Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)

‘Chúng ta phải kể tội mình ra’


3 tháng Một, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Nghi thức sám hối (TOÀN VĂN)
© Vatican Media
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay, buổi tiếp kiến đầu tiên của năm 2018, được tổ chức lúc 9:25 trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục chủ đề giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về nghi thức sám hối, Zenit có bài dịch (tiếng Anh) toàn văn dưới đây.

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ, hôm nay trong bối cảnh của những nghi thức đầu Lễ, chúng ta suy tư về nghi thức sám hối. Trong thinh lặng, nó giúp chuẩn bị thái độ sẵn sàng tâm hồn để xứng đáng cử hành những mầu nhiệm thánh, đó chính là biết nhận tội của mình trước Thiên Chúa và anh em; thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đúng vậy, lời mời gọi của linh mục đến toàn thể cộng đoàn đang cầu nguyện, vì tất cả chúng ta là những người có tội. Thiên Chúa có thể ban được cái gì cho một tâm hồn đầy những kiêu căng với bản thân, với những thành công của người đó? Chẳng có gì cả, vì khi một người quá tự cao thì không có khả năng đón nhận sự tha thứ, no nê với ý nghĩ xem mình là người công chính. Chúng ta hãy nghĩ đến dụ ngôn người Pha-ri-sê và người thu thuế, trong đó người thứ hai – người thu thuế — về nhà và được nên công chính, tức là được tha thứ (x. Lc 18:9-14). Một người ý thức được những sự khốn khổ của mình và cúi ánh mắt xuống với lòng khiêm nhường, cảm nhận được cái nhìn thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên mình. Từ những kinh nghiệm chúng ta biết rằng chỉ người nào biết thừa nhận lỗi lầm của mình và xin sự tha thứ, thì mới hiểu và biết tha thứ cho người khác.

Lắng nghe tiếng nói của lương tâm trong thinh lặng giúp chúng ta có thể nhận ra rằng những tư tưởng của chúng ta rất xa với những tư tưởng của Thiên Chúa, rằng lời nói và hành động của chúng ta thường theo tính trần gian, nghĩa là có những lúc nghịch lại với Tin mừng. Vì thế, ngay vào đầu Thánh Lễ, chúng ta cùng thực hiện cử chỉ sám hối qua nghi thức thú tội tổng quát, được nói lên với chủ ngữ ngôi thứ nhất số ít (Tôi). Mỗi người thú nhận với Chúa và với anh em “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.” Đúng, cả những điều thiếu sót, đó là sao lãng làm việc tốt mà một người đáng lẽ phải làm. Chúng ta thường cảm thấy mình rất tốt vì — chúng ta nói rằng — “Tôi chưa làm gì sai phạm với ai cả.” Nhưng không làm gì sai phạm với anh em vẫn chưa đủ, chúng ta phải chọn cách làm việc thiện để làm chứng tá tốt lành thể hiện chúng ta là những môn đệ của Chúa Giê-su. Phải nhấn mạnh rằng thú tội là tốt, bất kể là với Thiên Chúa hay với anh em, rằng chúng ta là những người tội lỗi: việc này giúp chúng ta hiểu được chiều kích của tội khi nó chia cách chúng ta với Thiên Chúa, và chia rẽ chúng ta với anh em và ngược lại. Tội lỗi phá vỡ: nó phá vỡ mối quan hệ với Thiên Chúa và nó phá vỡ mối quan hệ với anh em, mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội và trong cộng đoàn. Tội lỗi luôn phá vỡ, chia cách, chia rẽ.

Những lời chúng ta thú nhận từ miệng kèm với hành động đấm ngực, thừa nhận rằng tôi đã phạm tội bởi chính lỗi của bản thân tôi, chứ không phải do người khác. Quả thật, rất thường khi vì sợ hãi hay xấu hổ, chúng ta chỉ ngón tay để tố cáo người khác. Việc thừa nhận chúng ta đáng trách là rất khó, nhưng chân thành thú nhận, thú nhận tội lỗi của chúng ta, sẽ làm chúng ta nên tốt. Cha nhớ đến một câu chuyện của một nhà thừa sai lớn tuổi kể lại, câu chuyện một người phụ nữ đến xưng tội và bắt đầu kể ra những tội của chồng bà; rồi bà tiếp tục kể tội của mẹ chồng, và tiếp đến là tội của những người hàng xóm. Đến một lúc cha giải tội phải nói với bà: “Nhưng thưa bà, bà kể xong chưa? — Rất tốt: bà đã kể xong tội của người khác. Bây giờ hãy bắt đầu xưng tội của bà.” Chúng ta phải kể tội của chúng ta!

Sau phần thú tội, chúng ta nài xin Mẹ Maria Đồng Trinh Diễm Phúc, các Thiên Thần và các thánh khẩn cầu cho chúng ta. Ở đây, sự hiệp nhất với các Thánh là rất quý báu: đó chính là sự can thiệp của “những người bạn và mẫu gương đời sống” (Preface of November 12) giữ gìn chúng ta trên hành trình tiến đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa, khi tội lỗi hoàn toàn bị tiêu diệt.

Ngoài cách “tôi thú nhận,” có thể thực hiện hành động sám hối theo những công thức khác, chẳng hạn: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì chúng con đã lỗi phạm chống lại Người. / Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi của Người cho chúng con. / Và ban ơn cứu độ cho chúng con” (x. Tv 123:3; 85:8; Gr 14:20). Đặc biệt trong ngày Chúa nhật, có thể ban phép lành và rảy nước thánh để nhắc lại Bí tích Rửa tội của chúng ta (x. OGMR, 51), để thanh tẩy tội của chúng ta. Và cũng là một phần trong nghi thức sám hối, có thể hát kinh Kyrie eleison (Kinh Thương xót): theo cách diễn đạt của Hy lạp cổ xưa, chúng ta ngợi khen Thiên Chúa – Kyrios – và khẩn nài lòng thương xót của Người (Ibid., 52).

Sách Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ sáng ngời về những hình ảnh “sám hối,” nhìn lại bản thân sau khi đã phạm tội, và tìm được lòng can đảm để gỡ bỏ chiếc mặt nạ và mở lòng ra cho ân sủng làm canh tân lại tâm hồn. Chúng ta nhớ đến Vua Đa-vít và những lời của vua trong sách Thánh vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (51:3). Chúng ta nhớ đến Đứa con Hoang đàng trở về với cha nó; hay lời cầu xin của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Chúng ta cũng nhớ đến Thánh Phê-rô, đến Da-kêu, đến người phụ nữ Samari. So sánh bản thân với sự mỏng giòn của đất sét mà từ đó chúng ta được tạo dựng nên là một kinh nghiệm củng cố cho chúng ta: nó làm chúng ta biết chấp nhận những sự yếu đuối, nó mở rộng con tim của chúng ta biết khẩn cầu lòng thương xót của Chúa để biến đổi và hoán cải. Và đây là điều chúng ta làm trong nghi thức sám hối đầu Lễ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


* * *


Tiếng Ý

Cha xin gửi những lời chúc hy vọng và hòa bình cho Năm mới tới tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Ý đang hiện diện trong Buổi Tiếp Kiến Chung đầu tiên của năm 2018.

Cha rất vui được chào đón các tham dự viên của Tổng Công hội của Dòng Nữ tu Lòng Thương xót và Dòng Thánh Giá. Cha khuyến khích anh chị em hãy thăng tiến đặc sủng bằng tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo hội.

Cha chào các chủng sinh của Học viện Thừa sai Consolata; các thành viên của Gia đình Cầu nguyện và Bác ái của Agropoli và các nhóm giáo xứ, đặc biệt anh chị em từ Mozzo, từ Belvedere di Tezze sul Brenta và từ Sant’Arsenio.

Cha gửi lời chào đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Trong Năm Mới này cha mời tất cả hãy đón nhận và chia sẻ lòng nhân từ của Thiên Chúa mỗi ngày. Các bạn trẻ thân yêu, hãy là những sứ giả của tình yêu của Đức Ki-tô giữa mọi người; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy tìm sự hỗ trợ của Chúa trong sự đau khổ, và chúng con những đôi uyên ương mới thân yêu, hãy làm chứng nhân cho niềm vui của Bí tích Hôn nhân qua tình yêu chung thủy và dành cho nhau.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét