Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Câu chuyện ly kỳ về việc tìm kiếm xương của Thánh Phê-rô

Câu chuyện ly kỳ về việc tìm kiếm xương của Thánh Phê-rô

29 tháng Mười, 2018
Câu chuyện ly kỳ về việc tìm kiếm xương của Thánh Phê-rôAlessia Giuliani | CPP

Đức Thánh Cha Phanxico hôn thánh tích của Thánh Tông đồ Phê-rô trên bàn thờ trong một Thánh Lễ tại Quảng trường Thánh Phê-rô ở Vatican



O’Neill mô tả, “Khi các công nhân đào sâu hơn tìm về lịch sử của khu nghĩa trang bên dưới Roma, họ “đang đi trở về với quá khứ.”

Năm 1941 — khi các làn mưa bom trút xuống London, các xe tăng của Đức gầm rú ở Liên Xô, và hầu như toàn bộ lục địa Châu Âu đều phấp phới cờ của Đức Quốc Xã hoặc đồng minh của họ — một trong những cuộc tìm kiếm thuộc khảo cổ học lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra ngay giữa lòng những hỗn loạn đó.

Sâu dưới lòng Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, các công nhân bắt đầu tìm kiếm xương của vị giáo hoàng đầu tiên đã tử đạo và được chôn ở đó, theo truyền thống của Giáo hội.

Tất cả đều bắt đầu do sự tình cờ.

Năm 1939, những công nhân đang đào dưới nền trong các hang phía dưới bàn thờ Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô để lấy không gian cho một nhà nguyện nơi Đức Giáo hoàng quá cố Piô XI yêu cầu được chôn cất tại đó. Bất ngờ, nền sụp xuống, lộ ra một nhà xác Roma cổ với những bức bích họa trên tường rất đáng chú ý và mộ của một người nữ Ki-tô hữu trẻ — tất cả đều bị che lấp và không được nhìn thấy trong suốt hơn một thiên niên kỷ.

Khi được thông tin về sự khám phá, Đức Giáo hoàng Piô XII đứng trước một lựa chọn. Truyền thống Giáo hội khẳng định rằng vị giáo hoàng đầu tiên đã chịu tử đạo và được chôn ở Roma. Tiếp tục việc khai quật có thể thẩm định được truyền thống đó, nhưng về mặt khác nếu thất bại trong việc tìm kiếm thánh tích sẽ “gây hoang mang” cho vị thế của Roma là ngai tòa của giáo hoàng, như nhà văn John O’Neill giải thích trong quyển sách gần đây của ông, The Fisherman’s Tomb (Ngôi mộ của người ngư phủ), kể câu truyện việc tìm kiếm mộ Thánh Phê-rô. Tuy nhiên Đức Piô XII chọn quyết định mà nhiều người bên ngoài xem như là một canh bạc vì ngài “tin chắc chắn rằng Thánh Phê-rô ở đó.” (Trình thuật được trình bày ở đây dựa theo sách của O’Neill’s.)

Công việc khai quật bắt đầu từ một manh mối cho biết vị trí có thể là nơi an nghỉ của Thánh Phê-rô. Một trong những gia tài của Thư viện Vatican, quyển Sách về các Giáo hoàng 1500 tuổi, mô tả chi tiết vị trí chôn giấu xương của Thánh Phê-rô — trong một quan tài nhỏ bằng đồng thau đặt trong hòm đá cẩm thạch nằm chung với kho báu khác. Một bia kỷ niệm gọi là Trophy of Gaius được cho là điểm đánh dấu vị trí.

Công việc khai quật là một công trình khổng lồ, buộc phải xây những trụ cột đặc biệt chống đỡ cho vương cung thánh đường và tạo điểm tựa cho các tòa nhà Vatican nằm phía trên — cấu trúc mà O’Neill mô tả là “một trong những công trình kiến trúc lớn nhất và nặng nhất trên trái đất.” Theo lệnh của đức giáo hoàng, công trình phải được thực hiện trong sự bí mật tuyệt đối, vì vậy việc sử dụng những máy móc công cụ lớn và mạnh đều bị cấm. Tất cả công trình này đều dựa vào sự hỗ trợ tài chính của một ông chủ khai thác dầu mỏ Texas và là một người Công giáo nhiệt thành tên George Strake, ông cũng giúp giữ kín câu chuyện.

O’Neill mô tả, khi các công nhân đào sâu hơn tìm về lịch sử của khu nghĩa trang bên dưới Roma, họ “đang đi ngược về quá khứ.” Khi những lớp bụi bị quét sạch thì thế giới Roma cổ đại hiện ra. Các ngôi mộ của những gia đình ngoại giáo hiện lên, cùng với nhiều tượng và những bích họa về anh hùng Hercules và thần Pluto. 

Cho đến lúc đó, những người khai quật chỉ nhìn thấy một dấu hiệu duy nhất liên quan đến Thánh Phê-rô — một bức tranh vẽ Đức Ki-tô và Thánh Phê-rô cùng với những dòng chữ khắc lời cầu nguyện của thánh tông đồ.

Sau đó nhóm khai quật — dẫn đầu là linh mục Antonio Ferrua của Vatican và là một nhà khảo cổ — lại tìm được một khu khác: họ tình cờ phát hiện được một ngôi mộ khác dưới lòng đất, phủ đầy những tấm ảnh Ki-tô giáo mô tả Chúa Ki-tô sống lại, Người Mục tử Nhân lành, và tiên tri Giô-na và con cá voi.

Phấn khởi vì khám phá mới, nhóm khai quật lại tiếp tục công việc. Khi họ đào sâu vào trong lịch sự họ tìm thấy một bàn thờ được xây dựng trong thời Phục hưng và hai bàn thờ khác có niên đại thời kỳ thập tự chinh. Họ cũng tìm thêm được hai bức tường — Bức tường Đỏ từ thời của Hoàng đế Marcus Aurelius năm 160 và một bức tường khác, được gọi là Bức tường Graffiti, năm 250. Bức tường thứ hai sau đó là chứng minh quan trọng cho mục đích họ, nhưng lúc đó thì công việc khai quật vẫn tiếp tục.

Cuối cùng vào năm 1942, các nhà khai quật tìm được thứ mà họ cho là Trophy of Gaius. Mặc dù không có hòm quách hay quan tài, nhưng họ tìm được những khúc xương trong một hộp mở nhỏ trong Bức tường Đỏ. Bác sĩ riêng của giáo hoàng kiểm tra và công bố đó là xương của một người đàn ông 65 tuổi. Thế giới khi đó hoàn toàn không hay biết gì về khám phá cho mãi đến 7 năm sau — khi một nhà báo Ý tiết lộ câu chuyện.

Nhưng công việc tìm kiếm xương của Thánh Phê-rô chỉ vừa bắt đầu.

Trước hết, Vatican phải bảo đảm làm sao Roma thoát khỏi cuộc tàn phá đang san phẳng các thành phố khác của Châu Âu. Hoa kỳ giảm bớt những cuộc ném bom và ngăn chặn các cuộc tấn công vào Roma, nhờ các nỗ lực ngoại giao của ba linh mục Vatican — Đức ông Giovanni Montini, Walter Carroll, và Joseph McGeough (vị đầu tiên sau đó trở thành Giáo hoàng Phaolo VI; hai vị sau là người gốc Mỹ.) Vatican cũng tìm được cách thuyết phục người Đức rút quân để giữ cho Roma bình yên sau khi họ rút.

Roma thoát khỏi Đệ nhị Thế chiến và xương của Thánh Phê-rô cũng thoát, cho đến khi tin tức về sự khám phá được công bố rộng rãi năm 1949. Một năm sau một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Ý, Margherita Guarducci, được mời đến để kiểm tra khu nghĩa trang được khai quật dưới lòng Vatican. Bà phát hiện thấy rằng nhóm khai quật không tuân thủ chặt chẽ “những quy trình khảo cổ căn bản,” O’Neill nói. Bà thông báo cho Đức Giáo hoàng Piô XII, và ngài trao trách nhiệm thực hiện dự án cho bà.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bà là giải mã những dòng chữ khắc bí ẩn trên Bức Tường Graffiti mà trước đó không được chú ý. Trong số các ký tự mang tính biểu trưng đậm nét Ki-tô giáo như P thay cho Peter (Phê-rô), R cho Resurrection (Phục sinh), và T thay cho thập giá. Và sau đó bà Guarducci tìm thấy một manh mối vô cùng rõ ràng — một dòng chữ khắc “Gần Phê-rô.” Bên cạnh đó là một dòng chữ trước đó bà đã thoáng thấy “Phê-rô ở bên trong.”

Một nhà nhân chủng học y khoa sau đó kiểm tra các xương trước đó được cho là xương của Thánh Phê-rô và khẳng định rằng những phát hiện đó là sai. Ông thẩm định tính xác thực của những xương được phát hiện lần hai. Năm 1965, Vatican phát hành một báo cáo của bà Guarducci tiết lộ những phát hiện mới.

Nhưng nhà khảo cổ Ferrua — người tiền nhiệm của bà Guarducci — phát động chiến dịch đánh lạc hướng thách đố tính xác thực của công trình của bà Guarducci. Sau khi Đức Piô VI qua đời năm 1978, bà Guarducci bị mất một trong những đồng minh quan trọng cuối cùng trong Vatican. Với vị trí là hiệu trưởng Học việc Giáo hoàng Khảo cổ Ki-tô giáo, linh mục Ferrua có thể gạt bà Guarducci ra ngoài và thu lấy các xương từ trong Bức tường Graffiti. Kết quả là sự thật về các xương của Thánh Phê-rô vẫn mơ hồ giữa những tranh cãi trong suốt nhiều thập niên.

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Benedict XVI ra lệnh xem xét lại vấn đề, và sau đó được kết luận dưới triều Đức Thánh Cha Phanxico. Việc xem xét lần này khẳng định những kết luận của bà Guarducci, và ngày 5 tháng Mười Hai, 2013, Đức Thánh Cha Phanxico rước các xương trở về nơi an nghỉ ban đầu.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/10/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ bế mạc của Đại Hội đồng chung Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin, và Sự Phân định ơn gọi

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ bế mạc của Đại Hội đồng chung Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin, và Sự Phân định ơn gọi
Thánh Lễ Bế mạc - Thượng Hội đồng 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ bế mạc của Đại Hội đồng chung Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin, và Sự Phân định ơn gọi

‘Xin Chúa chúc phúc cho những bước đi của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe người trẻ, trở thành người anh em của họ, và làm chứng tá cho họ về Chúa Giê-su, là niềm vui của cuộc đời chúng ta’

28 tháng Mười, 2018 11:14

Lúc 10 giờ sáng nay, 28 tháng Mười, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô bế mạc Đại hội chung Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về “Giới trẻ, Đức tin, và sự phân định ơn gọi.” Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ:


***


Trình thuật Tin mừng chúng ta vừa nghe là trình thuật cuối cùng của Thánh sử Mác-cô kể về sứ vụ rao giảng qua mọi miền của Chúa Giê-su, Người đang chuẩn bị về Giê-ru-sa-lem để chịu chết và sống lại. Vì vậy Ba-ti-mê là người cuối cùng theo Chúa Giê-su trên đường đi: từ một người hành khất trên con đường dẫn đến Giê-ri-khô, anh trở thành một môn đệ cùng đồng hành với những môn đệ khác trên con đường về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã cùng đồng hành với nhau; chúng ta đã trở thành một “hội nghị chung”. Tin mừng hôm nay in dấu ba bước đi nền tảng trên hành trình đức tin.

Trước tiên, chúng ta cùng xét đến Ba-ti-mê. Tên của anh có nghĩa là “con của ông Ti-mê.” Đó là cách Tin mừng mô tả về anh: “Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” (Mc 10:46). Tuy nhiên, thật trớ trêu, chẳng tìm thấy cha của anh ở đâu. Ba-ti-mê nằm một mình bên vệ đường, rất xa nhà và không có cha. Anh ta không được yêu thương, nhưng bị bỏ rơi. Anh ta bị mù và chẳng ai lắng nghe tiếng nói của anh. Chúa Giê-su đã nghe tiếng kêu xin của anh. Khi anh ta đến với Ngài, Ngài để cho anh lên tiếng. Cũng chẳng khó khăn để chúng ta đoán xem Ba-ti-mê muốn điều gì: rõ ràng, một người mù thì chắc chắn muốn lấy lại được khả năng nhìn. Nhưng Chúa Giê-su muốn dành thời gian; Ngài dành thời gian để lắng nghe anh. Đây là bước đi đầu tiên trong việc trợ giúp trên hành trình đức tin: lắng nghe. Nó là tác vụ tông đồ của đôi tai: lắng nghe trước khi nói.

Thay vì vậy, nhiều người cùng đi với Chúa Giê-su ra lệnh cho Ba-ti-mê phải im lặng (x. c. 48). Đối với những môn đệ như vậy, thì một người thiếu thốn trên đường trở thành sự phiền toái cho họ, nó nằm ngoài ý muốn và không có kế hoạch trước. Họ thích cái thời gian biểu của riêng họ còn hơn là của Thầy, họ thích nói chuyện riêng của họ hơn lắng nghe người khác. Họ đi theo Chúa Giê-su, nhưng họ lại vạch cho họ những kế hoạch riêng trong tâm trí. Đây là một sự nguy hiểm mà chúng ta phải liên tục canh chừng. Nhưng đối với Chúa Giê-su, tiếng kêu của những người đang van xin sự giúp đỡ không phải là một sự phiền toái nhưng là một thách đố. Lắng nghe cuộc sống là một điều vô cùng quan trọng đối với chúng ta! Những người con của Cha trên trời phải quan tâm chú ý đến những anh chị em của họ, không phải là chuyện phiếm vô bổ, nhưng là những nhu cầu của người anh em. Họ lắng nghe một cách kiên nhẫn và đầy yêu thương, cũng như Chúa lắng nghe chúng ta và những lời cầu nguyện của chúng ta, bất kể là lời đó được lặp đi lặp lại bao nhiêu lần. Chúa không bao giờ biết mệt mỏi; Người luôn vui sướng khi chúng ta đi tìm Người. Cả chúng ta nữa hãy xin ơn để có được một tâm hồn biết lắng nghe. Đại diện cho tất cả những người lớn, cha muốn nói với các bạn trẻ rằng: hãy tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thường xuyên không lắng nghe chúng con, nếu, thay vì phải mở rộng tâm hồn chúng ta, thì chúng ta lại bắt chúng con phải nghe quá nhiều. Là Giáo hội của Đức Ki-tô, chúng ta muốn lắng nghe chúng con với tình yêu thương, chắc chắn vì hai điều: cuộc sống của chúng con vô cùng quý giá trước mặt Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn luôn trẻ trung và yêu thương người trẻ, và cuộc sống của chúng con vô cùng quý giá trước mắt chúng ta nữa, và quả thật cần phải tiến bước.

Sau khi lắng nghe, một bước thứ hai trên hành trình đức tin là trở thành người anh em. Chúng ta hãy nhìn đến Chúa Giê-su: Ngài không ủy quyền cho một người nào đó trong “đám đông” đang theo Ngài, nhưng chính Ngài trực tiếp đến gặp Ba-ti-mê. Ngài hỏi anh ta, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51). Anh muốn … –

Chúa Giê-su dành toàn thời gian cho Ba-ti-mê; Ngài không cố tìm cách tránh anh ta … tôi làm gì – không chỉ nói đơn thuần, nhưng làm một điều gì đó … cho anh – không phải theo những ý tưởng đã định trước của tôi, nhưng cho anh, cho trường hợp đặc biệt của anh. Đó là cách hoạt động của Thiên Chúa. Ngài can thiệp một cách riêng tư với một tình yêu đặc biệt dành cho mỗi con người. Bằng những hành động của Người, Người chuyển tải thông điệp của Người. Từ đó đức tin trổ hoa trong cuộc sống.

Đức tin truyền đạt qua cuộc sống. Khi đức tin chỉ quan tâm thuần túy đến công thức giáo lý, nó có nguy cơ chỉ nói với trí óc nhưng lại không chạm đến được con tim. Và khi nó chỉ quan tâm duy nhất đến hoạt động, nó có nguy cơ biến thành việc dạy đời và công việc xã hội. Thay vì vậy, đức tin là cuộc sống: nó là việc sống trong tình yêu của Thiên Chúa Đấng đã biến đổi cuộc đời của chúng ta. Chúng ta không thể chọn lựa giữa giáo lý và chủ nghĩa hành động. Chúng ta được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa theo cách của Thiên Chúa: bằng sự gần gũi, bằng sự trung thành với Ngài, trong tình hiệp nhất với nhau, cùng với những anh chị em của chúng ta. Sự gần gũi: đó là bí mật chuyển tải trọng tâm của đức tin, chứ không phải là khía cạnh thứ yếu.

Là một người anh em có nghĩa là đem tính mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống của anh chị em chúng ta. Nó trở thành một liều thuốc giải độc cho cám dỗ tìm kiếm những câu trả lời dễ dàng và những cách sửa chữa nhanh chóng. Chúng ta hãy tự chất vấn mình là những Ki-tô hữu, chúng ta có khả năng trở thành những người anh em không, có khả năng bước ra khỏi quỹ đạo của mình và ôm lấy người không phải là “một người thuộc chúng ta,” những người Chúa đang miệt mài đi tìm hay không. Một sự cám dỗ thường được tìm thấy trong các Sách Thánh vẫn luôn ở đó: cám dỗ rửa tay của mình. Đó là hành động của đám đông trong Tin mừng hôm. Đó là điều Cain đã làm với Aben, và Phi-la-tô làm với Chúa Giê-su: họ rửa tay của họ. Nhưng chúng ta phải bắt chước Chúa Giê-su, và cũng như Người, hãy để đôi tay chúng ta lấm bẩn. Người là đường (x. Ga 14:6), Đấng đã dừng lại trên đường đi vì Ba-ti-mê. Người là ánh sáng của thế gian (x. Ga 9:5), Đấng đã cúi xuống để cứu giúp một người mù. Chúng ta phải nhận ra rằng Chúa đã phải lấm bẩn đôi tay của Người vì mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nhìn lên thập giá, hãy bắt đầu từ đó và nhớ rằng Thiên Chúa đã trở thành người anh em của tôi trong tội và sự chết. Người đã trở thành người anh em của tôi: tất cả đều bắt đầu từ đó. Và nhờ tình yêu của Người, chúng ta lại trở nên người anh em, chúng ta trở nên những người mang đến sự sống mới. Không phải là thầy dạy cho mọi người, không phải là chuyên gia trong sự thánh thiêng, nhưng là những chứng nhân của tình yêu cứu rỗi.

Bước thứ ba là làm chứng tá. Chúng ta xét đến các môn đệ, khi Chúa Giê-su yêu cầu, họ tiến đến lên tiếng gọi Ba-ti-mê. Họ không tiến lại người hành khất bố thí cho một đồng xu để anh ta im miệng, hoặc cho lời khuyên. Các ông bước đến nhân danh Chúa Giê-su. Quả thật, các ông chỉ nói có ba từ với anh ta, và cả ba từ đó đều là lời của Chúa Giê-su: “Cứ yên tâm; đứng dậy, người đang gọi anh đấy” (c. 49). Rất nhiều chỗ khác trong Tin mừng, chỉ một mình Chúa Giê-su nói, “Hãy yên tâm”, vì chỉ mình Ngài mới “làm phấn khởi” những người lắng nghe Ngài. Trong Tin mừng, chỉ một mình Chúa Giê-su nói “Hãy đứng dậy,” và chữa lành tâm hồn và thân xác. Chỉ một mình Chúa Giê-su lên tiếng gọi, biến đổi cuộc đời của những người theo Ngài, giúp nâng dậy những người vấp ngã, đem ánh sáng của Thiên Chúa đến những vùng đen tối của cuộc đời. Quá nhiều trẻ em, quá nhiều người trẻ, như Ba-ti-mê, đang đi tìm ánh sáng cho cuộc đời của họ. Họ đang đi tìm tình yêu thật sự. Và cũng giống như Ba-ti-mê, một người lẫn giữa đám đông khổng lồ, lên tiếng kêu xin một mình Chúa Giê-su, họ cũng đang đi tìm sự sống, nhưng thường chỉ tìm được những lời hứa suông và rất ít người thật sự quan tâm.

Đây vẫn chưa phải là thái độ người Ki-tô hữu nếu chỉ mong chờ anh chị em, những người đang miệt mài đi tìm, phải đến gõ cửa nhà chúng ta; chúng ta phải tiến đến với họ, không chỉ mang bản thân của chúng ta đến nhưng là đem Chúa Giê-su đến. Ngài sai chúng ta đến để động viên người khác và nâng họ dậy nhân danh Ngài, cũng như các môn đệ. Ngài sai chúng ta tiến bước để nói với mỗi con người rằng: “Thiên Chúa đang kêu gọi bạn hãy để cho bản thân bạn được yêu thương bởi Người”. Không biết bao nhiêu lần, thay vì mang thông điệp cứu độ giải thoát này, thì chúng ta lại mang đến chính con người của mình, “những công thức” của riêng mình và “dán nhãn” của Giáo hội! Không biết bao nhiêu lần, thay vì lấy Lời Chúa làm lời của riêng mình, thì chúng ta lại lấy ý kiến riêng của mình như là Lời của Người! Không biết bao nhiêu người cảm thấy gánh nặng của những hội đoàn của chúng ta hơn là sự hiện hữu thân thiết của Chúa Giê-su! Trong những trường hợp này, chúng ta hoạt động rất giống như một tổ chức phi chính phủ, một cơ quan của nhà nước điều hành, chứ không phải là một cộng đoàn những người đã được giải thoát đang ngụ cư trong niềm vui của Thiên Chúa.

Lắng nghe, là một người anh em, làm chứng tá. Hành trình đức tin trong Tin mừng hôm nay kết thúc bằng hình ảnh rất đẹp và đầy ngạc nhiên khi Chúa Giê-su nói “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (c. 52). Ba-ti-mê đã chẳng có lời tuyên xưng đức tin hoặc chẳng có công cuộc tốt lành nào; anh ta chỉ van xin lòng thương xót. Cảm nhận bản thân đang cần ơn cứu độ là bước khởi đầu của đức tin. Nó là con đường trực tiếp đến gặp gỡ Chúa Giê-su. Niềm tin đã cứu Ba-ti-mê chẳng có gì liên quan đến việc anh ta có những ý tưởng rành mạch về Thiên Chúa hay không, nhưng liên quan đến việc đi tìm Ngài và khát khao gặp gỡ Ngài. Đức tin gắn liền với sự gặp gỡ, không phải là lý thuyết. Trong sự gặp gỡ, Chúa Giê-su truyền ban; trong sự gặp gỡ, trái tim của Giáo hội rộn lên nhịp đập. Rồi không phải vì lời nói của chúng ta, nhưng chính chứng tá cuộc sống của chúng ta sẽ chứng minh hiệu quả.

Cha xin gửi lời cảm ơn đến tất cả anh chị em đã tham gia vào “cuộc đồng hành” này vì chứng tá của anh chị em. Chúng ta đã làm việc trong tình hiệp nhất, với sự chân thành và khát khao phục vụ Dân Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho những bước đi của chúng ta, để chúng ta có thể lắng nghe người trẻ, trở thành anh em của họ, và làm chứng tá cho họ về Chúa Giê-su, là niềm vui của cuộc đời chúng ta

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2018]


Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

CHUYÊN MỤC: Một bạn trẻ đã suýt tự tử, nhưng được trợ giúp và đồng hành: bây giờ anh ấy sắp trở thành một linh mục

CHUYÊN MỤC: Một bạn trẻ đã suýt tự tử, nhưng được trợ giúp và đồng hành: bây giờ anh ấy sắp trở thành một linh mục
Photo By Zenit

CHUYÊN MỤC: Một bạn trẻ đã suýt tự tử, nhưng được trợ giúp và đồng hành: bây giờ anh ấy sắp trở thành một linh mục

Đức Tổng Giám mục An-tôn Muheria của Kenya cho ZENIT biết rằng Giáo hội phải tìm thời gian, và nếu không có thì phải ‘dành thời gian’ cho người trẻ

27 tháng Mười, 2018 00:09

Đức Tổng Giám mục An-tôn Muheria, nói rằng chúng ta phải dành thời gian để thực sự hiểu và đồng hành được với người trẻ của chúng ta, và có những lúc điều này có thể tạo ra một sự khác biệt giữa quyết định sống hay chết ...

Đức Tổng Giám mục người Kenya thuộc giáo phận Nyeri nói với ZENIT tại buổi họp báo trong Văn phòng Báo chí Tòa Thánh của Vatican, cùng với ông Giám đốc, Greg Burke; ngài Tổng trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, Paolo Ruffini; Đức Hồng y Christoph Schönborn, O.P. của Vienna, Áo; và Đức Tổng Giám mục Eamon Martin của Armagh và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ireland.

Trả lời cho câu hỏi rằng ngài sẽ đem về và đưa ra thực hành điều gì từ Thượng Hội đồng này, Đức Tổng Giám mục Muheria nhấn mạnh đến tầm quan trọng đối với các giám mục là phải tìm hoặc dành thời gian để hiểu biết về người trẻ của các ngài.

“Điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là phát biểu của một bạn trẻ hỏi rằng “Có bao nhiêu giám mục trong chúng tôi biết tên của họ. Đó là thử thách rất lớn. Tôi biết nhiều, nhiều người trẻ, nhưng bây giờ tôi quyết định phải biết rõ tên của họ càng nhiều càng tốt, biết hoàn cảnh của họ.”

Ngài nói rằng, “có thể đó không phải là vấn đề của bộ nhớ, nhưng thật sự là hiểu rõ về mỗi người mà tôi biết.”

“Tôi muốn dành thời gian cho mỗi người mà tôi đã từng gặp. Tôi phải dành thời gian cho họ. Đó là điều tôi đã làm, nhưng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa.”

Ngài kể lại rằng trong Thượng Hội đồng có một bạn trẻ đến từ Ấn độ phát biểu và kể lại việc anh ta gần đi đến quyết định tự tử, nhưng đã hồi phục, nhờ một sự đồng hành, thấu hiểu và cảm thông.

Đức Tổng Giám mục Muheria nói, “Bây giờ anh ấy đang suy nghĩ đến việc trở thành một linh mục.”

“Vì thế ơn gọi mà chúng tôi đã đi qua được một phần trong Thượng Hội đồng, giống như Chúa Giê-su gọi tên từng người chúng ta, vì Người biết rõ chúng ta theo từng tên gọi. Vì vậy ơn gọi không chỉ là một hoạt động có tổ chức, nó là việc chúng ta đến với mỗi người và hiểu rõ về họ, những vấn đề của họ, gọi tên của họ.”

“Chúng ta cần phải suy nghĩ về vấn đề chúng ta đã thực sự lắng nghe được bao nhiêu, thậm chí chỉ 10 phần trăm những thách đố.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2018]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lời Chúa trong Ngày Bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lời Chúa trong Ngày Bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lời Chúa trong Ngày Bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ

‘Đó là thời gian đầy an ủi và hy vọng’

28 tháng Mười, 2018 14:27

Cuối Thánh Lễ ngày 28 tháng Mười, 2018, trong Vương cung Thánh đường Vatican, bế mạc Đại Hội đồng Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục với chủ điểm: “Giới trẻ, Đức tin, và sự Phân định Ơn gọi,” Đức Thánh Cha Phanxico xuất hiện trên cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa, đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin.


* * *


Trước Kinh truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng tốt lành! Nhưng có vẻ không được tốt lắm! [Trời đang mưa và nhiều gió].

Sáng nay, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, chúng ta đã dâng Thánh Lễ bế mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục riêng về giới trẻ. Bài đọc Một, trích Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (31:7-9), rất phù hợp cho giây phút này vì nó là một lời của hy vọng, mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Một lời ủi an, đặt nền tảng vững chắc trên sự thật rằng Thiên Chúa là Cha của Dân Người; Người yêu thương họ và chăm sóc họ như là con cái của Người (x. c. 9); Người mở ra trước họ một chân trời của tương lai, một con đường thiết thực có thể đạt được, trong đó “có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ; tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo,” (c. 8), rõ ràng đó là những người trong tình trạng khó khăn, sẽ có thể đi được — vì niềm hy vọng của Thiên Chúa không phải là một ảo ảnh, như một số chương trình quảng cáo chỉ dành cho những con người khỏe mạnh và đẹp đẽ, nhưng đó là một lời hứa cho những con người thật, với những điểm tốt cũng như điểm xấu, có khả năng cũng như rất mong manh, giống như tất cả chúng ta đây: niềm hy vọng của Thiên Chúa là một lời hứa cho những con người như chúng ta.

Lời Chúa ở đây diễn tả thật đúng kinh nghiệm chúng ta đã sống trong những tuần lễ của Thượng Hội đồng: đó là một thời gian đầy ủi an và hy vọng. Trên hết, nó là một thời gian lắng nghe: quả thật, lắng nghe đòi phải có thời gian với một tâm trí và tâm hồn rộng mở. Và mỗi ngày sự cam kết này được chuyển thành sự an ủi, đặc biệt vì ở giữa chúng ta có sự hiện diện rất nhiệt thành và hào hứng của các bạn trẻ, với những câu chuyện và những đóng góp của họ. Qua những chứng ngôn của các Nghị Phụ, theo một cách nói thì thực tại đa chiều của các thế hệ trẻ đã đi vào Thượng Hội đồng từ khắp mọi nơi: từ mọi Châu lục và từ nhiều hoàn cảnh con người và xã hội khác nhau.

Với thái độ lắng nghe này, chúng ta tìm cách đọc được thực tại, để thu thập những dấu chỉ của thời đại chúng ta. Nó là một sự phân định chung, được thực hiện dưới ánh sáng của Lời Chúa và của Thánh Thần. Đây là một trong những món quà đẹp nhất mà Chúa ban tặng cho Giáo hội Công giáo, tức là quy tụ những tiếng nói và khuôn mặt từ những thực tại hoàn toàn khác nhau và từ đó có thể làm sáng tỏ sự phong phú và tính phức tạp của hiện tượng, luôn luôn dưới ánh sáng của Tin mừng. Vì thế, trong những ngày vừa qua, chúng ta đã phải học cách cùng đồng hành để vượt qua nhiều thách đố, chẳng hạn như thế giới kỹ thuật số, hiện tượng di cư, ý nghĩa của thân xác và tình dục, thảm kịch của chiến tranh và bạo lực. Hoa trái của công việc này hiện đang “lên men”, như nước ép của nho trong thùng sau mùa thu hoạch. Thượng Hội đồng về GIới trẻ là một vụ thu hoạch tốt, và nó hứa hẹn một loại rượu ngon. Tuy nhiên, cha muốn nói rằng hoa trái đầu tiên của Đại hội Thượng Hội đồng này chính là phương pháp mà mọi người đã cố gắng đi theo, từ giai đoạn chuẩn bị; một phong cách như Thượng Hội đồng đã đưa đến một tài liệu làm việc rất quý giá và hữu ích, như mục tiêu ban đầu của nó. Tuy nhiên, còn quan trọng hơn cả tài liệu, đó chính là cách cùng chung và cùng làm việc với nhau, giữa người trẻ và người già, trong việc lắng nghe và phân định, để đạt đến những chọn lựa mục vụ nhằm đáp ứng cho thực tại.

Vì vậy, chúng ta hãy khẩn xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Trinh Nữ. Qua Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phó thác tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì món quà của Đại hội Thượng Hội đồng này. Và xin Mẹ hỗ trợ chúng ta không run sợ, đem ra thực hành trong đời sống thường nhật của các cộng đoàn những gì chúng ta đã trải nghiệm. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, với sự sáng tạo khôn ngoan của Người, làm cho những hoa trái của công việc chúng ta phát triển, tiếp tục cùng đồng hành với người trẻ trên toàn thế giới.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chia buồn đến thành phố Pittsburgh, ở Hoa Kỳ, và đặc biệt với cộng đồng người Do thái, đã bị một cuộc tấn công khủng khiếp vào Hội đường. Xin Đấng Tối Cao đón nhận những người đã qua đời vào nơi an nghỉ, an ủi gia đình của họ và trợ giúp những người bị thương. Quả thật, tất cả chúng ta đều bị thương tổn bởi hành động bạo lực vô nhân này. Xin Chúa giúp chúng ta dập tắt được những ngọn lửa thù ghét đang lớn lên trong các xã hội của chúng ta, làm vững chắc lại ý nghĩa nhân đạo, tôn trọng sự sống, các giá trị đạo đức và công dân, và sự kính sợ Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu và là Cha của mọi người.

Hôm qua tại Morales, Guatemala, đã tuyên phong Chân phước Jose Tullio Maruzzo, Tu sĩ Dòng Tiểu Đệ, và Luis Obdulio Arroyo Navarro, đã bị giết vì sự thù ghét đức tin trong thế kỷ trước, trong suốt cuộc bách hại chống lại Giáo hội, vì thúc đẩy công bằng và hòa bình. Chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa và phó thác Giáo hội Guatemala cho sự chuyển cầu của ngài, cùng tất cả những anh chị em cho đến hôm nay vẫn đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới vì làm chứng tá cho Tin mừng. Chúng ta cùng vỗ tay hoan hô hai vị Chân phước!

Cha xin chào thân ái tất cả anh chị em, những người hành hương từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các bạn trẻ từ Maribor (Slovenia), Tổ chức “Roman Academic Centre” của Tây Ban Nha và các giáo dân của xứ Thánh Siro, Đức Giám mục ở Canobbio (Thụy Sĩ). Cha xin chào các tình nguyện viên của Đền thờ Thánh Gioan XXIII ở Sotto il Monte, nhân kỷ niệm lần thức 60 Đức Bergamo thân yêu được bầu chọn lên ngôi giáo hoàng, và các tín hữu của Cesena và Thiene, và các thừa tác viên và thiếu niên của hội Công giáo Tiến hành của Giáo phận Padua.

[...]

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2018]


Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ
Vatican Media Photo

Thư của các Nghị phụ Thượng Hội đồng gửi giới trẻ

‘Những yếu đuối của chúng ta không thể làm nhụt chí chúng con; những sa ngã và tội lỗi của chúng ta không thể trở thành một chướng ngại cho lòng tín thác của chúng con. Giáo hội là mẹ của chúng con, Giáo hội không bỏ rơi chúng con …’

28 tháng Mười, 2018 11:44

Lúc 10 giờ sáng nay, 28 tháng Mười, 2018, Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô bế mạc Đại Hội đồng Thông thường của Thượng Hội đồng Giám mục về “Giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi.’

Trong Lễ Bế mạc, thư của các Nghị phụ đã viết gửi các bạn trẻ trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội đồng được đọc lên.

Dưới đây là bản dịch lá thư (tiếng Anh) của Vatican:


***


Thư của các Nghị Phụ Thượng Hội đồng gửi các bạn trẻ

Chúng tôi những Nghị Phụ gửi đến các bạn trẻ trên toàn thế giới, một lời hy vọng, tin tưởng và an ủi. Trong những ngày này, chúng ta đã tập họp với nhau để lắng nghe tiếng nói của Chúa Giê-su, “Đức Ki-tô luôn mãi trẻ trung,” và nhận ra nhiều tiếng nói của chúng con trong Người, những tiếng reo hò hân hoan, những tiếng kêu lên của chúng con, và những giây phút thinh lặng của chúng con.

Chúng ta biết rất rõ sự đi tìm kiếm những điều thuộc nội tâm của chúng con, những niềm vui và những hy vọng, những đau đớn và khổ não tạo nên niềm khát khao mãnh liệt của chúng con. Bây giờ chúng ta muốn chúng con hãy lắng nghe một lời từ chúng ta: chúng ta muốn trở thành những người chia sẻ niềm vui với chúng con, để những mong chờ của chúng con có thể trở thành hiện thực. Chúng ta chắc chắn rằng với nhiệt huyết của cuộc sống chúng con, chúng con sẽ sẵn sàng can dự vào để những ước mơ của chúng con có thể trở thành hiện thực và định hình trong lịch sử của chúng con.

Những yếu đuối của chúng ta không thể làm nhụt chí chúng con; những sa ngã và tội lỗi của chúng ta không thể trở thành một chướng ngại cho lòng tín thác của chúng con. Giáo hội là mẹ của chúng con, Giáo hội không bỏ rơi chúng con; Giáo hội sẵn sàng đồng hành với chúng con trên những con đường mới, trên những con đường cao hơn nơi những luồng gió của Thần Khí thổi mạnh hơn – quét sạch những làn sương mù của sự thờ ơ, sự thiển cận và thoái chí.

Khi trần gian mà Thiên Chúa quá yêu thương đến nỗi đã ban cho chúng ta Con Một của Người là Chúa Giê-su, bị cuốn hút vào những thứ thuộc vật chất, và những sự thành công chóng qua, vào những khoái lạc, và khi trần gian đè bẹp những người hèn mọn nhất, chúng con phải giúp nó đứng lên và một lần nữa hướng ánh mắt nhìn về tình yêu, về cái đẹp, về chân lý và công bằng.

Trong suốt một tháng, chúng ta đã cùng đồng hành với một số người chúng con và với rất nhiều bạn trẻ khác cùng hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện và tình cảm. Chúng ta ước mong được tiếp tục hành trình của giây phút này trên mọi miền của trái đất nơi Chúa Giê-su gửi chúng ta đến như là những môn đệ thừa sai.

Giáo hội và thế giới đang rất cần lòng nhiệt huyết của chúng con. Hãy chọn người bạn đồng hành với chúng con là những người mong manh nhất, người nghèo và những người bị thương tổn bởi cuộc sống.

Chúng con là hiện tại; hãy là một tương lai tươi sáng hơn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2018]


Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II - Wikipedia

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II: ‘Đừng sợ’

Kỷ niệm 40 năm bài diễn từ nhậm chức giáo hoàng

22 tháng Mười, 2018 16:44

“Anh chị em thân mến, đừng e sợ việc chào đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những người mong muốn phục vụ Đức Ki-tô và với sức mạnh của Người để phục vụ nhân vị và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở cửa thật rộng cho Đức Ki-tô, cho sức mạnh giải thoát của Người để mở cửa biên giới các Chính phủ, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lĩnh vực bao la thuộc văn hóa, văn minh, và sự phát triển. Đừng sợ! Đức Ki-tô biết rõ ‘những gì có trong con người’. Chỉ mình Người biết điều đó.”

Đây là những lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II mà chúng ta đã nghe thấy nhiều lần trong suốt triều đại giáo hoàng dài và nổi bật của ngài. Nhưng lần đầu tiên ngài nói những lời đó với cương vị là Giáo hoàng đúng vào ngày này 40 năm về trước, 22 tháng Mười, 1978, trong bài diễn từ nhậm chức trước các đám đông tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Ngài được bầu chọn ngày 16 tháng Mười năm 1978, và phục vụ đến khi qua đời ngày 2 tháng Tư năm 2005.

Đức Gioan Phaolo II là vị giáo hoàng với triều đại phục vụ dài thứ hai trong lịch sử hiện đại sau Đức Giáo hoàng Piô IX, ngài đã phục vụ gần 32 năm từ 1846 đến 1878. Chào đời tại Ba lan, Đức Gioan Phaolo II là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ thời Đức Giáo hoàng Adrian VI người Hà lan, phục vụ từ năm 1522 đến 1523.

Ngày 2 tháng Tư, 2017, kỷ niệm 12 năm ngày qua đời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, và Đức Thánh Cha Phanxico đã tỏ lòng tôn kính đối với ngài hôm nay trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư khi ngài chào những khách hành hương người Ba lan trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Đức Gioan Phaolo II đã trao cho thế giới hai thông điệp lớn: đó là thông điệp Chúa Giê-su giàu lòng thương xót và thông điệp Fatima. Thông điệp đầu tiên được mừng trong dịp Năm Thánh Đặc Biệt Lòng Chúa Thương Xót; thông điệp thứ hai, liên quan đến sự chiến thắng ma quỷ của Trái tim Vẹn sạch Mẹ Maria, “là dịp kỷ niệm 100 năm những lần Mẹ hiện ra tại Fatima đã nhắc nhở chúng ta.”

“Chúng ta hãy đón nhận những Thông điệp này để các thông điệp sẽ đổ đầy tâm hồn chúng ta” và “chúng ta hãy mở rộng những cánh cửa cho Đức Ki-tô,” ngài nhắc lại những lời của Đức Giáo hoàng người Ba lan ngay sau khi được bầu chọn.

“Những năm vừa qua đã giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao Đức Gioan Phaolo II lại đi vào lòng người; ngài sống với chúng ta và ký ức của ngài luôn luôn sống động. Lòng yêu mến dành cho ngài được thể hiện qua những người đến viếng mộ của ngài và khẩn xin sự chuyển cầu của ngài, Đức ông Slawomir Oder nói, Đức ông là Cáo Thỉnh viên án phong thánh của Đức Gioan Phaolo II, trong một phỏng vấn với Cơ quan SIR Agency trong tối trước ngày kỷ niệm 12 năm qua đời của ngài, lúc 9:37 tối ngày 2 tháng Tư, 2005.

“Những tình cảm thể hiện trong giây phút ngài trút hơi thở cuối cùng, đó là sự mất đi một người thân yêu, vẫn còn đọng lại, nhưng với ý thức rằng dù trong trường hợp nào thì ngài vẫn luôn gần gũi với chúng ta và cùng bước đi trên hành trình với chúng ta,” Đức ông Oder khẳng định. “Là một Cáo Thỉnh viên, tôi có thể nói rằng cho đến hôm nay, nhiều năm sau khi ngài qua đời, tôi vẫn nhận được rất nhiều những dấu chỉ thể hiện tình cảm đối với Đức Gioan Phaolo II và các lá thư để lại trên mộ của ngài, là mục đích của rất nhiều người hành hương. Đức Giáo hoàng Wojtyla đã đánh dấu một kỷ nguyên trong đời sống Giáo hội và các thế hệ người Ki-tô hữu: chúng ta chắc chắn luôn mang hình ảnh ngài trong tâm hồn,” ngài nói.

Đức Gioan Phaolo vẫn có thể nói điều gì cho hôm nay, trong Giáo hội của Đức Thánh Cha Phanxico? “Thông điệp trung tâm của Giáo hội, điều mà Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục làm sáng tỏ, phù hợp với đặc sủng của ngài và làm phong phú thêm với kinh nghiệm, sự thông thái, và sự thánh thiện của riêng ngài,” Đức ông Oder trả lời. Lời kêu gọi mà chúng ta nghe thấy ngay buổi đầu của triều đại của Đức Thánh Cha người Ba lan — ‘Đừng sợ, hãy mở rộng các cửa cho Đức Ki-tô’ –, chúng ta vẫn tiếp tục nghe lặp đi lặp lại ngày nay, trong Giáo hội do Đức Thánh Cha Phanxico dẫn dắt, như là một lời mời gọi đi đến với tính xác thực của đời sống và tinh thần Ki-tô giáo, và chân nhận sự hiện hữu của Đức Ki-tô trong Giáo hội và trong những người anh em của chúng ta đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn,” ngài nói thêm.

Trên cơ sở thống kê thuần túy, triều đại giáo hoàng của ngài thật đáng kinh ngạc. Ngài là một trong những nhà lãnh đạo thế giới di chuyển nhiều nhất trong lịch sử, đến thăm 129 quốc gia trong suốt triều đại của ngài. Ngài tuyên phong 1.340 chân phước và 483 vị thánh, hơn cả tổng số những vị được tuyên phong bởi các đấng tiền nhiệm của ngài trong suốt năm thế kỷ trước đó. Tính đến lúc ngài qua đời, ngài đã nâng số Hồng y trong Hồng y đoàn lên nhiều nhất, và một số lớn giám mục trên toàn thế giới, và truyền chức nhiều linh mục.

Dưới sự dẫn dắt của ngài, Giáo hội đã sửa lại giáo luật và phát hành Giáo lý Giáo hội Công giáo; những bài viết của riêng ngài thì rất đồ sộ. Ngài giúp làm cho Giáo hội đóng một vai quan trọng trong các vấn đề quốc tế, trong đó có sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.


******


BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II

TRONG LỄ NHẬM CHỨC GIÁO HOÀNG

Quảng trường Thánh Phê-rô

Chúa nhật, 22 tháng Mười 1978


1. “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Đây là những lời của Si-mon, con ông Giô-na, trong vùng Caesarea Philippi. Đúng, những lời này phát ra từ chính miệng lưỡi của ông, với một lòng tin vững chắc và sâu thẳm — nhưng cội nguồn của những lời đó lại không phải từ chính trong con người của ông mà ra: “... vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Đó là những lời của Đức tin.

Đây là những lời đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Phê-rô trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử của Dân Chúa. Từ giây phút đó, từ giây phút tuyên xưng Đức tin đó, lịch sử ơn cứu độ và lịch sử của Dân Chúa bước sang một chiều kích mới: thể hiện chính mình trong chiều kích lịch sử của Giáo hội.

Chiều kích hội thánh của lịch sử Dân Chúa có nguồn gốc, thật ra là được sinh ra, từ những lời tuyên xưng đức tin này, và được liên kết mật thiết với người tuyên bố lời này: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.”

2. Trong ngày hôm nay và tại nơi đây cùng những lời này một lần nữa phải được vang lên và được lắng nghe:

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Thật đúng như vậy, anh chị em và các con thân yêu, những lời này phải được đặt lên hàng đầu.

Nội dung của những lời này tỏ lộ trước mắt chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa Hằng sống, mầu nhiệm mà Chúa Con đem chúng ta đến gần. Quả thật, không một ai đã đưa Thiên Chúa Hằng sống đến gần với con người và tỏ lộ ra như Ngài đã làm. Trong tầm mức hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa, trong hành trình chúng ta đến với Chúa, chúng ta hoàn toàn được liên kết với sức mạnh của những lời này: “Ai nhìn thấy Ta là nhìn thấy Cha Ta.” Người là Đấng vô biên, Đấng chúng ta không thể hiểu thấu, Đấng từ ngữ không thể mô tả hết, đã đến gần chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh ra bởi Đức Maria Trinh Nữ trong máng cỏ Bêlem.

Tất cả anh chị em, những người vẫn còn đang đi tìm kiếm Thiên Chúa, tất cả anh chị em những người đã có được gia tài vô giá là niềm tin, và cả những anh chị em đang bị dằn vặt bởi sự hoài nghi: hôm nay trong nơi thánh thiêng này, xin hãy lắng nghe lại một lần nữa những lời được thốt lên bởi Simon Phê-rô. Đức tin của Giáo hội đặt trong những lời đó. Thật vậy, cùng trong những lời đó là một chân lý mới, chân lý cuối cùng và thật nhất về Con Người: Con Thiên Chúa Hằng sống — “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

3. Hôm nay đức tân Giám mục Roma long trọng khởi đầu thừa tác vụ của ngài và sứ mạng của Phê-tô. Thật vậy, đây là thành trì nơi Phê-rô hoàn tất và kiện toàn sứ mạng được Thiên Chúa trao phó.

Chúa nói với ông những lời này: “ … Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18).

Phê-rô đã đến Roma!

Có gì khác nữa ngoài sự vâng phục trước những sự thôi thúc đón nhận từ Thiên Chúa đã hướng dẫn và mang ông đến thành trì này, là trung tâm của Đế quốc? Có lẽ người ngư phủ của Ga-li-lê không muốn đến đây. Có lẽ ông thích ở lại đó hơn, trên những bờ của Hồ Genesareth, cùng với con thuyền và những tấm lưới của ông. Nhưng được Thiên Chúa soi dẫn, vâng lời trước những thôi thúc của Người, ông đã đến đây!

Theo một truyền thống cổ xưa (được diễn tả tuyệt vời theo lối văn học trong một tiểu thuyết của Henryk Sienkiewicz), Phê-rô muốn rời khỏi Roma trong thời kỳ bách hại của Nêrô. Nhưng Chúa đã can thiệp: Người đến gặp ông. Phê-rô nói chuyện với Người và hỏi. “Quo vadis, Domine?” — “Lạy Chúa, Người đang đi đâu?” Và Chúa trả lời ông không chút chần chừ: “Ta đang đến Roma để chịu đóng đinh một lần nữa.” Phê-rô đã quay trở lại Roma và ở đây cho đến khi chịu đóng đinh.

Vâng, thưa anh chị em và các con thân yêu, Roma là Ngai tòa của Phê-rô. Xuôi theo dòng thời gian các thế kỷ trôi qua các vị Giám mục tiếp tục kế nhiệm ngài trên Ngai tòa này. Hôm nay, một vị tân Giám mục đến Ngai tòa của Phê-rô ở Roma, một Giám mục vô cùng lo lắng, vì ý thức về sự bất xứng của mình. Và làm sao một người không thể run lên trước sự vĩ đại của tiếng gọi đó và trước sứ mạng hoàn vũ trên Ngai tòa Roma này!

Trên Ngai tòa Phê-rô ở Roma hôm nay vị Giám mục kế nhiệm không phải là một người Roma. Một Giám mục là người con của Ba lan. Nhưng từ giây phút này ngài cũng trở thành một công dân của Roma. Vâng — một người Roma. Ngài trở thành một người Roma cũng bởi vì ngài là người con của một dân tộc với lịch sử từ buổi bình minh đầu tiên, và với những truyền thống hàng ngàn năm được in dấu bởi sự kết nối sống động, mạnh mẽ, liền lạc và sâu sắc với Ngai tòa Phê-rô, một dân tộc luôn mãi trung thành với Ngai tòa Phê-rô này. Chương trình của Thiên Chúa Quan Phòng thật huyền nhiệm biết bao!

4. Trong những thế kỷ trước, khi Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô lên ngôi thì ngọc miện ba tầng giáo hoàng triregnumor được đặt trên đầu ngài. Đức Giáo hoàng gần đây nhất đội ngọc miện là Đức Phaolo VI năm 1963, nhưng sau nghi thức gia miện trọng thể thì ngài không bao giờ sử dụng lại ngọc miện ba tầng nữa và để cho các Đấng Kế nhiệm tự do quyết định về vấn đề này.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo I, ký ức về ngài vẫn luôn sống động trong tâm hồn chúng ta, ngài không muốn có ngọc miện ba tầng; và vị Kế nhiệm của ngài hôm nay cũng muốn như vậy. Đây không phải là thời gian để quay trở lại với một nghi thức và một đồ vật được nhìn một cách không đúng như là biểu tượng về thế quyền của Giáo hoàng.

Thời đại của chúng ta kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta phải hướng mắt lên Thiên Chúa và chìm đắm trong sự suy niệm khiêm nhường và thành kính về mầu nhiệm quyền năng tối thượng của chính Đức Ki-tô.

Người là Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, là con của Bác thợ mộc (như người ta gọi Người), là Con Thiên Chúa Hằng sống (được tuyên xưng bởi Phê-rô), đến để làm cho tất cả chúng ta trở thành “một vương quốc tư tế.”

Công đồng chung Vatican II đã nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm quyền năng này và sự thật rằng sứ mạng của Đức Ki-tô là Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế tiếp tục trong Giáo hội. Mọi người, toàn thể Dân Chúa, đều cùng chia sẻ chung sứ mạng gồm ba chức vụ này. Có lẽ trong quá khứ, ngọc miện, vương miện ba tầng đó, được đặt trên đầu của Giáo hoàng để diễn tả rằng nó là biểu tượng cho chương trình của Chúa dành cho Giáo hội của Người, cụ thể là tất cả phẩm trật thánh chức của Giáo hội của Chúa Ki-tô, tất cả “quyền năng thánh” được thi hành trong Giáo hội, không gì khác ngoài sự phục vụ, phục vụ với một mục đích duy nhất: để bảo đảm rằng toàn thể Dân Chúa cùng chia sẻ trong sứ mạng ba chức vụ này của Đức Ki-tô và luôn luôn ở lại trong quyền năng của Chúa; một quyền năng không xuất phát từ quyền lực của thế gian này nhưng từ mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh.

Quyền năng tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu êm của Chúa trả lời cho toàn bộ những điều sâu thẳm nhất của nhân vị, cho những khát vọng cao quý nhất của con người về trí tuệ, ý chí và tâm hồn. Quyền năng đó không nói bằng ngôn ngữ của sức mạnh nhưng diễn tả nó trong đức ái và sự thật.

Đấng tân Kế nhiệm Thánh Phê-rô trên Tòa Thánh Roma, hôm nay xin dâng lên một lời cầu nguyện tha thiết, khiêm nhường và tín thác: Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy biến con trở thành một người phục vụ và luôn trung thành phục vụ cho quyền năng duy nhất của Người, là người phục vụ cho quyền năng ngọt ngào của Người, là người phục vụ cho quyền năng muôn đời của Người. Xin hãy biến con trở thành một người phục vụ, người phục vụ cho những người phục vụ của Người.

5. Anh chị em thân mến, đừng e sợ việc chào đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền năng của Người. Hãy giúp Đức Giáo hoàng và tất cả những người mong muốn phục vụ Đức Ki-tô và với sức mạnh của Người để phục vụ nhân vị và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở cửa thật rộng cho Đức Ki-tô, cho sức mạnh giải thoát của Người để mở cửa biên giới các Chính phủ, các hệ thống kinh tế và chính trị, những lĩnh vực bao la thuộc văn hóa, văn minh, và sự phát triển. Đừng sợ! Đức Ki-tô biết rõ ‘những gì có trong con người’. Chỉ mình Người biết điều đó.

Vì con người ngày nay thường không hiểu rõ những gì ẩn chứa trong con người mình, trong những góc sâu thẳm của tâm trí và tâm hồn. Và do vậy con người thường không chắc chắn về ý nghĩa của cuộc sống họ trên trần gian này. Con người bị tấn công bởi sự hoài nghi, một sự hoài nghi sau đó chuyển thành thất vọng. Vì vậy, chúng con xin Người, chúng con van xin Người với lòng khiêm nhường và tín thác, xin để cho Đức Ki-tô nói với nhân loại. Chỉ mình Ngài có lời sự sống, vâng, lời của sự sống trường sinh.

Cũng trong hôm nay toàn Giáo hội mừng “Khánh nhật Truyền giáo”; nghĩa là Giáo hội cầu nguyện, suy niệm và hành động để lời sự sống của Đức Ki-tô có thể vươn tới tất cả mọi người và được họ đón nhận như một thông điệp của hy vọng, của ơn cứu độ, và giải phóng hoàn toàn.

6. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em hiện diện tại đây cùng tham dự nghi thức trọng thể nhận thừa tác vụ của người Kế vị Thánh Phê-rô.

Tôi chân thành cảm ơn các vị Nguyên thủ các Quốc gia, Đại diện các Giới chức, và Phái đoàn các Chính phủ đã cho tôi niềm vinh dự qua sự hiện diện của quý vị.

Xin cảm ơn các Đức Hồng y của Giáo hội.

Xin cảm ơn các Huynh đệ trong hàng Giám mục.

Xin cảm ơn các linh mục.

Cha xin gửi lời cảm ơn đến Anh Chị em Tu sĩ của các Dòng và Hội đoàn.

Cha xin cảm ơn anh chị em người Roma.

Cha xin cảm ơn anh chị em hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới.

Xin cảm ơn tất cả anh chị em được kết nối với Nghi thức Thánh này qua raido và truyền hình.

7. Cha có đôi lời với anh chị em, những người đồng hương thân yêu của cha, những anh chị em hành hương đến từ Ba lan, các Huynh đệ Giám mục cùng Đức Hồng y dẫn đầu, các Linh mục, anh chị em Tu sĩ Nam Nữ của các Dòng và Tu hội Ba lan — đến tất cả anh chị em đại diện của Ba lan ở khắp nơi trên thế giới.

Cha có thể nói được gì với anh chị em đến từ miền Krakow của cha, từ Tòa Thánh Stanislaus mà cha là người kế nhiệm trong suốt 14 năm? Cha có thể nói được gì? Tất cả những gì cha có thể nói cũng sẽ mờ nhạt dần nếu so với những cảm xúc trong tâm hồn cha, và trong tâm hồn của anh chị em, ngay lúc này.

Vì vậy, chúng ta hãy bỏ lời nói sang một bên. Chúng ta hãy giữ sự thinh lặng trước mặt Chúa, sự thinh lặng trở thành lời cầu nguyện. Cha xin anh chị em: hãy ở cùng cha! Tại Jasna Gora và khắp nơi. Đừng bỏ Đức Giáo hoàng người hôm nay cầu nguyện bằng những lời của một nhà thơ: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là người bảo vệ cho Czestochowa tỏa sáng và chiếu tỏa ánh quang tại Ostrabrama”. Và cha gửi đến anh chị em cùng những lời đó trong giây phút đặc biệt này.

8. Đó là một lời thỉnh cầu và một tiếng kêu gọi cầu nguyện cho tân Giáo hoàng, một lời thỉnh cầu được diễn đạt bằng ngôn ngữ Ba lan. Cha cũng có cùng một lời thỉnh cầu gửi đến mọi người con của Giáo hội Công giáo. Xin hãy nhớ đến cha hôm nay và luôn mãi trong lời cầu nguyện của anh chị em!

Cha xin bày tỏ lòng yêu mến và hết lòng tận tụy với các anh chị em Công giáo trên những vùng đất nói tiếng Pháp. Cha phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của tình con thảo vô bờ của anh chị em. Ước mong anh chị em phát triển trong đức tin! Tôi cũng gửi những lời chào thân ái và chân thành đến tất cả anh chị em không cùng tôn giáo. Tôi tin rằng những tình cảm thiện chí của họ sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho sứ mạng tinh thần của tôi, và nó là yếu tố cần thiết cho sự hạnh phúc và hòa bình của thế giới.

Nhân danh Đức Ki-tô cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em nói tiếng Anh. Cha phải dựa vào sự hỗ trợ của lời cầu nguyện và thiện chí của anh chị em để thi hành sứ mạng phục vụ Giáo hội và nhân loại của cha. Nguyện xin Đức Ki-tô ban ơn sủng và sự bình an của Người cho anh chị em, phá đổ những rào chắn của sự chia rẽ và làm cho tất cả nên một trong Người.

[Đức Thánh Cha nói những lời tương tự bằng tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Nga, tiếng Ukranian và tiếng Lithuanian].

Tôi xin hân hoan chào Huynh đệ các Giáo hội và Cộng đồng Ki-tô hữu, và đặc biệt tôi gửi lời chào tất cả anh chị em hiện diện tại đây, đang chờ đợi sự gặp gỡ riêng; nhưng bây giờ tôi chân thành tri ân vì sự tham dự của anh chị em trong nghi thức long trọng này.

Và cha thỉnh cầu tất cả mọi người — với mỗi người.

— xin cầu nguyện cho cha!

— giúp cha để cha có thể phục vụ anh chị em! Amen.

© Copyright 1978 – Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2018]


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Giáo lý Giáo hội Công giáo được trình bày dưới hình thức video

Giáo lý Giáo hội Công giáo được trình bày dưới hình thức video

25 tháng Mười, 2018
Giáo lý Giáo hội Công giáo được trình bày dưới hình thức video
Credits © DR


Vị giám đốc nói "Chúng tôi đem Giáo lý vào quảng trường công cộng.”

Một phiên bản video mới về Giáo lý được trình bày tại Roma hôm nay.

Phiên bản video dài 25 giờ đồng hồ được chia thành 46 chương.

Dự án là công trình của 5 năm làm việc, hàng ngàn diễn viên, và 4.000 người biên tập với những kinh nghiệm sống khác nhau.

Theo sau hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxico, ‘Chúng tôi đem Giáo lý vào quảng trường công cộng, vào giữa mọi người, đến những vùng ngoại vi,” giám đốc Gjon Kolndrekaj nói với Vatican News.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa, hôm nay trình bày dự án tại Đại học Giáo hoàng Gregorian.

Đức Tổng Giám mục Fisichella nhấn mạnh đến giá trị của công trình này trong đó “cái đẹp của hình ảnh được cộng hợp trong tính sâu sắc của văn bản.”

Đức Giám mục nói thêm rằng kinh nghiệm khi xem video là một điều “khó đạt được nếu chỉ đơn thuần đọc giáo lý bằng văn bản một mình.”





[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2018]


Bản miêu tả của Thánh Gioan Bosco về việc nhìn thấy ma

Bản miêu tả của Thánh Gioan Bosco về việc nhìn thấy ma

26 tháng Mười, 2018
Bản miêu tả của Thánh Gioan Bosco về việc nhìn thấy ma
Public Domain


Người bạn thân của Thánh Bosco qua đời và trở về để giữ trọn lời hứa.

Chúng ta thường nghe “những chuyện ma” quanh đống lửa trại, và hầu hết chỉ là những chuyện kể hư cấu để mua vui cho trẻ em. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có chuyện thật, như trong trường hợp của Thánh Bosco và người bạn của ngài là Louis Comollo.

Thánh Bosco viết về một cuộc gặp gỡ với người bạn Comollo đã chết trong quyển Memoirs (Hồi ký), một kinh nghiệm ngài chưa bao giờ mong chờ xảy ra.

Vì tình bạn và sự tin tưởng nhau rất lớn giữa Comollo và tôi, chúng tôi thường nói về sự chia lìa mà cái chết có thể mang đến cho chúng tôi bất kỳ lúc nào.

Một ngày nọ, sau khi chúng tôi đọc một trích đoạn dài về đời sống của các thánh, chúng tôi nói chuyện nửa đùa nửa thật rằng nếu một trong hai người chúng tôi chết trước mà lại trở về để báo tin về tình trạng của mình cho người kia thì an ủi biết bao. Chúng tôi thường xuyên lặp đi lặp lại chuyện này đến mức cuối cùng chúng tôi làm một hợp đồng: “Bất kỳ ai trong chúng tôi chết trước sẽ trở về, nếu Chúa cho phép, để cho bạn mình biết thông tin về ơn cứu độ của người đó.”

Tôi chẳng nhận thấy được tính nghiêm trọng của một việc đã làm như vậy; và thú thật, tôi đã xem nhẹ nó. Tôi chắc chẳng bao giờ khuyên ai làm như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm như vậy và nhắc đi nhắc lại, đặc biệt trong thời gian Comollo mang trọng bệnh. Quả thật, lời nói và ánh mắt nhìn lần cuối của người bạn với tôi đã đóng dấu cho lời hứa của anh ấy. Nhiều bạn bè của chúng tôi đều biết câu chuyện sắp xếp giữa chúng tôi.

Comollo qua đời ngày 2 tháng Tư năm 1839. Tối hôm sau, anh được chôn cất trọng thể trong Nhà thờ Thánh Philiphê. Những người biết chuyện của chúng tôi nóng lòng chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi thậm chí còn nóng lòng hơn vì tôi hy vọng tìm được một sự an ủi lớn để khỏa lấp sự lẻ loi của mình. Đêm hôm đó, sau khi lên giường trong một khu ký túc xá cùng chung với khoảng hai mươi chủng sinh khác, tôi cảm thấy bồn chồn thao thức. Tôi tin rằng đây sẽ là đêm mà lời ước hẹn của chúng tôi được thực hiện.

Khoảng 11:30 có tiếng động ầm ầm ở hành lang, nghe như tiếng của một chiếc xe ngựa lớn có nhiều ngựa kéo đang chạy đến cửa của ký túc xá. Nó mỗi lúc mỗi lớn hơn, giống như tiếng sấm, và toàn bộ ký túc xá rung chuyển. Các giáo sĩ kinh hoảng xuống hết khỏi giường và tụ lại với nhau để tìm thêm sự can đảm. Rồi, nổi lên trong tiếng động ầm ầm như tiếng sấm đó là giọng của Comollo vang lên rõ ràng. Anh ấy lặp đi lặp lại ba lần thật rõ: “Bosco, tôi đã được cứu.”

Tất cả đều nghe thấy tiếng đó; một số người nhận ra giọng nói nhưng không hiểu ý nghĩa; những người khác thì hiểu rõ ý nghĩa cũng như tôi, và được chứng minh bằng quãng thời gian dài câu chuyện được kể đi kể lại trong chủng viện. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhớ là tôi thật sự sợ. Sự sợ hãi và kinh hoàng quá lớn đến mức tôi đổ bệnh và bước gần đến cửa tử thần.

Tôi chắc không bao giờ đề nghị bất kỳ ai làm một hợp đồng như vậy. Quyền năng Thiên Chúa là vô biên; Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thường thì Người chẳng quan tâm đến những thỏa thuận như vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng với lòng thương xót vô biên, Người cho phép những điều như vậy được thực hiện như Người đã làm trong trường hợp tôi vừa mô tả.

Thiên Chúa cho phép một sự gặp gỡ như vậy với mục đích, có thể là nhắc nhở Thánh Bosco về thực tại của đời sau và thúc giục ngài thực hành đức tin. Có thể chúng ta chẳng bao giờ gặp ma trong đời, nhưng chúng ta đừng hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Đàng, Hỏa ngục và Luyện ngục và sống cuộc sống của chúng ta với thái độ tin rằng những nơi này thật sự tồn tại.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2018]


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?Thánh Lễ trong nhà nguyện Casa Santa Marta  (Vatican Media)


Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?

Trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxico nói về tầm quan trọng của việc biết thừa nhận chúng ta là những tội nhân, và hiểu được tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô.

25 tháng Mười, 2018, 12:39
Debora Donnini

Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai? Đức Thánh Cha Phanxico nêu lên câu hỏi này trong bài giảng Thánh Lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Marta. Nếu ai đó hỏi chúng ta rằng, “Đức Giê-su Ki-tô là ai?” chúng ta sẽ nói ngay được những điều chúng ta đã học: Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian, là Con Thiên Chúa, đó là điều “chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính.” Nhưng, Đức Thánh Cha nói, để trả lời cho câu hỏi ai là Đức Giê-su Ki-tô “cho tôi” thì có hơi khó hơn một chút. Đó là câu hỏi có thể làm chúng ta hơi lúng túng, vì để trả lời câu hỏi đó, “tôi phải đào sâu vào tâm hồn tôi”; nghĩa là, chúng ta phải bắt đầu từ chính kinh nghiệm của chúng ta.


Được chọn vì yêu, dù là một tội nhân

Thánh Phaolo đã có kinh nghiệm rất rõ về sự băn khoăn lo lắng khi mang chứng tá cho Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài biết Chúa Giê-su qua kinh nghiệm của riêng ngài lúc bị ngã ngựa, khi Chúa nói với tâm hồn của ngài. Ngài không biết Đức Ki-tô qua việc học thần học, dù là sau đó ngài “tìm xem Chúa Giê-su được công bố trong Sách Thánh như thế nào.”

Thánh Phaolo muốn người Ki-tô hữu cảm nhận được những gì ngài đã trải qua. Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi với Thánh Phaolo – “Thưa Thánh Phaolo, Đức Ki-tô của ngài là ai?” – ngài sẽ nói rất đơn giản theo kinh nghiệm của riêng ngài: “Người yêu tôi, và đã hy sinh chính bản thân Người cho tôi.” Và rồi ngài thông phần với Đức Ki-tô Đấng đã trả giá cho ngài. Và Thánh Phaolo muốn mọi người Ki-tô hữu – ở đây là những Ki-tô hữu Êphêsô – có được kinh nghiệm này, đi vào được kinh nghiệm này, đến mức từng người có thể thốt lên, “Người yêu tôi, và Người đã hy sinh chính bản thân Người cho tôi,” nhưng phải nói từ chính kinh nghiệm của riêng mình.

Đức Thánh Cha Phanxico nói đọc Kinh Tin Kính có thể giúp chúng ta biết về Chúa Giê-su. Nhưng để có thể thật sự biết Người, giống như Thánh Phaolo đã biết Người, tốt hơn chúng ta phải bắt đầu từ việc chân nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha nói đây là bước đầu tiên. Khi Thánh Phaolo nói rằng Chúa Giê-su hy sinh chính mình Người cho ngài, là muốn nói rằng Người đã trả giá cho ngài, và điều này được nói lên trong tất cả các thư của ngài. Và sự mô tả đầu tiên của Thánh Phaolo về chính bản thân ngài như sau: ngài nói ngài là “một tội nhân,” ngài thừa nhận mình đã bắt bớ người Ki-tô hữu. Ngài bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng ngài đã “được chọn vì yêu, cho dù ngài là một tội nhân.”

“Bước đầu tiên trong việc hiểu biết Đức Ki-tô,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, chính là ở chỗ biết chân nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Ngài nói rằng trong Bí tích Hòa giải, chúng ta thú nhận tội của chúng ta – nhưng ngài lưu ý, “kể ra tội của mình là một việc,” nhưng mặt khác phải thừa nhận chúng ta là những tội nhân, có thể vấp phạm bất cứ điều gì.” Thánh Phaolo “có kinh nghiệm về sự khốn khổ của chính ngài,” và chân nhận rằng ngài cần được cứu chuộc, chân nhận rằng ngài cần có một người “trả giá cho quyền được gọi là ‘con của Chúa’ cho ngài”: “Tất cả chúng ta là những tội nhân, nhưng để nói lên được điều đó, để cảm nhận được nó, chúng ta cần hy tế của Đức Ki-tô.”


Hiểu biết Chúa Giê-su, không chỉ đơn thuần là “những Ki-tô hữu bằng lời nói”

Nhưng để hiểu biết được Chúa Giê-su, cần phải có bước thứ hai: chúng ta phải tìm biết Người qua sự chiêm ngắm và cầu nguyện. Đức Thánh Cha nhắc lại một “lời kinh nguyện rất đẹp của một vị thánh: ‘Lạy Chúa, xin cho con được hiểu biết Người, và hiểu biết chính con.” Chúng ta đừng chỉ hài lòng “với việc nói lên ba hay bốn điều đẹp đẽ về Chúa Giê-su,” ngài tiếp tục, vì hiểu biết Chúa Giê-su “là một cuộc phiêu lưu, và là một cuộc phiêu lưu nghiêm túc, không phải cuộc phiêu lưu của một đứa trẻ,” vì tình yêu của Chúa Giê-su là vô biên.”

Thánh Phaolo nói rằng Người “có thể kiện toàn nhiều hơn rất nhiều so với tất cả những gì chúng ta có thể xin hay hình dung.” Người có quyền năng để làm điều đó. Nhưng chúng ta phải xin Người: “Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết Người; để khi con nói về Người, con sẽ không lặp lại các từ ngữ như một con vẹt, nhưng con nói lên những điều từ chính trải nghiệm của riêng con. Để như Thánh Phaolo con có thể nói rằng: ‘Người yêu tôi, và hy sinh chính Người vì tôi’ – và nói với sự vững tin.” Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là chứng tá của chúng ta. Nếu là những Ki-tô hữu bằng lời nói, chúng ta sẽ có rất nhiều; chúng ta cũng vậy, rất nhiều lời. Và đây không phải là sự thánh thiện. Sự thánh thiện đó là trở thành những người Ki-tô hữu thực hành trong đời sống những điều Chúa Giê-su đã dạy và những gì Chúa Giê-su đã gieo trong tâm hồn chúng ta.


Phải trả giá mỗi ngày để biết Chúa Giê-su và biết mình

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại hai bước chúng ta cần phải thực hiện để thực sự hiểu biết Chúa Giê-su Ki-tô:

Bước thứ nhất là biết mình: rằng chúng ta là những tội nhân, những tội nhân. Nếu hiểu điều này, và nếu không có sự thú nhận này trong tâm hồn – rằng tôi là một tội nhân – thì chúng ta không thể tiến bước. Bước thứ hai là cầu nguyện với Chúa, Đấng với quyền năng của Người làm cho chúng ta hiểu biết về mầu nhiệm này của Chúa Giê-su, đó là ngọn lửa Người đã mang xuống thế gian. Thật là một thói quen tốt nếu mỗi ngày, trong mọi lúc, chúng ta có thể nói, “Lạy Chúa, xin cho con được hiểu biết Người, và hiểu biết chính con.”



[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2018]


Thượng Hội đồng 2018: “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian,” một cuộc đối thoại giữa người trẻ và người cao tuổi

Thượng Hội đồng 2018: “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian,” một cuộc đối thoại giữa người trẻ và người cao tuổi
Photo By ZENIT -RDA

Thượng Hội đồng 2018: “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian,” một cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già

Một quyển sách có 250 cuộc phỏng vấn người cao tuổi

24 tháng Mười, 2018 16:45

“Nếu người già không còn mơ ước, người trẻ không thể nhìn thấy tương lai … Chúng ta cần có những người ông người bà mang những ước mơ và là những người giữ vững ký ức của họ,’ là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico, trao sức sống cho dự án “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian.”

Đó là quyển sách có 250 cuộc phỏng vấn với người già, thuộc 30 quốc gia khác nhau, và Đức Thánh Cha viết bình luận, thậm chí chia sẻ những khoảng thời gian trong tiểu sử của ngài.

ZENIT có mặt tại buổi trình bày về dự án “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian” lúc 4 giờ chiều thứ Ba, 23 tháng Mười, 2018, trong Học viện Giáo phụ Augustinianum của Roma, cùng với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Augustinianum là một viện đại học trực thuộc Dòng Thánh Augustine, và hiện nay là chi nhánh của Đại học Lateran Giáo hoàng.

Đó là một sáng kiến của Cha Antonio Spadaro Dòng Tên, giám đốc tạp chí “La Civilità Cattolica”, và được xuất bản bằng tiếng Anh của Nhà xuất bản Loyola, ngài có bài phát biểu tại buổi giới thiệu sách, trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục, đang diễn ra tại Roma 3-28 tháng Mười, về chủ đề “Giới trẻ, Đức tin và sự Phân định Ơn gọi.”


Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) Panama 2019

Đức Tổng Giám mục Jose Domingo Ulloa Mendieta của Panama, là chủ tịch của Ủy ban Tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) 2019, trình bày một đôi lời với Đức Thánh Cha và tất cả những người hiện diện.

Đức Giám mục người Panama trình bày bằng chứng về kinh nghiệm này. “Chúng con đã bắt đầu những phạm vi đối thoại này ở Panama, trong bối cảnh chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới. Đó là một lời kêu gọi của Đức Thánh Cha gửi đến giới trẻ trong buổi bế mạc WYD ở Krakow, để họ có thể nắm tay những người lớn tuổi, nắm tay ông bà của họ, đến WYD ở Panama.”

Sau những lời phát biểu của Đức Tổng Giám mục Panama, Cha Antonio Spadaro trình bày sự ra đời của sáng kiến này. Dự án liên thế hệ rất dễ thương này đã trở thành hiện thực nhờ sự hợp tác của hai Tổ chức: Jesuit Refugee Service (Tổ chức phục vụ người tị nạn của Dòng Tên) và Unbound, đang chăm sóc hơn 300.000 người già và trẻ em ở 18 quốc gia.

Cha Spadaro nói, nhờ Unbound, một Tổ chức phi lợi nhuận, hơn 250 lịch sử đã được thu thập trong thời gian một năm rưỡi. Dòng Tên đệ trình tài liệu biên soạn những lịch sử này lên Đức Thánh Cha Phanxico.

Cha Spadaro nói, Đức Thánh Cha tham gia trong dự án này dưới ba vai trò: ngài viết Lời Nói đầu cho quyển sách, ngài góp vai là một người cao tuổi trong đó, “giải thích rằng ngài đã phải học cách trở thành người già,” và ngài viết một vài câu chuyện.


Đức Thánh Cha tưởng nhớ Bà của ngài

Khi đệ trình dự án lên Đức Thánh Cha Phanxico, “dường như đôi mắt ngài bị hút vào lịch sử của từng người. Ngài chú ý vào tấm hình, ánh mắt của ngài dừng lại trên những khuôn mặt, những bàn tay, chúng giống như những dấu ấn thầm kín có thể tiết lộ tâm hồn và năm tháng,” Cha Spadaro nói.

“Ngài có một ký ức sống động về ông bà của ngài, đặc biệt người bà của ngài là Rosa. “Bà nhiều lần đau yếu vì bệnh tật, nhưng bà luôn hướng mắt trông lên, nói lên những điều khôn ngoan đơn sơ; bà không nói nhiều, nhưng bà suy tư và cầu nguyện rất nhiều …” ngài nói với tôi. Cái nhìn trông lên này là điều Đức Phanxico tìm kiếm nơi người già,” nhà tổ chức “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian” nói.


Martin Scorsese

Thượng Hội đồng 2018: “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian,” một cuộc đối thoại giữa người trẻ và người cao tuổi

Phản ánh về chính quyển sách, buổi giới thiệu “Sự khôn ngoan của thời gian” là một cuộc đối thoại liên thế hệ, trong đó người già và người trẻ tham gia, và đặt một số câu hỏi với Đức Thánh Cha.

Đạo diễn phim Martin Scorsese tham dự buổi giới thiệu và hỏi Đức Thánh Cha Phanxico một câu hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, ngày nay nói chung người ta tin rằng con người không còn khả năng thay đổi nữa, rằng sự tốt lành chỉ là một thái độ và sự sỉ nhục, sự tàn phá và kinh hoàng chính là ‘con đường của trần gian.’ Người ta nghe, đọc và nhìn thấy điều này ở mọi nơi. Nó là một quan điểm được chấp nhận. Làm sao một con người có thể sống một đời sống tốt lành và công bằng trong một xã hội bị thúc đẩy bởi sự lòng tham và lòng kiêu căng, và bị điều khiển bởi sức mạnh của bạo lực, nói một cách khác là trong sự hiện diện của cái ác?”


Sáu câu hỏi

Ba thanh nữ (từ Ý, Colombia và Hoa Kỳ) và bốn người cao tuổi (một Giáo sư từ Florence, ông bà thuộc Malta và nhà làm phim người Mỹ Martin Scorsese) hỏi Đức Thánh Cha sáu câu hỏi về việc truyền đạt đức tin, sự chung sống và sự tôn trọng người khác trong bối cảnh văn hóa loại bỏ và sự hiện hữu của cái ác trong xã hội đương thời của chúng ta.

.Thượng Hội đồng 2018: “Chia sẻ sự khôn ngoan của thời gian,” một cuộc đối thoại giữa người trẻ và người cao tuổi


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2018]