Bài giảng Lễ Hiển linh của Đức Thánh Cha
Cũng như các Đạo sĩ, ‘Chúng ta cần phải phát triển sự thờ lạy’
06 tháng Một, 2020 10:43
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico sáng nay Lễ Hiển linh trong Quảng trường Thánh Phê-rô:
***
Trong Tin mừng (Mt 2:1-12), các vị Đạo sĩ bắt đầu bằng việc trình bày lý do họ đến: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (c. 2). Bái lạy là đích đến và là mục tiêu chuyến đi của họ. Thật vậy, khi đến Bê-lem, “họ thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (c. 11). Khi chúng ta mất đi ý thức của sự thờ lạy, là chúng ta đánh mất hướng đi trong đời sống người Ki-tô hữu, đó là một hành trình hướng đến Thiên Chúa, không hướng về bản thân chúng ta. Tin mừng cảnh báo chúng ta về nguy cơ này, vì bên cạnh các Đạo sĩ Tin mừng cũng trình bày những người khác không có khả năng thờ lạy.
Trước hết là Vua Hê-rô-đê, ông ta nói đến chữ thờ lạy, nhưng chỉ để đánh lừa. Ông ta yêu cầu các Đạo sĩ nói cho biết nơi để tìm đến hài nhi, “để tôi cũng đến bái lạy Người” (c. 8). Sự thật là Hê-rô-đê chỉ tôn thờ bản thân ông ta; đó là lý do tại sao ông ta muốn tống khứ hài nhi khỏi mắt ông ta bằng một lời nói dối. Việc này dạy chúng ta điều gì? Tức là khi chúng ta không còn thờ lạy Thiên Chúa thì cuối cùng chúng ta sẽ thờ lạy bản thân chúng ta. Đời sống người Ki-tô hữu cũng vậy, khi không còn thờ lạy Thiên Chúa thì nó có thể trở thành một con đường để khẳng định bản thân và những khả năng của riêng mình một cách kín đáo. Đây là một nguy cơ rất lớn: chúng ta lợi dụng Thiên Chúa thay vì phục vụ Người. Đã bao nhiêu lần chúng ta lẫn lộn giữa những ích lợi của Tin mừng với ích lợi của riêng chúng ta? Đã bao nhiêu lần chúng ta khoác lên cho sự đạo đức những điều mà chúng ta thấy thuận tiện? Không biết bao nhiêu lần chúng ta lẫn lộn giữa sức mạnh của Thiên Chúa, đó là phục vụ tha nhân, với sức mạnh của thế gian này, là phục vụ cho bản thân chúng ta!
Ngoài Hê-rô-đê, có những người khác trong Tin mừng cũng không có khả năng thờ lạy: họ là các tư tế và kinh sư. Họ nói cho Hê-rô-đê biết chính xác địa điểm Đấng Mê-xi-a sinh ra ở đâu: tại Bê-lem miền Giu-đê-a (x. c. 5). Họ biết các sách ngôn sứ và có thể trích dẫn chính xác. Họ biết phải đến đâu, nhưng họ không đến đó. Ở đây chúng ta cũng có thể rút ra một bài học. Trong đời sống Ki-tô hữu, hiểu biết thôi là chưa đủ: nếu chúng ta không thoát ra khỏi con người của mình, nếu chúng ta không gặp gỡ tha nhân và thờ lạy, thì chúng ta không thể biết Chúa. Thần học và tính hiệu quả mục vụ mang rất ít ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa nếu chúng ta không quỳ gối; nếu chúng ta không quỳ gối như các Đạo sĩ, họ không chỉ am tường về việc lên kế hoạch cho hành trình, nhưng có khả năng lên đường và quỳ gối thờ lạy. Khi chúng ta thờ lạy, chúng ta mới nhận ra rằng đức tin không đơn giản là một bộ giáo lý đẹp, nhưng là một mối quan hệ với Đấng Hằng sống là Đấng chúng ta được kêu gọi để yêu mến. Chính sự gặp gỡ trực tiếp Chúa Giê-su thì chúng ta mới nhìn thấy được Ngài. Qua sự thờ lạy, chúng ta khám phá ra rằng đời sống Ki-tô hữu là một câu chuyện tình với Thiên Chúa, trong đó điều thật sự quan trọng không phải là những ý tưởng đẹp đẽ của chúng ta, nhưng là khả năng đặt Ngài vào trung tâm tình yêu của chúng ta, như những người đang yêu thường làm với người yêu của họ. Đây chính là điều Giáo hội phải trở nên, là một người thờ lạy yêu mến Chúa Giê-su là đức lang quân của mình.
Khi Năm Mới vừa bắt đầu, ước mong rằng chúng ta một lần nữa khám phá được rằng đức tin đòi hỏi sự thờ lạy. Nếu chúng ta có thể quỳ gối trước Chúa Giê-su, chúng ta sẽ vượt qua được cám dỗ vạch ra con đường của riêng mình. Vì thờ lạy là thực hiện một cuộc giải thoát khỏi hình thức ràng buộc mạnh mẽ nhất: là sự nô lệ cho cái tôi. Thờ lạy có nghĩa là đặt Thiên Chúa vào trung tâm, không phải bản thân chúng ta. Nó có nghĩa là trả lại đúng vị trí cho mọi điều, và nhường vị trí thứ nhất cho Thiên Chúa. Thờ lại có nghĩa là đặt chương trình của Thiên Chúa quan trọng hơn thời gian của riêng chúng ta, hơn những quyền hạn và không gian của chúng ta. Nó là việc chấp nhận giáo huấn của Kinh thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:10). Thiên Chúa của ngươi: thờ lạy có nghĩa là nhận biết rằng bạn và Thiên Chúa thuộc về nhau. Nó có nghĩa là có thể nói chuyện với Người một cách tự do và thân tình. Nó có nghĩa là mang cuộc sống của bạn đến với Người và cho phép Người đi vào cuộc sống đó. Nó có nghĩa là để cho sự an ủi của Người đi vào trần gian. Thờ lạy có nghĩa là khi cầu nguyện chỉ cần nói rằng: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con!”, và để cho tình yêu dịu dàng của Người lan tỏa thấm đẫm chúng ta.
Thờ lạy không có nghĩa là đến với Chúa Giê-su với một danh mục những điều cầu xin, nhưng với một yêu cầu duy nhất: trung thành với Người. Nó là việc khám phá ra rằng niềm vui và sự bình an lớn lên cùng với lời ngợi khen và tạ ơn. Trong sự thờ lạy, chúng ta cho phép Chúa Giê-su chữa lành và biến đổi chúng ta. Trong sự thờ lạy, chúng ta để cho Chúa có thể biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Người, để nhóm lên ánh sáng giữa bóng đêm đen, để ban cho chúng ta sức mạnh trong sự yếu đuối và lòng can đảm giữa những thử thách. Thờ lạy có nghĩa là tập trung vào điều gì là trọng yếu: thoát ly khỏi những thứ vô ích và các thói nghiện ngập làm tê liệt tâm hồn và phá hủy tâm trí. Trong sự thờ lạy, chúng ta học cách từ chối những gì không được thờ lạy: đó là thần tiền bạc, thần hưởng thụ, thần lạc thú, thần thành công, thần của cái tôi. Thờ lạy có nghĩa là sấp mình thật sâu trước Đấng Cao trọng nhất và để khám phá trước sự hiện hữu của Người rằng sự vĩ đại trong cuộc sống không bao gồm trong của cải, nhưng trong sự yêu thương. Thờ lạy có nghĩa là chân nhận rằng tất cả chúng ta là anh chị em trước mầu nhiệm của tình yêu xây dựng cầu nối cho mọi khoảng cách: đó là để gặp gỡ sự tốt lành ban đầu; đó là để tìm được sự can đảm đến gần với tha nhân trong sự gần gũi của Thiên Chúa. Thờ lạy có nghĩa là giữ tĩnh lặng trước sự hiện hữu của Ngôi Lời của Thiên Chúa, và học cách sử dụng lời nói không tạo ra tổn thương nhưng để an ủi.
Thờ lạy là một hành động yêu thương làm thay đổi đời sống của chúng ta. Đó là làm như những gì các Đạo sĩ đã làm. Để mang đến cho Chúa vàng và thưa với Người rằng chẳng có gì quý giá hơn chính Người. Để dâng lên Người nhũ hương và thưa với Người rằng chỉ ở trong sự hiệp nhất với Người thì đời sống chúng ta mới có thể dâng lên tới Thiên đàng. Để dâng lên Người mộc dược, dầu thơm xức cho những vết bầm và vết thương, và để hứa với Người rằng chúng ta sẽ cứu trợ cho những anh em bị gạt ra bên lề và đau khổ, là những người mà Ngài hiện thân trong họ.
Anh chị em thân mến, hôm nay mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi có phải là một người Ki-tô hữu thờ lạy không?” Nhiều người Ki-tô hữu cầu nguyện nhưng không thờ lạy. Chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi này: “Chúng ta có tìm được thời gian để thờ lạy trong những lịch công việc mỗi ngày và chúng ta có dành không gian để thờ lạy trong các cộng đoàn của chúng ta không?” Là Giáo hội, điều đó tùy thuộc vào chúng ta có thực hành những lời chúng ta cầu nguyện trong Thánh vịnh hôm nay hay không: “Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa”. Cũng như các Đạo sĩ, khi thờ lạy chúng ta sẽ khám phá được ý nghĩa cho hành trình của chúng ta. Và cũng giống như các nhà Đạo sĩ, chúng ta cũng sẽ trải nghiệm “một niềm vui vô cùng” (Mt 2:10).
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/1/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét