Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?Thánh Lễ trong nhà nguyện Casa Santa Marta  (Vatican Media)


Đức Thánh Cha giảng Lễ: Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai?

Trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxico nói về tầm quan trọng của việc biết thừa nhận chúng ta là những tội nhân, và hiểu được tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô.

25 tháng Mười, 2018, 12:39
Debora Donnini

Đức Giê-su Ki-tô của bạn là ai? Đức Thánh Cha Phanxico nêu lên câu hỏi này trong bài giảng Thánh Lễ sáng nay tại nhà nguyện Thánh Marta. Nếu ai đó hỏi chúng ta rằng, “Đức Giê-su Ki-tô là ai?” chúng ta sẽ nói ngay được những điều chúng ta đã học: Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian, là Con Thiên Chúa, đó là điều “chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính.” Nhưng, Đức Thánh Cha nói, để trả lời cho câu hỏi ai là Đức Giê-su Ki-tô “cho tôi” thì có hơi khó hơn một chút. Đó là câu hỏi có thể làm chúng ta hơi lúng túng, vì để trả lời câu hỏi đó, “tôi phải đào sâu vào tâm hồn tôi”; nghĩa là, chúng ta phải bắt đầu từ chính kinh nghiệm của chúng ta.


Được chọn vì yêu, dù là một tội nhân

Thánh Phaolo đã có kinh nghiệm rất rõ về sự băn khoăn lo lắng khi mang chứng tá cho Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài biết Chúa Giê-su qua kinh nghiệm của riêng ngài lúc bị ngã ngựa, khi Chúa nói với tâm hồn của ngài. Ngài không biết Đức Ki-tô qua việc học thần học, dù là sau đó ngài “tìm xem Chúa Giê-su được công bố trong Sách Thánh như thế nào.”

Thánh Phaolo muốn người Ki-tô hữu cảm nhận được những gì ngài đã trải qua. Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi với Thánh Phaolo – “Thưa Thánh Phaolo, Đức Ki-tô của ngài là ai?” – ngài sẽ nói rất đơn giản theo kinh nghiệm của riêng ngài: “Người yêu tôi, và đã hy sinh chính bản thân Người cho tôi.” Và rồi ngài thông phần với Đức Ki-tô Đấng đã trả giá cho ngài. Và Thánh Phaolo muốn mọi người Ki-tô hữu – ở đây là những Ki-tô hữu Êphêsô – có được kinh nghiệm này, đi vào được kinh nghiệm này, đến mức từng người có thể thốt lên, “Người yêu tôi, và Người đã hy sinh chính bản thân Người cho tôi,” nhưng phải nói từ chính kinh nghiệm của riêng mình.

Đức Thánh Cha Phanxico nói đọc Kinh Tin Kính có thể giúp chúng ta biết về Chúa Giê-su. Nhưng để có thể thật sự biết Người, giống như Thánh Phaolo đã biết Người, tốt hơn chúng ta phải bắt đầu từ việc chân nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha nói đây là bước đầu tiên. Khi Thánh Phaolo nói rằng Chúa Giê-su hy sinh chính mình Người cho ngài, là muốn nói rằng Người đã trả giá cho ngài, và điều này được nói lên trong tất cả các thư của ngài. Và sự mô tả đầu tiên của Thánh Phaolo về chính bản thân ngài như sau: ngài nói ngài là “một tội nhân,” ngài thừa nhận mình đã bắt bớ người Ki-tô hữu. Ngài bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng ngài đã “được chọn vì yêu, cho dù ngài là một tội nhân.”

“Bước đầu tiên trong việc hiểu biết Đức Ki-tô,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, chính là ở chỗ biết chân nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Ngài nói rằng trong Bí tích Hòa giải, chúng ta thú nhận tội của chúng ta – nhưng ngài lưu ý, “kể ra tội của mình là một việc,” nhưng mặt khác phải thừa nhận chúng ta là những tội nhân, có thể vấp phạm bất cứ điều gì.” Thánh Phaolo “có kinh nghiệm về sự khốn khổ của chính ngài,” và chân nhận rằng ngài cần được cứu chuộc, chân nhận rằng ngài cần có một người “trả giá cho quyền được gọi là ‘con của Chúa’ cho ngài”: “Tất cả chúng ta là những tội nhân, nhưng để nói lên được điều đó, để cảm nhận được nó, chúng ta cần hy tế của Đức Ki-tô.”


Hiểu biết Chúa Giê-su, không chỉ đơn thuần là “những Ki-tô hữu bằng lời nói”

Nhưng để hiểu biết được Chúa Giê-su, cần phải có bước thứ hai: chúng ta phải tìm biết Người qua sự chiêm ngắm và cầu nguyện. Đức Thánh Cha nhắc lại một “lời kinh nguyện rất đẹp của một vị thánh: ‘Lạy Chúa, xin cho con được hiểu biết Người, và hiểu biết chính con.” Chúng ta đừng chỉ hài lòng “với việc nói lên ba hay bốn điều đẹp đẽ về Chúa Giê-su,” ngài tiếp tục, vì hiểu biết Chúa Giê-su “là một cuộc phiêu lưu, và là một cuộc phiêu lưu nghiêm túc, không phải cuộc phiêu lưu của một đứa trẻ,” vì tình yêu của Chúa Giê-su là vô biên.”

Thánh Phaolo nói rằng Người “có thể kiện toàn nhiều hơn rất nhiều so với tất cả những gì chúng ta có thể xin hay hình dung.” Người có quyền năng để làm điều đó. Nhưng chúng ta phải xin Người: “Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết Người; để khi con nói về Người, con sẽ không lặp lại các từ ngữ như một con vẹt, nhưng con nói lên những điều từ chính trải nghiệm của riêng con. Để như Thánh Phaolo con có thể nói rằng: ‘Người yêu tôi, và hy sinh chính Người vì tôi’ – và nói với sự vững tin.” Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là chứng tá của chúng ta. Nếu là những Ki-tô hữu bằng lời nói, chúng ta sẽ có rất nhiều; chúng ta cũng vậy, rất nhiều lời. Và đây không phải là sự thánh thiện. Sự thánh thiện đó là trở thành những người Ki-tô hữu thực hành trong đời sống những điều Chúa Giê-su đã dạy và những gì Chúa Giê-su đã gieo trong tâm hồn chúng ta.


Phải trả giá mỗi ngày để biết Chúa Giê-su và biết mình

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại hai bước chúng ta cần phải thực hiện để thực sự hiểu biết Chúa Giê-su Ki-tô:

Bước thứ nhất là biết mình: rằng chúng ta là những tội nhân, những tội nhân. Nếu hiểu điều này, và nếu không có sự thú nhận này trong tâm hồn – rằng tôi là một tội nhân – thì chúng ta không thể tiến bước. Bước thứ hai là cầu nguyện với Chúa, Đấng với quyền năng của Người làm cho chúng ta hiểu biết về mầu nhiệm này của Chúa Giê-su, đó là ngọn lửa Người đã mang xuống thế gian. Thật là một thói quen tốt nếu mỗi ngày, trong mọi lúc, chúng ta có thể nói, “Lạy Chúa, xin cho con được hiểu biết Người, và hiểu biết chính con.”



[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/10/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét