Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc

Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”
29 tháng 1, 2017
Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc
Kinh Truyền Tin, 29 tháng 1, 2017 / © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Trong số những người hiện diện trong buổi Kinh Truyền Tin hôm nay, có các thiếu niên của nhóm Công Giáo Hành Động của giáo phận Roma (CAR)  là những người, cùng với “Chuyến Lữ Hành Hòa Bình” đã kết thúc tháng Một, chính các em đã chọn chủ đề hòa bình. Vào cuối buổi đọc Kinh Truyền Tin, hai em, một nam một nữ, được mời lên Ban Công Giáo Hoàng, đọc một thông điệp thay mặt cho CAR của Roma.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau Kinh Truyền Tin giữa ngày với những người tập trung trong Quảng Trường Thánh Phê-rô.
*  *  *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Phụng vụ Chúa Nhật này cho chúng ta suy tư về Tám Mối Phúc (Mt 5:1-12a), mở ra bài giảng vĩ đại được gọi là “bài giảng trên núi,” Magna Carta” (Hiến Chương) của Tân Ước. Chúa Giê-su tỏ lộ ý định của Thiên Chúa dẫn đưa con người đến hạnh phúc. Thông điệp này đã có trong lời giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi với người nghèo và người bị áp bức và cứu họ thoát khỏi những kẻ ngược đãi họ. Tuy nhiên, trong bài giảng này Chúa Giê-su đi theo một con đường riêng: Ngài bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay”. Ngài tiếp tục bằng việc đưa ra điều kiện để đạt được điều đó và Ngài kết luận bằng một lời hứa. Động cơ cho mối phúc, cụ thể là sự hạnh phúc, không nằm trong điều kiện được đòi hỏi — chẳng hạn, “tinh thần nghèo khó,” “khóc than,” “khao khát trọn lành,” “bị bách hại” … nhưng nằm trong lời hứa tiếp theo, được đón nhận bằng đức tin như một ân ban của Thiên Chúa. Khi chúng ta bắt đầu trong điều kiện gian khổ để mở lòng mình ra cho ân ban của Thiên Chúa và đi vào một thế giới mới, “Vương Quốc” được Chúa Giê-su loan báo. Đây không phải là một cơ chế tự động, nhưng là một cách sống theo chân Chúa, để thực tại gian khổ và hoạn nạn được nhìn theo một cách nhìn mới và được trải nghiệm tùy theo sự hoán cải đã làm. Chúng ta không được chúc phúc nếu chúng ta không hoán cải, có khả năng biết trân trọng và sống những ân sủng của Thiên Chúa.
Cha sẽ dừng lại ở mối phúc thứ nhất: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 4). Người có tinh thần nghèo khó là người mang lấy tâm tư và thái độ của những người nghèo, những người không nổi loạn trong hoàn cảnh của họ, nhưng là có khả năng khiêm nhường, nhu mì, mở lòng trước hồng ân của Thiên Chúa. Sự hạnh phúc của người nghèo — của người có tinh thần nghèo khó — mang chiều kích hai mặt: trong sự tương quan với của cải và trong sự tương quan với Thiên Chúa. Liên quan đến của cải, của cải vật chất, tinh thần nghèo khó này là sự điềm tĩnh: không nhất thiết là từ bỏ, nhưng là khả năng biết tận hưởng những gì là quan trọng, để chia sẻ; khả năng làm mới lại sự tốt lành của mọi việc từng ngày, không bị đè nặng trong sự u mê của tính tiêu dùng vô độ. Tôi càng có nhiều, tôi càng muốn nhiều; tôi càng có nhiều, tôi càng muốn nhiều: đây là tính tiêu dùng vô độ. Và nó giết chết tâm hồn. Và những người làm điều này, những người có thái độ này “tôi càng có nhiều, tôi càng muốn nhiều,” không hạnh phúc và sẽ chẳng có được hạnh phúc.” Trong mối tương quan với Thiên Chúa, đó là sự ca khen và lòng biết ơn vì biết rằng thế giới này là một ân ban, và rằng ngay từ khởi nguyên nó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Nhưng đó cũng còn là sự mở lòng ra với Người, vâng nghe trước quyền bính của Người: Người là Thiên Chúa; Người là Đấng Vĩ Đại. Tôi không vĩ đại vì tôi có nhiều thứ! Chính là Người: Người thiết lập chương trình thế giới này cho mọi người và muốn nó theo cách cho con người được hạnh phúc.
Một người có tinh thần nghèo khó là một Ki-tô hữu không đặt sự tín thác vào bản thân mình, vào của cải vật chất của mình, là người không bướng bỉnh trong những ý kiến của mình nhưng biết lắng nghe với lòng tôn trọng và sẵn sàng từ bỏ mình trước những quyết định của người khác. Nếu có nhiều người với tinh thần nghèo khó trong các cộng đoàn của chúng ta, chắc chắn sẽ có ít sự chia rẽ hơn, ít sự chống đối và tranh cãi hơn! Khiêm nhường, giống như bác ái, là một nhân đức đặc biệt cho sự chung sống trong các cộng đoàn Ki-tô hữu. Người nghèo, theo ý nghĩa này của phúc âm, nổi lên như những người giữ gìn sức sống cho mục tiêu của Vương quốc Nước Trời, làm cho chúng ta nhận thức rằng hạt mầm của một cộng đoàn huynh đệ chính là ý muốn chia sẻ chiếm ưu thế hơn sự sở hữu. Cha muốn nhấn mạnh đến điểm này: thích chia sẻ hơn sở hữu. Luôn luôn có một trái tim và đôi tay rộng mở (Đức Thánh Cha làm cử chỉ), không đóng lại (Đức Thánh Cha làm cử chỉ). Khi con tim khép lại (Đức Thánh Cha làm cử chỉ) nó bị nhỏ lại: nó thậm chí không biết yêu thương là gì. Khi trái tim rộng mở (Đức Thánh Cha làm cử chỉ), nó bước trên con đường yêu thương.
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, mẫu gương và hoa trái đầu tiên của tinh thần nghèo khó vì Mẹ hoàn toàn vâng phục trước ý định của Thiên Chúa, giúp chúng ta biết từ bỏ bản thân cho Thiên Chúa, giàu lòng thương xót, để Người đổ tràn ân sủng trên chúng ta, đặc biệt muôn vàn sự tha thứ của Người.
*
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, như anh chị em thấy, những người xâm lăng đã đến … họ đang ở đây!
Hôm nay là kỷ niệm Ngày Thế Giới Người Bệnh Phong. Căn bệnh này, dù đang trên đà thoái lui, vẫn nằm trong số những căn bệnh đáng sợ nhất tấn công vào người nghèo nhất và bị gạt ra bên lề. Chiến đấu chống lại căn bệnh này là rất quan trọng, nhưng cũng phải chống lại sự phân biệt đối xử mà nó gây ra. Tôi động viên tất cả những ai cam kết trong việc cứu thoát và tái hội nhập xã hội cho những người bị căn bệnh phong này tấn công, tôi dâng lời cầu nguyện cho họ.
Cha chào thân ái tất cả anh chị em đến từ nhiều giáo xứ trong nước Ý và các quốc gia khác, cũng như những Hội đoàn và các Nhóm. Đặc biệt, cha xin chào các sinh viên đại học từ hai thành phố Murcia và Badajoz, giới trẻ của thành phố Bilbao và các tín hữu của thành phố Castellon. Cha xin chào anh chị em hành hương từ Reggio Calabria, Castelliri, và nhóm Hiệp Hội Cha Mẹ Quốc Gia của thành phố Sicily. Cha xin nhắc lại sự gần gũi của cha với những người dân vùng Trung Ý vẫn đang chịu đựng những hậu quả của động đất và những tình trạng không khí rất khó chịu. Nguyện xin cho những anh chị em này của chúng ta không thiếu sự hỗ trợ đều đặn của các hội đoàn và tình hiệp nhất chung. Và xin, xin không một hình thức quan liêu nào bắt họ phải chờ đợi và đau khổ thêm!
Bây giờ cha chuyển sang chúng con, các thiếu nhi nam nữ của nhóm Hành Động Công Giáo, của các giáo xứ và các trường Công giáo của Roma. Cùng đi có Đức Hồng Y đại diện, năm nay chúng con cũng bước đến điểm cuối của “Chuyến Lữ Hành Hòa Bình,” với khẩu hiệu là Bình An Muôn Nơi: một khẩu hiệu rất đẹp. Cảm ơn sự có mặt của chúng con và sự cam kết quảng đại của chúng con trong việc xây dựng một xã hội hòa bình. Bây giờ, tất cả chúng ta lắng nghe thông điệp mà những người bạn của chúng ta, bên cạnh cha đây, sẽ đọc cho chúng ta.
[Đọc thông điệp]
Và bây giờ những trái bong bóng được thả lên trời, biểu tượng của hòa bình, biểu tượng của hòa bình ...
Cha xin chúc tất cả anh chị em một Chủ nhật tốt lành. Xin chúc anh chị em bình an, khiêm nhường, chia sẻ trong gia đình của anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc bữa trưa ngon miệng và xin hẹn gặp lại!
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/01/2017]

Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc
Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc
Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc
Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc
Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc

Giảng huấn Kinh Truyền Tin: Tám Mối Phúc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét