Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn

“Nguyện xin không bao giờ tái diễn lại việc các tôn giáo, bị sự dẫn dắt của một số những người tin theo, chuyển tải một thông điệp bị xuyên tạc bóp méo, đi lạc điệu với lòng thương xót”
3 tháng 11, 2016
Interreligious Gathering
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp kiến 200 thành viên các tôn giáo (Ki-tô giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác), gắn kết trong lĩnh vực hoạt động bác ái và lòng thương xót. Buổi tiếp kiến diễn ra trong bối cảnh của Năm Thánh sắp bế mạc. Dưới đây là bản dịch của Vatican diễn từ của Đức Thánh Cha.
__
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến các bạn. Tôi vô cùng vui mừng được gặp gỡ các bạn và tôi chân thành cảm ơn các bạn đã nhận lời mời đến để chia sẻ suy tư về chủ đề lòng thương xót.
Như quý vị biết rất rõ, chúng ta đang tiến đến bế mạc Năm Thánh, trong đó Giáo hội Công giáo đã suy tư về trọng tâm của thông điệp Ki-tô trên cái nhìn của lòng thương xót. Với chúng tôi, lòng thương xót tỏ lộ danh thánh Thiên Chúa; nó là “nền tảng căn bản nhất của đời sống của Giáo hội” (Thông điệp Dung Nhan Lòng Chúa Thương xót, 10). Nó cũng là chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của con người, của nhân loại mà, ngày nay, đang rất cần sự tha thứ và hòa bình.
Tuy nhiên mầu nhiệm lòng thương xót không chỉ để chào mừng bằng từ ngữ, nhưng trên hết bằng hành động, bằng một cách sống thương xót thực sự mang dấu ấn của tình yêu bao dung, sự phục vụ huynh đệ chia sẻ chân thành. Giáo hội ngày càng khao khát nhận lấy cách sống này, như là một phần của “trách vụ nuôi dưỡng tình hiệp nhất và bác ái” của Giáo hội giữa muôn người (Tuyên ngôn Nostra Aetate, 1). Cũng vậy, các tôn giáo được kêu gọi sống theo cách sống này, đặc biệt trong thời đại của chúng ta, để trở nên những sứ giả hòa bình và những nhà kiến tạo tình thân ái, và để tuyên bố, đối lại với tất cả những ai gieo rắc xung đột, chia rẽ và bất khoan dung, rằng chúng ta là thời đại của tình huynh đệ. Đó là lý do tại sao việc tìm những cơ hội để gặp gỡ lại trở nên rất quan trọng đối với chúng ta, một sự gặp gỡ, tránh xa chủ nghĩa hỗn hợp nông cạn, qua đó “làm chúng ta cởi mở hơn trong đối thoại, hiểu biết nhau hơn; từ bỏ tất cả mọi hình thức đóng cửa lòng và bất kính; và quét sạch mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử” (Tông sắc Dung nhan Lòng Chúa Thương xót, 23). Việc này làm hài lòng Thượng Đế và góp phần vào trách vụ cấp thiết, để trả lời lại không chỉ cho những đòi hỏi của hôm nay nhưng trên hết là cho lệnh truyền của tình yêu là linh hồn của tất cả các tôn giáo đích thực.
Chủ đề lòng thương xót rất quen thuộc vời nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa, trong đó lòng trắc ẩn và phi bạo lực là những yếu tố quan trọng dẫn dắt cách sống; có một câu ngạn ngữ cổ: “chết là cứng và thẳng; sống là mềm mại và uyển chuyển” (Lão Tử, 76). Cúi mình xuống trước người bé mọn và thiếu thốn với một tình yêu thương xót là phần tinh thần của mọi tôn giáo, nó chối bỏ mọi cám dỗ phải dùng đến vũ lực, từ bỏ việc đánh đổi mạng sống con người và nhìn đến người khác như anh chị em, và không bao giờ xem như những thống kê. Để tiếp cận được với tất cả những người đang phải sống trong những hoàn cảnh kêu gọi sự quan tâm của chúng ta, chẳng hạn những bệnh nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, người chịu cảnh bất công và hậu quả của những xung đột và di cư: đây là lệnh truyền từ con tim của mọi truyền thống tôn giáo đích thực. Hãy làm vang vọng tiếng nói của Thượng Đế để thức tỉnh lương tâm mọi con người, kêu gọi họ từ bỏ tính ích kỷ và mở lòng. Hãy mở lòng ra với một Đấng ở trên chúng ta, Người gõ cửa tâm hồn chúng ta, và mở cánh cửa về phía chúng ta, Người gõ cửa nhà của chúng ta, kêu xin sự quan tâm và trợ giúp.
Ý nghĩa sâu xa của từ “lòng thương xót” là một lệnh truyền cho một trái tim rộng mở và trắc ẩn. Nó có gốc từ tiếng La-tinh misericordia, nghĩa là khơi dậy cảm xúc của trái tim – cor – nhạy cảm trước sự đau khổ, nhưng đặc biệt là trước những người đang bị đau khổ, một con tim vượt qua mọi khác biệt vì nó muốn chia sẻ những đau khổ với tha nhân. Trong các ngôn ngữ vùng Á-Phi, chẳng hạn Ả-rập và Hê-brơ, gốc chữ RHM hàm ý chỉ cung lòng của người mẹ, nó cũng diễn tả lòng thương xót của Thượng Đế, nguồn cội sâu thẳm nhất của tình yêu của con người, những tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con mà bà sẽ sinh ra.
Về việc này, ngôn sứ I-sai-a chuyển tải một thông điệp tuyệt mỹ, trong phần nói về Thượng Đế, vừa là một lời hứa của tình yêu và là một thử thách: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ (Is 49:15). Thật đáng buồn, quá nhiều lần chúng ta đã quên, con tim của chúng ta trở nên thờ ơ và lạnh lùng. Chúng ta tự xa cách với Thượng Đế, với anh em và thậm chí với ký ức lịch sử của chúng ta, và chúng ta đưa mình đến bánh xe lặp lại những tội ác thảm kịch của các thế hệ khác, thậm chí với những hình thức tàn bạo hơn.
Đây là một bi kịch của tội ác, của những vực sâu gớm ghiếc mà trong đó sự tự do của chúng ta có thể rơi xuống khi bị cám dỗ bởi tội lỗi, nó luôn rình rập, chờ đợi để hạ gục và ném chúng ta xuống. Từ đấy, chính tại nơi đây, trước những thách thức của tội ác đang thử thách sức chịu đựng của mọi tôn giáo, chúng ta tìm được bài giải kỳ diệu nhất của tình yêu thương xót. Tình yêu đó không biến chúng ta thành con mồi cho tội ác hay cho sự bạc nhược của chúng ta; nó không “quên”, nhưng “ghi nhớ”, và xích lại gần với nỗi thống khổ của mỗi con người để xoa dịu nó. Như một người mẹ, dù đứa con có phạm tội như thế nào, người mẹ vẫn luôn có cái nhìn vượt qua tội lỗi của nó để để tìm lại khuôn mặt của đứa con bà đã cưu mang trong lòng.
Trong thế giới quay cuồng và chóng quên hôm nay, nó bỏ rơi lại đàng sau không biết bao nhiêu con người trên đường đua của nó, mệt lả không mục tiêu, chúng ta cần thêm nhiều lượng ô-xi của tình yêu nhưng không và ban tặng sự sống này. Chúng ta khát lòng thương xót và không công nghệ nào có thể làm dịu được cơn khát đó. Chúng ta tìm kiếm một tình yêu vượt qua những lạc thú phù du, tìm kiếm một bến bờ an toàn nơi chúng ta có thể dừng những bước chân lang thang miệt mài, tìm kiếm một cái ôm yêu thương tha thứ và hòa giải.
Thật vô cùng quan trọng, khi chúng ta suy nghĩ đến nỗi sợ hãi đang lan rộng hôm nay rằng chúng ta không thể được tha thứ, không thể được hòa giải và không thể được cứu rỗi khỏi những yếu đuối của chúng ta. Với chúng tôi là người Công giáo, trong những nghi thức ý nghĩa nhất của Năm Thánh là đi qua dưới cánh cửa với lòng khiêm nhường và tín thác – Cửa Thánh – để thấy mình được hoàn toàn hòa giải do lòng thương xót của Chúa, Người tha thứ những xúc phạm của chúng tôi. Nhưng đây cũng là mệnh lệnh đòi buộc chúng tôi phải tha thứ những người xúc phạm chống lại chúng tôi (Mt 6.12), những anh chị em lỗi phạm đến chúng tôi. Chúng tôi đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa để chia sẻ lại cho tha nhân. Tha thứ chắc chắn là món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng cho anh em, vì nó có giá trị cao nhất. Đồng thời, nó là điều làm cho chúng tôi trở nên giống Thiên Chúa.
Lòng thương xót cũng trải rộng ra với thế giới xung quanh chúng ta, với ngôi nhà chung của chúng ta, ngôi nhà chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và giữ gìn tránh khỏi sự tàn phá tham lam vô độ không kiểm soát. Chúng ta cần phải cam kết cho một nền giáo dục biết tiết chế và biết tôn trọng, biết đi theo một lối sống đơn giản hơn và có trật tự hơn, trong đó các tài nguyên của tạo hóa được sử dụng trong sự khôn ngoan và có chừng mực, với sự quan tâm đến toàn thể nhân loại và những thế hệ tương lai, không chỉ là những lợi ích của một nhóm đặc quyền nào đó của chúng ta và cũng không phải nguồn lợi của riêng hiện tại. Đặc biệt ngày nay, “tính nghiêm trọng của khủng hoảng môi sinh đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhìn đến thiện ích chung, bắt tay vào tiến trình đối thoại đòi hỏi tính kiên nhẫn, tính kỷ luật tự giác và tính quảng đại” (Thông điệp Laudato Si’, 201).
Nguyện xin chúng ta biết đi theo con đường này. Nguyện xin chúng ta biết từ bỏ những con đường bất hòa và khép kín tâm hồn không dẫn đến mục đích. Nguyện xin không bao giờ tái diễn lại việc các tôn giáo, bị sự dẫn dắt của một số những người tin theo, chuyển tải một thông điệp bị xuyên tạc bóp méo, đi lạc điệu với lòng thương xót. Thật đáng buồn, không ngày nào trôi qua chúng ta lại không nghe đến những hành động bạo lực, xung đột, bắt cóc, tấn công khủng bố, giết chết và tàn phá. Có những lúc, để ngụy biện cho tính man rợ như vậy, thật quá kinh khủng khi tên của một tôn giáo hay chính tên của Thượng Đế đã được viện dẫn ra. Làm sao để có sự kết án rõ ràng những hành động vô nhân này đã làm ô uế danh thánh Thượng Đế và bôi nhọ tôn giáo của nhân loại. Thay vào đó, làm sao để khắp nơi có sự thúc đẩy tiến đến đối thoại hòa bình giữa các tín hữu, và có sự tự do tôn giáo đích thực. Ở đây, trách nhiệm của chúng ta trước mặt Thượng Đế, nhân loại và tương lai là rất lớn; nó đòi buộc những nỗ lực không ngừng, và không che giấu. Đó là một tiếng gọi thử thách chúng ta, một con đường để cùng nhau bước đi, vì thiện ích cho tất cả, và với niềm hy vọng. Nguyện xin cho các tôn giáo là cung lòng của sự sống, mang tình yêu thương xót của Thượng Đế đến với một nhân loại đang bị những vết thương và thiếu thốn; nguyện xin cho các tôn giáo là những cánh cửa hy vọng giúp phá vỡ được những bức tường được dựng lên bởi tính kiêu ngạo và sợ hãi. Xin cảm ơn quý vị.
© Copyright – Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/11/2016]

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Họp Liên Tôn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét