì những người kia gây ra cho con quá nhiều điều.” Tuy nhiên, nếu anh chị em không thể làm được, hãy xin Chúa ban cho anh chị em sức mạnh để thực hiện điều đó: Lạy Chúa, xin giúp con biết tha thứ. Ở đó chúng ta tái khám phá được mối liên kết giữa tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu kêu gọi tình yêu, tha thứ kêu gọi thứ tha. Chúng ta lại tìm thấy trong Tin mừng theo Thánh Mát-thêu một dụ ngôn rất mạnh mẽ nói về sự tha thứ huynh đệ (x. 18:21-35). Chúng ta cùng lắng nghe.
Có một người đầy tớ mắc một món nợ khổng lồ với vua của anh ta: mười ngàn yến vàng! Một con số không có cách gì trả lại; cha chẳng biết bây giờ nó trị giá bao nhiêu, nhưng có lẽ hàng trăm triệu. Tuy nhiên, phép lạ đã xảy ra, và người đầy tớ nhận được một ân tứ bất ngờ — không phải là sự gia hạn thời gian trả, nhưng là tha nợ hoàn toàn! Nhưng sự thật trớ trêu ngay sau đó chúng ta nhìn thấy cách người đầy tớ này cư xử với người anh em của anh ta chỉ nợ một trăm quan tiền — một con số rất nhỏ –, và mặc dù số tiền này là có thể trả được, nhưng anh ta vẫn không chấp nhận bất kỳ lời bào chữa hay khẩn nài. Vì vậy cuối cùng, ông chủ gọi anh ta lại và kết án anh ta. Vì nếu bạn không cố gắng tha thứ thì bạn sẽ không được thứ tha; nếu bạn không cố gắng yêu thương thì bạn sẽ không được thương yêu.
Chúa Giê-su lồng ghép sức mạnh của sự tha thứ trong các mối quan hệ của con người. Không phải mọi sự trong cuộc sống đều được giải quyết bằng công lý. Không phải vậy. Trên hết, khi phải đặt một dấu chấm hết cho sự ác, thì người ta phải có sự yêu thương vượt trên những gì còn mắc nợ, để bắt đầu lại một lịch sử của ơn sủng. Cái ác biết đến sự báo thù, và nó không hề bị gián đoạn; nguy cơ nó làm cho toàn thế giới trở nên nghẹt thở. Đối với luật ăn miếng trả miếng — anh làm gì cho tôi thì tôi sẽ trả lại như vậy — Chúa Giê-su thay thế bằng luật yêu thương: Thiên Chúa đã làm những gì cho tôi thì tôi làm lại cho bạn cũng như vậy! Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ, trong tuần lễ Phục sinh này, chúng ta có khả năng tha thứ không. Và nếu chúng ta cảm thấy không đủ khả năng, chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết tha thứ, vì đó là ơn có khả năng tha thứ.
Thiên Chúa ban cho mỗi người Ki-tô hữu ơn viết một câu chuyện về sự tốt lành trong cuộc sống của người anh em mình, đặc biệt đối với những người đã làm điều gì đó không nên không phải hoặc sai lỗi. Bằng một lời nói, một cái ôm, một nụ cười, chúng ta có thể truyền sang người khác những gì chúng ta đã đón nhận là điều quý giá nhất. Vậy điều quý giá nhất chúng ta đã được đón nhận là gì? Đó là sự tha thứ, là điều chúng ta cũng phải có khả năng để trao cho người khác.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét