Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

Tòa Thánh kêu gọi nỗ lực chung để chống lại nạn đói toàn cầu

‘Toàn cầu hóa và tính tương thuộc’

23 tháng Mười, 2019 18:04

Ngày 17 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, phát biểu trước Ủy ban Thứ Hai của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình Hành động 20, nói về “Toàn cầu hóa và tính tương thuộc.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi nỗ lực toàn cầu chung để giải quyết sự bần cùng và nạn đói. Tòa Thánh xem Chương trình Hành động Phát triển Bền vững 2030 như một công cụ qua đó giải quyết những thách thức này. Đức Tổng Giám mục Auza miêu tả cộng đồng quốc tế như là một “gia đình các dân tộc,” được liên kết xuyên suốt nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, công nghệ, sức khỏe, và di cư. Trong khi sự toàn cầu hóa cung cấp cho chúng ta phương tiện qua đó chúng ta có thể cùng nhau hoạt động hướng tới ích chung, để trở nên khỏe mạnh, đó phải là sự toàn cầu hóa được xây dựng trên tình huynh đệ nhân loại và tình đoàn kết, và chống lại chủ nghĩa đơn phương, sự thống trị của giới quyền lực trên người yếu thế và sự áp đặt những hệ tư tưởng của những người dư thừa trên những người vô sản.


Dưới đây là toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục

Thưa ông Chủ tịch, 

Các quốc gia và các dân tộc trên thế giới phải đối mặt với vô vàn thách thức không thể giải quyết bởi riêng một Chính phủ hay một tổ chức quốc tế. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi câu trả lời toàn cầu. Điều này thậm chí trở nên rõ rệt hơn trong những nỗ lực chung của chúng ta để đạt được những mục tiêu quan trọng của Chương trình Hành động Phát triển Bền vững 2030. Sự bần cùng và nạn đói không thể bị xóa sạch khỏi hành tinh của chúng ta bởi một nhân tố duy nhất, bất kể nhân tố đó mạnh mẽ tới đâu.

Bởi vì toàn cầu hóa là một thực tại, cho nên cộng đồng quốc tế – và đặc biệt là Ủy ban này của Đại Hội đồng – phải chú ý nhiều hơn nữa đến loại hình toàn cầu hóa hiện đang được thúc đẩy và tác động cụ thể của nó đối với những người nam, nữ, và trẻ em. Báo cáo gần đây nhất của ông Tổng Thư ký về Thực thi trọn vẹn lời hứa của sự toàn cầu hóa: thúc đẩy sự phát triển bền vững trong một thế giới tương thuộc, chỉ ra ba lĩnh vực cụ thể – phát triển thương mại và công nghệ, sức khỏe và hạnh phúc, và di cư – trong đó toàn cầu hóa đã chứng minh vừa là nhân tố kích thích tích cực lẫn tiêu cực.[1] Nói tóm lại, toàn cầu hóa có thể hoặc gây hại hoặc tạo ích lợi, tùy vào cách chúng ta điều hành nó.

Liên quan đến những khía cạnh tích cực, toàn cầu hóa là một phương tiện xây dựng để đem các dân tộc lại với nhau, chia sẻ kiến thức và công nghệ, gắn kết trong việc giao thương tạo ích lợi cho nhau, và hợp tác để giải quyết những vấn đề chung, bao gồm việc di cư hàng loạt.

Loại hình toàn cầu hóa tạo ích lợi này phải được thúc đẩy và hỗ trợ bởi những nỗ lực đa phương xây dựng trên nền tảng “thiện chí và lòng tin của các bên, sự sẵn sàng hợp tác và đối xử với nhau trong sự tôn trọng, trung thực và công bằng, và cởi mở nhằm tìm ra những giải pháp chung để vượt qua những bất đồng. Nó cũng đòi hỏi sự chung sức theo đuổi ích chung, đặt công bằng lên hàng đầu và pháp quyền, hỗ trợ và phát triển cho những người thiếu thốn nhất và bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương.”[2]

Sự toàn cầu hóa như vậy khuyến khích sự tác động lẫn nhau đầy triển vọng giữa bản sắc của các dân tộc và quốc gia, hướng đến sự cân bằng hợp lý. Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định, “chiều kích toàn cầu phải được cân nhắc kỹ lưỡng để không đánh mất tầm nhìn của địa phương.”[3] Để đạt được sự cân bằng như vậy, toàn cầu hóa phải được đặt nền tảng trong phẩm giá vốn có của mỗi con người và sự chân nhận về tình đoàn kết đích thực và cần thiết giữa các cá nhân và các dân tộc.

Về mặt khác, sự toàn cầu hóa trở nên có hại khi nó thể hiện qua “những hành động đơn phương khi trả lời lại cho những thách thức quốc tế, những chính sách phe nhóm hoặc quốc gia dân tộc thu hẹp loại trừ và xa lánh, sự thống trị của giới quyền lực đối với những người thua thiệt, sự áp đặt ý chí và những hệ tư tưởng của giới giàu có lên những người vô sản, đó là một số trong những cách thể hiện của sự thất bại không chân nhận người khác một cách bình đẳng như là những thành viên của một gia đình nhân loại, từ đó không khí sợ hãi, mất niềm tin, và chống đối thắng thế.”[4] Đây là những ví dụ về sự toàn cầu hóa bào mòn tình huynh đệ nhân loại và tình đoàn kết làm trụ cột cho một sự toàn cầu hóa khỏe mạnh. Thật vậy, “sự thất bại trong việc chân nhận rằng cộng đồng quốc tế là một gia đình các dân tộc cùng chia sẻ một vận mệnh và ngôi nhà chung phải là trung tâm của những thách thức nhiều mặt ngày nay đang đứng trước chính sách đa phương.”[5] Những hậu quả gây thiệt hại lớn nhất của sự toàn cầu hóa tiêu cực đó được tìm thấy trong những quốc gia thua thiệt nhất và trong những vùng dân cư thua kém nhất.

Thưa ông Chủ tịch,

Trong khi những khuynh hướng tích cực của sự toàn cầu hóa phải được xây dựng và thúc đẩy, thì tác động tiêu cực của tính toàn cầu hóa phải được xử lý bằng sự hợp tác đa phương hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả không mong muốn của nó, thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao ích chung của tất cả mọi người trong thế giới ngày càng chịu sự tương thuộc nhiều hơn bao giờ hết.

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

___________________

[1] Cf. A/74/239.

[2] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trước các Thành viên Ngoại giao đoàn, 7 tháng Một 2019.

[3] Nt.

[4] Hồng y Pietro Parolin, Báo cáo của Tòa Thánh trong Phiên Tranh luận Chung của phiên họp thứ 74 của UNGA, 28 tháng Chín 2019.

[5] Nt.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét