Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nói gì về Thiên Chúa?

Người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nói gì về Thiên Chúa?

Người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nói gì về Thiên Chúa?

Good Gospel Channel | Youtube


Cerith Gardiner

05/07/25


Lời tuyên xưng đức tin của anh Younghoon Kim, người phá kỷ lục IQ thế giới, đang lan truyền mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho hàng triệu người.


Khi người được cho là có chỉ số IQ cao nhất thế giới lên tiếng thì mọi người lắng nghe. Đó chính là điều đã xảy ra khi Tiến sĩ Younghoon Kim – chính thức được công nhận với chỉ số IQ phá kỷ lục là 276 – sử dụng mạng xã hội để tuyên xưng đức tin Kitô giáo của mình.

Rạng sáng ngày 18 tháng 6, nhà khoa học 36 tuổi người Hàn Quốc, đã đăng một thông điệp ngắn gọn nhưng rất sâu sắc trên trang X (Twitter) của mình: “Với tư cách là người giữ kỷ lục IQ cao nhất thế giới, tôi tin rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Con đường, là Sự thật và là Sự sống.”

Bài đăng ngay lập tức được lan truyền rộng rãi, thu hút hơn 22 triệu lượt xem chỉ trong vài ngày và hàng trăm nghìn lượt phản hồi.

Trong một thế giới thường đặt trí tuệ đối lập với đức tin, lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ không chút do dự của Kim đã trở thành một chứng tá đặc biệt và truyền cảm hứng với rất nhiều người theo dõi.

Kim tỏ ra kinh ngạc và khiêm nhường trước sự hưởng ứng rất lớn mà dòng tweet của anh nhận được. Tuy nhiên, thay vì đắm mình trong sự nổi tiếng trên mạng, anh nhanh chóng xác định rõ rằng mình có một mục tiêu cao cả hơn trong đầu. Trong một bài đăng tiếp theo, nhà thiên tài trở thành nhà truyền giáo này viết rằng anh “sẽ dùng cơ hội này để đưa nhiều linh hồn về với Chúa,” như Church Times chia sẻ.

Anh đánh dấu chấm cho ý đó bằng một lời tuyên tín ngắn gọn: “Amen. Đức Kitô là luận lý của tôi.”

Lời tuyên bố đơn sơ này – “Đức Kitô là luận lý của tôi” – đã diễn tả ngắn gọn xác tín của anh Kim rằng đức tin và lý trí song hành với nhau. Theo quan điểm của anh, nền tảng tối hậu của chân lý không nằm nơi trí tuệ thuần túy của con người, mà còn là chính Ngôi Lời (Logos) của Thiên Chúa.

Tư tưởng này phản ánh giáo huấn lâu đời của Hội Thánh Công giáo rằng “đức tin và lý trí bổ túc cho nhau”; như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô viết câu nổi tiếng: “Đức tin và lý trí giống như đôi cánh giúp tinh thần con người vươn tới sự chiêm nghiệm chân lý.”


Chân dung người đứng sau thông điệp: đức tin và trí tuệ hợp nhất

Vậy Younghoon Kim là ai? Bên cạnh những dòng tít lan truyền, Kim là một nhà khoa học và doanh nhân nổi tiếng với trí tuệ thực sự đáng nể. Chỉ số IQ 276 của anh – gần như gấp đôi ngưỡng được xem là “thiên tài” – đã được nhiều tổ chức xác nhận, như World Memory Championships và Mensa, chính thức công nhận anh là người giữ kỷ lục IQ cao nhất thế giới.

Anh là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của NeuroStory, một sáng kiến nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp bảo vệ sức khỏe não bộ bằng trí tuệ nhân tạo, với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc. Anh cũng thành lập United Sigma Intelligence Association (một mạng lưới toàn cầu dành cho những cá nhân có tài năng đặc biệt) và là thành viên Hội đồng quản trị của Lifeboat Foundation, chuyên nghiên cứu các giải pháp bảo vệ nhân loại trước những rủi ro công nghệ, theo tin của Catholic News Agency. Tóm lại, anh Kim đã cống hiến cả đời cho việc theo đuổi tri thức và đổi mới sáng tạo.

Thế nhưng, với tất cả trí tuệ và thành tích ấy, anh Kim cũng cháy bỏng niềm say mê tìm kiếm chân lý nơi Thiên Chúa. Điều thật ấn tượng là anh có bằng cử nhân thần học Kitô giáo tại Đại học Yonsei ở Seoul – một văn bằng mà người ta không mong đợi ở một CEO công nghệ.

Trong một bài đăng trước đó trên X, anh Kim thậm chí cho rằng việc học thần học là “một trong những điều tuyệt vời nhất tôi từng làm trong đời,” và mô tả thần học là “môn học tối hậu của mọi lãnh vực nghiên cứu.” Chính sự kết hợp giữa đức tin sâu sắc và trí tuệ này đã tạo nên trọng lượng cho lời chứng công khai của anh.

Đây là một con người đã phân tích biết bao triết thuyết và hệ tư tưởng, mà cuối cùng anh vui mừng tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa.” Quả thật, Kim giải thích trên X rằng sau một hành trình nghiên cứu kỹ lưỡng, “chỉ có Kitô giáo mới cung cấp giải pháp hợp lý cho vấn nạn về sự dữ, đau khổ và ơn cứu độ.”

Đối với anh, thế giới quan Kitô giáo thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm sự mạch lạc hợp lý của lý trí cũng như nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa của con tim.


“Kinh Thánh không cần cập nhật” – Một thông điệp cho thời hiện đại

Tiến sĩ Kim không dừng lại ở một dòng tweet duy nhất. Được khích lệ bởi phản ứng tích cực, anh tiếp tục chia sẻ thêm về niềm tin của mình trong các bài đăng tiếp theo, như thể đang thực hiện một cuộc phục sinh trực tuyến. Trong một bài đăng, anh xác quyết thẩm quyền vượt thời gian của Thánh Kinh, viết rằng:

“Tôi tin rằng Kinh Thánh là Lời hoàn hảo, vĩnh cửu và cuối cùng của Thiên Chúa. Do đó, Kinh Thánh không cần phải được cập nhật. Chính thế giới cần phải bắt kịp.”

Anh Kim cũng khẳng định rằng Kitô giáo cung cấp con đường rõ ràng nhất để hiểu biết và cảm nghiệm Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng qua lời dạy của Đức Giêsu, “chúng ta có thể tìm thấy kiến thức trọn vẹn và chân thật nhất về Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu và là Ơn Cứu độ.”

Rõ ràng, nhà khoa học lỗi lạc này không thấy có xung đột nào giữa kiến thức tối tân và đức tin từ ngàn xưa – trái lại, anh xem Kitô giáo như là chân lý nguyên tuyền.

Lập trường táo bạo của Kim đã gây được tiếng vang mạnh mẽ với nhiều người đọc bằng đăng của anh. Những phản ứng tích cực đổ về từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt từ các tín hữu Kitô giáo, vô cùng phấn khởi khi chứng kiến một nhà trí thức nổi tiếng như vậy công khai bảo vệ đức tin.

Nhà truyền giáo Stuart Knechtle đã chia sẻ trên Instagram rằng lời tuyên xưng của Kim “gợi nhớ đến những bộ óc vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến, trong đó có nhiều người tuyên bố rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, từ Newton, đến Kepler, Galileo, Boyle, C.S. Lewis, [và] Dostoevsky.”

Quả vậy, lịch sử đã từng có nhiều nhà khoa học, văn hào và nhà tư tưởng kiệt xuất có đức tin vào Đức Kitô song hành với thiên tài của họ. Lời chứng của Kim củng cố rằng tin vào Thiên Chúa không phải là dấu hiệu của sự mê muội, mà là của sự khôn ngoan và khiêm nhường. Như một người hâm mộ trên mạng xã hội hân hoan viết: “Người giữ kỷ lục IQ cao nhất thế giới… tin rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa… VÂNG! Đức Giêsu là VUA!”

Đối với rất nhiều người, việc chứng kiến ​​“người thông minh nhất thế giới” không ngần ngại ngợi khen Chúa là nguồn khích lệ và hy vọng.


Đức tin nở rộ tại Hàn Quốc: ngọn Hải đăng của hy vọng

Không phải ngẫu nhiên mà lời chứng truyền cảm hứng này đến từ Hàn Quốc – một quốc gia nơi Kitô giáo đã chứng kiến sự phát triển phi thường trong suốt thế kỷ qua. Năm 1900, người Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 1% dân số Hàn Quốc; ngày nay, theo Christian Century, khoảng một phần ba người dân Hàn quốc là Kitô hữu. Trong đó có khoảng 17% là người Tin Lành và 6% là người Công giáo.

Lịch sử Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc cũng vô cùng thú vị, vì Giáo hội đã phát triển ngay cả khi không có linh mục nào.

Hiện nay, thủ đô Seoul là nơi tọa lạc của một số nhà thờ lớn nhất thế giới, và Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia cử đi nhiều nhà truyền giáo nhất.

Trong chuyến thăm đất nước này năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi đức tin sống động của người dân Hàn Quốc, nhận xét rằng: “đức tin vào Chúa Kitô đã bén rễ sâu vào đất nước của anh chị em và sinh hoa kết trái dồi dào.”

Tiến sĩ Younghoon Kim chính là một tấm gương sáng ngời cho hoa trái đức tin ấy. Lòng can đảm của anh khi công khai tuyên xưng Đức Kitô trước hàng triệu người phản ánh một Giáo hội không ngừng phát triển, ngay trong lòng một xã hội hiện đại và học thức cao.

Lời tuyên xưng đức tin lan truyền của anh Kim đang truyền cảm hứng cho cả người tin lẫn người hoài nghi. Đó là lời nhắc nhớ rằng không ai là “quá thông minh” để tin, thực tế, chính lý trí do Thiên Chúa ban tặng có thể dẫn đưa chúng ta đến với Ngài, chứ không phải xa rời Ngài. Như chính anh Kim đã khẳng định cách tuyệt vời: mục đích tối hậu của con người là tìm kiếm và nhận biết Đấng Tạo hóa của mình.

Trong Chúa Giêsu Kitô, người thiên tài phá vỡ kỷ lục thế giới này đã tìm thấy “Con đường, Sự thật và Sự sống”, và anh mong muốn cả thế giới biết điều ấy.




[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/7/2025]


Tiếp kiến thầy cô giáo từ các trường Công giáo tại Ireland, Anh quốc, Wales và Scotland, và các bạn trẻ thuộc giáo phận Copenhagen, ngày 05.07.2025

Tiếp kiến thầy cô giáo từ các trường Công giáo tại Ireland, Anh quốc, Wales và Scotland, và các bạn trẻ thuộc giáo phận Copenhagen, ngày 05.07.2025

Tiếp kiến thầy cô giáo từ các trường Công giáo tại Ireland, Anh quốc, Wales và Scotland, và các bạn trẻ thuộc giáo phận Copenhagen, ngày 05.07.2025

*******

Sáng nay, tại Hội trường Clementine thuộc Điện Tông tòa Vatican, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã tiếp kiến các thầy cô giáo của các trường Công giáo đến từ Ireland, Anh quốc, xứ Wales và Scotland, cùng các bạn trẻ thuộc giáo phận Copenhagen.

Sau đây là lời diễn văn của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện trong buổi tiếp kiến:

_________________________________________

Lời chào của Đức Thánh Cha

Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Bình an ở cùng anh chị em!

Chào buổi sáng và chào mừng anh chị em đến với Vatican.

Kính thưa quý Đức Cha,

Thưa quý Cha, và các bạn trẻ thân mến,

Tôi rất vui mừng được chào mừng tất cả anh chị em nhân dịp hành hương về Rome trong Năm Thánh này, mà như anh chị em đã biết là tập trung vào nhân đức đối thần đó là niềm hy vọng. Cách riêng, Cha chào các bạn trẻ đến từ Giáo phận Copenhagen, là nhóm hiện diện ở đây, cùng với quý thầy cô giáo đến từ Ireland, Anh Quốc, xứ Wales và Scotland.

Anh chị em đang noi theo bước chân của biết bao người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, suốt bao thế kỷ đã thực hiện cùng một cuộc hành hương như vậy đến Rome, về “Thành đô vĩnh cửu”. Thật vậy, Rome luôn là một mái nhà đặc biệt đối với các tín hữu Kitô giáo, vì đây là nơi hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đã làm chứng tột đỉnh cho tình yêu đối với Chúa Giêsu bằng việc hiến dâng mạng sống trong cuộc tử đạo. Là Người kế vị Thánh Phêrô, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vì sự hiện diện của anh chị em ở đây, và tôi cầu nguyện rằng khi đến viếng các thánh địa, anh chị em có thể kín múc được nguồn cảm hứng và niềm hy vọng, từ mẫu gương sâu sắc về con đường mà các vị thánh và các vị tử đạo đã noi gương Đức Kitô.

Việc hành hương giữ một vai trò quan trọng trong đời sống đức tin của chúng ta, vì nó đưa chúng ta ra khỏi mái nhà và thói quen thường nhật, và cho chúng ta có không gian và thời gian để gặp gỡ Thiên Chúa một cách sâu xa hơn. Những khoảnh khắc như vậy luôn giúp chúng ta phát triển, vì qua đó, Chúa Thánh Thần nhẹ nhàng uốn nắn chúng ta ngày càng trở nên gần gũi hơn với tâm trí và trái tim của Chúa Giêsu Kitô.

Cách riêng, anh chị em thân mến, các bạn trẻ đang hiện diện ở đây sáng nay với chúng ta, hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người các con với một mục đích và một sứ mạng trong cuộc sống này. Hãy sử dụng cơ hội này để lắng nghe, để cầu nguyện, hầu các con có thể nghe rõ hơn tiếng Chúa gọi trong sâu thẳm tâm hồn mình. Cha muốn nói thêm rằng ngày nay, chúng ta rất thường mất khả năng lắng nghe, thực sự lắng nghe. Chúng ta nghe nhạc, tai chúng ta liên tục bị dồn ép bởi vô vàn âm thanh kỹ thuật số, nhưng đôi khi chúng ta quên lắng nghe chính trái tim mình, và chính trong trái tim là nơi Thiên Chúa nói với chúng ta, nơi Người đang gọi mời chúng ta nhận biết Người nhiều hơn, và sống trong tình yêu của Người. Qua sự lắng nghe đó, các con sẽ có thể mở lòng để cho phép ân sủng của Thiên Chúa củng cố đức tin của các con vào Chúa Giêsu Kitô (x. Cl 2:7), và nhờ đó các con có thể dễ dàng chia sẻ món quà ấy cho người khác.

Các thầy cô giáo thân mến, tôi xin có đôi lời với các thầy cô: điều tôi vừa nói với các bạn trẻ cũng áp dụng cho thầy cô, đặc biệt khi xét đến vai trò quan trọng của thầy cô trong việc đào tạo người trẻ hôm nay: từ thiếu nhi, thiếu niên đến thanh niên. Vì các em sẽ nhìn lên thầy cô như là những mẫu gương: mẫu gương trong cuộc sống, mẫu gương đức tin. Các em sẽ nhìn đến thầy cô, đặc biệt nhìn đến cách thầy cô giảng dạy và cách thầy cô sống. Tôi hy vọng rằng, mỗi ngày, thầy cô biết nuôi dưỡng mối tương quan của mình với Đức Kitô, Đấng trao cho chúng ta mẫu mực của mọi lời giảng dạy đích thực (x. Mt 7:28), để rồi, đến phần thầy cô có thể hướng dẫn và khuyến khích những người được trao phó cho thầy cô chăm sóc biết noi theo Đức Kitô trong chính cuộc sống của các em.

Và cuối cùng, khi tất cả anh chị em trở về nhà, xin hãy nhớ rằng cuộc hành hương không kết thúc, mà chỉ chuyển trọng tâm sang “cuộc hành hương trong cương vị người môn đệ” hằng ngày. Tất cả chúng ta đều là người hành hương, và chúng ta luôn luôn là người lữ hành, đang tiến bước khi chúng ta tìm cách theo Chúa, và khi chúng ta tìm kiếm con đường đích thực của mình trong cuộc đời. Điều ấy chắc chắn không dễ dàng, nhưng với sự trợ giúp của Chúa, với sự chuyển cầu của các thánh, và bằng cách khích lệ lẫn nhau, anh chị em có thể vững tin rằng, nếu anh chị em giữ lòng trung thành, luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, thì kinh nghiệm của cuộc hành hương này sẽ tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời anh chị em (x. Ga 15:16).

Các bạn thân mến, với đôi lời ngắn gọn này, và phó thác anh chị em cho lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Giáo hội, tôi ban phép lành Tòa Thánh cho từng người trong anh chị em.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/7/2025]