Thượng Hội đồng - Vatican Media
Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)
Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)
‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’
15 tháng Một, 2019 12:47
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.
* * *
Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục
về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi
Bài đăng 14 (Số 138 - 143):
**************
PHẦN III
Chương II (tiếp theo)
Thừa tác vụ mục vụ từ góc nhìn ơn gọi
Giáo hội, ngôi nhà cho người trẻ
138. Chỉ qua con đường tiếp cận mục vụ đủ khả năng canh tân đặt nền tảng trong việc chăm sóc các mối quan hệ và chất lượng của cộng đoàn Ki-tô giáo mới có ý nghĩa và hấp dẫn đối với giới trẻ. Từ đó, Giáo hội sẽ có thể giới thiệu mình như một ngôi nhà chào đón họ, nổi bật với bầu không khí gia đình được xây dựng trên niềm tin và sự tự tin. Khát khao tình huynh đệ, đây là điều xuất hiện rất nhiều lần khi Thượng Hội đồng lắng nghe người trẻ, yêu cầu Giáo hội phải trở thành “một ngôi nhà cho nhiều dân tộc, một người mẹ cho tất cả các dân tộc” (Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, 288): thừa tác vụ mục vụ có trách nhiệm làm cho tình mẫu tử phổ quát của Giáo Hội trở nên hiện thực trong lịch sử, thông qua những hành động cụ thể và mang tính ngôn sứ về sự chào đón hân hoan và mọi ngày, là điều làm cho Giáo hội trở thành một ngôi nhà cho giới trẻ.
Lòng nhiệt thành ơn gọi của thừa tác vụ mục vụ
139. Ơn gọi là bản lề mà xoay quanh nó tất cả các chiều kích của con người được hợp nhất. Nguyên tắc này không chỉ liên quan đến cá nhân tín hữu, mà kể cả thừa tác vụ mục vụ nói chung. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng phải làm sáng tỏ rằng chỉ trong chiều kích ơn gọi thì tất cả các thừa tác vụ mục vụ mới tìm thấy một nguyên tắc thống nhất, vì ở đây nó tìm thấy nguồn cội và sự trọn vẹn của nó. Do đó, liên quan đến các hành trình thay đổi mục vụ đang được tiến hành, không ai yêu cầu tăng cường thừa tác vụ ơn gọi như một khu vực riêng biệt và độc lập, mà để tạo sinh khí cho cách tiếp cận mục vụ toàn diện của Giáo hội, trình bày một cách hiệu quả sự đa dạng rất lớn của ơn gọi. Mục tiêu của thừa tác vụ mục vụ là giúp mọi người, thông qua một hành trình phân định, để đạt “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Eph 4:13).
Thừa tác vụ ơn gọi mục vụ cho người trẻ
140. Ngay từ khởi đầu của tiến trình thượng hội đồng đã cho thấy rất rõ ràng rằng thừa tác vụ giới trẻ cần một định hướng ơn gọi. Theo cách này, hai đặc điểm trọng yếu cho cách tiếp cận mục vụ đối với các thế hệ trẻ nổi lên: đó chính để “dành cho giới trẻ”, vì nó nhắm đến những người đang ở trong giai đoạn duy nhất và không thể lặp lại trong cuộc sống đó là tuổi trẻ; nó “thuộc về ơn gọi”, vì tuổi trẻ là thời gian đặc ân cho các lựa chọn cuộc sống và để đáp lại lời kêu gọi của Chúa. “Tính ơn gọi” của thừa tác vụ giới trẻ không nên hiểu theo nghĩa độc quyền, mà là ý nghĩa chuyên sâu. Thiên Chúa kêu gọi mọi độ tuổi trong cuộc sống – từ trong lòng người mẹ đến khi về già – nhưng tuổi trẻ là khoảng thời gian đặc ân để lắng nghe, sẵn sàng và đón nhận ý Chúa.
Thượng hội đồng đưa ra đề nghị rằng ở cấp Hội đồng Giám mục Quốc gia, phải chuẩn bị một “sổ tay Hướng dẫn Thừa tác vụ Giới trẻ” theo quan điểm về ơn gọi, để giúp các vị lãnh đạo cấp giáo phận và thừa tác viên địa phương cung cấp sự đào tạo và hoạt động tốt với và cho giới trẻ.
Từ sự phân mảnh đến sự hợp thành một hệ thống
141. Mặc dù hiểu rằng việc lập kế hoạch cho các hoạt động mục vụ là cần thiết, để tránh sự tùy tiện, trong nhiều trường hợp các Nghị Phụ đã bày tỏ sự băn khoăn lo lắng của họ trước sự phân mảnh ít nhiều đối với cách tiếp cận mục vụ của Giáo hội. Cụ thể, các ngài nói đến rất nhiều cách tiếp cận mục vụ đối với giới trẻ: thừa tác vụ giới trẻ, thừa tác vụ gia đình và ơn gọi, tuyên úy trường học và đại học, các hoạt động xã hội, văn hóa, bác ái, thời gian rảnh, v.v. Việc thành lập nhiều văn phòng có tính chuyên môn cao, nhưng đôi khi hoạt động tách biệt với nhau, không làm cho thông điệp Ki-tô giáo trở nên dễ tiếp cận hơn. Trong một thế giới bị phân mảnh, người trẻ cần được giúp đỡ để hợp nhất cuộc sống, diễn giải những trải nghiệm hàng ngày của họ và phân định sâu sắc. Nếu đây là sự ưu tiên thì cần phát triển sự phối hợp và hợp nhất cao hơn giữa các lĩnh vực khác nhau, chuyển từ một công việc cho “các văn phòng” thành một công việc cho “các dự án”.
Mối quan hệ đầy hoa trái giữa các sự kiện và cuộc sống hàng ngày
142. Trong Thượng Hội đồng, thường có sự đề cập về Ngày Giới trẻ Thế giới và nhiều sự kiện liên quan diễn ra ở cấp độ lục địa, quốc gia và giáo phận, cùng với những sự kiện được tổ chức bởi các hiệp hội, phong trào, hội đoàn tôn giáo và các thực thể giáo hội khác. Những khoảng thời gian gặp gỡ và chia sẻ này được đánh giá cao, vì chúng mang đến cơ hội cùng chia sẻ hành trình giống như một cuộc hành hương, trải nghiệm tình huynh đệ với tất cả mọi người, hân hoan chia sẻ niềm tin và ngày càng gần gũi hơn với Giáo hội. Đối với nhiều người trẻ, những khoảng thời gian này là một kinh nghiệm về sự biến đổi, trong đó họ đã trải nghiệm được vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa và đưa ra những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống. Những hoa trái tốt nhất của sự trải nghiệm này được tích lũy trong cuộc sống mỗi ngày. Do đó, điều quan trọng là phải lập kế hoạch và trải nghiệm những sự tích lũy này như là các bước đi quan trọng của một tiến trình đạo đức rộng lớn hơn.
Những trung tâm giới trẻ
143. Những địa điểm cụ thể dành riêng cho giới trẻ của cộng đoàn Ki-tô giáo, chẳng hạn như các nhà nguyện, các trung tâm giới trẻ và những cấu trúc tương tự khác, thể hiện nhiệt huyết đối với giáo dục của Giáo hội. Chúng có thể mang nhiều hình thức, nhưng chúng vẫn là những không gian ưu tiên, trong đó Giáo hội trở thành ngôi nhà chào đón dành cho thanh thiếu niên, những người khám phá được tài năng của họ và dấn thân phục vụ. Chúng truyền tải một gia tài giáo dục rất phong phú, được chia sẻ trên phạm vi rộng lớn, để hỗ trợ các gia đình và chính xã hội dân sự.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của một Giáo hội hướng ra bên ngoài, cần phải có sự đổi mới mang tính sáng tạo và linh hoạt cho những thực tại này, bỏ đi ý tưởng trở thành các trung tâm tĩnh lặng mà giới trẻ có thể đến, hướng tới ý tưởng về các chủ đề mục vụ cùng chuyển động và hướng tới giới trẻ, tức là có khả năng gặp gỡ họ ở những nơi bình thường của cuộc sống – trường học và môi trường kỹ thuật số, những vùng ngoại vi, thế giới nông thôn, thế giới công việc, xu hướng âm nhạc và nghệ thuật, v.v.. – tạo ra một phong cách tông đồ mới năng động và tích cực hơn.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2019]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét