Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

Kỳ nghỉ hè và các Giáo hoàng: Thời gian để khám phá Lời Chúa và Thiên nhiên

Kỳ nghỉ hè và các Giáo hoàng: Thời gian để khám phá Lời Chúa và Thiên nhiên

Ngay trước thềm chuyến đi của Đức Thánh Cha Lêô XIV đến Biệt thự Giáo hoàng Castel Gandolfo, để nghỉ ngơi từ ngày 6 đến 20 tháng Bảy, chúng ta cùng điểm lại một số suy tư của các vị Giáo hoàng về thời gian nghỉ ngơi. Như Đức Thánh Cha Phanxicô từng nhắc nhở rằng, đây là cơ hội để đào sâu hành trình thiêng liêng.

Kỳ nghỉ hè và các Giáo hoàng: Thời gian để khám phá Lời Chúa và Thiên nhiên


Kỳ nghỉ là lúc tạm ngưng công việc để nạp lại năng lượng; là dịp để du lịch và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên; là thời gian để đọc sách và vun đắp tình bạn. Nhưng cũng là một không gian để vun đắp, qua sự chiêm niệm và cầu nguyện, một khía cạnh thiết yếu: nội tâm. Đây là một số khía cạnh chính liên quan đến thời gian nghỉ được các vị Giáo hoàng nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha Lêô XIV cũng sẽ dành thời gian nghỉ ngơi cho mùa hè đầu tiên của ngài trong cương vị là người Kế vị Thánh Phêrô. Từ ngày 6 đến ngày 20 tháng Bảy, Đức Thánh Cha sẽ đến nghỉ tại Biệt thự Giáo hoàng Castel Gandolfo, một thị trấn cách Rome khoảng 25 km, thuộc vùng Castelli Romani. Tại nơi từng được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trìu mến gọi là “Vatican thứ hai” này, ngài sẽ cử hành Thánh lễ Chúa Nhật ngày 13 tháng Bảy tại Giáo xứ Giáo hoàng Santo Tommaso da Villanova. Vào Chúa nhật, ngày 20 tháng Bảy, ngài sẽ dâng Lễ tại Nhà thờ Chánh tòa Albano, nhà thờ đã được trao cho Đức Hồng y Prevost khi đó làm nhà thờ tước hiệu trong Công nghị tấn phong hồng y. Cũng vào các Chúa Nhật ngày 13 và 20 tháng Bảy, Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ đọc kinh Truyền tin tại Quảng trường Tự do ở Castel Gandolfo.

Thời gian tốt lành

Làm thế nào để chúng ta tận dụng tối đa kỳ nghỉ của mình? Câu hỏi tưởng chừng như không cần thiết theo góc nhìn thiêng liêng, thực ra lại tìm được chỗ đứng trong nhiều suy tư của các Giáo hoàng. Trước hết, vì thời gian nghỉ ngơi không đóng vai trò bên lề trong đời sống con người. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng không nên xem đây chỉ là khoảng thời gian thuần túy nhàn rỗi kết hợp với nghỉ ngơi. Chẳng hạn, thời gian này có thể là thời điểm thích hợp để suy ngẫm về vẻ đẹp của thiên nhiên, như Đức Giáo hoàng Phaolô VI định nghĩa là “quyển sách của Thiên Chúa”.

Trong thời gian nghỉ ngơi, chính Đức Montini cũng nhấn mạnh rằng con người có thể tái khám phá sự tiếp xúc với những bối cảnh “luôn rộng mở, luôn mới mẻ, và luôn kỳ thú” của tạo vật: “không gian, bầu khí quyển, các loài thú, vạn vật; biển cả, núi non, đồng bằng, bầu trời với buổi bình minh, chính ngọ, hoàng hôn của nó và đặc biệt là những đêm đầy sao, sâu thẳm, luôn làm say đắm lòng người.”

Đức Phaolô VI: ước mong những kỳ nghỉ trở thành thời gian cảnh tỉnh

Nhưng các kỳ nghỉ cũng là thời gian hiệu quả, khi nhịp điệu công việc thường nhật được tạm gác lại, giúp con người có thể nuôi dưỡng sự tĩnh lặng và chiêm niệm trong lòng. Trong giờ kinh Truyền Tin ngày 5 tháng Tám năm 1973, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã phác họa một chương trình đặc biệt cho thời gian nghỉ ngơi này:

“Chúng ta hãy bảo đảm rằng thời gian rảnh rỗi này, mà chúng ta gọi là kỳ nghỉ, không bị lãng phí hay ích kỷ. Thư giãn, nghỉ ngơi, tái tạo (theo đúng nguyên nghĩa), đúng vậy, nhưng phải thông minh và cảnh tỉnh. Ví dụ, có những bài đọc nghiêm túc mà trong năm chúng ta không có đủ thời gian cần thiết để đọc; có những chuyến tham quan giúp khám phá nhiều kho tàng tuyệt đẹp của lịch sử và nghệ thuật của chúng ta, và chúng ta nên ưu tiên cho những điều này. Đồng thời, chúng ta hãy nhớ rằng những kỳ nghỉ là thời gian đặc quyền để kết giao tình bạn chân thành, để tìm hiểu các địa phương, phong tục và nhu cầu của những người mà chúng ta thường không tiếp cận, và để gặp gỡ những người mới đáng để chúng ta trò chuyện.”

Đức Gioan Phaolô II: Gặp gỡ là một trong những giá trị của kỳ nghỉ

Kỳ nghỉ là cơ hội để chia sẻ những khoảnh khắc thanh bình. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người thích dành thời gian thư giãn trên các ngọn núi yêu thích của ngài, thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng con người cần có sự hòa hợp để được tái tạo bản thân, để trải nghiệm vẻ đẹp của việc gặp gỡ người khác. Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng Bảy năm 1997, Đức Wojtyla khẳng định: “Để kỳ nghỉ đúng nghĩa là một kỳ nghỉ và mang lại sự lành mạnh đích thực, thì con người cần phải tìm lại được sự cân bằng tốt lành trong chính mình, với người khác và với môi trường của họ. Chính sự hòa hợp bên trong và bên ngoài này sẽ tái tạo linh hồn và phục hồi năng lượng cho cơ thể và tinh thần.”

“Một trong những giá trị của kỳ nghỉ chính là sự gặp gỡ, ở bên người khác cách vị tha, vì niềm vui của tình bạn và những khoảnh khắc an bình. Tuy nhiên, hiểu được tâm hồn và tình trạng của con người trong xã hội tiêu dùng, tôi muốn đề nghị, đặc biệt là với các bạn trẻ, rằng hãy chọn những kỳ nghỉ dưỡng lành mạnh, tránh những việc vượt quá giới hạn gây tổn hại cho sức khỏe bản thân và người khác. Nếu không, các bạn sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, và trở về từ “kỳ nghỉ” được mong chờ bấy lâu mà chẳng có được ích lợi gì. Việc đi nghỉ có thể hữu ích, nhưng chỉ khi nó không vượt ra ngoài các tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh, hay thậm chí là sự tôn trọng đối với sức khỏe bản thân. Quyền được nghỉ dưỡng không được làm chúng ta quên đi những người, vì nhiều lý do khác nhau, không thể rời khỏi môi trường thường ngày của họ, vì lý do tuổi tác, sức khỏe hay công việc, khó khăn về kinh tế hoặc những vấn đề khác.”

Đức Bênêđictô XVI: trước thiên nhiên, con người nhận ra mình là thụ tạo

Đối với những người sống trong các đô thị lớn, thường phải hối hả và bị phân tán, thì việc hòa mình vào thiên nhiên trong một khoảng thời gian là rất quan trọng. Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 17 tháng Bảy năm 2005, tại vùng núi Combes ở Thung lũng Aosta, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh nhu cầu quan trọng này:

“Trong thế giới chúng ta đang sống, việc nạp lại năng lượng cho cơ thể và tinh thần gần như trở thành một nhu cầu cần thiết, đặc biệt đối với những người sống ở các thành thị, nơi mà điều kiện sống thường hối hả khiến con người ít có thời gian cho sự tĩnh lặng, suy tư và tiếp xúc thư thái với thiên nhiên. Các kỳ nghỉ cũng là những ngày khi người ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, đọc sách, suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc sống, trong bối cảnh thanh bình của gia đình và người thân yêu. Thời gian nghỉ ngơi mang đến những cơ hội độc đáo để dừng lại trước các cảnh quan đáng suy ngẫm của thiên nhiên, một “cuốn sách” tuyệt vời mà mọi người, dù già hay trẻ, đều có thể tiếp cận. Khi tiếp xúc với thiên nhiên, con người tìm lại được chiều kích đích thực của mình, khám phá lại bản thân mình là thụ tạo, nhỏ bé nhưng cũng thật độc đáo, “có khả năng đón nhận Thiên Chúa,” vì tự trong lòng họ rộng mở trước sự Vô biên.”

Kỳ nghỉ hè và các Giáo hoàng: Thời gian để khám phá Lời Chúa và Thiên nhiên

Đức Phanxicô: Trong kỳ nghỉ, hãy đào sâu hành trình thiêng liêng

Kỳ nghỉ cũng là dịp để đào sâu hành trình thiêng liêng của bạn. Trong giờ Kinh Truyền tin ngày 6 tháng Tám năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt mời gọi chúng ta bước đi trên hành trình này dọc theo những con đường đông đúc giữa các điểm đến du lịch:

“Mùa hè là thời điểm theo ý quan phòng để tăng cường cam kết của chúng ta trong việc tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Trong thời gian này, học sinh không còn bị ràng buộc bởi chương trình học và nhiều gia đình đi nghỉ hè; điều quan trọng là trong thời gian nghỉ ngơi và tách biệt khỏi các công việc thường ngày, chúng ta có thể phục hồi sức mạnh thể lý và tinh thần, đào sâu hành trình thiêng liêng của mình. (...) Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, giúp chúng ta đi vào sự hòa hợp với Lời Chúa, để Đức Kitô trở thành ánh sáng và hướng dẫn toàn bộ đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy dâng cho Mẹ kỳ nghỉ của tất cả mọi người, để đó là những ngày an vui và hiệu quả; nhưng trên hết là mùa hè của những người không thể đi nghỉ vì lý do tuổi tác, sức khỏe, công việc, khó khăn về kinh tế hoặc những vấn đề khác, để nó cũng có thể trở thành thời gian thư giãn, được làm sống động nhờ sự hiện diện thân tình và những khoảnh khắc hạnh phúc.”

Đối với các vị Giáo hoàng, kỳ nghỉ vì thế không chỉ là thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, mà còn là thời gian suy tư chiêm niệm, để hòa hợp với Lời Chúa. Trong sự hòa hợp này, sự nghỉ ngơi có thể trở thành con đường thoáng nhìn thấy cái nhìn đầy tình thương của Chúa trong sự tĩnh lặng của tâm hồn cũng như giữa những tột đỉnh của linh hồn và thiên nhiên.



[Nguồn bài đăng: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2025]


Đức Thánh Cha Lêô XIV: Người Kitô hữu đích thực: vượt qua tính nửa vời

Đức Thánh Cha Lêô XIV: Người Kitô hữu đích thực: vượt qua tính nửa vời

Kinh Truyền tin - 6 tháng Bảy, 2025

Đức Thánh Cha Lêô XIV: Người Kitô hữu đích thực: vượt qua tính nửa vời

*******

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV sống đức tin một cách nhất quán và can đảm

Trong một thế giới thường có khuynh hướng nghiêng về sự hời hợt, Đức Thánh Cha Lêô XIV gần đây đưa ra một thách đố mạnh mẽ: chúng ta không cần “những Kitô hữu nửa vời”. Những lời của ngài, vang vọng từ quảng trường Thánh Phêrô, mời gọi chúng ta suy tư sâu xa về tính xác thực của đức tin nơi mỗi người và sự cam kết thật sự mà việc bước theo Đức Kitô đòi hỏi.


Cám dỗ của một đức tin “chọn theo thực đơn”

Đức Thánh Cha cảnh báo về một xu hướng đáng lo ngại: chỉ sống đức tin khi thuận lợi, khi không phải hy sinh hoặc mang đến cho chúng ta một lợi ích nào đó. Đó là một kiểu đức tin “cầm lên rồi đặt xuống”, một đức tin chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân và không đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng thái độ này dẫn chúng ta đến một “đức tin nửa vời”, một đức tin không biến đổi chúng ta, hoặc không cho phép chúng ta nếm trải niềm vui đích thực của Tin Mừng.

Thay vì trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường của chúng ta và của người khác, chúng ta lại trở thành những ánh đèn leo lét, hầu như không thể nhận ra. Đời sống Kitô hữu không phải là một sở thích, cũng chẳng phải là bộ đồ lớn chúng ta chỉ mặc trong những dịp đặc biệt; đúng hơn, đó là một lối sống toàn diện thấm đượm mọi khía cạnh của bản thể chúng ta.


Lời mời gọi sống nhất quán và can đảm

Đức Thánh Cha Lêô thúc giục chúng ta trở nên những Kitô hữu can đảm và trung kiên, sẵn sàng theo Chúa Giêsu cách vô điều kiện. Điều này có nghĩa là đón nhận trọn vẹn Tin Mừng, ngay cả khi các giáo huấn của Tin mừng thách đố chúng ta hoặc yêu cầu chúng ta phải lội ngược dòng. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn, tha thứ khi mọi việc trở nên phức tạp, yêu thương cả những người đã làm tổn thương chúng ta, và phục vụ những người thiếu thốn nhất.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng đức tin đích thực được thể hiện trong những hành động nhỏ bé hằng ngày: trong cách chúng ta đối xử với người khác, trong sự trung thực của chúng ta trong công việc, và trong lòng quảng đại chia sẻ những gì mình có. Đó không phải là những hành động anh hùng lớn lao, nhưng là lòng trung tín âm thầm và bền bỉ với các giá trị của Tin Mừng.


Gặp gỡ Chúa Giêsu: điểm then chốt của tính chân thực

Để vượt qua sự hời hợt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gặp gỡ cá nhân và liên tục với Chúa Giêsu. Chính trong cầu nguyện, trong Thánh Thể, trong việc đọc Lời Chúa, và trong việc phục vụ anh chị em mà chúng ta được đổi mới sức mạnh và tái khẳng định cam kết của mình. Chỉ với một tâm hồn tràn đầy tình yêu của Đức Kitô, chúng ta mới có thể quảng đại đáp lại tiếng gọi của Người và vượt qua cám dỗ của một đức tin “tiện lợi”.

Những lời của Đức Thánh Cha Lêô XIV là sự nhắc nhở kịp thời cho tất cả chúng ta. Trong một thế giới tìm kiếm sự thỏa mãn và sự tiện nghi, lời mời gọi sống đức tin cách chân thực và can đảm là cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó là một lời kêu gọi trở thành ánh sáng trong bóng tối, trở thành muối của đất và men trong bột, để biến đổi thế giới từ bên trong bằng sức mạnh của Tin Mừng.

Bạn có sẵn sàng từ bỏ lối sống “Kitô hữu nửa vời” và giữ lấy một đức tin thực sự biến đổi chính mình không?

____________________________________________


Toàn văn

ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV

KINH TRUYỀN TIN

Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 6 tháng Bảy, 2025

***

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Tin Mừng hôm nay (Lc 10:1-12.17-20) nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của sứ mạng mà mọi người chúng ta đều được mời gọi, mỗi người tùy theo ơn gọi riêng của mình và trong hoàn cảnh cụ thể mà Chúa đã đặt để chúng ta.

Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi (c.1). Con số mang tính biểu tượng này diễn tả rằng niềm hy vọng của Tin Mừng dành cho mọi dân tộc, bởi vì đó là sự bao la của trái tim Thiên Chúa và sự dồi dào của mùa gặt của Người. Thật vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trong thế giới để tất cả con cái của Người cảm nghiệm được tình yêu của Người và được cứu rỗi.

Đồng thời, Chúa Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (c.2).

Một mặt, Thiên Chúa, như một người gieo giống, đã đi vào thế giới, trong suốt dòng lịch sử, và rộng tay gieo vào lòng mọi người niềm khát mong về sự vô hạn, về một cuộc sống viên mãn, và một ơn cứu rỗi giải thoát chúng ta. Khi đó, mùa gặt sẽ bội thu. Nước Thiên Chúa lớn lên như hạt giống trong lòng đất, và con người ngày nay, cho dù bị choáng ngợp bởi muôn vàn thứ khác, vẫn khát mong một chân lý lớn hơn; họ tìm kiếm một ý nghĩa trọn vẹn hơn cho cuộc sống của họ, khát khao công bình, và mang trong lòng một khát vọng về sự sống đời đời.

Nhưng mặt khác, lại có ít người thợ đi ra cánh đồng mà Chúa đã gieo; ít người có thể phân biệt hạt giống tốt đã chín đang chờ ngày thu hoạch bằng đôi mắt của Chúa Giêsu (x. Ga 4:35-38). Chúa muốn thực hiện điều gì đó lớn lao trong đời sống chúng ta và trong dòng lịch sử nhân loại, nhưng lại có ít người nhận ra điều ấy, dừng lại để đón nhận món quà và rồi loan báo và chia sẻ nó với tha nhân.

Anh chị em thân mến, Giáo Hội và thế giới không cần những người hoàn tất các bổn phận tôn giáo của mình như thể đức tin chỉ là một nhãn mác bên ngoài. Chúng ta cần những người thợ nhiệt thành làm việc trong cánh đồng truyền giáo; cần những môn đệ đầy lòng yêu thương làm chứng cho Nước Thiên Chúa ở mọi nơi. Có lẽ không thiếu những “Kitô hữu thời vụ”, hoạt động lúc này lúc kia theo một cảm xúc tôn giáo nào đó hoặc tham dự các sự kiện cách rời rạc. Nhưng lại có rất ít người sẵn sàng lao động hằng ngày trong mùa gặt của Thiên Chúa, vun trồng hạt giống Tin Mừng trong chính lòng mình để rồi chia sẻ nó trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc nơi học tập, trong các bối cảnh xã hội của họ và với những người đang cần.

Để làm được việc này, chúng ta không cần quá nhiều ý tưởng lý thuyết về các chương trình mục vụ. Thay vào đó, chúng ta cần phải cầu nguyện với Chúa của mùa gặt. Do đó, điều ưu tiên phải đặt nơi mối tương quan của chúng ta với Chúa và việc vun đắp cuộc đối thoại của chúng ta với Người. Nhờ đó, Chúa sẽ biến chúng ta thành những người thợ của Người và sai chúng ta đi vào cách đồng thế gian để làm chứng cho Vương quốc của Người.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã quảng đại thưa “xin vâng” để cộng tác vào công trình cứu độ, chuyển cầu cho chúng ta và đồng hành với chúng ta trên hành trình theo Chúa, để chúng ta cũng có thể trở thành những người thợ vui tươi trong Vương quốc của Chúa.

_____________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Với lòng quý mến, tôi xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em, các tín hữu Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Trong thời tiết oi bức của thời điểm này trong năm, hành trình của anh chị em đi qua Cửa Thánh thật can đảm và đáng khâm phục hơn!

Đặc biệt, tôi xin chào các Nữ tu Dòng Thừa sai Phanxicô Thánh Tâm; các học sinh và phụ huynh trường Strzyzow, cùng các tín hữu đến từ Legnica, Ba Lan; và nhóm tín hữu Công giáo Hy Lạp đến từ Ukraine.

Tôi cũng xin chào các anh chị em hành hương đến từ Romano di Lombardia, Melia (Reggio Calabria), Sassari, và cộng đồng Mỹ Latinh thuộc Tổng giáo phận Firenze.

Xin chào những anh chị em hành hương nói tiếng Anh. Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn chân thành đến tất cả các gia đình đã mất người thân, đặc biệt là những người con gái của họ đang tham dự trại hè, trong thảm họa do lũ lụt tại sông Guadalupe, Texas, Hoa Kỳ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ.

Anh chị em thân mến, hòa bình là khát vọng của mọi dân tộc và đó là tiếng kêu đau đớn của những người bị chiến tranh tàn phá. Chúng ta hãy khẩn xin Chúa chạm đến trái tim và soi sáng tâm trí của những người đang nắm quyền, để bạo lực của vũ khí được thay thế bằng việc theo đuổi đối thoại.

Chiều nay, tôi sẽ đến Castel Gandolfo để nghỉ ngơi một thời gian ngắn. Tôi hy vọng rằng tất cả anh chị em cũng có thể tận hưởng một kỳ nghỉ để phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần.

Tôi chúc tất cả anh chị em Chúa Nhật hạnh phúc.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2025]