Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’

‘Dẫu cho tất cả mọi tình yêu thuộc thế gian của chúng ta có bị sụp đổ và chẳng còn gì ngoài bụi đất, thì vẫn luôn luôn còn lại cho tất cả chúng ta tình yêu trung tín, duy nhất, và cháy bỏng của Chúa Cha’

20 tháng Hai, 2019 15:35

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng này được tổ chức thành hai thời gian. Lúc 9.10 Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên hành hương của Tổng Giáo phận Benevento trong Vương cung Thánh đường Vatican.

Lúc 9:45, trong Đại sảnh Phaolô VI Đức Thánh Cha gặp gỡ nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Trích sách Thánh: Isaia 49:14-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm khách hành hương và tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay diễn ra trong hai thời điểm. Trước giờ này cha đã gặp gỡ các tín hữu của Benevento, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, và bây giờ là với anh chị em. Và việc này là nhờ sự tinh ý của ngài Tổng trưởng đặc trách các vấn đề Nội chính cho Giáo hoàng không muốn anh chị em bị lạnh. Chúng ta cùng cảm ơn những người đã chuẩn bị cho việc này. Cảm ơn anh chị em.

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha.” Bước khởi đầu của mọi lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu là cánh cửa đi vào một mầu nhiệm, mầu nhiệm hiền phụ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể cầu nguyện như những con vẹt. Hoặc là anh chị em đi vào mầu nhiệm, trong ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, hoặc là anh chị em không cầu nguyện. Nếu tôi muốn dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa là Cha của tôi là tôi bắt đầu mầu nhiệm. Để hiểu được chừng mực nào đó Thiên Chúa là Cha chúng ta, hãy nghĩ đến hình ảnh của cha mẹ chúng ta; tuy nhiên, trong những giới hạn chúng ta phải luôn luôn “thanh lọc nó,” thanh tẩy nó. Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng trình bày cho chúng ta như sau: “Luôn luôn phải có sự thanh tẩy tâm hồn chúng ta khi nghĩ đến những hình ảnh hiền phụ và hiền mẫu, bắt nguồn từ lịch sử riêng tư và văn hóa của chúng ta, và tác động đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa” (s. 2779).

Không ai trong chúng ta có cha mẹ hoàn hảo, không ai, cũng như ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành những cha mẹ hoặc những mục tử hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều có những thiếu sót, tất cả mọi người. Chúng ta luôn sống những mối quan hệ yêu thương của mình trong các giới hạn và kể cả tính ích kỷ. Vì vậy, chúng thường bị làm hoen ố bởi những khao khát chiếm hữu hoặc thao túng người khác. Vì vậy, đôi khi các tuyên bố về sự yêu thương lại bị biến thành những cảm giác giận ghét và thù hận. Nhưng, xem này, hai người này tuần trước còn yêu nhau lắm cơ mà, vậy mà hôm nay họ đã ghét nhau không đội trời chung. Chúng ta chứng kiến chuyện này mỗi ngày! Nguyên nhân của nó là vì, vì tất cả chúng ta đều có những cái rễ cay đắng cắm trong tâm hồn, chúng không tốt lành và đôi khi trồi lên và làm điều ác.

Đó là lý do tại sao khi chúng ta nói đến Thiên Chúa là “Cha,” khi chúng ta suy nghĩ đến hình ảnh của cha mẹ chúng ta, đặc biệt khi họ yêu thương chúng ta, thì chúng ta phải đi xa hơn thế. Vì tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu của Chúa Cha “Đấng ngự trên Trời,” theo cách diễn đạt mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sử dụng: đó là một tình trọn vẹn, điều mà chúng ta chỉ được nếm trải một cách khiếm khuyết trong cuộc sống này. Nam và nữ là những người ăn mày tình yêu đời đời — chúng ta là những người ăn mày tình yêu, chúng ta luôn cần tình yêu — họ tìm kiếm một nơi cuối cùng họ được yêu thương, nhưng họ lại không tìm được. Không biết bao nhiêu tình bạn và tình yêu bị thất vọng trong thế giới của chúng ta — quá nhiều!

Trong thần thoại, thần tình yêu của Hy lạp rơi vào thảm kịch nặng nề nhất: người ta chẳng hiểu vị thần đó là một thiên thần hay một yêu ma. Thần thoại kể rằng vị thần đó là con trai của thần Poros và thần Penia, nghĩa là của tính thực dụng và của sự nghèo khổ, dẫn đến vị thần đó mang trong mình đặc điểm của cả người cha người mẹ. Từ đây chúng ta có thể nghĩ đến bản chất hai chiều của tình yêu nơi con người, có khả năng nở hoa nhưng cũng có thể sống một cách ích kỷ chỉ trong cùng một giờ trong ngày, rồi ngay lập tức khô héo và chết đi; cái gì muốn tóm lấy sẽ luôn vuột khỏi tầm tay (x. Plato, Symposium, 203). Ngôn sứ Hô-sê có một câu diễn tả một cách thẳng thắn cho thấy sự yếu đuối bẩm sinh trong tình yêu của chúng ta: “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (6:4). Như vậy chúng ta thấy được tình yêu của mình thường như thế nào: một lời hứa thường khó giữ, một nỗ lực mau chóng bị tan biến và bốc hơi; một cách nào đó nó giống như mặt trời mọc lên vào buổi sáng và sương đêm tan biến.

Không biết bao nhiêu lần con người yêu thương theo cách rất yếu ớt và ngắt quãng như vậy. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm: chúng ta yêu nhưng rồi tình yêu đó vấp ngã hoặc trở nên yếu ớt. Khao khát yêu thương, chúng ta chống lại những giới hạn của mình bằng sự nghèo nàn sức mạnh của chúng ta, không đủ khả năng để giữ được một lời hứa mà trong những ngày ân sủng rất dễ dàng thực hiện. Thánh Tông đồ Phê-rô đã quá sợ hãi và chạy trốn. Thánh Tông đồ Phê-rô không trung thành với tình yêu của Chúa Giê-su. Sự yếu đuối này luôn luôn có mặt để làm chúng ta vấp ngã. Chúng ta là những người hành khất phiêu lưu và không hề tìm được gia tài mà chúng ta tìm kiếm từ ngày đầu tiên của sự sống: tình yêu.

Tuy nhiên, có một tình yêu khác hiện hữu, đó là tình yêu của Chúa Cha “Đấng ngự trên trời.” Không ai phải hoài nghi về việc mình là người được đón nhận tình yêu này. Người yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể nói, “Người yêu tôi.” Ngay cả khi cha mẹ của chúng ta không yêu thương chúng ta — một giả thuyết thuộc lịch sử –, thì vẫn luôn có một Thiên Chúa trên Trời yêu thương chúng ta mà không ai trên trần gian này đã làm hay có thể làm như vậy. Tình yêu của Thiên Chúa luôn kiên vững. Ngôn sứ I-sai-a nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (49:15-16). Việc xăm mình ngày nay đang là mốt thịnh hành: “Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta.” Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta. Như vậy tôi đã được ghi trong bàn tay của Chúa, và tôi không thể gỡ ra. Tình yêu của Thiên Chúa giống như tình yêu của một người mẹ là người không bao giờ quên. Và nếu một người mẹ có quên thì sao? Thì Chúa nói, “Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Đây là tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa; đây là cách Người yêu thương chúng ta. Dẫu cho tất cả mọi tình yêu thuộc thế gian của chúng ta có bị sụp đổ và chẳng còn gì ngoài bụi đất, thì vẫn luôn luôn còn lại cho tất cả chúng ta tình yêu trung tín, duy nhất, và cháy bỏng của Chúa Cha.

Trong cơn đói yêu thương mà tất cả chúng ta đều cảm nhận, chúng ta đừng đi tìm kiếm một điều gì đó không hề tồn tại; nhưng là lời mời gọi chúng ta tìm biết Thiên Chúa là Cha. Chẳng hạn sự trở lại của Thánh Augustine đã đi qua đỉnh này: vị giáo sư trẻ tuổi thông minh chỉ tìm tòi giữa các thụ tạo một điều gì đó mà không thụ tạo nào có thể trao tặng, cho đến một ngày ngài có can đảm ngước nhìn lên. Và ngày đó ngài tìm biết được Thiên Chúa — Thiên Chúa yêu thương.

Cụm từ “ở trên trời” không hàm ý diễn tả sự xa cách, nhưng là sự khác biệt tuyệt đối của tình yêu, một chiều kích khác của tình yêu, một tình yêu không bao giờ mệt mỏi, một tình yêu mãi luôn sẵn sàng, tức là luôn luôn sẵn sàng trong tầm tay. Chỉ cần thưa lên “Lạy Cha chúng con ở trên trời,” và tình yêu đó đến.

Vì vậy, đừng sợ. Không ai trong chúng ta cô đơn. Nếu có bất hạnh khi người cha nơi trần gian của bạn có quên bạn và bạn bực tức vì ông, thì bạn vẫn không bị từ chối tìm được sự trải nghiệm căn bản của đức tin Ki-tô: đó là biết rằng bạn là người con được thương yêu nhất của Thiên Chúa và chẳng điều gì trong cuộc sống có thể dập tắt được tình yêu cháy bỏng của Người dành cho bạn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/2/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét