Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần
Đối thoại với Trung quốc

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần

Dù một số tín hiệu gần đây cho thấy có những bước đi quan trọng trong việc đối thoại của Tòa Thánh với Trung quốc, nhưng chưa cho thấy bất kỳ một Thỏa thuận chính thức nào sắp có giữa hai bên

Sergio Centofanti và Cha Bernd Hagenkord, SJ
02 tháng Năm 2018, 10:37
Những liên lạc giữa đại diện của Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã và đang được thực hiện trong một thời gian. Mục tiêu của họ là giải quyết những vấn đề liên quan đến Giáo hội ở quốc gia đó, theo con đường xây dựng và không đối đầu. Những vấn đề này bao gồm trước hết là việc bổ nhiệm Giám mục. Bước tiếp cận của Giáo hội là một bước đi mục vụ nhằm đề xướng một hình thức hợp tác có thể có lợi cho tất cả. Chắc chắn Giáo hội hoàn toàn không giả định có thể giải quyết mọi vấn đề tồn tại bằng một đường quét của cây đũa thần. Vì chẳng có cây đũa nào như vậy.

Trong một phỏng vấn với tờ báo của Ý, "La Stampa", Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói: “Như mọi người đều biết, với việc tiến lên nước ‘Tân Trung hoa’, đã có những thời gian có sự đối chọi nghiêm trọng và đau khổ rất lớn trong đời sống của Giáo hội ở quốc gia to lớn đó. Tuy nhiên, vào thập niên 1980, những liên lạc đã được bắt đầu giữa các đại diện của Tòa Thánh và nước Trung hoa. Những liên lạc này có những lúc thăng trầm. Nhưng Tòa Thánh vẫn luôn duy trì một bước tiếp cận mục vụ, cố gắng vượt qua sự đối đầu và luôn giữ thái độ cởi mở cho sự đối thoại đầy tôn trọng và xây dựng với các giới chức dân sự. Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã thể hiện tinh thần đối thoại rất tốt trong Thư gửi người Công giáo Trung hoa năm 2007. Ngài viết, ‘Không thể theo đuổi một giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại bằng một sự đối chọi mãi mãi với các giới chức dân sự' (Số. 4). Trong suốt triều đại của Đức Thánh Cha Phanxico, những đàm phán tiếp nối liên tục đi theo lộ trình cởi mở xây dựng cho sự đối thoại và trung thành với Truyền thống đích thực của Giáo hội.”

Việc thành lập một thể chế chính trị cộng sản mới ở Trung quốc là kết quả của cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông. Mục tiêu của nó là giải phóng dân chúng khỏi sự chi phối của Tây phương, sự nghèo đói và ngu dốt, khỏi sự áp bức của những tầng lớp thống trị phong kiến, nhưng cũng là thoát khỏi lý tưởng của Thiên Chúa và tôn giáo. Từ đó bắt đầu một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn và một thời gian đau khổ rất lớn cho các mục tử và tín hữu Công giáo.

Rồi trong thập niên 1980, có sự thay đổi ở Trung quốc. Dĩ nhiên, hệ tư tưởng cộng sản vẫn rất mạnh và đã có những dấu hiệu mới đây cho thấy sự kiểm soát ngày càng chặt đối với những lĩnh vực thuộc an ninh và quy định về đời sống văn hóa xã hội. Nhưng có thể, đây cũng là một nỗ lực áp đặt trật tự do sự phát triển kinh tế quá nhanh. Về một mặt, sự bùng nổ về kinh tế này đã tạo nên sự thịnh vượng, những cơ hội mới và những sáng kiến. Về mặt khác, nó làm rối loạn cấu trúc xã hội: mức độ tham nhũng tăng cao, những giá trị truyền thống đã bị suy yếu, đặc biệt đối với giới trẻ. Trong bối cảnh này, sự cứng nhắc về hệ tư tưởng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho những thay đổi sâu sắc như vậy, đương nhiên cũng sẽ đụng chạm đến phạm vi tôn giáo.

Tòa Thánh vẫn tiếp tục giữ thái độ sẵn sàng, trong không khí đối thoại tôn trọng, trong nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy những điều thiện hảo của Giáo hội và của xã hội. Tín hữu trên toàn thế giới cần phải hiểu rằng thật ra việc này có liên quan rất gần gũi với họ: đó không phải là những biến cố đang xảy ra trong một quốc gia xa xôi, nhưng là về đời sống và sứ mạng của Giáo hội mà trong đó tất cả chúng ta đều là thành viên, bất kể chúng ta đang sống ở đâu.

Đây là bài đầu tiên trong loạt bài chuyên sâu về sự đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung quốc.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2018]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét