Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp Kiến Chung tiếp tục những bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ (Toàn văn)

‘Thiên Chúa không thiên vị người nào’

16 tháng Mười, 2019 15:42

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:05 phút trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về sách Tông đồ Công vụ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34): Phê-rô và sự tràn đầy Thần Khí trên những người dân ngoại. (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Tông đồ Công vụ 10:34-36).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hành trình của Tin mừng trên thế giới được Thánh Lu-ca thuật lại trong sách Tông đồ Công vụ, được đồng hành bởi sự sáng tạo vĩ đại của Thiên Chúa, và được thể hiện theo một cách đầy ngạc nhiên. Người muốn con cái của Người vượt qua mọi chủ nghĩa đặc quyền riêng để mở rộng ra cho tính phổ quát của ơn cứu độ. Đây là mục tiêu: vượt qua chủ nghĩa đặc quyền riêng và mở rộng ra cho tính phổ quát của ơn cứu độ vì Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người. Tất cả những người được tái sinh bởi nước và bởi Thần Khí — là những người được rửa tội — được kêu gọi phải thoát ra khỏi con người mình và mở lòng ra với người khác, để sống gần gũi, theo phong cách sống với nhau, là điều biến mọi mối quan hệ giữa các cá nhân thành một kinh nghiệm của tình huynh đệ (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 87).

Một chứng nhân của tiến trình “trở nên huynh đệ” này, người mà Thần Khí muốn “bấm nút” trong lịch sử, là Phê-rô, vai chính trong sách Tông đồ Công vụ cùng với Phaolo. Phê-rô trải qua biến cố đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc sống của ông. Khi ông đang cầu nguyện, ông nhận được một thị kiến hoạt động như một “sự thôi thúc” từ trời, để đánh thức sự thay đổi tâm tính trong con người ông. Ông nhìn thấy một tấm khăn lớn sa xuống từ Trời, trên đó có nhiều loài động vật: các động vật bốn chân, các loài bò sát và chim trời, và ông nghe thấy một tiếng nói mời ông hãy ăn thịt những loài đó. Là một người Do thái nghiêm túc, ông phản ứng nói rằng ông không bao giờ ăn bất cứ thứ gì không sạch, như Lề luật của Đức Chúa (x. Lv 11). Rồi ông nghe thấy giọng nói trả lời mạnh mẽ: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10:15). Qua biến cố này, Chúa muốn Phê-rô không còn đánh giá các biến cố và con người dựa trên những tiêu chuẩn sạch và không sạch, nhưng ông phải học cách vượt ra ngoài những điều đó, để nhìn vào con người và những ý định trong tâm hồn. Quả thật, những gì làm cho con người không sạch không đến từ bên ngoài nhưng chỉ xuất phát từ bên trong, từ trong tâm hồn (x. Mc 7:21). Chúa Giê-su đã nói điều đó rất rõ ràng.

Sau thị kiến đó, Chúa kêu gọi Phê-rô đi đến nhà của Co-nê-li-ô, một người hoàn toàn xa lạ chưa cắt bì, một người “đại đội trưởng thuộc cơ đội gọi là cơ đội Italia, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa,” ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Cv 10:1-2), nhưng ông không phải là người Do Thái. Trong nhà của những người ngoại giáo đó, Phê-rô rao giảng về Đức Ki-tô chịu đóng đinh và sống lại và sự tha thứ tội cho bất kỳ ai tin tưởng nơi Ngài. Và khi Phê-rô đang nói, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Co-nê-li-ô và những người thân của ông. Và Phê-rô rửa tội ông nhân danh Đức Giê-su Ki-tô (x. Cv 10:48). Biến cố phi thường này — đó là lần đầu tiên một việc như vậy xảy ra — đều được mọi người ở Giê-ru-sa-lem biết, nơi những người anh em, sửng sốt trước thái độ của Phê-rô, đã chỉ trích ông nặng nề (x. Cv 11:1-3). Phê-rô đã làm một điều vượt ra ngoài thói thường, vượt ra ngoài Lề Luật, và họ chỉ trích ông vì điều đó. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Co-nê-li-ô, Phê-rô đã cảm thấy tự do hơn thoát khỏi con người ông và hiệp nhất với Chúa và tha nhân nhiều hơn, vì ông nhìn thấy ý định của Thiên Chúa qua hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ông hiểu rằng sự bầu chọn của Israel không phải là sự bù đắp cho những tài năng xuất chúng, nhưng là dấu chỉ của tiếng gọi tự do để trở thành người trung gian của ơn lành nước trời giữa những dân ngoại.

Anh chị em thân mến, từ vị Hoàng tử của các Tông đồ chúng ta biết được rằng người rao giảng phúc âm không thể là một trở ngại cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng muốn “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2:4), nhưng phải là người thúc đẩy sự gặp gỡ của các tâm hồn với Chúa. Và chúng ta đối xử với những anh em chúng ta như thế nào - đặc biệt là những người không phải là Ki-tô hữu? Chúng ta có phải là một trở ngại cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa? Chúng ta gây trở ngại hay tạo thuận lợi cho sự gặp gỡ với Chúa Cha trong họ?

Hôm nay chúng ta hãy xin ơn cho phép bản thân biết kinh ngạc trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, để không làm cản trở sự sáng tạo của Người, nhưng để nhận biết và ưu tiên cho những con đường luôn mới qua đó Đấng Phục sinh tuôn đổ Thần Khí vào thế giới và cuốn hút những tâm hồn, để mọi người biết Người là “Chúa của mọi người” (Cv 10:36). Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2019]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét