© Vatican Media
Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha tiếp tục phân tích về ‘Kinh Lạy Cha’
10 tháng Tư, 2019 15:20
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về “Xin tha tội chúng con” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Thư thứ Nhất của Thánh Tông đồ Gioan 1:8-9).
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em!
Hôm nay trời không đẹp lắm, nhưng dẫu sao chúng ta cũng cứ chào buổi sáng tốt lành!
Sau khi xin Chúa ban cho lương thực hàng ngày, “Kinh Lạy Cha” bước vào lĩnh vực những mối quan hệ của chúng ta với tha nhân. Và Chúa Giê-su dạy chúng ta xin với Chúa Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Cũng giống như nhu cầu chúng ta cần lương thực, chúng ta cần có sự tha thứ, và đây là vấn đề của hàng ngày.
Trước hết, người Ki-tô hữu cầu xin Chúa tha thứ cho lỗi phạm của mình, cụ thể đó là tội của mình, những điều xấu xa đã làm. Đây là sự thật đầu tiên của mỗi lời kinh: cho dù chúng ta có là những con người hoàn hảo, cho dù chúng ta có là những vị thánh trong như pha lê là những người không bao giờ đi lệch khỏi con đường thiện hảo, thì chúng ta vẫn luôn luôn là những đứa con mang nợ tất cả mọi điều với Chúa Cha.
Thái độ nào là nguy hiểm nhất đối với đời sống của mọi người Ki-tô hữu? Đó là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của một người đặt mình trước mặt Thiên Chúa và cho rằng anh ta luôn luôn có những báo cáo rất thứ tự lớp lang với Người. Người kiêu ngạo tin rằng anh ta luôn sắp xếp mọi việc đâu ra đó. Giống như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn là người nghĩ đến việc cầu nguyện trong Đền thờ nhưng thật ra là ca tụng mình trước mặt Chúa: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác.” Và những người cho rằng mình là người hoàn hảo, những người chỉ trích người khác là những con người kiêu ngạo. Không một ai trong chúng ta là người hoàn hảo, không một ai. Ngược lại, người thu thuế, anh ta đứng ở phía sau, trong Đền thờ, là một kẻ tội lỗi trước mắt tất cả mọi người, dừng lại trên ngưỡng cửa Đền thờ và không cảm thấy mình xứng đáng được bước vào, và phó thác bản thân cho lòng thương xót của Chúa. Và Chúa Giê-su nói: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18:14), tức là được tha thứ, được cứu thoát. Tại sao? — vì anh ta không kiêu căng; vì anh ta biết chân nhận những giới hạn và tội của mình.
Có những tội nhìn thấy được và có những tội không nhìn thấy được. Có những tội rõ ràng rất dễ nhận thấy, nhưng cũng có những tội rất khó phát hiện, chúng làm tổ trong tâm hồn mà thậm chí chúng ta không nhận biết. Nặng nề nhất đó là sự kiêu ngạo, nó thậm chí có thể lây nhiễm cả những người sống trong đời sống tu trì khép kín. Có một lần trong một nữ tu viện, trong khoảng những năm 1600-1700, rất nổi tiếng, vào thời đại của thuyết Giăng-xen (Jansenism): các nữ tu là những người rất hoàn hảo và người ta nói rằng các Sơ trong trắng như thiên thần nhưng lại kiêu ngạo như quỷ sứ. Đó là một điều kinh khủng. Tội làm chia rẽ tình huynh đệ; tội làm cho chúng ta coi mình là tốt hơn người khác; tội làm cho chúng ta tin rằng chúng ta cũng ngang bằng với Thiên Chúa. Nhưng, trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là những tội nhân và chúng ta có lý do để đấm ngực, — tất cả chúng ta! Như người thu thuế đó trong Đền thờ. Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8). Nếu bạn muốn lừa gạt bản thân, hãy nói rằng bạn không có tội: và như vậy là bạn đã lừa dối mình rồi.
Trước hết, chúng ta là những người mắc nợ, vì chúng ta đã lãnh nhận quá nhiều trong cuộc sống này: sự sống, một người cha và một người mẹ, tình bạn, những sự kỳ diệu của Tạo vật … Dẫu cho chuyện có xảy đến với tất cả mọi người phải đi qua những ngày khó khăn, thì chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng cuộc sống là một ân ban, nó là một phép lạ mà Thiên Chúa chẳng lấy đi bất cứ điều gì.
Thứ hai, chúng ta là những người mắc nợ, dù cho chúng ta có thành công trong sự yêu thương thì không một người nào trong chúng ta có thể làm được điều đó bằng sức mạnh của riêng mình. Tình yêu đích thực xảy ra khi chúng ta có thể yêu thương, nhưng với ơn sủng của Thiên Chúa. Chẳng ai trong chúng ta tỏa sáng bằng ánh sáng của riêng mình. Có một cách nói mà các nhà thần học xưa kia gọi là “mysterium lunae” không những với bản sắc của Giáo hội nhưng với lịch sử của từng người chúng ta. “Mysterium lunae” nghĩa là gì? Nó giống như mặt trăng, tự nó không có ánh sáng: nó chỉ phản chiếu lại sáng sáng của mặt trời. Chúng ta cũng không có ánh sáng của riêng mình: ánh sáng chúng ta có được là sự phản chiếu của ơn sủng của Chúa, của ánh sáng của Thiên Chúa. Nếu bạn biết yêu thương, đó là vì một ai đó, bên ngoài bạn, đã mỉm cười với bạn khi bạn còn nhỏ, dạy cho bạn biết đáp lại bằng một nụ cười. Nếu bạn biết yêu thương, đó là vì một ai đó bên cạnh bạn đã thức tỉnh bạn biết yêu thương, làm cho bạn hiểu rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm trong điều đó.
Chúng ta hãy cố lắng nghe câu chuyện của một người đã phạm sai lầm: một tù nhân, một người bị kết án, một người nghiện ngập … chúng ta biết rất nhiều người đã phạm sai lầm trong cuộc sống. Bỏ qua thành kiến về trách nhiệm là điều luôn luôn riêng tư, đôi lúc anh chị em thắc mắc rằng ai là người phải bị khiển trách về những lỗi lầm của người kia, có phải đó là lương tâm của người đó hay là một lịch sử của lòng thù hận và bị loại bỏ mà một người luôn mang theo trong mình.
Và đây là bí mật của mặt trăng: chúng ta yêu thương vì trên hết chúng ta đã được yêu; chúng ta tha thứ vì chúng ta đã được tha thứ. Và nếu ánh sáng mặt trời không chiếu tỏa trên một người, người đó trở nên đóng băng lạnh lẽo như mặt đất mùa đông.
Trong chuỗi mắt xích của tình yêu trước chúng ta, làm sao chúng ta lại không nhận ra được sự hiện hữu của tình yêu của Thiên Chúa quan phòng? Chẳng ai trong chúng ta yêu mến Thiên Chúa như Người đã yêu thương chúng ta. Chỉ cần đứng trước một thập giá thì chúng ta có thể hiểu được sự mất cân xứng đó. Người mãi mãi yêu thương chúng ta và luôn yêu thương chúng ta trước.
Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, ngay cả một người thánh thiện nhất ở giữa chúng con thì vẫn mãi mãi là người mắc nợ Chúa. Ôi, lạy Cha, xin rủ lòng thương xót tất cả chúng con!
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét