Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2025

Tiếp kiến các tham dự viên Ngày Quốc tế chống lạm dụng và buôn bán trái phép ma túy, 26.06.2025

Tiếp kiến các tham dự viên Ngày Quốc tế chống lạm dụng và buôn bán trái phép ma túy, 26.06.2025

Tiếp kiến các tham dự viên Ngày Quốc tế chống lạm dụng và buôn bán trái phép ma túy, 26.06.2025

*******

Sáng nay (26/06/2025), Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến các tham dự viên Ngày Quốc tế Chống Lạm dụng và Buôn bán Trái phép Ma túy.

Sau đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:

______________________________________


Diễn văn của Đức Thánh Cha

Chúng ta cùng bắt đầu với Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Bình an cho anh chị em!

Chào mừng tất cả anh chị em! Tôi hy vọng nắng hôm nay không quá gay gắt… Nhưng Thiên Chúa là Đấng cao cả, và Người luôn đồng hành cùng chúng ta. Cảm ơn anh chị em vì sự hiện diện hôm nay!

[Lời chào từ ông Alfredo Mantovani, Thứ trưởng Ngoại giao tại Văn phòng Thủ tướng Ý, và chứng ngôn của chị Paola Clericuzio, thuộc Cộng đoàn San Patrignano]

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng và chào mừng anh chị em!

Tôi xin cảm ơn những anh chị em đã giúp cho buổi gặp gỡ này trở thành hiện thực, một cuộc gặp gỡ đưa chúng ta đi vào trọng tâm của Năm Thánh theo nhiều cách, một năm ân sủng trong đó phẩm giá, vốn quá thường xuyên bị xem nhẹ hoặc phủ nhận, được công nhận cho hết thảy mọi người. Hy vọng là một từ mang đậm dấu ấn lịch sử đối với anh chị em: nó không phải là một khẩu hiệu, mà là ánh sáng được tìm lại qua công cuộc lớn lao. Tôi muốn lặp lại với anh chị em lời chào thay làm thay đổi tâm hồn: Bình an cho tất cả anh chị em!

Vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu chào các môn đệ đang khóa mình trong Phòng Tiệc Ly bằng lời này. Họ đã bỏ rơi Người, họ tin rằng họ đã vĩnh viễn mất Người, họ sợ hãi và thất vọng, và một vài người đã bỏ đi. Nhưng chính Chúa Giêsu là người đã tìm đến với họ, là người đến để tìm họ một lần nữa. Người đi qua các cánh cửa đóng kín vào một nơi như thể họ bị chôn sống trong đó. Người mang đến sự bình an, Người tái tạo họ bằng sự tha thứ, Người thổi hơi trên họ: tức là Người ban Chúa Thánh Thần, Đấng là hơi thở của Thiên Chúa trong chúng ta. Khi không có không khí, khi không có chân trời, thì phẩm giá của chúng ta sẽ héo úa. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu Phục sinh vẫn tiếp tục đến và mang theo hơi thở của Người! Người thường làm như thế qua những con người vượt qua các cánh cửa đóng kín của chúng ta, và bất chấp tất cả những gì có thể đã xảy ra, họ vẫn nhìn thấy phẩm giá mà chúng ta đã quên, hoặc bị phủ nhận đối với chúng ta.

Các bạn thân mến, sự hiện diện của các bạn ở đây là một chứng tá của sự tự do. Tôi nhớ rằng mỗi khi Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào một nhà tù, ngay cả Thứ Năm Tuần Thánh cuối cùng của ngài, ngài luôn tự hỏi mình câu hỏi: "Tại sao là họ mà không phải là tôi?” Ma túy và nghiện ngập là một nhà tù vô hình, mà các bạn đã biết rõ và chiến đấu theo những cách khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến với tự do. Khi gặp các bạn, tôi nghĩ đến vực thẳm của tâm hồn tôi và của tâm hồn mọi người. Có một Thánh Vịnh, tức là Kinh Thánh, gọi mầu nhiệm ngụ trong chúng ta là một “vực thẳm” (x. Tv 63:7). Thánh Augustinô đã thú nhận rằng chỉ trong Đức Kitô, sự xao xuyến trong tâm hồn ngài mới tìm được bình an. Chúng ta tìm kiếm bình an và niềm vui, chúng ta khao khát chúng. Và rất nhiều mưu gian có thể đánh lừa và thậm chí giam cầm chúng ta trong cuộc tìm kiếm này.

Vậy thì chúng ta hãy nhìn quanh mình. Và hãy đọc trên khuôn mặt của nhau một từ không bao giờ phản bội: Cùng nhau. Chúng ta cùng nhau chiến thắng sự dữ. Cùng nhau tìm thấy niềm vui, cùng nhau chống lại bất công. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và biết rõ từng người chúng ta – và còn mật thiết với tôi hơn cả tôi với chính bản thân – đã tạo dựng nên chúng ta để ở cùng nhau. Dĩ nhiên, cũng có những mối liên kết gây tổn thương và có những nhóm người thiếu tự do. Nhưng ngay cả những điều đó cũng chỉ có thể được vượt qua cùng nhau, tin tưởng những người không trục lợi từ nỗi đau khổ của chúng ta, những người mà chúng ta có thể gặp, và họ gặp chúng ta với sự quan tâm vô vị lợi.

Anh chị em thân mến, ngày nay chúng ta đang tham gia một cuộc chiến không thể bỏ cuộc chừng nào xung quanh chúng ta vẫn còn có người bị giam cầm trong những hình thức nghiện ngập khác nhau. Cuộc chiến của chúng ta là chống lại những người kiếm lợi khổng lồ từ ma túy và mọi hình thức nghiện ngập khác – chúng ta hãy nghĩ đến rượu hoặc cờ bạc. Có những tổ chức tội phạm quy mô lớn và những lợi ích tập trung khổng lồ mà các quốc gia có bổn phận phải phá bỏ. Sẽ dễ dàng hơn khi chống lại nạn nhân của các tệ nạn ấy. Quá thường xuyên, người ta lại tuyên chiến với người nghèo nhân danh an ninh, lấp đầy các nhà tù với những người chỉ là mắt xích cuối cùng trong đường dây tử thần. Và thay vào đó, những kẻ nắm trong tay dây xích ấy lại giành được ảnh hưởng và sự miễn trừ.

Không cần phải giải phóng các thành phố của chúng ta khỏi những người bị gạt ra bên lề, nhưng cần được giải phóng khỏi nạn gạt ra bên lề; không phải loại bỏ những người tuyệt vọng, mà phải xóa bỏ sự tuyệt vọng. “Đẹp biết bao những thành phố vượt qua được thái độ ngờ vực tê cứng của mình để đón nhận những người khác biệt với mình và làm cho sự hội nhập này trở thành một nhân tố phát triển mới! Hấp dẫn biết bao những thành phố mà, ngay cả trong thiết kế kiến trúc của họ, có đầy những không gian để nối kết, liên hệ và tạo thuận lợi cho sự nhìn nhận người khác!” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 210).

Năm Thánh chỉ ra rằng văn hóa gặp gỡ là con đường dẫn tới sự an toàn; nó yêu cầu chúng ta hoàn trả và phân phối lại những của cải tích lũy bất công, như một con đường dẫn tới sự hòa giải cá nhân và xã hội. “Dưới đất cũng như trên trời”: thành đô của Thiên Chúa trao phó cho chúng ta sứ mệnh ngôn sứ giữa thành đô của con người. Và điều này – như chúng ta biết – ngày nay cũng có thể dẫn đến tử đạo. Cuộc chiến chống buôn bán ma túy, dấn thân giáo dục giữa những người nghèo, bảo vệ các cộng đồng bản địa và người di dân, và lòng trung thành với học thuyết xã hội của Giáo Hội, ở nhiều nơi đang bị coi là hành động nhằm lật đổ.

Các bạn trẻ thân mến, các con không phải là khán giả của công cuộc đổi mới mà trái đất chúng ta đang rất cần: các con là những nhân vật chính. Thiên Chúa thực hiện những điều vĩ đại với những ai Người giải thoát khỏi sự dữ. Một Thánh Vịnh khác, được các Kitô hữu tiên khởi yêu mến, nói rằng: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22). Đức Giêsu đã bị loại bỏ và bị đóng đinh bên ngoài cổng thành của Người. Chính trên Người, tảng đá góc tường mà Thiên Chúa xây dựng lại thế giới, các con cũng là những viên đá quý giá trong việc xây dựng một nhân loại mới. Đức Giêsu, Đấng đã bị loại bỏ, mời gọi tất cả các con, và nếu các con từng cảm thấy bị loại bỏ và kiệt sức, thì nay các con không còn như thế nữa. Chính những lỗi lầm, những đau khổ của các con, nhưng hơn hết là khát vọng sống của các con, khiến các con trở thành những chứng nhân cho thấy sự thay đổi là có thể.

Giáo Hội cần đến các con. Nhân loại cần các con. Giáo dục và chính trị cần các con. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho phẩm giá vô biên được in sâu vào mỗi con người chiến thắng mọi hình thức nghiện ngập làm mất phẩm giá. Thật đáng buồn, đôi khi phẩm giá ấy chỉ tỏa sáng khi nó gần như hoàn toàn bị mất. Rồi một cú sốc xảy đến, và khi đó rõ ràng việc đứng dậy là vấn đề sống còn. Ngày nay, toàn xã hội đang cần một cú chấn động như thế, đang cần đến chứng tá của các con và những công việc tuyệt vời mà các con đang thực hiện. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có ơn gọi trở nên người tự do hơn, nên con người hơn, ơn gọi hướng đến hòa bình. Đây là ơn gọi cao quý nhất. Vậy, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước, nhân rộng những nơi chữa lành, gặp gỡ và giáo dục: những con đường mục vụ và chính sách xã hội bắt đầu từ đường phố và không bao giờ coi ai là hết hy vọng. Và các con cũng hãy cầu nguyện, để sứ vụ của cha luôn phục vụ cho niềm hy vọng của con người và các dân tộc, phục vụ tất cả mọi người.

Tôi phó thác anh chị em cho sự hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh. Và tôi ban phép lành cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em!

[Ban phép lành]

Xin chân thành cảm ơn tất cả anh chị em! Hãy luôn can đảm, và tiếp tục tiến bước!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2025]


Tiếp kiến các Tham dự viên Hội nghị Khoáng đại của Hội Hỗ trợ các Giáo hội Đông Phương (ROACO), 26.06.2025

Tiếp kiến các Tham dự viên Hội nghị Khoáng đại của Hội Hỗ trợ các Giáo hội Đông Phương (ROACO), 26.06.2025

Tiếp kiến các Tham dự viên Hội nghị Khoáng đại của Hội Hỗ trợ các Giáo hội Đông Phương (ROACO), 26.06.2025

*******

Sáng nay, tại Hội trường Clementine trong Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Khoáng đại của Hội Hỗ trợ các Giáo hội Đông phương (ROACO).

Sau đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:

________________________________


Diễn văn của Đức Thánh Cha

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Bình an cho anh chị em!

Thưa Đức Hồng y đáng kính, thưa quý Đức Cha,

Quý Cha, anh chị em thân mến,

Bình an cho anh chị em! Tôi nồng nhiệt chào đón anh chị em và rất vui được gặp gỡ anh chị em trong dịp kết thúc Hội nghị Khoáng đại. Tôi xin gửi lời chào Đức Hồng y Gugerotti đáng kính, các vị Bề trên khác trong Thánh Bộ, các vị hữu trách, cùng toàn thể anh chị em là thành viên của các Cơ quan ROACO.

“Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9:7). Tôi nhận ra rằng, với anh chị em, việc hỗ trợ các Giáo Hội Đông phương không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là một sứ vụ được thi hành nhân danh Tin Mừng, mà như chính từ Tin Mừng chỉ ra, là sự loan báo niềm vui, trước hết làm vui lòng chính Trái Tim của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ để mình thua kém về lòng quảng đại. Tôi xin cảm ơn anh chị em, vì cùng với các ân nhân, anh chị em đang gieo những hạt giống hy vọng trên vùng đất Kitô giáo Đông phương, nơi ngày nay đang bị tàn phá hơn bao giờ hết bởi chiến tranh, bị cướp đoạt bởi các lợi ích riêng, và bị bao phủ bởi đám mây hận thù khiến không khí trở nên ngột ngạt và độc hại. Anh chị em đang cung cấp một luồng dưỡng khí cho các Giáo hội Đông phương, vốn đã quá mệt mỏi bởi những xung đột đang diễn ra. Đối với nhiều người, nghèo về phương tiện nhưng giàu đức tin, anh chị em là ánh sáng tỏa rạng giữa bóng tối của hận thù. Tôi hết lòng xin anh chị em tiếp tục làm tất cả những gì có thể để giúp các Giáo Hội này, những Giáo hội vô cùng quý báu và chịu biết bao đau khổ.

Lịch sử của các Giáo hội Công Giáo Đông Phương thường mang dấu ấn của đau khổ và bạo lực. Thật đáng buồn, đã có những trường hợp bị áp bức và hiểu lầm ngay trong chính cộng đồng Công giáo, đôi khi không thừa nhận và đánh giá cao giá trị của các truyền thống ngoài truyền thống của Tây phương. Tuy nhiên, ngày nay, xung đột bạo lực dường như đang hoành hành ở Kitô giáo Đông phương với mức độ độc ác chưa từng thấy. Chính Hội nghị thường niên của anh chị em cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự vắng mặt của những người đáng lẽ đã đến từ Đất Thánh, nhưng lại không thể thực hiện được hành trình. Con tim chúng ta rỉ máu khi nghĩ đến Ukraine, đến tình hình bi thảm và vô nhân đạo tại Gaza, và toàn vùng Trung Đông đang bị tàn phá bởi chiến tranh lan rộng. Tất cả chúng ta, với lòng nhân của mình, đều được mời gọi xét lại căn nguyên của các cuộc xung đột này, xác định những nguyên nhân thật và cố gắng giải quyết chúng. Nhưng cũng phải loại bỏ những nguyên nhân ngụy tạo, là sản phẩm của sự thao túng cảm xúc và khoa trương, và cố gắng bằng mọi cách để đưa chúng ra ánh sáng. Mọi người không được chết vì tin giả.

Thật đáng lo khi nguyên tắc “lẽ phải trong tay kẻ mạnh” đang thắng thế ở quá nhiều tình huống ngày nay, tất cả chỉ vì mục đích hợp pháp hóa việc theo đuổi lợi ích riêng. Thật đáng lo khi luật pháp quốc tế và luật nhân đạo dường như không còn mang tính ràng buộc nữa, và bị thay thế bởi cái gọi là quyền được ép buộc người khác. Điều đó không xứng hợp với nhân tính của chúng ta, là điều xấu hổ cho toàn thể nhân loại và cho các nhà lãnh đạo quốc gia. Sau bao thế kỷ lịch sử, làm sao người ta có thể tin rằng hành động chiến tranh để mang lại hoà bình lại không phản tác dụng với chính những người gây chiến? Làm sao chúng ta còn có thể nghĩ rằng chúng ta đang đặt nền móng cho tương lai mà không cần đến sự cộng tác và tầm nhìn toàn cầu được truyền cảm hứng bởi ích chung? Làm sao chúng ta có thể tiếp tục phản bội khát vọng hoà bình của các dân tộc trên thế giới bằng sự tuyên truyền về việc gia tăng vũ khí, như thể ưu thế quân sự sẽ giải quyết được vấn đề, thay vì chỉ làm tăng thêm hận thù và mong muốn báo thù lớn hơn? Người ta đang bắt đầu nhận thấy số tiền khổng lồ cuối cùng đang chảy vào túi của những kẻ buôn bán cái chết, số tiền đó có thể được dùng để xây các bệnh viện và trường học mới, thì nay lại được dùng để phá huỷ những gì đã tồn tại!

Tôi tự hỏi: là Kitô hữu, ngoài việc cảm thấy phẫn nộ, lên tiếng và xắn tay áo lên để xây dựng hoà bình và cổ võ đối thoại, chúng ta còn có thể làm gì hơn nữa? Tôi tin rằng trước hết và trên hết, chúng ta thực sự cần cầu nguyện. Chúng ta phải biến mọi bản tin bi thảm, mọi đoạn phim thời sự mà chúng ta xem, trở thành lời kêu cầu trước Chúa. Và sau đó là đưa ra sự giúp đỡ, giống như anh chị em đang thực hiện, và như nhiều người khác có thể làm được thông qua anh chị em.

Nhưng còn hơn thế nữa, và tôi nói điều này với sự lưu tâm cách đặc biệt đến Kitô giáo Đông phương: đó là chứng tá. Chúng ta được kêu gọi trung thành với Chúa Giêsu, mà không để mình rơi vào cạm bẫy của quyền lực. Chúng ta được mời gọi noi gương Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự dữ bằng tình yêu Người đã hiến dâng trên Thánh Giá, và cho thấy một cách trị vì hoàn toàn khác biệt với cách của Hêrôđê và Philatô. Hêrôđê, vì sợ bị phế truất, đã sát hại các hài nhi, và ngay cả hôm nay các trẻ em vẫn tiếp tục bị bom đạn xé xác. Philatô thì rửa tay, giống như chúng ta có nguy cơ làm mỗi ngày, cho đến khi chúng ta tiến đến điểm không thể quay lại.

Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi chúng ta chữa lành các vết thương lịch sử bằng chính quyền năng dịu dàng của Thập giá vinh quang của Người, Thập giá tuôn tràn sức mạnh tha thứ, hy vọng khởi đầu mới, và quyết tâm giữ vững sự trung thực và minh bạch giữa biển cả hủ hóa. Chúng ta hãy noi gương Đức Kitô, Đấng giải thoát con tim khỏi hận thù, và cho thấy cách thoát khỏi não trạng chia rẽ và trả thù bằng chính tấm gương của mình. Tôi cảm ơn và ôm lấy trong tâm hồn tất cả các Kitô hữu Đông phương đang đáp lại sự dữ bằng việc thiện. Anh chị em thân mến, cảm ơn anh chị em vì chứng tá anh chị em đang thể hiện, nhất là khi anh chị em ở lại trên chính quê hương mình như những người môn đệ và chứng nhân của Đức Kitô.

Các bạn ROACO thân mến, trong công việc của mình, các bạn đã chứng kiến tận mắt biết bao đau thương do chiến tranh và khủng bố gây ra – và ở đây, tôi nghĩ đến cuộc tấn công kinh hoàng gần đây nhắm vào Nhà thờ Thánh Êlia tại Damas – nhưng các bạn cũng thấy những hạt giống Tin Mừng đang bén rễ trong sa mạc. Các bạn gặp gỡ Dân Thiên Chúa, những người kiên trì ngước mắt hướng lên trời, cầu nguyện với Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Các bạn cảm nghiệm vẻ đẹp và ân sủng của các truyền thống Đông phương, của phụng vụ làm cho Thiên Chúa hiện diện trong không gian và thời gian, của những bài thánh ca tuổi đời hàng thế kỷ thấm đượm lời ngợi khen, tôn vinh và mầu nhiệm, khơi dậy lời khẩn cầu tha thứ không ngơi cho nhân loại. Các bạn đã gặp những con người, thường là không tên tuổi, nhưng lại gia nhập hàng ngũ vĩ đại của các vị tử đạo và thánh nhân của Đông phương. Giữa đêm tối của xung đột, các bạn là những chứng nhân cho ánh sáng Đông phương.

Tôi ước mong ánh sáng của sự khôn ngoan và ơn cứu độ này được biết đến nhiều hơn trong Giáo Hội Công Giáo, nơi mà phần lớn nó vẫn chưa được biết, và nơi mà đức tin đang đứng trước nguy cơ không có sức sống ở nhiều nơi, cũng bởi niềm hy vọng được Thánh Gioan Phaolô II đã nhiều lần bày tỏ vẫn chưa được thực hiện. Bốn mươi năm trước, ngài nói: “Giáo Hội cần học lại cách thở bằng hai lá phổi: Đông phương và Tây phương” (Huấn từ trước Hồng y Đoàn, ngày 28 tháng 6 năm 1985). Tuy nhiên, Kitô giáo Đông phương chỉ có thể được bảo tồn nếu được yêu thương, và nó chỉ có thể được yêu thương nếu được biết đến. Vì thế, cần thiết phải thực hiện lời kêu gọi rõ ràng của Huấn quyền để làm quen với kho tàng của các Giáo hội ấy, chẳng hạn bằng cách tổ chức những khoá học căn bản về các Giáo Hội Đông phương tại các Chủng viện, Khoa Thần học và Đại học Công Giáo (x. Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Orientale Lumen, 24; Bộ Giáo dục Công Giáo, Thư luân lưu Eu égard au développement, 9-14). Cũng cần có sự gặp gỡ và chia sẻ hoạt động mục vụ, vì ngày nay, người Công Giáo Đông phương không còn là những người anh em họ xa của chúng ta cử hành những nghi lễ xa lạ nữa, mà là những người hàng xóm cạnh chúng ta, do hoàn cảnh di dân bắt buộc. Cảm thức về sự thánh thiêng, đức tin sâu sắc của họ, được củng cố trong đau khổ, và linh đạo của họ thấm đẫm những mầu nhiệm thiêng liêng có thể giúp ích cho cơn khát Thiên Chúa, tiềm ẩn nhưng vẫn hiện hữu ở Tây phương.

Chúng ta cùng phó thác sự lớn lên chung trong đức tin này cho sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa Rất Thánh và hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, những đấng đã nối kết Đông và Tây. Tôi ban phép lành cho anh chị em và động viên anh chị em kiên vững trong đức ái, được thôi thúc bởi niềm hy vọng của Đức Kitô.

Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2025]